iPhone 6 được săn đón khi về mức giá tầm trung
Với mức giá chỉ còn ở tầm trung, iPhone 6 đang trở thành lựa chọn của nhiều người khi iPhone 7 vừa bán ra. Tuy vậy, người dùng vẫn ưa chuộng hàng xách tay hơn.
iPhone 7 chỉ mới về nước theo đường xách tay với mức giá không ổn định. Theo thông lệ, đây là thời điểm các sản phẩm iPhone đời cũ bắt đầu được săn đón.
Tuy vậy, không phải model kế nhiệm iPhone 6S, mà chính bộ đôi đã 2 năm tuổi iPhone 6 mới đang được nhiều người dùng săn lùng.
Siêu phẩm ở mức giá tầm trung
Ra mắt cuối năm 2014, bộ đôi iPhone 6 là thế hệ smartphone đầu tiên của Apple đi theo xu hướng màn hình lớn. Thiết kế bắt mắt, cấu hình tốt, camera chụp đẹp là những lợi thế của sản phẩm này.
Hơn thế nữa, khác với các đối thủ cùng thời điểm, iPhone 6/6 Plus hiện vẫn được Apple hỗ trợ các đời iOS mới nhất mà không quá giảm sút về chất lượng.
Sau thời gian dài giữ mức giá cao, qua 2 đời iPhone tiếp theo, hiện iPhone 6/6 Plus hàng xách tay được giữ giá ở mức 9-12 triệu đồng cho hàng 99% (like new), chỉ bằng với các sản phẩm tầm trung năm nay.
“Mình xài iPhone 5, muốn đổi lên chiếc màn hình lớn hơn cho thuận tiện, so ra iPhone 6 hay 6S không khác nhau chuyện này lắm. Hồi trước muốn mua nhưng mắc quá, giờ thì giá đỡ hơn, mà cũng hàng còn hộp”, Hào Mai – nhân viên một shop thời trang – cho biết.
iPhone 6 hiện có mức giá xách tay chỉ 9-12 triệu đồng, tương đương nhiều sản phẩm tầm trung năm 2016.
Theo Hào Mai, iPhone 6 đã là đủ cho các nhu cầu sử dụng hàng ngày. Không phải dân chuyên công nghệ, Hào Mai cảm thấy không hợp lý khi bỏ thêm tiền để mua về iPhone 6S, “không thấy khác gì iPhone 6″.
Hiện tại, ở các cửa hàng xách tay, iPhone 6S có mức giá cao hơn iPhone 6 cùng bộ nhớ trong khoảng 2-3 triệu tùy cửa hàng, phổ biến ở mức 12 triệu cho bản 6S 64 GB và 14 triệu cho 6S Plus 64 GB.
Trong mức giá đó, người dùng thực tế có nhiều lựa chọn. Tuy vậy, iPhone vẫn được yêu thích, trước hết là nhờ mác “hàng cao cấp”, sau nữa là trải nghiệm tốt và ít mất giá.
Video đang HOT
“Nhiều người chê thiết kế nhưng thực ra, dù iPhone có giữ nguyên bề ngoài vài năm nữa thì mình vẫn chọn, trước hết do nó xài tốt, ứng dụng luôn được cập nhật trước Android”, Lê Duy – một người dùng iPhone lâu năm tại TP.HCM – cho biết.
Dễ bán, ít mất giá là ưu thế của iPhone so với các dòng Android cùng thời. Hiện không khó bắt gặp những lời rao iPhone đời cũ trên các diễn đàn mạng.
Thêm vào đó, iPhone còn có thể là một món tiền để dành bởi dễ bán, dễ trao đổi. “iPhone 6 thì rao lên chỉ 1-2 ngày đã có người hỏi, không mất giá nhiều, còn Android dù là flagship khi bán lại vẫn rất khó, phải rao giá thấp khiến mình lỗ nhiều”, Lê Duy chia sẻ.
Hàng xách tay khan hiếm, chính hãng không mặn mà
Thực tế, người dùng mua iPhone cũ vẫn chỉ nhắm chủ yếu đến hàng xách tay, bởi mức giá chính hãng bị cho là “không hấp dẫn”.
Hiện tại, iPhone 6 64 GB chính hãng được bán với giá từ 18,5 triệu đồng ở nhiều chuỗi cửa hàng, đắt hơn 6-7 triệu so với hàng xách tay. iPhone 6S có mức giá từ 20 triệu cho phiên bản thấp nhất.
“Đã cầm 20 triệu thì thà gom thêm một ít mua luôn iPhone 7, 7 Plus”, một người dùng cho biết.
Với mức giá iPhone 7 trên thị trường xách tay đang sụt giảm từng ngày, thậm chí có thời điểm về mức 19 triệu, nhiều người cho rằng mua iPhone đời cũ chính hãng thời điểm này là không hợp lý.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều cửa hàng xách tay. Các phiên bản đời cũ đang có sức bán tốt, thậm chí khan hàng.
iPhone đời cũ đang dần khan hiếm ở các cửa hàng xách tay, nhưng vẫn giữ mức giá khá cao tại các cơ sở chính hãng. Ảnh: Quốc Huy.
“Giá iPhone đời cũ vẫn vậy, không giảm nhiều. iPhone 5S thậm chí còn tăng vì khan hàng. Trừ iPhone 6S và 6S Plus giảm, đời iPhone 6 vẫn đứng giá. Khách lựa chọn dòng này nhiều vì vừa tầm tiền”, anh Nhật Huy – chủ cửa hàng kinh doanh di động trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM – cho biết.
Ở nhiều cửa hàng khác, lượng hàng iPhone 6 đã khan hiếm dần. Người dùng vẫn có xu hướng lựa chọn iPhone 6S nếu mức giá hợp lý.
“Hiện tại, khách thường đến mua iPhone 6S và 6S Plus mới, giá từ 11,5 triệu đồng. Các đời trước nữa hầu như chỉ còn máy cũ, cửa hàng ít nhập về để kinh doanh”, anh Xuân Tình – chủ cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM – nói thêm.
Theo thông lệ từ các năm, iPhone đời cũ có thể còn một đợt điều chỉnh khi các chuỗi chính hãng công bố giá chính thức. Tuy vậy, bộ đôi iPhone 6/6 Plus vẫn là món hàng khá hời trên thị trường xách tay.
Lê Phát
Theo Zing
'Mua iPhone 6, nhưng iPhone 6 nào?'
Đó là lời của Nguyễn Thanh Hưng - người từng có 2 năm làm nhân viên bán di động xách tay tại Hà Nội nói trong một cuộc điện thoại do người nhà ở quê gọi lên.
"Có nhiều hàng lắm, loại rẻ nhất gần triệu nhưng dùng SIM ghép sóng không ổn định, loại đắt nhất 14 triệu, một đổi một trong 12 tháng", anh này tiếp tục "tư vấn" cho người bà con. "Lấy màu vàng nhé, cho nó sang chảnh. Màu vàng đắt hơn màu xám triệu bạc đấy...".
Cuối cùng, sau cuộc trò chuyện kéo dài gần chục phút, anh này chốt lại bằng việc mua giúp một chiếc iPhone 6 64 GB màu vàng với giá 9,5 triệu đồng.
Những chiếc iPhone 6 hàng lướt hiện giảm về mức giá tầm trung và trở thành món hàng hot trên thị trường.
Câu hỏi tưởng chừng như vô nghĩa của anh Hưng phản ảnh một thực tế trên thị trường di động: cửa hàng đang tạo ra mê cung các sản phẩm iPhone khiến nhiều người không thể hình dung ra nổi mặc dù về lý thuyết, một năm Apple chỉ tung 2 iPhone mới. Con số này ít hơn nhiều so với phần lớn các hãng sản xuất di động hiện nay.
"Khác với điện thoại Android có vòng đời sản phẩm 1-2 năm, iPhone tồn tại rất lâu trên thị trường. Chẳng hạn, iPhone 7 đã ra mắt nhưng iPhone 5S vẫn là mặt hàng bán chạy nhất tại nhiều cửa hàng. Cũng do tồn tại lâu, thị trường hình thành lên nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phủ nhiều tầm giá để người dùng lựa chọn", anh Hưng chia sẻ.
Chỉ tính riêng iPhone 6 người dùng đã có trong tay hàng tá lựa chọn, từ máy khóa mạng (lock), loại qua sử dụng (thường được gọi là hàng lướt), máy trả bảo hành (chưa kích hoạt nhưng khi kích hoạt sẽ không còn nguyên 12 tháng bảo hành), CPO (chưa kích hoạt, đủ phụ kiện, đủ thời hạn bảo hành) và hàng chính hãng. Đó là chưa kể nó có các bản 16 và 64 GB (trước đây còn có bản 128 GB).
Với máy xách tay, người bán còn phân theo màu để định giá sản phẩm. Thông thường, màu xám có giá rẻ nhất, sau đó đến màu trắng và "sang chảnh" nhất là vàng - mỗi mã chênh nhau khoảng 500.000 đồng.
Giá tham khảo của sản phẩm iPhone 6 tại Việt Nam thời điểm cuối tháng 9/2016.
Từ đó mới có chuyện, cùng là một chiếc iPhone 6 16 GB nhưng với 7 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc trong khi muốn mua một chiếc máy chính hãng từ đại lý lớn, số tiền họ phải bỏ ra là 14 triệu đồng.
Quy luật định giá đó được áp dụng cho hầu hết các mẫu iPhone, từ model đời cũ như iPhone 5 (không còn bán chính hãng), 5S cho đến iPhone 6, 6 Plus, 6S, 6S Plus. Riêng mẫu iPhone 7 mới được bán ra nên chưa có nhiều chủng loại phong phú như vậy. Tất cả tạo nên một thị trường iPhone phong phú, sôi động nhưng xô bồ và nhiều rủi ro.
"Chưa khi nào iPhone nhiều lựa chọn đến thế", anh Trung Trí - người có hơn 5 năm kinh doanh di động nhận xét. Theo anh này, sự phân hóa của iPhone ra nhiều model, nhiều tầm giá khác nhau là quy luật tất yếu để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
"Người có thu nhập cao, thích iPhone sẽ chọn mua những mẫu máy đời mới như iPhone 7, 7 Plus hoặc 6S, 6S Plus. Trong khi đó, với một số khác iPhone 6 hay 5S là thứ họ mong muốn từ lâu nhưng phải đợi máy giảm giá mới mua được. Nguồn cung các sản phẩm iPhone hàng lướt lập tức xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua do nhu cầu người dùng cực lớn", anh này cho hay.
Cũng theo anh này, không chỉ người dùng Việt Nam mà tại nhiều nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ, sức tiêu thụ các mẫu iPhone hàng lướt, hàng không chính hãng cũng rất mạnh mẽ. "Các thương gia ở Việt Nam nhiều khi phải cạnh tranh gay gắt với người mua từ các nước kể trên để nhập máy về Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khan hàng".
Tuy nhiên, sự hỗn loạn trên thị trường là điều có thể nhìn rõ, theo anh Tuấn Anh, đại diện một đơn vị kinh doanh sản phẩm Apple tại Cầu Giấy (Hà Nội).
Biểu hiện rõ nhất là việc giá bán của sản phẩm lên xuống thất thường, mỗi cửa hàng chào một giá. Khi bán máy, họ lại cung cấp chế độ bảo hành khác nhau, nơi 3 tháng, nơi 6 tháng, nơi lên đến một năm, nơi bảo hành cả nguồn, màn hình, nơi không. Không ít khách hàng chịu cảnh khóc dở, mếu dở vì những câu chữ ghi không rõ ràng trong phần điều kiện bảo hành của các đơn vị kinh doanh.
Chẳng hạn, một số nơi công bố sẵn sàng đổi trả máy trong thời hạn 30 ngày nếu phát sinh lỗi nhưng phần điều kiện bảo hành ghi: "Máy cũ có tình trạng như lúc mới mua".
Những năm gần đây, năng lực chăm sóc khách hàng của các đơn vị này đã được cải thiện đáng kể bởi theo nhận định của nhiều cửa hàng: "Không chăm sóc tận răng, khách hàng bỏ đi ngay vì họ có quá nhiều lựa chọn". Tuy nhiên, tình trạng đem con bỏ chợ, lúc bán hàng ngọt ngào dụ dỗ đến khi máy gặp sự cố phủi bỏ trách nhiệm cũng không hiếm gặp.
Thành Duy
Theo Zing
Ngày cuối cùng của iPhone 4 Hôm qua, Apple chính thức ngừng hỗ trợ iPhone 4. Với những người dùng sản phẩm này, nó vẫn là một kỷ niệm đẹp và từ lâu không còn quá quan trọng trên thị trường. Trung thành với iPhone 4 từ 2011, Đan Phương, sinh viên một trường Đại học tại Đà Nẵng, chỉ vừa đổi sang iPhone 6 khoảng nửa năm nay....