IHS Markit: Suy thoái kinh tế ở Eurozone có khả năng đã chạm đáy
Hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp ghi nhận mức suy giảm hoạt động kinh doanh lần lượt ở mức 34,1 điểm và 32 điểm, các nước còn lại sụt giảm mạnh hơn nữa.
Một nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Munich, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kết quả khảo sát do hãng IHS Markit công bố ngày 21/5 cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng đã chạm đáy sau khi trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng do tác động của các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Suy giảm kinh tế ở 19 quốc gia Eurozone tiếp tục diễn ra trong tháng Năm này. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, kinh tế các nước Eurozone tiếp tục đi xuống, nhưng tốc độ đã giảm do nhiều lĩnh vực kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng dần dần.
Theo IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng Năm ở mức 30,5 điểm. Dù chỉ số này cao hơn mức 13,5 điểm trong tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng trung bình 50 điểm. Nếu chỉ số PMI xuống dưới 50 điểm, nền kinh tế đó bị đánh giá là đang suy giảm các hoạt động kinh tế.
Hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp ghi nhận mức suy giảm hoạt động kinh doanh lần lượt ở mức 34,1 điểm và 32 điểm, các nước còn lại sụt giảm mạnh hơn nữa.
Video đang HOT
Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, ông Chris Williamson, các số liệu trên cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế ở Eurozone vẫn tiếp diễn nhưng ít nhất cũng đưa ra những dấu hiệu trấn an rằng sự suy thoái có khả năng đã chạm đáy trong tháng Tư.
Theo ông Williamson, GDP trong quý 2 của Eurozone vẫn có khả năng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, giảm khoảng 10% so với quý trước đó, nhưng chỉ số PMI đã nhích lên làm tăng thêm hy vọng rằng sự suy giảm hoạt động kinh tế sẽ chậm lại khi các biện pháp phong tỏa tiếp tục được nới lỏng vào mùa Hè này.
Hãng khảo sát Capital Economics cũng đồng quan điểm rằng số liệu khảo sát cho thấy suy thoái kinh tế ở Eurozone có thể đã chạm đáy trong tháng Tư, đồng thời đem lại hy vọng nền kinh tế khu vực này đang phục hồi chậm.
Theo Capital Economics, sự suy giảm ở Pháp nặng hơn vì nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế muộn hơn. Capital Economics cũng cảnh báo hoạt động kinh tế ở Eurozone có khả năng sẽ vẫn trì trệ ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần dần được dỡ bỏ.
Việc khảo sát chỉ số PMI cho thấy đại dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa, phá vỡ chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu. Tỷ lệ việc làm bị cắt giảm cũng tiếp tục ở mức chưa từng thấy.
Giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch… Các nhà quản lý được hỏi ý kiến vẫn rất bi quan về tình hình kinh tế trong vòng 12 tháng tới./.
Suy thoái kinh tế - Nỗi lo của nhiều nước hậu Covid-19
Suy thoái kinh tế cùng với số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh báo hiệu bức tranh kinh tế thế giới tối màu trong năm 2020.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đây là quốc gia mới nhất trên thế giới thông báo những tác động kinh tế do Covid-19 gây ra sau khi dịch bệnh hạ nhiệt tại một số quốc gia. Suy thoái kinh tế cùng với số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh báo hiệu bức tranh kinh tế thế giới tối màu trong năm 2020.
Theo số liệu của cơ quan thống kê Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này giảm 2,2% trong 3 tháng đầu năm nay. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 và lớn thứ hai kể từ khi nước Đức thống nhất. Sự sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2020 được xem là "một điềm báo tồi tệ" cho thời gian tới. Các nước khác trong khu vực châu Âu cũng thông báo các số liệu u ám, với Pháp và Tây Ban Nha giảm lần lượt là 5,8% và 5,2%. Nền kinh tế Eurozone nói chung giảm 3,8%.
Suy thoái kinh tế - Nỗi lo của nhiều nước hậu Covid-19 (Ảnh minh họa: KT)
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng thừa nhận có nhiều khả năng Anh sẽ phải đối mặt với suy thoái nghiêm trọng trong năm 2020: "Suy thoái sẽ xảy ra khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Chúng ta đang chứng kiến các tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Anh. Có nhiều khả năng Anh sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng trong năm nay và chúng ta đang ở giai đoạn giữa của con đường này".
Không chỉ châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng bắt đầu "ngấm" đòn kinh tế Covid-19. Trong các dự báo mới nhất, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ nhận định, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 38% trong quý hai so với cùng kỳ năm ngoái. Số người Mỹ thất nghiệp cũng cao hơn 26 triệu so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản cũng thông báo rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau gần 5 năm. Có thể nói, dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn đang tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế với các nước.
"Triển vọng kinh tế toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ từ tháng 1 năm nay. Dịch Covid-19 làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng, trong khi hệ thống y tế thế giới đối mặt với sức ép lớn. Với việc các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, nền kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 2 năm nay. Chúng ta đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã của suy thoái kinh tế nghiêm trọng, điều chúng ta chưa từng chứng kiến kể từ thời kỳ đại suy thoái", Trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế Elliot Harris nhận định.
Nền kinh tế rơi vào suy thoái cùng với số vụ doanh nghiệp phá sản tăng mạnh khiến nhiều tập đoàn trên thế giới lo ngại. Các quốc gia cũng đang nhanh chóng đưa ra các gói cứu trợ để cữu vãn nền kinh tế. Bộ trưởng Kinh tế Đức Olaf Scholz cho biết, đang thảo luận về một gói kích thích kinh tế trị giá 57 tỷ euro để giảm nhẹ các tác động do dịch Covid-19 gây ra.
"Những gì chúng ta đang thấy đó là nước Đức đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch gây ra. Hàng loạt các thách thức lớn và thiếu nguồn lực tài chính. Chính phủ đang nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập và đầu tư không giảm", ông Olaf Scholz nói.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hạ nhiệt tại một số quốc gia và nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, hiện vẫn có nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai, có thể nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kép kinh tế và y tế sẽ là phép thử chính sách đối với mọi quốc gia, vì vừa cần kiểm soát đại dịch để cứu mạng sống của người dân nhưng cũng phải đảm bảo không tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định, thế giới đang chứng kiến tình trạng suy thoái trên một quy mô chưa từng thấy kể từ những năm 30 của thế kỷ trước khi xảy ra cuộc đại suy thoái. Điều này đòi hỏi chính phủ các nước cần hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo sự phục hồi kinh tế kịp thời cũng như tăng trưởng theo hướng "lành mạnh hơn"./.
Châu Âu bắt đầu đánh giá thiệt hại kinh tế Châu Âu bắt đầu đánh giá những thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19, trong bối cảnh châu Á đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Phải đối mặt với những thiệt hại về kinh tế chưa từng có, châu Âu đã bắt đầu nới lỏng dần lệnh phong tỏa, dù số ca mắc và tử vong vẫn còn cao. Một...