Indonesia: Cân nhắc tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 22/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril cho biết Chính phủ nước này đang xem xét tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người dân trong bối cảnh đại dịch được dự báo còn kéo dài.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trao đổi qua điện thoại với hãng thông tấn chính thức Antara, ông Syahril nói: “1 số quốc gia đã bắt đầu tiêm tăng cường vaccine mũi thứ 4. Kế hoạch này đã được xem xét ở Indonesia vì tính chất lâu dài của đại dịch”. Theo quan chức y tế này, các nhà dịch tễ học ước tính tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới sẽ còn tiếp diễn trong 1 thời gian tương đối dài nữa. Trong khi đó, các chuyên gia y học kết luận rằng kháng thể từ 2 mũi vaccine hoặc mũi vaccine thứ 3 có thể suy giảm trong vòng 6 tháng. Ông Syahril nhấn mạnh nhiều tổ chức cũng khuyến nghị tiến hành tiêm tăng cường vaccine mũi thứ 4 nếu đại dịch vẫn tiếp tục kéo dài.
Bộ Y tế cùng Nhóm cố vấn kỹ thuật tiêm chủng Indonesia (ITAGI) đang tiến hành các cuộc thảo luận chuyên sâu liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine mũi thứ 4 ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, các nhân viên y tế, người già và nhân viên công vụ.
Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia, số người đã được tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 ở Indonesia mới chỉ đạt 53,89 triệu người, tương đương 25,88% trong tổng mục tiêu hơn 208 triệu người.
Indonesia sẽ bắt buộc du khách tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, ông Mohammad Syahril, ngày 5/7 cho biết Chính phủ nước này có kế hoạch yêu cầu tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 đối với du khách trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng ở một số khu vực.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/2/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Ông Syahril cho hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã quy định tiêm vaccine tăng cường là một trong những yêu cầu đi lại và nhà lãnh đạo nước này không muốn có thêm đợt gia tăng số ca mắc COVID-19.
Theo quan chức y tế này, tình hình đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên toàn Indonesia trong tháng 6/2022, với tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 1,15% và tỷ lệ lây nhiễm ở mức 1,03 ca trên 100.000 người mỗi tuần. Cả hai chỉ số nói trên đều đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cụ thể tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5% và tỷ lệ lây nhiễm dưới 20 ca trên 100.000 người mỗi tuần.
Tình hình dịch bệnh từng được kiểm soát, đánh dấu bằng việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang trong không gian mở ở nước này. Ngày 30/6, số ca mắc mới đạt đỉnh 2.200 ca và giảm liên tục trong 4 ngày xuống còn 1.434 ca vào ngày 4/7. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc mới lên hơn 1.000 ca mỗi ngày là lời cảnh báo cho dân chúng Indonesia về sự lây lan của các biến thể Omicron phụ BA.4 và BA.5. Ông Syahril nhấn mạnh rằng dịch bệnh lây lan xuất phát từ sự vô kỷ luật trong việc thực hiện các quy định y tế và tiến độ tiêm chủng trì trệ.
Trước đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan - người cũng đang giữ cương vị Điều phối viên áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại khu vực Java-Bali - tiết lộ rằng quy định bắt buộc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 đối với các du khách sẽ được triển khai chậm nhất trong 2 tuần tới. Quy định này đã được nhất trí trong cuộc họp Nội các mới đây do Tổng thống Jokowi chủ trì và sẽ được điều chỉnh bằng một thông tư của Lực lượng Đặc trách xử lý COVID-19 và quy định của các cơ quan khác có liên quan.
Indonesia ghi nhận 70 ca nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril cho biết tính đến ngày 20/6, ít nhất 70 trường hợp nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em đã được ghi nhận tại 21/34 tỉnh thành trên cả nước. Hình ảnh mô phỏng virus gây bệnh viêm gan. Ảnh: Getty Images/TTXVN...