IMF cảnh báo triển vọng ‘vô cùng bất ổn’ của kinh tế toàn cầu
Khép lại kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) ngày 19/10, IMF cho rằng cần phải gia tăng áp lực để các quốc gia tuân thủ các quy định thương mại toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF – bà Kristalina Georgieva phát biểu tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới ( WB) ở Washington, DC,Mỹ, ngày 18/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khép lại kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) ngày 19/10, IMF đã cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu “vô cùng bất ổn” trước tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đồng thời cho rằng cần phải gia tăng áp lực để các quốc gia tuân thủ các quy định thương mại toàn cầu.
Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế, cơ quan hoạch định chính sách của IMF, cho biết tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ tăng tốc trong năm tới, nhưng triển vọng này vô cùng bất ổn và khó tránh khỏi những nguy cơ ngày càng gia tăng, bao gồm căng thẳng thương mại, sự bất ổn về chính sách và các nguy cơ địa chính trị.
Kỳ họp thường niên của IMF và WB diễn ra tại Washington trong bối cảnh những lo ngại ngày càng gia tăng về đà giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và sự suy yếu của hoạt động thương mại.
Sau cuộc họp của Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng hành động nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc tìm ra một giải pháp cho các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) có thể góp phần làm giảm tình hình bất ổn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
[IMF cảnh báo rủi ro đối với kinh tế châu Á do căng thẳng thương mại]
Video đang HOT
Bà Georgieva cũng cho biết các thành viên IMF đều nhận thấy cần phải gia tăng áp lực để các nước tuân thủ các quy định thương mại quốc tế cũng như sẵn sàng mở rộng và cải thiện các quy định này.
Về đề xuất tung ra đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán quốc tế mới, bà Georgieva nhấn mạnh IMF có quan điểm rất cân bằng về những lợi ích và cả nguy cơ liên quan đến vấn đề này. Dù có đề cập đến những lợi ích mà hệ thống này có thể đem lại, như các dịch vụ tài chính giá rẻ, người đứng đầu IMF cho rằng đồng Libra có nguy cơ bị lạm dụng cho những mục đích phi pháp, và vấn đề chủ quyền về tiền tệ cũng cần được hiểu và giải quyết thỏa đáng.
Cũng trong cuộc họp của Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi, bất chấp những nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt.
Dù tình hình tài khóa của Nhật Bản thuộc hàng yếu nhất trong số các nền kinh tế phát triển lớn, với nợ công ở mức hơn 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ông Aso khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố tài khóa.
Theo ông Aso, đợt tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% từ ngày 1/10 được dự đoán sẽ góp phần phục hồi thể trạng tài khóa của Nhật Bản, đồng thời trang trải các chi phí an sinh xã hội đang ngày càng gia tăng do tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm./.
Khánh Ly
Theo TTXVN/Vietnam
IMF cảnh báo rủi ro đối với kinh tế khu vực châu Á do căng thẳng thương mại
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Trong cuộc họp báo tại hội nghị thường niên năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Changyong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020.
Theo quan chức này, cùng với đà suy giảm tăng trưởng toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh tình hình bất ổn dai dẳng trên toàn cầu.
Ông Rhee nêu rõ nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một sự suy giảm toàn diện giữa bối cảnh của căng thẳng địa chính trị và thương mại, do đó khu vực châu Á sẽ không nằm ngoài xu hướng này và cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin THX, Jonathan Ostry, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cũng đồng tình với quan điểm trên của ông Rhee và nhận định khu vực châu Á sẽ trải qua một sự suy giảm đáng kể trong năm 2019 và 2020.
Theo ông Ostry, căng thẳng thương mại không chỉ gây ra tác động trực tiếp vào thuế quan, mà nó còn ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, và "những tác động này gây tổn hại cho đầu tư và tăng trưởng".
Theo Triển vọng kinh tế thế giới mới được IMF công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,1% trong năm 2019 và giảm xuống 5,8% vào năm 2020. Theo ông Rhee, điều này phản ánh sự chuyển đổi liên tục của Trung Quốc sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn và tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại đang diễn ra.
Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2019 và ở mức trung bình 0,5% vào năm 2020. Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2019, tăng lên 7% vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Rhee, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, song khu vực châu Á "vẫn được coi là khu vực năng động nhất" trên thế giới, chiếm hơn 70% mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay./.
Minh Hằng
(Theo THX)
Căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ngăn BoE tăng lãi suất Khi được hỏi liệu việc London đạt được thỏa thuận về giai đoạn chuyển đổi hậu Brexit sẽ khiến BoE tiếp tục tăng lãi suất hay không, Thống đốc BoE nói rằng điều này "không nhất thiết" xảy ra. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney phát biểu trong cuộc họp báo tại London ngày 7/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN Thống...