Indonesia sẽ là ổ dịch Covid-19 thứ ba ở Châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ
Nếu số ca Covid-19 tại Indonesia tiếp tục tăng như hiện nay, nước này sẽ sớm trở thành “ổ dịch Covid-19″ lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngày hôm qua (8/7), Indonesia tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục lên tới 1.853 trường hợp trong vòng 24 giờ. Như vậy trong vòng 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia liên tục đạt số tăng kỷ lục mới. Kể từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Indonesia (2/3/2020), rất nhiều tổ chức, chuyên gia đã đưa ra dự đoán về đỉnh dịch của quốc gia này.
Indonesia sẽ là ổ dịch Covid-19 thứ 3 tại Châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ.
Viện công nghệ Bandung, Indonesia đã từng thay đổi dự đoán về đỉnh dịch Covid-19 tại Indonesia từ cuối tháng 3 chuyển sang cuối tháng 6 năm 2020 do số ca mắc Covid-19 ngày một tăng. Trong khi đó, Cơ quan tình báo quốc gia (BIN), Đại học Gajah Mada đưa ra dự đoán, đỉnh dịch Covid-19 tại Indonesia sẽ rơi vào cuối tháng 7. Tuy nhiên với tình hình gia tăng các ca mắc Covid-19 như hiện nay, các dự đoán này dường như sẽ tiếp tục phải được điều chỉnh lại. Nhà dịch tễ học của Đại học Indonesia, ông Pandu Riono nhận định, các ca mắc Covid-19 tại nước này sẽ tiếp tục tăng, nhưng điều quan trọng hơn cả là số người được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp thử phản ứng chuỗi (PCR)
“Yếu tố quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm PCR. Số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, nhưng số người được xét nghiệm phải cao hơn nhiều so với số người mắc mới. Có như vậy mới có thể phát hiện các trường hợp lây lan Covid-19 trên thực địa, từ đó truy vết liên lạc, cách ly và giảm dần số ca mắc Covid-19 tại Indonesia”.
Tiến sĩ Pandu, người đã tư vấn cho các thống đốc Jakarta, Tây Java và các thành phố khác về cách phòng chống đại dịch này, cho biết Indonesia cần tăng gấp đôi tỷ lệ xét nghiệm phản ứng chuỗi (PCR) để kiểm soát tốt hơn cho sự lây lan của dịch bệnh tại đất nước này. Tiến sĩ Pandu cũng cho rằng, việc đưa ra các quy định trong xét nghiệm dựa trên triệu chứng là sai lầm vì tới 80% người mắc Covid-19 tại Indonesia hiện nay không có triệu chứng. Bên cạnh việc tăng cường xét nghiệm Covid-19 thì chính phủ cũng cần phải nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các giao thức y tế:
“Nếu như chính phủ không yêu cầu người dân áp dụng triệt để các giao thức y tế như rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, Indonesia sẽ trở thành “ổ dịch” Covid-19 thứ ba tại châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận 68.079 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.369 trường hợp tử vong. Trong khi đó, số liệu chính thức các ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc tính đến ngày 8/7 là là 83.581 trường hợp và tổng số người tử vong là 4.634 ca. Như vậy, nếu mỗi ngày Indonesia tăng 4.000 ca mắc Covid-19 thì Indonesia sẽ sớm vượt qua Trung Quốc, quốc gia bùng phát đại dịch toàn cầu.
Xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan Covid-19. Nguồn : Fajar
Hiện nay, mỗi ngày, Indonesia đang tiến hành xét nghiệm Covid-19 với 10.000 người và xử lý khoảng 20.000 mẫu bệnh phẩm. Như vậy, cứ 1 triệu người Indonesia, chỉ có 3.377 người được xét nghiệm Covid-19.
Trong khi đó, theo Worldometer, trang web theo dõi Covid-19, Singapore đã tiến hành 129.509 xét nghiệm trên một triệu người, Thái Lan đã xét nghiệm 8.648 trường hợp trên một triệu người và Philippines đã xét nghiệm 7.286 người trên một triệu người.
Video đang HOT
Cuối tháng 6 vừa qua, phát ngôn chính phủ Indonesia chuyên biệt về Covid-19 cho biết, 13 tỉnh trên toàn Indonesia đã không có ca mắc mới Covid-19 và được coi là vùng xanh an toàn. Tuy nhiên một phân tích về mức độ xét nghiệm thử phản ứng chuỗi (PCR) của nước này cho thấy, tám trong số 13 tỉnh được công bố đã ghi nhận ít hơn 1.000 xét nghiệm thử phản ứng chuỗi (PCR) trên một triệu người, ít hơn một phần ba mức trung bình quốc gia.
Trong khi đó, xét nghiệm PCR được coi là tiêu chuẩn vàng và chính xác hơn nhiều so với xét nghiệm nhanh dựa trên máu. Tiến sĩ Pandu khẳng định, theo các nguyên tắc của dịch tễ học, một số tỉnh tại Indonesia “không thực sự là vùng xanh an toàn” mặc dù chính phủ tuyên bố tỷ lệ lây nhiễm tại đây là rất thấp./.
Vấn nạn thuốc giả bùng phát trong thời Covid-19
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thuốc giả hoành hành, đặc biệt là những dược phẩm liên quan đến phòng chống, chữa trị dịch Covid-19.
Đại dịch song song
Trong bối cảnh virus corona chủng mới đang lây lan với tốc độ "phi mã" khắp thế giới, nhu cầu thuốc cũng tăng lên nhanh chóng. Cũng vì thế mà nhiều loại thuốc giả được bày bán tràn lan.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ cố tình gian lận trong việc nhận dạng hoặc nguồn gốc thuốc. Một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất.
Thuốc giả là một vấn đề toàn cầu hiện nay. Ảnh minh họa/Nguồn: The News Minute.
Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.
WHO nhận định, việc sử dụng và tiêu thụ những loại thuốc giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người sử dụng. Những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát do bác sĩ không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, thậm chí có thể đến mức gây tử vong.
Chính vì thực tế này, chuyên gia của WHO, bà Pernette Esteve cảnh báo có thể xuất hiện một "đại dịch song song" vừa Covid-19 vừa thuốc giả khi người dân sử dụng các sản phẩm thuốc không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả.
Cầu vượt cung
Ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu được định giá trị tới hơn 1.000 tỷ USD. Các chuỗi cung ứng rộng lớn trải dài từ các nhà sản xuất chính ở những nơi như Trung Quốc và Ấn Độ, đến các nhà kho đóng gói ở châu Âu, Nam Mỹ hoặc châu Á, và sau đó đến các nhà phân phối để chuyển thuốc đến mọi quốc gia trên thế giới.
Bà Esteve cho rằng, có lẽ không có gì phản ánh mức độ toàn cầu hóa hơn y học. Tuy nhiên, khi thế giới đang "bế quan tỏa cảng" vì virus corona, đặc biệt là việc Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước sản xuất thuốc và thiết bị y tế lớn nhất thế giới - đều đang bị phong tỏa, thì chuỗi cung ứng đã đảo chiều. Nhu cầu trở nên quá lớn so với nguồn cung. Vì vậy, thuốc giả và kém chất lượng ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đang sa sút vì dịch Covid-19. Ảnh: The Times of India.
Một số công ty dược phẩm ở Ấn Độ cho biết họ hiện đang hoạt động ở mức 50-60% so với công suất bình thường. Theo thống kê, ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ cung cấp 20% tất cả các loại thuốc cơ bản cho châu Phi.
Ephraim Phiri, một dược sĩ ở thủ đô Lusaka của Zambia, cho biết ông thấy tình hình ngày càng trầm trọng: "Thuốc đã hết mà chúng tôi không thể bổ sung. Chúng tôi không thể làm gì được. Thật khó để có được nguồn cung cấp... đặc biệt là các loại thuốc thiết yếu như thuốc kháng sinh và thuốc chống sốt rét".
Trong khi đó, nhiều công ty dược phẩm và nhà cung cấp cũng đang gặp khó khăn vì các nguyên liệu hiện nay rất đắt đỏ. Một doanh nghiệp ở Pakistan cho biết trước đây họ từng mua nguyên liệu cho thuốc chống sốt rét Hydrochloroquine với giá khoảng 100 USD/kg. Nhưng ngày nay, con số đó đã gấp hàng chục lần, lên tới 1.150 USD/kg.
Trước thực tế ngày càng nhiều quốc gia ban hành lệnh phong tỏa, vấn đề không chỉ nằm ở riêng phía các nhà sản xuất dược phẩm, mà còn là xu hướng dự trữ các loại thuốc cơ bản từ người dân và chính phủ các nước trên thế giới. Chính sự xáo trộn giữa nguồn cung giảm và nhu cầu tăng đã khiến WHO cảnh báo về sự tăng đột biến trong sản xuất và buôn bán thuốc giả.
"Khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, nó tạo ra một môi trường nơi thuốc chất lượng kém hoặc thuốc giả len lỏi vào", bà Esteve khẳng định.
Khó ước định thị trường thuốc giả
Tội phạm về sản xuất và buôn bán thuốc giả thường chỉ được biết đến khi thủ phạm bị bắt, do đó bất kỳ sự xác định chính xác cho một tỷ lệ thuốc giả lưu thông trên thị trường đều là vấn đề cực kỳ khó khăn.
Các loại thuốc được bán tràn lan tại Bờ Biển Ngà. Ảnh: NPR.
WHO chỉ ước lượng rằng ngành kinh doanh dược phẩm giả, bao gồm các loại thuốc bị nhiễm độc, chứa sai chất hoặc chứa chất đã hết hoạt tính, hoặc đã hết hạn sử dụng, có trị giá lên tới 30 tỷ USD. Đáng lưu ý, nó xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia mà đại đa số người dân có thu nhập thấp và vừa.
Chỉ trong vòng 1 tuần, trùng vào thời điểm WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, Pangea, đơn vị phòng chống tội phạm y tế toàn cầu của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), đã tiến hành 121 vụ bắt giữ tại 90 quốc gia với tang vật là số lượng thuốc giả trị giá 14 triệu USD. Từ Malaysia tới Mozambique, cảnh sát cũng tịch thu hàng chục nghìn khẩu trang y tế và dược phẩm giả, thậm chí có nhiều loại thuốc được quảng cáo là có thể phòng chống virus corona hay chữa trị Covid-19.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới khả năng chữa trị Covid-19 của chloroquine và hydroxychloroquine (vốn được bào chế để trị sốt rét), nhu cầu dành cho những loại dược phẩm này tăng vọt. Dù cho WHO khẳng định chưa có bằng chứng thuyết phục cho tuyên bố trên nhưng không vì thế mà nhu cầu dành cho chúng giảm đi. Tổ chức này cho biết, một số lượng lớn chloroquine giả đang được lưu hành ở Congo, Cameroon hay Niger.
Không chỉ vậy, giá cả cũng đội lên chóng mặt và thật giả thì lẫn lộn. 1.000 viên chloroquine chống sốt rét từng có giá 40 USD, nhưng các cửa hàng thuốc ở Congo giờ nâng giá lên thành 250 USD. Nhãn hiệu của loại thuốc này ghi là được sản xuất ở Bỉ bởi công ty Brown and Burk Pharmaceutical. Tuy nhiên, công ty có trụ sở tại Anh khẳng định rằng họ không hề sản xuất choloroquine và chắc chắn đó là thuốc giả.
Kêu gọi hợp tác toàn cầu
Các quốc gia không thể giải quyết được thực trạng thuốc giả một cách riêng lẻ. Ảnh: Business Today.
Nhằm bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của mình, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được áp dụng. Trong số đó là việc sử dụng các hình ảnh ba chiều, mực chuyển màu, mã nhúng, sử dụng mã xác minh bằng tin nhắn hoặc xác minh trực tuyến, mã vạch... Các quốc gia cũng có lực lượng quản lý thị trường riêng và chế tài xử lý tội phạm thuốc giả. Tuy nhiên, những điều đó là chưa đủ.
Khi tình hình virus SARS-CoV-2 lây lan tiếp tục diễn biến khó lường, sự lưu thông của thuốc giả sẽ chỉ giảm xuống nếu các quốc gia tăng cường hợp tác. Thế giới đang có rủi ro về một đại dịch song song. Do đó, sự phối hợp toàn cầu trong sản xuất, phân phối và kiểm soát chất lượng dụng cụ xét nghiệm, thuốc men và vaccine đang đặt ra hết sức cấp thiết.
KHÁNH NGÂN (tổng hợp)
Nguồn lây nhiễm COVID-19 tại New York chủ yếu từ châu Âu Nghiên cứu mới chỉ ra rằng COVID-19 lây lan tới New York vào giữa tháng 2/2020, nhiều tuần trước khi có ca nhiễm đầu tiên được xác nhận và dịch bệnh tại đây chủ yếu có nguồn gốc từ những du khách đến từ châu Âu, không phải châu Á. Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một...