Indonesia huy động hơn 60 tàu chiến bảo vệ ngư dân ở Biển Đông
Quân đội Indonesia huy động 61 tàu chiến để giữ gìn an ninh lãnh hải và bảo vệ ngư dân của nước này ở khu vựcBiển Đông.
Hải quân Indonesia đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở vùng biển nước này – Ảnh: Reuters
Ngày 26.5, báo Jakarta Post (Indonesia) trích phát biểu của Đô đốc Ade Supandi, Chỉ huy Hải quân Indonesia, cho biết 61 tàu chiến đã xuất phát đến các khu vực thuộc vùng biển Indonesia để làm nhiệm vụ tuần tiễu.
Mục đích của việc huy động này nhằm bảo vệ ngư dân Indonesia trước mối đe dọa của tàu cá nước ngoài, theo Jakarta Post.
“Lãnh hải xung quanh khu vực đảo Riau là vùng trọng tâm mà tàu chiến chúng ta sẽ bảo vệ”, hãng thông tấn Antara (Indonesia) hôm 25.5 trích phát biểu của tướng Supandi. Tướng Supandi giải thích đảo Riau là khu vực thường xuyên bị tàu nước ngoài đe dọa.
Lãnh đạo Hải quân Indonesia không đề cập cụ thể tàu cá nước ngoài nào trong phát biểu của mình. Tuy nhiên, ông kêu gọi ngư dân Indonesia tiếp tục ra khơi và không cần lo lắng trước đe dọa của ngư dân nước ngoài.
Video đang HOT
“Nếu họ (ngư dân nước ngoài) rượt đuổi ngư dân chúng ta, chúng tôi sẽ rượt theo và bắt họ”, Đô đốc Supandi nói trong một buổi gặp gỡ ngắn với Thống đốc Sani của vùng đảo Riau.
Hồi tuần trước, Hải quân Indonesia đánh chìm 41 tàu cá nước ngoài, trong đó có một tàu của Trung Quốc, còn lại là tàu của các nước Đông Nam Á.
Chính phủ Indonesia giải thích sở dĩ Jakarta có hành động cứng rắn với ngư dân nước ngoài là vì nạn săn bắt cá bất hợp pháp gia tăng trên vùng biển Indonesia.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối hành động của Jakarta đánh chìm tàu ngư dân Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Indonesia mạnh tay với Trung Quốc về vấn đề đánh bắt trộm.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc âm mưu độc bá châu Á
Ấn Độ nghi Trung Quốc đang muốn độc bá tại châu Á bằng cách tăng cường hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông, gia tăng hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương và mở rộng hợp tác quân sự đến tận vùng Sừng châu Phi.
Tàu tên lửa Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoa Đông tháng 7/2010. Ảnh: Xinhua.
Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh mới đây tuyên bố nước này đang thảo luận với Trung Quốc về một căn cứ hải quân tại thị trấn cảng Obock,Times of India (TOI) đưa tin hôm 25/4. Djibouti, nằm ở vùng Sừng châu Phi, từng là thuộc địa của Pháp và là nơi Mỹ đặt một căn cứ hải quân. Trung Quốc không xác nhận hay bác bỏ thông tin trên và cho biết Bắc Kinh đang tìm cách đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Giới chức quân sự cấp cao Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc trước đó cho biết "quan điểm chính thức" là Bắc Kinh không muốn lập căn cứ quân sự. Hải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương do liên quan đến các hoạt động chống cướp biển, trải dài đến vịnh Aden.
Theo Brahma Chellaney, một trong những chuyên gia chiến lược có tiếng của Ấn Độ, việc Trung Quốc đàm phán thiết lập căn cứ hải quân ở Djibouti, quốc gia hướng ra eo biển hẹp Bab al-Mandeb, nằm trong kế hoạch lớn hơn của Bắc Kinh liên quan đến Ấn Độ Dương.
Ông nhận định Trung Quốc đang theo đuổi trạng thái độc bá ở châu Á bằng cách hoạt động ở cả Biển Đông và Ấn Độ Dương, hai khu vực có nhiều tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Trung Quốc tăng cường chú trọng vào đại dương và biển, đặc biệt là Biển Đông và Ấn Độ Dương, cho thấy Bắc Kinh tin rằng hàng hải là chìa khóa giúp họ độc bá châu Á.
"Toàn bộ những kế hoạch trên gắn với dự án Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc, thách thức Ấn Độ tại chính khu vực vùng biển sân sau nước này", ông Chellaney nói, cho biết thêm rằng Ấn Độ sẽ sớm phải đối mặt với mối đe dọa quân sự Trung Quốc từ phía nam.
Trung Quốc đang tìm cách "thay đổi thực trạng" trên Biển Đông để có vị thế tốt hơn so với các cường quốc hải quân trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia láng giềng, bằng "đường chín đoạn" phi lý, không được quốc tế công nhận.
Philippines, có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, đã đưa vụ việc ra Tòa trọng tài quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối không tham gia vụ kiện. Giới chuyên gia tại Đông Nam Á nhận định Bắc Kinh đang tăng tốc cải tạo đất dường như để tránh tác động không mong muốn từ phán quyết bất lợi.
"Trung Quốc đang tìm cách nối liền 'đường chín đoạn' và giành chủ quyền với toàn bộ khu vực biển bên trong bằng cải tạo quần đảo Trường Sa. Một khi xong việc, Bắc Kinh có thể lấn tới và thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)" trên toàn bộ Biển Đông, một chuyên gia giấu tên ở Singapore, nói.
Báo cáo hồi đầu tháng của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương và có thể thiết lập nhiều điểm tiếp cận tại khu vực này trong 10 năm tới.
Ấn Độ và Mỹ còn lo ngại những sáng kiến của Trung Quốc như MSR và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) có thể là biện pháp thúc đẩy tham vọng chiến lược. Ấn Độ tham gia AIIB với tư cách là thành viên sáng lập nhưng từ chối tham gia MSR.
Vị trí Djibouti. Đồ họa: Maphill.
Như Tâm
Theo VNE
Thủ tướng Nhật lo ngại việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp trên Biển Đông, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh hàng hải với Malaysia, theo Reuters. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lo ngại việc Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông - Ảnh: Reuters...