Hy Lạp thỏa hiệp, châu Âu nhẹ nhõm
Trong thế cùng đường, chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận nhượng bộ để đạt thỏa thuận với khu vực sử dụng đồng euro.
Sau thời gian đối đầu căng thẳng, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chấp nhận nhượng bộ – Ảnh: Reuters
Hội nghị đặc biệt của khu vực sử dụng đồng euro ( eurozone) về nợ công của Hy Lạp mở màn vào chiều 12.7 và sau 17 tiếng đàm phán trong căng thẳng, một bản thỏa thuận khung đã được ký kết.
Theo tờ Le Figaro, trong vòng 3 năm, Athens sẽ nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá từ 82 – 86 tỉ euro, trong đó có 25 tỉ euro dành để tái vốn hóa các ngân hàng. Gói hỗ trợ này sẽ được giải ngân thành nhiều giai đoạn thông qua Chương trình bình ổn kinh tế châu Âu do Quỹ tiền tệ quốc tế ( IMF) và eurozone giám sát.
Video đang HOT
Đổi lại, từ nay đến ngày 16.7, quốc hội Hy Lạp phải thông qua ít nhất 4 điều khoản quan trọng trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách gồm tăng và mở rộng áp dụng thuế giá trị gia tăng; tăng tuổi về hưu và siết lại quỹ lương hưu; cải cách để viện thống kê quốc gia hoạt động độc lập; áp dụng cơ chế tự động cắt giảm chi tiêu trong trường hợp thâm hụt. Athens cũng phải đưa ra thời hạn cụ thể để áp dụng các cải cách khác như sửa đổi các điều luật để khuyến khích người dân làm việc nhiều hơn, thay đổi quy định về đình công, siết chặt quản lý ngành tài chính, giảm chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước…
Ngoài ra, Hy Lạp cam kết cho tư hữu hóa nhiều tài sản công và công ty nhà nước để thu về 50 tỉ euro, tạo cơ sở để củng cố và phát triển kinh tế. Athens đã đàm phán thành công để tự chủ quá trình này, thay vì phải giao cho một cơ quan của EU thực hiện như đề xuất của Đức.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá đây là một “thỏa thuận đầy khó khăn” nhưng cần thiết để ổn định nền tài chính của nước này. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc cử tri bác bỏ những yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu ngày 5.7 đã không giúp Athens có thêm lợi thế trên bàn đàm phán như kỳ vọng. Sự kiên quyết của nhiều thành viên eurozone, đứng đầu là Đức và gánh nặng nợ nần cùng khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng khiến Hy Lạp phải chấp nhận nhượng bộ ở phần lớn các điều khoản mà nước này trước đó vẫn kiên quyết phản đối.
Nếu quốc hội Hy Lạp thông qua các điều khoản nói trên đúng thời hạn, các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ sớm họp để thảo luận về nội dung chi tiết của chương trình hỗ trợ kinh tế tiếp theo. Trước mắt, có thể một gói hỗ trợ khẩn cấp sẽ được thông qua để Athens trả khoản nợ 1,6 tỉ euro đã đáo hạn ngày 30.6 cho IMF và khoản nợ 3,5 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu đáo hạn vào ngày 20.7. Tờ Le Monde ngày 13.7 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định: “Nhờ thỏa thuận mới, nguy cơ Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro đã bị xóa bỏ” còn NATO cũng ca ngợi thỏa thuận này “sẽ giúp bảo đảm ổn định và an ninh cho tất cả các nước ở châu Âu”.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Châu Âu chia rẽ vì nợ công của Hy Lạp
Các quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) vẫn đang rất bất đồng về vấn đề nợ công của Hy Lạp.
Kế hoạch cắt giảm ngân sách mới của Hy Lạp gồm tăng thuế giá trị gia tăng, giảm quỹ hưu trí và một số khoản phúc lợi... - Ảnh: AFP
Theo tờ Le Monde, sau 9 giờ thảo luận căng thẳng, cuộc họp giữa các bộ trưởng kinh tế - tài chính của eurozone đã phải tạm ngưng vào rạng sáng qua 12.7 vì không ai chịu ai. Nội dung cuộc họp là xem xét có tiếp tục cho Athens vay gói hỗ trợ tài chính tiếp theo trị giá 74 tỉ euro hay không.
Đây cũng chính là trọng tâm các cuộc đàm phán vốn liên tục rơi vào bế tắc từ nửa năm qua giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu không được vay, nước này sẽ chìm sâu vào vỡ nợ khi nhiều khoản nợ sắp đáo hạn trong những tháng tới. Cuối tháng 6, Athens đã không thể trả được 1,6 tỉ euro cho IMF.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách mới sau khi các yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" của chủ nợ quốc tế đã bị cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5.7. Kế hoạch mới được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực với nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm 13 tỉ euro cho ngân sách như tăng thuế giá trị gia tăng, giảm quỹ hưu trí và một số khoản phúc lợi...
Tuy nhiên, eurozone đang chia thành 3 nhóm với quan điểm rất khác biệt. Áo, Bỉ, Đức, Slovakia... cho rằng Hy Lạp cần phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa nếu muốn được tiếp tục hỗ trợ. Ngược lại, Pháp và một số nước khác khẳng định Hy Lạp cần ở lại eurozone và xem các nỗ lực của Athens là tín hiệu tích cực. Trong khi đó, nhóm thứ ba bao gồm Tây Ban Nha và Ý ít đưa ra ý kiến vì đang tập trung phòng tránh khủng hoảng lan đến nước mình. Bất đồng lớn đến mức một hội nghị thượng đỉnh của EU đã bị hủy giờ chót vào ngày 12.7 để các bộ trưởng eurozone tiếp tục thảo luận.
Lan Chi
Theo Thanhnien
"Bóng ma" Hy Lạp vẫn chưa hiện đủ hình hài Ngày càng nhiều tiếng nói "trấn an" nhằm giảm thiểu rủi ro từ khả năng "vỡ nợ" và "thoái lui" khỏi EU của Hy Lạp, nhưng chừng đó chưa đủ để xua tan những hệ lụy. Bề ngoài là vấn đề nợ của quốc gia có 11 triệu dân, với tổng GDP chiếm chưa đầy 2% của Liên minh châu Âu (EU), nhưng...