IMF: Việt Nam nằm trong nhóm hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương năm 2020
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10 của IMF cho thấy Việt Nam, cùng với Trung Quốc, là 2 nền kinh tế hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm 2020 khi Covid-19 hoành hành.
Theo dự báo của IMF, GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ tăng 1,6% và đột phá lên mức 6,7% vào năm 2021. Đây là nền kinh tế duy nhất ở nhóm ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam) duy trì được mức tăng trưởng dương trong một năm mà đại dịch Covid-19 hoành hành, làm trầm trọng thêm các vấn đề từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, Philippines được dự báo là nền kinh tế sụt giảm GDP tồi tệ nhất trong nhất trong nhóm ASEAN-5 với 8,3%. Thái Lan đứng thứ 2 với mức sụt giảm 7,1% trong khi Malaysia và Indonesia lần lượt sụt giảm GDP ở mức 6,0 và 1,5%. Trung bình, nhóm ASEAN-5 hứng chịu mức sụt giảm lên tới 3,4% cho năm 2020.
IMF dự báo tăng trưởng GDP của các nền kinh tế châu Á trong năm 2020.
Ở châu Á, Trung Quốc cũng duy trì mức tăng trưởng dương là 1,6% trong khi Ấn Độ được dự báo sụt giảm GDP tới 10,3%. Các nền kinh tế phát triển tại châu Á cũng hứng chịu mức sụt giảm trung bình lên tới 2,2% trong đó Đặc khu Ma Cao của Trung Quốc sụt giảm tới 52,3%. Đài Loan, Trung Quốc là nền kinh tế phát triển hiếm hoi ở châu Á không sụt giảm nhưng cũng không tăng trưởng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia lần lượt có mức sụt giảm GDP là 5,3%, 1,9%, 6% và 4,2%.
Mặc dù duy trì những con số không mấy khả quan nhưng các khu vực này vẫn tươi sáng hơn so với phần còn lại của thế giới. Tất cả các nền kinh tế ở châu Mỹ đều được dự báo tăng âm trong năm 2020. Cụ thể, GDP của Mỹ giảm 4,3%, Canada giảm 7,1%, Mexico giảm 9%, Brazil giảm 5,8%…. Venezuela là nền kinh tế có mức sụt giảm GDP lớn nhất châu Mỹ với 25% trong năm 2020. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn với con số 35% của năm 2019.
Video đang HOT
Đồng cảnh với châu Mỹ, sụt giảm GDP cũng được dự báo sẽ bao trùm các nền kinh tế châu Âu, bao gồm cả các đầu tàu như Đức (giảm 8,3%), Pháp (giảm 9,8%, Italy (giảm 10,6%) và Tây Ban Nha (giảm 12,8%). Mức giảm trung bình của khu vực EU là 8,3%. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Âu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nga hứng chịu mức giảm 4,1%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 5%, Ba Lan giảm 3,6%. Nền kinh tế sụt giảm nhiều nhất trong khu vực này là Croatia với mức sụt giảm 9%.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 dường như không ảnh hưởng quá nhiều tới các nước châu Phi hoặc ảnh hưởng theo từng quốc gia nhất định. Các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nigeria, Angola, Gabon, Cộng hòa Congo (giả định giá dầu trung bình năm 2020 là 41,69 USD/thùng)… đều được dự báo duy trì mức tăng trưởng GDP âm. Tuy nhiên, trong các nước thu nhập trung bình có Bờ biển Ngà và Ghana duy trì mức tăng trưởng dương lần lượt là 1,8 và 0,9%. Ở các nước thu nhập thấp, Ethiopia, Kenya, Tanzania đều có thể duy trì mức tăng trưởng dương lần lượt là 1,9%, 1% và 1,9%.
Đại dịch Covid-19 được xem là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm triển vọng GDP toàn cầu trong năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn các nền kinh tế đều được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021 dù nhiều quốc gia không bù đắp được những mất mát của năm 2020. Điều này cho thấy tác động của dịch bệnh, vốn đang làm hơn 38 triệu người mắc, sẽ không sớm biến mất. Nó giống với tiêu đề của bản báo cáo mà IMF vừa công bố: Một chặng đường dài và khó khăn.
Khi nào hàng không lấy lại được "phong độ"?
Các chuyên gia dự báo, nếu dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay và tiếp tục khá lên, thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm sau có cơ hội từng bước phục hồi nhưng vẫn chưa thể lấy lại được "phong độ" xưa.
Bay nhiều liệu có lãi?
Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập và các hãng hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tiền mặt vì không thể tạo ra doanh thu nhưng mỗi phút phải "đốt" tới 300 nghìn USD để duy trì việc cầm cự, chờ thị trường phục hồi.
Ngày 13-10, trả lời câu hỏi của báo chí trong hơn một tháng qua, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở nước ta, các hãng hàng không nhanh chóng phục hồi tần suất bay, liệu có đủ bù đắp doanh thu và lợi nhuận, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng Ban Tài chính kế toán (hãng Vietnam Airlines - VNA) cho rằng, hệ số sử dụng ghế bay của VNA lấp đầy 86%, gần như cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt tới điểm hòa vốn hay không còn phụ thuộc vào mức giá bán, chưa kể thời gian qua, các hãng hàng không có sự tăng tải ồ ạt, kích cầu du lịch để hưởng ứng chủ trương của Chính phủ nên giá vé rất thấp, nếu tính đủ chi phí thì vẫn chưa thể hòa vốn.
Tại Việt Nam, VNA dự báo lượng khách nội địa ước đạt 29,6 triệu khách, giảm 22% so với cùng kỳ. Tháng 9 vừa qua, sản lượng hành khách đã đạt tương đương năm 2019, nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 41% so với cùng kỳ bởi các hãng hàng không đều đưa máy bay dư thừa vào khai thác, mở nhiều đường bay với các chương trình kích cầu nên giá giảm mạnh.
"Hàng không chỉ thật sự phục hồi khi số lượng khách quay trở lại bằng sức mua trước thời điểm Covid-19. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), phải đến cuối năm 2021, toàn bộ các đường bay dài mới phục hồi trở lại như trước đây. VNA dự báo, thị trường hàng không nội địa nước ta trong năm nay và sang năm sẽ phục hồi từng bước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, còn thị trường quốc tế vẫn chưa thể xác định được thời điểm phục hồi. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện tại, VNA có thể lấy lại được phong độ hoàn toàn vào năm 2023 và hãng tự tin về "sức khỏe" tài chính như trước thời điểm dịch Covid-19", ông Trần Thanh Hiền nhận định.
Cuối tháng 9 vừa qua, IATA đã có báo cáo đánh giá về thị trường hàng không thế giới năm 2020, cho thấy sản lượng hành khách, doanh thu đều sụt giảm. Theo đó, sản lượng hành khách luân chuyển năm 2020 toàn thế giới giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019; chỉ 50% số người được phỏng vấn sẵn sàng di chuyển bằng đường hàng không; hệ số sử dụng ghế mới chỉ đạt khoảng 60% và thấp hơn nhiều so với điểm hòa vốn (với chi phí như hiện tại, doanh thu dự kiến hệ số lấp đầy phải hơn 80% mới bắt đầu hòa vốn); số khách đặt chỗ trong quý IV giảm 78% so với cùng kỳ,...
Các hãng hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, dù có lợi thế về tốc độ tăng trưởng vận tải cao duy trì liên tục nhiều năm qua và quy mô thị trường nội địa. Trong một báo cáo đưa ra giữa năm 2020, IATA đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức lỗ tới 29 tỷ USD. Riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng 4 tỷ USD doanh thu.
Số liệu về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng năm nay vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, trong toàn ngành vận tải, sản lượng vận chuyển hành khách giảm 29,6%, vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so cùng kỳ năm 2019 nhưng ở ngành hàng không, mức sụt giảm sản lượng vận tải hành khách lên đến 45,5%, còn sản lượng vận tải hàng hóa giảm 39,4%. DN hàng không cũng nằm trong tốp đầu về cắt giảm lao động với mức sụt giảm lao động 30,4%, gần gấp hai lần so với mức sụt giảm của các ngành cắt giảm nhiều việc làm như hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, ăn uống, xây dựng,...
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và phát triển VNA cho hay: VNA đặt mục tiêu đẩy nhanh khai thác tại thị trường nội địa, tạo việc làm cho người lao động và nguồn thu cho Tổng công ty, tăng thị phần của Vietnam Airlines Group (bao gồm VNA, Pacific Airlines và VASCO); thực hiện kích cầu du lịch, bảo đảm giao thương nội địa. Hoạt động khai thác đang đạt 30 đến 35% năng lực của VNA.
Cần quyết sách nhanh cho hàng không
Cổ phiếu của VNA mới đây đã bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ vì báo cáo tài chính bán niên ghi nhận mức lỗ sau thuế gần 6.700 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Nợ vay/vốn chủ sở hữu cuối năm nay của VNA có thể dâng lên mức hơn 14 lần cho dù hãng đã thực hiện tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí. Là DN nhà nước nắm hơn 86% cổ phần, khả năng hoạt động liên tục của VNA phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, cũng như việc được gia hạn thanh toán các khoản vay phải trả từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp và diễn biến của dịch bệnh.
Trong thực tế, các chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không Việt Nam đã được ban hành và có hiệu lực từ tháng 3 nhưng chưa phát huy nhiều tác dụng do thời gian thực hiện ngắn và quy mô quá nhỏ so với mức thiệt hại chưa từng có. Đơn cử, chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa và quy định mức giá tối thiểu 0 đồng đối với tám dịch vụ hàng không chỉ được áp dụng từ ngày 1-3 đến hết ngày 30-9-2020. Chính sách giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng chỉ áp dụng từ ngày 1-8 tới hết ngày 31-12-2020,...
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, so với các nước, chính sách hỗ trợ của chúng ta quá ít, quá ngắn và quá chậm. Kinh tế Việt Nam tuy có khởi sắc từ quý III nhưng dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến khó lường. Nếu các hãng hàng không nội địa phục hồi và kinh doanh có lãi trong thời gian tới nhờ vào khả năng kiềm chế dịch bệnh tốt cũng chỉ có tác dụng bù đắp một phần số lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng phát sinh từ đầu năm.
Theo báo cáo của VNA, đến hết tháng 9, VNA đạt doanh thu gần 24 nghìn tỷ đồng, giảm rất sâu so năm trước (tương đương 42%); lợi nhuận hợp nhất lỗ 10.750 tỷ đồng (bằng 70% lỗ kế hoạch năm 2020), dư tiền 1.938 tỷ đồng, vay ngắn hạn 5.242 tỷ đồng, các khoản phải trả giãn, hoãn 4.268 tỷ đồng.
Theo ông Trần Thanh Hiền, ngay khi bị tác động của Covid-19, VNA đã báo cáo với cơ quan Nhà nước và có gói hỗ trợ Chính phủ đối với hãng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ chưa thể triển khai ngay bởi thủ tục cần có thời gian, quy định pháp lý phù hợp,...
Trước khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, VNA có tiềm lực tài chính rất mạnh, cho nên dù chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, VNA vẫn cầm cự hoạt động, song mức dự trữ tiền mặt cũng chỉ đủ "nuôi" hãng khoảng 2,5 tháng nếu ngừng hoạt động. Để duy trì, hãng đã chủ động đưa ra các giải pháp cân đối sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí hơn 5.300 tỷ đồng; làm việc với các ngân hàng để tái cơ cấu các khoản vay, duy trì bổ sung hạn mức tín dụng và sử dụng linh hoạt, hiệu quả hạn mức vay ngắn hạn để bảo đảm thanh khoản,... Trong thời điểm khó khăn, các bạn hàng đã hỗ trợ và VNA đã đàm phán với đối tác Ngân hàng Vietcombank, hiểu rõ về chiến lược, phương án kinh doanh và khả năng trả nợ của hãng.
Bác bỏ thông tin liên quan việc VNA xin Chính phủ phá sản, ông Trần Thanh Hiền khẳng định, VNA là Hãng hàng không Quốc gia, Nhà nước nắm hơn 86% cổ phần, trong bối cảnh dịch Covid-19, không chỉ hãng mà Chính phủ cũng khẳng định sẽ sử dụng các giải pháp nhằm duy trì vị thế, thương hiệu, hình ảnh của hãng đối với thế giới.
Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã đệ trình một gói hỗ trợ chung để giúp các hãng hàng không duy trì sản xuất kinh doanh, không để chủ nợ gây khó khăn. Đối với VNA, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng cho VNA, bao gồm cho vay cấp bù lãi suất 4.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng thương mại và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này cần được thực hiện kịp thời, trong đó cần làm rõ nội dung về tính pháp lý trong phát hành cổ phiếu cho số cổ đông hiện hữu và thời hạn tái cấp vốn sau khi tổ chức tín dụng cho vay, tạo cơ sở để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia đầu tư vào VNA bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Động cơ mới cho vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Tháng 11 tới, Kuwait dự kiến sẽ được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, giúp chứng khoán Việt Nam có cơ hội chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên, qua đó hút vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng của chứng khoán Việt Nam trong rổ chỉ số thị trường cận biên...