Indonesia và Malaysia: Nhân đạo trước, chính trị sau
Indonesia và Malaysia đã đạt được thỏa thuận về tiếp nhận, cứu trợ nhân đạo và đảm bảo an toàn cho những di dân.
Một chiếc thuyền chở người di cư ở ngoài khơi vùng biển Indonesia chờ được vào bờ – Ảnh: Reuters
Thỏa thuận này giúp cho hàng ngàn con người vất vưởng, đói khát và cận kề cái chết từ nhiều tháng nay trên biển được cập bờ. Tuy nhiên, điều kiện của Indonesia và Malaysia là cộng đồng quốc tế trong thời gian một năm tới có trách nhiệm đưa ra được kế hoạch định cư những di dân này hoặc đưa họ về nước xuất phát cũng như phải có hỗ trợ tài chính.
Điều đáng chú ý là hai nước tiếp nhận ngay người di cư trong khi chưa làm rõ hay chưa thể biết được rõ “cộng đồng quốc tế” nói trên bao gồm cụ thể những đối tác nào.
Ít ra thì thỏa thuận mới này cũng đã xử lý được khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng hiện tại ở khu vực Đông Nam Á trong khi khía cạnh chính trị của nó mới chỉ được đề cập đến. Nhân đạo trước, chính trị sau là cách tiếp cận giúp giảm bớt được ngay mức độ trầm trọng của vấn đề, nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro về chính trị, tài chính, xã hội và pháp lý đối với Indonesia và Malaysia. Người vượt biển mong muốn tới Indonesia và Malaysia chủ yếu là người Myanmar và Bangladesh nhưng chính phủ của cả hai nước này lại chưa tham gia giải quyết vấn đề.
Việc tập hợp được các nước khác để có thể được gọi là “cộng đồng quốc tế” sẽ không đơn giản chút nào. Rồi đến chuyện định cư họ ở nước thứ ba cũng sẽ rất khó khăn, còn hồi hương thì lại phải cần đến sự tham gia của chính phủ các nước quê hương họ. Rồi còn khía cạnh tài chính cũng rất nan giải. Indonesia và Malaysia dùng giải pháp tình thế để có thêm thời gian và phải chấp nhận mọi rủi ro này.
Video đang HOT
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Myanmar sẽ hỗ trợ người di cư gặp nạn trên biển
Chính phủ Myanmar hôm nay 20.5 lên tiếng "chia sẻ sự quan tâm" đối với cuộc khủng hoảng người di cư tại Đông Nam Á bằng cách "sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo bất kỳ ai gặp nạn trên biển".
Người di cư lênh đênh trên biển được đưa vào bờ biển tỉnh Aceh (Indonesia) và trú tại một trại tạm cư - Ảnh: Reuters
Một quan chức ngoại giao Myanmar ngày 20.5 cho biết chính phủ nước này "chia sẻ mối quan tâm" với cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư tại Đông Nam Á. Cũng theo quan chức này, Myanmar "sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo đến bất kỳ ai gặp nạn trên biển", báo Bangkok Post (Thái Lan) dẫn thông tin từ truyền thông Myanmar.
Đây là động thái hoà giải tích cực từ Myanmar đối với cuộc khủng hoảng nhập cư tại Đông Nam Á. Chính quyền Myanmar vốn xem người Rohingya, chiếm số đông trong lượng người di cư, là dân Bangladesh nhập cư lậu và không chịu trách nhiệm về họ.
Cũng trong ngày 20.5, Bộ trưởng ngoại giao ba nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã có cuộc gặp bàn về giải pháp cho nạn buôn người và tình hình người tị nạn trên biển ngày càng tăng.
Từ hôm 17.5, ông Anifah Aman, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia đã kêu gọi Myanmar tham dự buổi đối thoại về khủng hoảng này và cảnh báo Malaysia có thể dùng quyền chủ tịch ASIAN để triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Dù vậy, Myanmar vẫn tuyên bố không tham dự buổi đối thoại này lẫn "Hội nghị bất thường về người tị nạn tại Ấn Độ Dương" do Thái Lan tổ chức vào ngày 29.5.
Ngư dân tỉnh Aceh (Indonesia) cứu người Rohingya di cư từ Myanmar ở ngoài khơi bờ biển Indonesia - Ảnh: AFP
Cùng ngày 20.5, hàng trăm thuyền nhân tị nạn trong tình trạng đói khát đã được cứu vào bờ biển Indonesia, theo AFP.
Khoảng 2 giờ sáng, cuộc cứu nạn đầu tiên của Indonesia đã đưa 102 người vào bờ tại Aceh (Indonesia). Đợt thứ hai đã đưa chiếc tàu khác đang trôi lênh đênh cách bờ 65 km vào đất liền.
Tổng cộng 426 người tị nạn được cứu tại eo biển Malacca (giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia), trong đó có 30 trẻ em và 26 phụ nữ.
"Tình trạng của họ rất tồi tệ do thiếu thức ăn, nước uống. Người trên tàu cho biết nhiều người đã chết vì đói", Teuku Nyak Idrus, ngư dân cùng tham gia cứu nạn, cho biết.
Hai tuần qua, Malaysia, Indonesia và Thái Lan phải đối mặt hàng loạt chỉ trích của cộng đồng quốc tế về việc đẩy tàu người tị nạn đang trong tình trạng kiệt quệ trở lại biển. Tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi ba nước nhanh chóng tổ chức các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, đưa thuyền nhân vào đất liền.
Tuần trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và chính phủ Mỹ đã kêu gọi giúp đỡ người tị nạn Rohingya. Giáo hoàng Francis cũng bày tỏ sự quan tâm đến người Rohingya với tín đồ Công giáo. "Tội nghiệp cho người Rohingya. Họ rời bỏ đất nước mình để thoát khỏi sự ngược đãi và không cần biết điều gì sẽ xảy ra với họ", ông nói.
Lam Yên
VP Bangkok
Theo Thanhnien
Có đối sách, thiếu giải pháp Với quyết định dùng quân đội để tiêu diệt và vô hiệu hóa những băng đảng tổ chức đưa người từ Bắc Phi nhập cảnh trái phép vào các nước thành viên EU, khối này đã trở nên không còn như trước. Người nhập cư từ Eritrea (một nước châu Phi) sống trong những túp lều tạm gần một ga tàu điện ngầm...