Indonesia, Mỹ đối thoại chiến lược
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã tham dự cuộc đối thoại chiến lược lần thứ nhất tại thủ đô Washington DC (Mỹ).
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một thông cáo báo chí ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh rằng sự kiện này là “một trang sử mới trong mối quan hệ Indonesia-Mỹ và phản ánh cam kết của hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương”. Thông cáo cho biết Indonesia và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2015 và bà Retno cũng là Ngoại trưởng ASEAN đầu tiên được người đồng cấp Blinken tiếp đón tại Washington DC.
Theo thông báo, phát biểu với báo giới trước khi bắt đầu đối thoại chiến lược, Ngoại trưởng Retno khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ giữa Indonesia và Mỹ sẽ giúp Washington tăng cường can dự tại Đông Nam Á và châu Á. Mỹ cũng là đối tác quan trọng trong việc triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP). Ngoài ra, Ngoại trưởng Retno cũng bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Indonesia trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm tới, nhằm phục hồi kinh tế thế giới toàn diện, xanh và bền vững.
Tại đối thoại, Indonesia và Mỹ đã thảo luận chi tiết hơn về các cam kết của hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương. Hợp tác y tế là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc họp. Ngoại trưởng Retno đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Mỹ đối với Indonesia trong thời gian đại dịch COVID-19. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Indonesia hơn 8 triệu liều vaccine Moderna thông qua Cơ chế Covax. Cũng trong lĩnh vực y tế, Indonesia đang tìm hiểu hợp tác với Mỹ trong việc cung ứng thuốc điều trị COVID-19. Về lâu dài, Indonesia cũng đang tìm hiểu hợp tác với Mỹ, đặc biệt trong việc phát triển vaccine công nghệ mRNA và tăng cường phục hồi hệ thống y tế toàn cầu. Bà Retno nhấn mạnh rằng các nỗ lực hợp tác lâu dài có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực giảm khoảng cách tiếp cận toàn cầu đối với vaccine và thuốc điều trị COVID-19, cũng như dự phòng khả năng các đại dịch tương lai.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai Ngoại trưởng nhất trí rằng còn nhiều dư địa cho các nỗ lực tăng cường hợp tác. Ngoại trưởng Retno hy vọng rằng Đạo luật về tạo việc làm được Quốc hội Indonesia thông qua hồi năm ngoái có thể giúp thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Indonesia.
Trong lĩnh vực thương mại, Ngoại trưởng Retno một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thảo luận về Hiệp định Thương mại Hạn chế giữa hai nước. Năm 2020, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Indonesia với giá trị trao thương mại hai chiều đạt 27 tỷ USD.
Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ngoại trưởng Blinken đánh giá cao vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, nhấn mạnh rằng Jakarta là “đối tác quan trọng của Mỹ và Mỹ sẵn sàng hợp tác với Indonesia trong các vấn đề quan trọng khác ở khu vực”.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, phía Indonesia thông báo các tiến độ đạt được trong việc thực thi các cam kết và tin tưởng có thể đạt cam kết cắt giảm 29% khí phát thải bằng năng lực quốc gia và 41% với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030. Đổi lại, Indonesia bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và các nước phát triển cũng sẽ thực hiện các cam kết của mình, trong đó có việc đóng góp vào Quỹ Khí hậu nhằm hỗ trợ các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Indonesia kêu gọi ASEAN chỉ định đặc phái viên về Myanmar
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 2/6 kêu gọi ASEAN cần ngay lập tức chỉ định đặc phái viên về Myanmar. Lời kêu gọi đưa ra hơn một tháng sau khi ASEAN nhất trí các bước đi nhằm chấm dứt những bất ổn tại quốc gia thành viên.
Chưa có nhiều bước tiến được đưa ra kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Jakarta của Indonesia vào tháng 4 vừa qua. Theo bà Retno Marsudi, việc chỉ định đặc phái viên cần phải được thực hiện ngay lập tức và mối liên lạc với các bên cần được duy trì. Cần khuyến khích các cuộc đối thoại sâu rộng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar và sớm khôi phục dân chủ tại quốc gia này, phù hợp với ý nguyện của người dân Myanmar.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: KEMLU RI
Theo một số nguồn tin, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi dự kiến có kế hoạch đến Myanmar trong vài ngày tới và có cuộc gặp với các bên liên quan.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào cuối tháng 4 đã đạt được 5 điểm đồng thuận về Myanmar: bao gồm yêu cầu chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Indonesia điện đàm về vấn đề Myanmar Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ cả Trung Quốc và ASEAN đều quan tâm đến tình hình ở Myanmar cũng như việc khôi phục và duy trì hòa bình, ổn định ở quốc gia này. Trong ảnh (tư liệu): Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung tại Jakarta, Indonesia 3/11/2014....