Indonesia nhận 20 tỷ USD tài trợ để chuyển đổi năng lượng
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết khoản đầu tư 20 tỷ USD mà Indonesia nhận được theo một thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ( G20), đang diễn ra tại Bali, sẽ được sử dụng để tạo ra một nền kinh tế bền vững cho các thế hệ tương lai.
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia ngày 15/11/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Bali, ông Lulut đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được hy sinh để phát triển kinh tế, song chúng ta cũng phải xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn cho các thế hệ tương lai”.
Trước đó, ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Đầu tư Khí hậu sẽ đầu tư 20 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Indonesia. Khoản tài trợ này được cung cấp cho Công ty Sarana Multi Infrastruktur (SMI) trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Indonesia.
Bộ trưởng Luhut cho biết: “Quan hệ đối tác quan trọng này hỗ trợ các mục tiêu của Indonesia, bao gồm huy động 20 tỷ USD nguồn tài chính công và tư nhân ban đầu trong vòng 3 đến 5 năm tới”. Ông Luhut nêu rõ là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, Indonesia có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với đất nước, xã hội và môi trường. Ông nhấn mạnh: “Indonesia đã cam kết hướng tới một nền kinh tế ít thải CO2, trong đó quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa”, đồng thời cho biết thêm rằng khoản đầu tư nói trên sẽ được sử dụng để giảm khí thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo và chuyển giao kiến thức để phát triển công nghệ.
Theo ông Luhut, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng có thể giúp tạo ra những việc làm mới thân thiện với môi trường và mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Luhut cũng cam kết trong vòng 6 tháng tới, Chính phủ Indonesia sẽ dẫn đầu soạn thảo một kế hoạch hành động hợp tác nhằm thúc đẩy đầu tư bao trùm cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Cũng tại họp báo, ông John Morton, Cố vấn khí hậu cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ thông báo trong 6 tháng tới, nhóm của ông sẽ phối hợp với Indonesia phát triển một kế hoạch đầu tư toàn diện. Theo ông Morton, các nỗ lực này được thực hiện nhằm thúc đẩy thế giới đạt được mục tiêu giảm phát thải sớm hơn 7 năm so với kế hoạch trước đó và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nỗ lực này còn nhằm giúp Indonesia đạt mục tiêu giảm khí thải carbon trong lĩnh vực điện vào năm 2050 – sớm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu là vào năm 2060.
Indonesia kêu gọi G20 thúc đẩy phục hồi kinh tế bao trùm
Đồng Chủ tịch Think 20 (T20) Indonesia, ông Bambang Brodjonegoro đã hối thúc các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu một cách toàn diện.
Ông Bambang Brodjonegoro. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trên được ông Brodjonegoro đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh T20 - diễn đàn hợp tác dành cho các tổ chức tư vấn và các nhà nghiên cứu từ khắp các nước thành viên G20 - được tổ chức vào ngày 5/9 tại Bali (Indonesia).
Theo ông Brodjonegoro, phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn và bao trùm hơn từ các tác động của đại dịch COVID-19 là một trong những khuyến nghị chính sách trong thông cáo chung của của Chủ tịch T20 Indonesia. Chủ tịch T20 Indonesia cũng hối thúc các nhà lãnh đạo G20 tiến hành các nỗ lực tập thể nhằm cải cách cấu trúc y tế toàn cầu, tận dụng chuyển đổi kỹ thuật số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và tăng cường hợp tác xuyên biên giới.
Ngoài ra, Indonesia cũng khuyến khích thúc đẩy tiếng nói của các quốc gia ở Nam bán cầu, trong đó hầu hết là các quốc gia đang phát triển. Theo ông Brodjonegoro, việc tăng cường đại diện của các quốc gia này là rất quan trọng nhằm đảm bảo công bằng và thu hút sự đồng thuận của tất cả các quốc gia. Ông Brodjonegoro cho rằng các vấn đề toàn cầu - chẳng hạn như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và chuyển đổi kỹ thuật số - có thể diễn ra trên quy mô rộng và do vậy cần xử lý tập thể.
Trong thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh T20, Indonesia nhấn mạnh 5 khuyến nghị chính sách chính, bao gồm khuyến khích phục hồi kinh tế và tăng cường khả năng ứng phó; cắt giảm khí phát thải; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xã hội kỹ thuật số; phát triển kinh tế bao trùm hơn và lấy con người làm trung tâm; và khôi phục trật tự toàn cầu. Ông Brodjonegoro cho hay các khuyến nghị này đã được phát triển thông qua một quy trình nghiêm túc với sự tham gia của 200 nhóm chuyên gia, thực hiện 762 bản tóm tắt chính sách.
Xung đột Ukraine khiến tích trữ năng lượng trở thành điểm then chốt nhất Ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, thị trường năng lượng toàn cầu đã phải vật lộn với vấn đề nguồn cung, trong khi chính phủ nhiều nước rốt ráo triển khai dịch chuyển năng lượng. Châu Âu lắp đặt công suất điện gió cao kỷ lục. Ảnh: Innovation News Network Giá dầu mỏ, khí đốt tiếp tục tăng...