IMF công kích EU về nợ Hy Lạp
Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) vừa chỉ trích gay gắt thỏa thỏa thuận cứu trợ tài chính mà các lãnh đạo khối đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) trao cho Hy Lạp.
Theo hãng tin BBC, IMF cho rằng nợ công của Hy Lạp giờ đây đang ở mức “khó có thể hoàn trả”, và kêu gọi xóa nợ ở một mức độ “nhiều hơn so với những gì đã được xem xét đến nay”.
Khủng hoảng nợ Hy Lạp đang là một chủ đề nóng của thế giới. (Ảnh: Getty)
Cuối ngày 14/7, IMF đã công bố một phương án mà Quỹ đã trao cho nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone cuối tuần qua. Phương án này bao gồm một số đề xuất, theo đó, một phần khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp sẽ được xóa bỏ.
IMF cho biết, tỷ lệ tăng trưởng mà châu Âu dự báo cho Hy Lạp là “cao không tưởng”. Phân tích của Quỹ này kết luận nợ của chính phủ Hy Lạp đã lên tới mức gần 200% GDP.
Video đang HOT
Theo nghiên cứu của IMF, các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải cho Hy Lạp 30 năm để trả mọi nợ nần, gồm cả các khoản vay mới, và kéo dài thời hạn thanh toán.
Chia rẽ giữa IMF và các chủ nợ châu Âu về cách thức tốt nhất giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã từng nhen lên trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên một sự bất đồng như vậy được công khai.
Một quan chức cấp cao của IMF cho biết, Quỹ này sẽ chỉ tham gia vào gói cứu trợ thứ 3 nếu các chủ nợ EU đưa ra “một kế hoạch rõ ràng”. Ông bình luận thêm, thỏa thuận hiện nay “không phải là một thỏa thuận chi tiết và toàn diện”.
Hy Lạp hiện đang nợ IMF khoảng 10% tổng số nợ mà nước này đang mang, tương đương 1,6 tỷ Euro. Athens đã trễ hẹn trả nợ 2 lần và là quốc gia châu Âu duy nhất trong tình trạng này.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Bài học Hy Lạp
Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã tạo điều kiện để một số quốc gia khác muốn tham gia vào khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR (eurozone) có cơ hội cân nhắc, đánh giá lại thời điểm thích hợp để tham gia. Gia nhập càng nhanh càng tốt hay chậm mà chắc?
Dân Hy Lạp đổ xô rút tiền trước thời điểm nước này và chủ nợ quốc tế đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba - Ảnh: Reuters
"Không phải hôm nay, hay ngày mai hay trong 5 năm nữa. Chúng ta sẽ sử dụng đồng EUR khi nào nó mang lại lợi ích cho người dân và đất nước", Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz đã trả lời như thế trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia.
Giống như Anh quốc và Đan Mạch, Ba Lan - một nền kinh tế lớn trong EU - đã quyết định chưa tham gia khu vực đồng tiền chung euro. Đảng cầm quyền Civic Platform, trong đó Chủ tịch đương nhiệm Hội đồng châu Âu Donald Tusk là một thành viên, lâu nay vẫn ủng hộ việc gia nhập eurozone nhưng mới đây đã quyết định cần phải thận trọng hơn. Beata Szydlo, một ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới, cho biết "trừ khi eurozone giải quyết được những vấn đề nội tại của nó chúng tôi sẽ thảo luận việc gia nhập, bằng không Ba Lan sẽ trở thành Hy Lạp thứ 2".
"Với quan điểm chính trị cứng rắn như thế, viễn cảnh Ba Lan hay một quốc gia nào khác tham gia eurozone trong vòng 5 năm tới sẽ rất khó diễn ra. Ít nhất phải 10 năm", Sebastian Plociennik, nhà phân tích của Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan, nhận xét.
Có vẻ như cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang làm cho một số quốc gia khác ở châu Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Croatia, Rumania cân nhắc cẩn trọng cũng như trì hoãn kế hoạch tham gia vào khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR. Hiện tại, tâm lý lo ngại việc gia nhập khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR sẽ đầy rủi ro và phải trả giá đắt, kể cả quyền tự chủ, đang ngày càng tăng ở các quốc gia này. Điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu một liên minh ngày càng chặt chẽ mà Liên minh châu Âu hướng tới lâu nay.
Cố vấn kinh tế của Bộ Tài chính Cộng hòa Czech, Ales Michl nói: "Tham gia eurozone ư, sẽ tham gia nhưng không phải lao vào". Trong khi đó, Zoltan Kovacs, phát ngôn viên của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cho biết: "Hungary sẽ tham gia eurozone nhưng không phải trong tương lai gần. Việc chưa đưa ra thời điểm cụ thể giúp Hungary có được nhiều thuận lợi như giữ được quyền kiểm soát thuế và chính sách tài khóa".
Giống như những quốc gia khác khi tham gia EU vào năm 2004, Hungary cũng phải hứa sử dụng đồng EUR nhưng thời điểm cụ thể thì tùy thuộc vào mỗi quốc gia riêng lẻ.
Cách đây vài tháng, tân Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic cho biết nước này sẽ sử dụng đồng EUR trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ kéo dài khi nỗ lực cải cách tài chính chưa đáp ứng yêu cầu của eurozone cũng như sự kiện Hy Lạp làm ảnh hưởng suy nghĩ của công chúng. Tương tự, Romania cũng đề ra kế hoạch tham gia eurozone vào năm 2019 tuy nhiên mọi thứ có thể thay đổi, như Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ING Bank, Ciprian Dascalu đánh giá: "GDP của Romania hiện đạt 52% mức trung bình trong EU. Chúng tôi cần đạt đến mức 70% để đối phó với các vấn đề khi tham gia eurozone".
Một số quốc gia còn lo ngại khi gia nhập eurozone là họ phải đặt mình vào vị trí bảo lãnh nợ cho Hy Lạp. Bởi hiện tại, cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng trung ương châu Âu, các quốc gia sử dụng đồng EUR là chủ nợ chính của Hy Lạp. Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov nói: "Chúng tôi cũng phải đưa tiền cho Hy Lạp. Tôi thấy không hợp lý chút nào khi người nghèo phải đưa tiền cho người giàu". Được biết, Bulgaria là thành viên nghèo nhất trong EU.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bulgaria hay các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính khác quyết định thúc đẩy việc tham gia eurozone thì cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp có thể sẽ làm các thành viên hiện tại trong eurozone không còn hào hứng chấp nhận kết nạp họ. "Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp là một bài học cho eurozone vì thế việc chấp nhận thành viên mới sẽ không còn nồng nhiệt", Phó thủ tướng Bulgaria Ivailo Kalfin nói.
Lê Uyên
Theo The New York Times
Hy Lạp phải bán đi những gì để nhận cứu trợ? Hy Lạp sẽ không bán thành cổ Acropolis ở Athens, nhưng sẽ phải bán nhiều tài sản có giá trị khác. Với thỏa thuận để nhận gói cứu trợ vừa qua, chính phủ Hy Lạp đồng ý chuyển nhượng đến 50 tỉ EUR tài sản cho một quỹ độc lập. Chủ cửa hàng quà lưu niệm đang ngồi chờ khách tại thủ đô...