Hy Lạp chấp nhận thắt lưng buộc bụng trong “cơn khát” tiền mặt
Chính phủ Hy Lạp đêm qua (9/7) đã đệ trình các đề xuất cải cách kinh tế, với nhiều nội dung chấp thuận thắt lưng buộc bụng như yêu cầu của chủ nợ, giữa lúc người dân nước này đang ngày một lo sợ và tức giận vì cạn kiệt tiền mặt.
Bản kế hoạch cải cách kinh tế được gửi tới lãnh đạo Eurozone chỉ 2 giờ trước thời hạn chót 12 giờ đêm thứ Năm (giờ châu Âu), trong nỗ lực của Athens nhằm thuyết phục các chủ nợ tiếp tục cứu trợ.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải lùi bước trước các yêu cầu của chủ nợ (Ảnh: EPA)
Theo BBC, ông Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch Eurogroup xác nhận đã nhận được các đề xuất của Hy Lạp.
Bản đề xuất giờ sẽ được Bộ trưởng tài chính các quốc gia Eurozone xem xét, trước khi trình lên lãnh đạo trong cuộc họp thượng đỉnh toàn EU vào Chủ nhật.
Tăng thuế, giảm trợ cấp
Không lâu sau khi bản đề xuất cải cách kinh tế được gửi tới lãnh đạo Eurozone, website của chính phủ Hy Lạp đã đăng tải toàn bộ nội dung các văn kiện được gửi đi.
Theo đó, có vẻ như Thủ tướng Alexis Tsipras đã chấp thuận các yêu cầu thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt của chủ nợ, bao gồm tăng thuế, giảm trợ cấp. Tuy nhiên, ông Tsipras đồng thời yêu cầu các chủ nợ cấp một khoản cứu trợ mới, có thời hạn 3 năm trị giá 53,5 tỉ euro (khoảng 59 tỉ USD), và đề nghị chủ nợ cam kết thảo luận tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp.
Dù vậy, theo kinh tế gia trưởng Olivier Blanchard của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hy Lạp cần phải được xóa nợ và cứu trợ mới hơn 60 tỉ euro (66 tỉ USD) để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu những nhượng bộ từ Athens đã đủ để thuyết phục các chủ nợ. Theo nhà phân tích Mujtaba Rahman, giám đốc khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhiều khả năng bản kế hoạch của Athens sẽ được chấp thuận.
Video đang HOT
“Gói giải pháp đã có một bước đi quan trọng đúng hướng, và sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến một thỏa thuận”, ông Rahman nhận định. “Câu hỏi lúc này đó là liệu Hy Lạp có thực sự triển khai một vài trong những biện pháp đó trong cuối tuần này không, bởi các quan chức Đức xem ra rất khắt khe”.
Người Hy Lạp khốn đốn vì thiếu tiền mặt
Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang khiến cuộc sống của người dân nước này đảo lộn, khi các ngân hàng tiếp tục đóng cửa trong tuần thứ hai liên tiếp sau khi các biện pháp kiểm soát về vốn của chính phủ được triển khai.
Người dân Hy Lạp đang sống trong những ngày u ám (Ảnh: AP)
Với hạn mức rút tiền mặt chỉ 60 euro/ngày, nhiều người Hy Lạp, đặc biệt là các bệnh nhân thực sự đang đối mặt giữa sống và chết vì không có tiền chữa bệnh.
Bên trên một mái vòm tối tăm, cũ nát của những cửa hàng trống không tại Thessaloniki – thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp – một bà mẹ đang cố gắng vỗ về đứa con nhỏ bị ốm, trong khi một bà mẹ khác bế đứa con chừng 2-3 tuổi đợi bác sỹ tình nguyện tại phòng khám của tổ chức phi chính phủ Bác sỹ thế giới.
“Chúng tôi đang thực sự đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Hy Lạp”, Sofia Garane, người điều hành phòng khám nhân đạo cho biết. “Trong suốt 5 năm qua, ngành y tế là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Hệ thống y tế Hy Lạp hiện đã hầu như sụp đổ sau nhiều năm chính phủ thắt lưng buộc bụng. Các bệnh viện công phải cắt giảm ngân sách đôi khi tới 50%. Các trang thiết bị cơ bản như găng tay, ống truyền dịch, vải bông, giấy vệ sinh…đều thiếu hụt. Số lượng bác sỹ và y tá thiếu trầm trọng.
Đói nghèo gia tăng trong khi thất nghiệp tràn làn khiến 2,5 triệu người Hy Lạp – tương đương 1/4 dân số – không được chăm sóc sức khỏe. (Người lao động sau khi thất nghiệp từ một năm trở lên sẽ bị cắt bảo hiểm y tế, và phải tự trang trải mọi chi phí điều trị).
Các bác sỹ địa phương, thuộc đủ chuyên ngành, từ thần kinh tới tim mạch và nhi khoa, đang phải luân phiên làm việc tình nguyện miễn phí tại phòng khám ở thành phố Thessaloniki, trong nỗ lực nhằm duy trì việc chăm sóc y tế cho người nghèo.
5 năm trước, hầu hết bệnh nhân tới đây đều là người tị nạn hoặc người nước ngoài không được hưởng bảo hiểm y tế. Giờ thì đa số trong tổng số 1500 bệnh nhân tới đây mỗi tháng là người Hy Lạp. Trong 3 năm gần đây, số bệnh nhân tới gặp các bác sỹ tâm lý và thần kinh tình nguyện đã tăng gấp đôi.
Bà Garane cho biết, trong vòng 2 tuần kể từ khi chính phủ quy định giới hạn rút tiền mặt, số người có bảo hiểm y tế tới đây cũng ngày một tăng.
“Do tình hình khủng hoảng trong những ngày qua, họ không thể tìm được thuốc men, ví dụ như thuốc trị tiểu đường hoặc cao huyết áp, hoặc không có tiền để trả ngay cho phần chi phí không được bảo hiểm chi trả. Áp lực đang ngày một tăng, còn mọi người rất buồn và căng thẳng. Họ đang thực sự lo sợ”, bà Garane cho nói.
Nội dung chủ yếu của các đề xuất của Hy Lạp
- Các mục tiêu thặng dư ngân sách: Hy Lạp đồng ý đề ra mục tiêu 1%, 2%, 3% và 3,5% lần lượt cho các năm từ 2015 – 2018. Đề xuất này tương đồng với nội dung từng được đưa ra trước đây, nhưng được đánh giá vẫn rất tham vọng, nhất là khi xét tới tình hình kinh tế hiện tại của Hy Lạp. – Bãi bỏ miễn trừ thuế VAT cho các hòn đảo của Hy Lạp: mức ưu đãi 30% thuế VAT cho các hòn đảo sẽ bị bãi bỏ, theo yêu cầu của các chủ nợ. Trước đây, Athens từng phản đối mạnh mẽ yêu cầu này. Đề xuất mới cho biết quy định sẽ được triển khai trước tiên “với những hòn đảo có thu nhập cao nhất, thu hút nhiều du khách nhất”. – Các khách sạn vẫn được hưởng mức thuế suất VAT 13%, tuy nhiên các nhà hàng sẽ phải chịu thuế suất VAT 23%. Hoạt động kinh doanh sách, dược phẩm và rạp hát tiếp tục hưởng thuế suất 6%. – Toàn bộ trợ cấp nhiên liệu cho nông dân Hy Lạp sẽ bị bãi bỏ như yêu cầu của chủ nợ. – Các chính sách thuế VAT sẽ được rà soát lại trước cuối năm 2016, nếu “các nguồn thu bổ sung từ chống gian lận thuế” và các biện pháp tăng thu thuế khác đem lại kết quả. – Trong trường hợp bất kỳ đề xuất nào dẫn tới “thiếu hụt tài khóa”, chính phủ Hy Lạp đề xuất tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập thấp nhất. Cụ thể người có thu nhập dưới 12.000 euro/năm sẽ chịu thuế suất 15% (tăng so với mức 11% hiện tại). Người thu nhập trên 12.000 euro/năm sẽ chịu thuế suất 35% (tăng so với mức 33% hiện tại). Trong khi đó thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng từ 26% lên mức 28% theo yêu cầu của IMF. – Trợ cấp: Hy Lạp chấp thuận ngừng các khoản trợ cấp bổ sung cho những người nghèo nhất trước tháng 12/2019, thay vì năm 2020. Đồng thời, độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí cơ bản mới sẽ là 67 tuổi, có hiệu lực trước năm 2020. – Chi tiêu quốc phòng: Hy Lạp sẽ cắt giảm 100 triệu euro trong năm nay và 200 triệu euro trong năm 2016. Trước đó, các chủ nợ yêu cầu giảm chi quốc phòng 400 triệu euro trong năm 2016.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ NY Times, Guardian, Telegraph
Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Tổng thống Putin hoan hỉ?
Giới phân tích đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang hoan hỉ trước những khó khăn mà châu Âu đang gặp phải từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, nhưng Mátxcơva nhiều khả năng không thể đưa ra hỗ trợ về tài chính cho Athens vào lúc này.
Thủ tướng Tspiras và Tổng thống Putin (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh bất đồng giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ ngày càng trầm trọng, giới chức Nga và Hy Lạp đã có nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian qua. Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng Tư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hai lần tới Nga. Trong các cuộc gặp, hai bên đã thúc đẩy thỏa thuận về khí đốt trị giá 2 tỷ euro, cũng như bày tỏ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng nhằm vào Nga.
Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp được công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Putin cũng là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên điện đàm với Thủ tướng Tsipras về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Nga, quốc gia cũng đang gặp khó khăn về kinh tế do những lệnh trừng phạt, đang chăm chú theo dõi diễn biến về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp song nhiều khả năng sẽ không can dự trực tiếp vào những vấn đề kinh tế của nước này với nhóm chủ nợ.
Nga "thừa đục thả câu"?
"Điều mà Nghĩ tới về cuộc khủng hoảng của Hy Lạp hiện nay chính là việc thu về những gì có lợi khi còn có thể. Họ sẽ tận dụng sơ hở của bất cứ bên nào nếu có. Họ theo chủ nghĩa cơ hội dù Nga không có khả năng can dự vào cuộc khủng hoảng hiện nay", ông James Nixy, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế, nhận định. Bất chấp cho rằng Nga đang lựa chọn vị trí "quan sát", ông Nixey đánh giá Mátxcơva dường như không có chiến lược dài hạn cho Hy Lạp, thay vào đó chỉ chăm chăm chờ đợi những sai lầm của châu Âu.
Trong khi đó, ông Alexander Baunov, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie ở Nga, cho rằng: "Từ góc độ chính trị, cuộc khủng hoảng Hy Lạp là tín hiệu tích cực với Nga. Sự thất bại của châu Âu trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp đang đối mặt cho phép Mátxcơva đưa ra những nghi ngờ về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay thậm chí là tính đoàn kết của châu lục này. Việc người dân Hy Lạp lựa chọn phương án "Không" đã tạo ra một ranh giới mới".
Mối quan hệ Nga - Hy Lạp ấm dần lên thời gian qua đã làm dấy lên những quan ngại tại châu Âu về việc Mátxcơva có thể sử dụng Athens như một "chú ngựa thành Troy" nhằm phá hoại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm thảo luận về "quá trình thúc đẩy hợp tác song phương", lãnh đạo Nga và Hy Lạp đã không nhắc tới đề xuất cứu trợ nào của Mátxcơva cho Athens. Và theo giới phân tích, Nga khó có khả năng đưa ra cứu trợ vào lúc này. Trong khi đó, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov hôm 8/7 đã nhấn mạnh rằng Mátxcơva hy vọng "Hy Lạp có thể đạt được thỏa thuận cần thiết với nhóm chủ nợ càng sớm càng tốt".
Tác động kinh tế
Trong khi đó, bất cứ tư tưởng hoan hỉ nào từ Mátxcơva về sự khó khăn của châu Âu hiện nay đều có thể bị kiềm chế bởi nguy cơ tác động tiêu cực nếu Hy Lạp rời khu vực eurozone. Theo đó, kinh tế Nga, quốc gia đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nếu Hy Lạp và các chủ nợ không tìm ra được giải pháp.
Bộ trưởng Kinh tế Nga, ông Alexei Ulyukayev đã thừa nhận rằng Nga đã "gián tiếp" bị tác động bởi cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, song những hậu quả mà Nga có thể phải gánh chịu sẽ không nghiêm trọng. Ông cho biết: "Tôi nghĩ các thị trường sẽ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, nếu Hy Lạp rời eurozone, đó không phải là tín hiệu tốt lành cho Nga. Một nền kinh tế châu Âu suy yếu không phải là điều mà nền kinh tế vốn đang mong manh hiện nay của chúng tôi chờ đợi".
Ngọc Anh
Theo Dantri/AFP
Hy Lạp đệ trình kế hoạch giải quyết khủng hoảng lên các chủ nợ Hãng tin Sputnik hôm 09-07 cho biết, theo Eurogroup, chính phủ Hy Lạp vừa gửi các đề nghị cải cách kinh tế có thể cho các chủ nợ quốc tế với hy vọng rằng có thể tránh phá sản và giúp tình trạng khủng hoảng của nước này được phục hồi. Theo phát ngôn viên của chủ tịch các bộ trưởng tài chính...