IMF cảnh báo rủi ro đối với kinh tế khu vực châu Á do căng thẳng thương mại
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Trong cuộc họp báo tại hội nghị thường niên năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Changyong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020.
Theo quan chức này, cùng với đà suy giảm tăng trưởng toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh tình hình bất ổn dai dẳng trên toàn cầu.
Ông Rhee nêu rõ nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một sự suy giảm toàn diện giữa bối cảnh của căng thẳng địa chính trị và thương mại, do đó khu vực châu Á sẽ không nằm ngoài xu hướng này và cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Video đang HOT
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin THX, Jonathan Ostry, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cũng đồng tình với quan điểm trên của ông Rhee và nhận định khu vực châu Á sẽ trải qua một sự suy giảm đáng kể trong năm 2019 và 2020.
Theo ông Ostry, căng thẳng thương mại không chỉ gây ra tác động trực tiếp vào thuế quan, mà nó còn ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, và “những tác động này gây tổn hại cho đầu tư và tăng trưởng”.
Theo Triển vọng kinh tế thế giới mới được IMF công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,1% trong năm 2019 và giảm xuống 5,8% vào năm 2020. Theo ông Rhee, điều này phản ánh sự chuyển đổi liên tục của Trung Quốc sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn và tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại đang diễn ra.
Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2019 và ở mức trung bình 0,5% vào năm 2020. Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2019, tăng lên 7% vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Rhee, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, song khu vực châu Á “vẫn được coi là khu vực năng động nhất” trên thế giới, chiếm hơn 70% mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay./.
Minh Hằng
(Theo THX)
G20 không tìm được giải pháp giảm rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Những cách thức cụ thể giải quyết các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa được đưa ra trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20.
Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm qua kết thúc 2 ngày nhóm họp tại thủ đô Washington, Mỹ mà không đưa ra được những cách thức cụ thể góp phần giải quyết các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm bất đồng thương mại Mỹ-Trung.
Những lo ngại rằng nền kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại một phần do suy giảm trong lĩnh vực thương mại và đầu tư liên quan tới tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay được dự đoán có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 do tác động từ cọ xát thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới này.
Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20 không tìm được giải pháp giảm rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Kyodo)
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, người chủ trì cuộc họp G20, vừa cho biết các nước G20 sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm hướng tới đạt mục tiêu "tăng trưởng kinh tế toàn cầu một cách cân bằng".
Các nhà lãnh đạo tài chính G20 cũng lần đầu tiên thảo luận về đồng tiền ảo Libra mà Facebook hồi tháng 6 vừa qua đã công bố hy vọng sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2020. Hiện đang dấy lên lo ngại rằng đồng tiền ảo này sẽ có tác động đáng kể tới hệ thống tài chính nếu nó được phát hành và sử dụng rộng rãi trong thanh toán và các mục đích xử lý tài chính khác.
Chính vì vậy, các đại biểu tham dự hội nghị của G20 vừa nhất trí rằng, Libra không nên được phát hành rộng rãi trước khi các quy định phù hợp được đưa ra nhằm tránh xảy ra tình trạng đồng tiền ảo này bị bọn tội phạm lợi dụng cho các hành vi rửa tiền hay vi phạm thông tin cá nhân./.
Phương Anh/VOV1 (Biên dịch)
Theo NHK
Giá dầu thô ổn định, thị trường chờ đợi thông tin hoạt động khai thác dầu tại Hoa Kỳ Giá dầu thô thế giới được giữ tương đối ổn định trong các phiên giao dịch gần đầy trong bối cảnh thị trường lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Vào lúc 9h57 (ngày 16/10, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2019 trên Sàn giao...