ILO: Lao động trong lĩnh vực nào bị tác động vì suy thoái Covid-19 nhiều nhất?
Dưới tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt được xác định sẽ phải hứng chịu sự sụt giảm mạnh trong sản lượng đầu ra, lao động trong những lĩnh vực này sẽ đặc biệt cảm nhận rõ những khó khăn do rủi ro về kinh tế mang lại.
Ảnh: SCMP
Ngày 7/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cập nhật báo cáo nhanh về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động toàn cầu.
Số liệu ước tính toàn cầu từ ILO cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 gây nên sự sụt giảm chưa từng có của các hoạt động kinh tế và số giờ làm việc. Tính đến ngày 1/4/2020, số liệu ước tính cho thấy số giờ làm việc của quý này (Quý II) sẽ giảm khoảng 6,7%, tương đương với 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.
Ngày càng nhiều nơi áp dụng biện pháp phong tỏa một phần hay toàn diện, dẫn đến việc hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và hạn chế việc di chuyển của phần đông người lao động. Với nhiều người lao động và doanh nghiệp, điều này có nghĩa là họ không thể tiếp tục làm việc, trong khi đó những người khác phải thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc.
Các biện pháp can thiệp này đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (dịch vụ lưu trú và ăn uống, thương mại bán lẻ v.v) trong khi lĩnh vực sản xuất thì bị gián đoạn trong dọc chuỗi cung ứng (ví dụ ngành sản xuất ô tô) và nhu cầu hàng hóa giảm mạnh.
Đại dịch Covid-19 gây nên những tác động rộng khắp, sâu sắc và chưa từng có tiền lệ đối với việc làm. Việc điều chỉnh quy mô việc làm thường chỉ được thực hiện khi kinh tế suy giảm do một số yếu tố cản trở (chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009).
Những lĩnh vực có nguy cơ cao nhất
Video đang HOT
Theo ILO, các ngành chịu tác động nhiều nhất của Covid-19 là dịch vụ lưu trú, ăn uống; bất động sản; hoạt động kinh doanh và hành chính; sản xuất và bán buôn bán lẻ sửa chữa xe máy.
Dựa trên dữ liệu kinh tế và tài chính theo thời gian thực, tác động của khủng hoảng đến kết quả kinh tế có thể được đánh giá phân theo ngành (tuy nhiên việc phân ngành còn hạn chế tùy thuộc sự sẵn có của dữ liệu toàn cầu).
Từ đánh giá này có thể thấy nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt được xác định sẽ phải hứng chịu sự sụt giảm mạnh trong sản lượng đầu ra, trong đó bao gồm các dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh tế. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và tuyển dụng hàng triệu người lao động, thường là được trả lương thấp, với trình độ kỹ năng thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và bán lẻ.
Những người lao động trong những lĩnh vực này sẽ đặc biệt cảm nhận rõ những khó khăn do rủi ro về kinh tế mang lại. Những lĩnh vực này sử dụng 1,25 tỷ lao động trên toàn thế giới, chiếm gần 38% lực lượng lao động toàn cầu. Tùy thuộc vào thực trạng của mỗi quốc gia, những người lao động này đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh mẽ và tồi tệ về số giờ làm việc, cắt giảm tiền lương và bị sa thải và tất cả mọi người trong số họ gộp lại tạo nên những con số ước tính của mô hình nowcasting thể hiện ở trên.
Trong số các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, phân ngành thương mại bán buôn và bán lẻ có tỷ trọng lao động bị ảnh hưởng lớn nhất. Họ vốn thường là những người được trả lương thấp và không được bảo vệ. Nhóm 482 triệu lao động này gồm có nhân viên thu ngân, nhân viên kho bãi, nhân viên bán hàng và các công việc khác có liên quan.
Trong các lĩnh vực đó, những người lao động làm các công việc được xét là thiết yếu (ví dụ như giao đồ ăn) vẫn có thể tiếp tục làm việc nhưng họ phải đối diện với nhiều hơn với rủi ro về sức khỏe nghề nghiệp.
Lao động làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh không thiết yếu thì phải đóng cửa trên diện rộng và phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh về việc làm và số giờ làm việc. Các dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tới 144 triệu lao động. Ở một số quốc gia, lĩnh vực này hầu như phải đóng cửa hoàn toàn, còn ở những nơi vẫn có thể hoạt động thì phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nhu cầu dịch vụ. Hơn một nửa số lao động này là phụ nữ.
Hoàng An
Hàng loạt chính sách kích cầu được đưa ra, ô tô trước cơ hội rẻ hơn tới hàng trăm triệu đồng
Hàng loạt các đề xuất mới cùng với các chương trình khuyến mãi lớn được kỳ vọng là giải pháp tạm thời để bình ổn thị trường ô tô trong giai đoạn khó khăn này.
Ảnh minh họa.
Thị trường ô tô Việt Nam đang rơi vào cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam có thể giảm 15% so với dự kiến trước đây. Trước tình hình như vậy, các hãng xe và đại lý liên tục đưa ra chính sách ưu đãi lớn, từ vài chục triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng để thu hút khách hàng.
Theo đó, sau khi giảm mạnh hơn 200 triệu đồng cho mẫu Trailblazer (so với giá bán công bố), sang tháng 4 này, nhà phân phối chính thức Chevrolet vẫn tiếp tục các mức ưu đãi khác; giảm khoảng 90 triệu đồng cho mẫu Trailblazer LTZ sản xuất năm 2019, trong khi các mẫu Colorado cũng được giảm từ 60-80 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Tương tự, Ford Việt Nam cũng giảm gần 200 triệu cho mẫu Explorer, Subaru giảm 50 triệu cho mẫu Forester i-S Eyesight, Outback được giảm 170 triệu đồng so với giá bán công bố.
Honda CR-V đang có chương trình khuyến mãi giảm giá đến 150 triệu đồng chưa bao gồm gói phụ kiện. Ngoài ra, mẫu xe lắp ráp trong nước Honda City cũng đang được giảm giá lên đến 30 triệu đồng. HR-V có một vài chiếc giảm tới 150 triệu đồng. Honda Civic cũng giảm 70-80 triệu đồng.
Nissan X-Trail và Terra tại đại lý giảm sâu tới hơn 130 triệu đồng. Cụ thể, Nissan X-Trail nhận được ưu đãi giảm cao nhất tới 141 triệu đồng cho bản 2.0 SL 2WD V-series Luxury. Nissan Terra nhận được ưu đãi cao nhất giảm 135 triệu đồng cho bản 2.5 máy xăng đời 2019. Ngoài ra, khách hàng còn được tặng những phụ kiện giá trị đi kèm.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, BMW X7 được giảm giá nhiều nhất lên đến 350 triệu đồng. Các mẫu khác như 3-Series, 5-Series, 7-Series, X1, X2, X3, X5, X4, X6 đều có khuyến mãi lớn lên tới 300 triệu đồng.
Mới đây, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm. Trong đó, Bộ Công thương đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ ngành ô tô. Đáng chú ý là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.
Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm tùy theo từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Cụ thể, mức lệ phí trước bạ đối với ô tô con tại Hà Nội và 7 tỉnh thành khác như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%; TP Hồ Chí Minh và các khu vực còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%. Xe bán tải có mức lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con.
Trước đó, VAMA đã có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng. VAMA cho rằng, nếu được thông qua, kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số ô tô toàn thị trường, trước tương lai ảm đạm vì dịch bệnh.
Một số chuyên gia cho biết, tâm lý dè chừng của người mua trong đại dịch Covid-19 cùng áp lực thanh lý hàng tồn kho của các mẫu xe 2018, 2019 khiến các đại lý buộc phải kích cầu thông qua việc giảm giá và liên tục tung ra các chương trình khuyến mại. Do đó, nếu các chính sách mới nếu được chấp thuận sẽ giúp giảm chi phí cho khách hàng mua ô tô các loại giảm sâu hơn nữa. Theo đó, mức giảm trên mỗi chiếc xe phổ thông là hàng chục triệu và lên tới hàng trăm triệu đồng với các dòng xe sang đắt tiền.
Minh Ngọc
55% DN Đức tại Việt Nam đối mặt với tình trạng hủy đơn hàng, một nửa trong số đó phải hoãn vô thời hạn các dự định đầu tư mới do Covid-19 Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. 55% doanh nghiệp Đức phải đối mặt với các đơn hàng bị hủy và 50% trong số họ buộc phải hoãn vô thời hạn các dự định đầu tư mới của mình do sự leo thang của dịch bệnh, khảo...