Indonesia, Úc hục hặc vì nghe lén
Quan hệ Indonesia và Úc trở nên căng thẳng khi Jakarta tuyên bố “xem xét lại hợp tác song phương vì hành động gây tổn thương của Canberra”.
Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono – Ảnh: Reuters
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono viết như vậy trên mạng xã hội Twitter vào sáng 19.11, sau khi báo The Guardian (Anh) và hãng ABC (Úc) đưa tin điện thoại của ông bị Cơ quan tình báo Úc nghe lén trong 15 ngày hồi tháng 8.2009. Tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden với 2 tổ chức truyền thông nói trên còn cho biết phu nhân Ani Yudhoyono, Phó tổng thống Boediono và 7 quan chức cấp cao thân cận khác của ông Yudhoyono cũng bị nghe lén.
Trước đó, ngay chiều 18.11, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã thẳng thừng tuyên bố trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đang triệu hồi đại sứ ở Úc về nước để tham vấn”. Ông Natalegawa yêu cầu Úc “giải thích một cách chính thức và công khai” về hành động nghe lén này.
Video đang HOT
Đáp lại, Thủ tướng Úc Tony Abbott phát biểu trước quốc hội chiều 18.11 với ý rằng việc chính phủ nước này nghe lén điện thoại lãnh đạo nước khác là “hoạt động thu thập thông tin có thể hiểu được”. Vào thời điểm tháng 8.2009, nước Úc được lãnh đạo bởi Thủ tướng Kevin Rudd còn ông Abbott là thủ lĩnh đảng đối lập.
Phát biểu như “đổ thêm dầu vào lửa” của ông Abbott khiến Jakarta “sôi máu”. “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Thủ tướng Úc cho rằng việc nghe lén này chỉ là chuyện nhỏ và không hề tỏ ra ăn năn”, Tổng thống Yudhoyono viết trên Twitter. Ông cũng chỉ trích: “Hành động của Mỹ và Úc rõ ràng đã hủy hoại quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia”. Hồi đầu tháng, tiết lộ của Snowden cũng cho hay, Úc đã sử dụng sứ quán của mình ở Jakarta để thu thập thông tin tình báo về nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á theo sự dẫn dắt của Mỹ. Tờ The Australian ngày 19.11 dẫn lời chuyên gia kỳ cựu về do thám điện tử người Úc Des Ball nhận định Canberra nhiều khả năng còn nghe lén các lãnh đạo khác trên khắp Đông Nam Á.
Hai nước láng giềng Indonesia và Úc tuy có những khúc mắc lịch sử, nhưng là đối tác thương mại và an ninh sống còn của nhau, đặc biệt là trong mặt trận chống khủng bố sau vụ đánh bom đảo du lịch Bali của Indonesia khiến 88 người Úc thiệt mạng năm 2002. Gần đây, khi ông Abbott lên nắm quyền từ tháng 9.2013, quan hệ hai nước trở nên gay gắt do bất đồng về chuyện thuyền nhân vượt biên quá cảnh ở Indonesia trước khi đến Úc.
Trước sự tức giận của láng giềng, Thủ tướng Abbott hôm qua có ý xoa dịu khi nói rằng ông Yudhoyono “là một trong những người bạn tốt nhất của Úc”. “Đó là lý do tôi chân thành lấy làm tiếc về sự mất mặt mà báo chí gây ra cho ông ấy”, ông Abbott phát biểu. Tuy nhiên, ông vẫn khăng khăng rằng Úc sẽ không xin lỗi về hoạt động “nhằm bảo vệ quốc gia trong hiện tại cũng như quá khứ”.
Chiều qua, thông qua người phát ngôn, Tổng thống Yudhoyono nói rằng phát biểu của ông Abbott khiến Jakarta cảm thấy “bị xem thường” và kêu gọi Canberra có hành động “cứu vãn” quan hệ hai nước. Chưa biết tình hình những ngày tới sẽ ra sao khi mà nhiều công dân Indonesia lên tiếng đòi trục xuất Đại sứ Úc tại Jakarta, theo tờ Jakarta Post.
Theo TNO
Trung Quốc tranh thủ tiến gần ASEAN
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm 2 nền kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á để thúc đẩy hợp tác giữa lúc Mỹ bộn bề khó khăn.
Tổng thống Yudhoyono (phải) tiếp Chủ tịch Tập tại Jakarta - Ảnh: AFP
Ông Tập đến Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, hôm 2.10 và có cuộc hội đàm 2 giờ với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Nhân chuyến thăm, Indonesia và Trung Quốc ký kết 6 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hàng hải, thủy sản, du lịch và nghiên cứu không gian.
Theo đó, hai bên sẽ cùng phát triển một đặc khu kinh tế ở Indonesia, đồng thời nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khí tượng. Ngày 3.10, ông Tập tiếp tục chứng kiến lễ ký 21 dự án giữa các doanh nghiệp 2 nước trị giá 30 tỉ USD trong các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất bột giấy và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, giới tài chính đặc biệt quan tâm thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 16 tỉ USD có thể giúp Indonesia cứu vãn đồng nội tệ đang mất giá.
Tờ The Straits Times dẫn lời Chủ tịch Tập: "Chúng tôi muốn quan hệ 2 nước bay cao lên không trung và lắng sâu vào lòng biển, càng cao càng sâu càng tốt". Cũng theo báo này, 2 nước đã nâng cấp quan hệ lên mức "đối tác chiến lược toàn diện" và đồng ý đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ mở trung tâm văn hóa tại thủ đô Jakarta, cấp học bổng cho 1.000 người Indonesia học tiếng Hoa ở Viện Khổng Tử, và mời các chức sắc Hồi giáo sang Bắc Kinh trao đổi văn hóa và tín ngưỡng.
Indonesia là quốc gia không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và được cho là có vai trò "trung gian hòa giải tích cực" trong vấn đề biển Đông. Vì thế, không khó hiểu khi ông Tập chọn quốc gia này là điểm đến đầu tiên ở ASEAN kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3.2013. Ngược lại, Indonesia cũng không bỏ qua cơ hội đẩy mạnh hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của mình, sau Nhật Bản. Chính quyền Jakarta đã mời ông Tập làm nguyên thủ nước ngoài đầu tiên phát biểu trước quốc hội sáng 3.10. Tuy vậy, theo Reuters, chỉ có 1/3 nghị sĩ có mặt trong buổi nói chuyện.
Tại đây, ông Tập Cận Bình nhắc qua loa về biển Đông và chỉ nói: "Tranh chấp nên được giải quyết một cách hòa bình". Tuy nhiên, ông không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: "Đông Nam Á là một trung tâm của Con đường tơ lụa trên biển. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác hàng hải với ASEAN".
Cuối ngày 3.10, ông Tập đến Malaysia, quốc gia cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia còn Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Sau nước này, ông sẽ quay ngược lại Indonesia để dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 7-8.10.
Trong khi Trung Quốc đang ra sức tiến gần ASEAN thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lại có thể phải vắng mặt tại APEC cũng như cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ nhất và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Brunei ngày 9-10.10. Bế tắc về ngân sách khiến chính phủ Mỹ ngưng hoạt động, kéo theo việc ông Obama phải hủy thăm Malaysia và Philippines dự trù diễn ra sau khi EAS kết thúc. Nếu ông Obama phải hủy toàn bộ chuyến công du Đông Nam Á dự kiến bắt đầu từ 5.10, thì Mỹ sẽ "đánh mất một cơ hội lớn" để nâng cao vị thế ở khu vực, báo The Washington Post trích lời các nhà phân tích nhận định.
Theo TNO
'Tự sướng' (selfie) vào từ điển Oxford Những bức ảnh tự chụp rồi khoe trên mạng xã hội mà giới trẻ Việt Nam gọi nôm na là "ảnh tự sướng" nay đàng hoàng được đưa vào từ điển Oxford là 'selfie'. Trào lưu khoe ảnh tự sướng "lây" qua cả chính khách. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) tự chụp ảnh của ông với Thủ tướng Malaysia Najib Razak...