IMF cảnh báo sự mất cân bằng tài chính toàn cầu do COVID-19
Ngày 4/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) nhận định, sự mất cân đối tài khoản vãng lai toàn cầu có thể bị thu hẹp hơn nữa trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong khi một số nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương có thể sẽ đối mặt với sự thất thoát dòng chảy đầu tư lớn.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tangshan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo IMF, sự mất cân đối tài khoản vãng lai toàn cầu đã bị thu hẹp trong năm 2019 do các hoạt động thương mại giảm tốc, song đại dịch COVID-19 có thể khiến nó bị thu hẹp hơn nữa trong năm nay. Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu hàng hóa và các nước phụ thuộc vào du lịch có thể chuyển sang thâm hụt tài khoản vãng lai.
Báo cáo của IMF về tiền tệ và mất cân bằng đối với 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy số dư tài khoản vãng lai đã giảm xuống còn 2,9% GDP toàn cầu, và có thể thu hẹp 0,3% GDP toàn cầu trong năm 2020, chủ yếu do chính sách kích thích tài chính và tiền tệ lớn của nhiều quốc gia cũng như những áp lực tiếp tục ảnh hưởng tới thương mại quốc tế.
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF – bà Gita Gopinath, các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn có thể sẽ chứng kiến tài khoản hiện tại chuyển từ thặng dư đến thâm hụt đáng kể. IMF cũng dự báo, Saudi Arabia, quốc gia có 5,9% thặng dư tài khoản vãng lai, sẽ chứng kiến mức thâm hụt 4,9% do sự sụt giảm của giá dầu cũng như nhu cầu dầu toàn cầu. Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc như Thái Lan và Malaysia có thể sẽ chứng kiến thặng dư giảm mạnh trong năm 2020.
Suy thoái toàn cầu
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán hồi cuối năm 2019, sau đó lan rộng ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đến việc nhiều nước phải đóng cửa nền kinh tế để phòng chống dịch. Thế giới sau 6 tháng vật lộn chống đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu hứng chịu đòn tàn phá nặng nề, đã và đang gây nguy hiểm cho nhiều thập kỷ tiến bộ phát triển.
Kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của dịch COVID-19.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố cuối tháng 6 vừa qua, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020 và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại tổng cộng 12.000 tỷ USD tính đến hết năm 2021. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020 của Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch Covid-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này. Việc liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của các tổ chức uy tín toàn cầu cho thấy hy vọng đại dịch bị đẩy lùi vào giữa năm nay đã tiêu tan, trong khi khả năng dịch Covid-19 kéo dài hơn, gây tác động tiêu cực toàn cầu trong 6 tháng cuối năm với sự biến động tài chính và sự rút lui khỏi các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu. Như vậy, đây sẽ là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870.
Tại Mỹ, số liệu của Chính phủ nước này cho thấy kinh tế Mỹ trong quý 1/2020 giảm 4,8% và khiến khoảng 22 triệu việc làm đã mất trong tháng 3 và tháng 4. Kể từ khi mở cửa trở lại nền kinh tế hơn 1 tháng trước, Mỹ đã có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6/2020 khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu nối lại hoạt động. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh vào cuối tháng 6 buộc chính quyền nhiều bang đã phải dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Dự báo mới nhất của IMF cho rằng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm 8% năm nay.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị giảm từ 5% đến 15%. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 được dự báo giảm 5,4%, khiến năm 2020 trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999.
Còn tại châu Á, các nền kinh tế khu vực vẫn tiếp tục cảm nhận tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm nay, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và những hoạt động kinh tế chọn lọc được bắt đầu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo cho rằng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm 2020 do các biện pháp ngăn chặn dịch đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, trong khi nhu cầu bên ngoài suy yếu. ADB đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này từ mức 2,2% đưa ra trong tháng 4 xuống 0,1% và đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961 tới nay.
Trước những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, các chính phủ trên khắp thế giới đã hành động nhanh chóng, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp vừa và nhỏ để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu, giúp các công ty đang gặp khó khăn tái cơ cấu lại và có thể chuyển hướng hoạt động... Cho đến nay, các nỗ lực được các Chính phủ duy trì, tập trung vào những biện pháp này, có thể làm giảm bớt phần nào tác động về kinh tế của Covid-19.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 phơi bày cú sốc cung - cầu buộc Chính phủ các nước cần quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và logistics để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp và phân phối các hàng hóa thiết yếu như lương thực. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế và các tổ chức thương mại toàn cầu cần có những giải pháp để giao thương và các chuỗi cung ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Các quốc gia cũng cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh để một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng. Các Chính phủ sẽ phải tính toán và định hình lại chính sách của họ, cũng như phải thừa nhận rằng kinh tế toàn cầu sẽ hoàn toàn khác trong tương lai.
Kinh tế toàn cầu suy thoái vì Covid-19 Việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, giãn cách xã hội, tạm đóng cửa các DN nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến hàng chục triệu người lao động trên thế giới bị mất việc, kinh tế đình trệ. Hậu quả đối với nền kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19...