Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi
Ngày 16/1, Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trên toàn quốc, sau đợt tiêm đầu tiên cho hàng chục nghìn nhân viên trên tuyến đầu chống dịch.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho người dân tại Athens, Hy Lạp. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi Hy Lạp triển khai kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cùng với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12/2020, đến nay, hơn 75.000 nhân viên y tế và người sinh sống trong các trại dưỡng lão ở nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đặt mục tiêu sẽ tiêm phòng COVID-19 cho 2 triệu người vào tháng 3 tới trong tổng số khoảng 11 triệu dân của nước này.
Chiến dịch tiêm phòng được tiến hành trong bối cảnh Hy Lạp đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ tháng 11/2020 và dự kiến sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế phong tỏa từ ngày 18/1 tới, trong đó cho phép các cửa hàng bán đồ không thiết yếu được hoạt động trở lại do áp lực đối với hệ thống y tế của nước này đã giảm bớt. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 2/2020, đến nay Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng 147.860 ca mắc COVID-19, khiến 5.421 người tử vong.
Cùng ngày, Sebia đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất khi lô hàng chở 1 triệu liều vaccine của hãng này đã tới sân bay Belgrade. Như vậy, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine Sputnik V của Nga, vaccine của hãng Sinopharm là vaccine thứ 3 được quốc gia vùng Balkan này sử dụng. Theo quan chức y tế Serbia, việc tiêm phòng vaccine của Sinopharm có thể được bắt đầu vào ngày 17/1 hay 18/1.
Cho đến nay, khoảng 20.500 người ở Serbia, gồm những người sinh sống trong các trại dưỡng lão và nhân viên trong ngành y tế, đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Serbia có gần 370.000 người mắc COVID-19 và 3.700 người trong số này đã tử vong.
Tại Pakistan, Bộ trưởng Y tế nước này Faisal Sultan thông báo đã cấp phép sử dụng cho vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và đó là sản phẩm của hãng dược Astrazeneca. Cũng theo người đứng đầu ngành y tế Pakistan, hiện nước này đang trong tiến trình thảo luận mua vaccine của một số hãng sản xuất khác.
Kêu gọi hành động khẩn cấp đưa trẻ em ở các quốc gia nghèo nhất trở lại trường học
Ngày 12/1, tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế Save the Children đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giúp trẻ em ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới được trở lại trường học sau một thời gian dài nghỉ ở nhà do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trẻ em nhận thức ăn và nước uống cứu trợ sau vụ cháy trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 10/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Save the Children cho biết kinh phí để đưa trẻ em đi học trở lại chỉ vào khoảng 370 USD cho mỗi học sinh. Tổ chức cứu trợ có trụ sở ở London (Anh) đồng thời cảnh báo, cứ thêm một ngày trường học đóng cửa là nguy cơ bất bình đẳng càng gia tăng.
Trong nghiên cứu mới công bố về 59 quốc gia nghèo nhất thế giới như Uganda, Syria và Yemen, Save the Children đã tính toán chi phí trung bình của việc mở lại trường học trong môi trường an toàn phòng dịch cũng như dạy bù kiến thức cho học sinh. Theo đó, tổng chi phí cho 136 triệu trẻ em bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ước tính là 50 tỷ USD. Số tiền này dự kiến được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con em đang đi học, các lớp học bù, đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh trường lớp, đào tạo giáo viên cũng như các chiến dịch quốc gia nhằm khuyến khích trẻ em đi học trở lại. Save the Children cho biết sẽ ưu tiên những đối tượng nghèo và chịu thiệt thòi nhất như trẻ em gái, trẻ em tị nạn, phải di dời chỗ ở và trẻ em khuyết tật.
Trước đó, Save the Children đã nhiều lần kêu gọi hành động để hỗ trợ trẻ em tiếp tục đến trường bất chấp đại dịch. Giám đốc điều hành của Save the Children, Inger Ashing, cho rằng dịch COVID-19 là "trường hợp khẩn cấp về giáo dục lớn nhất từ trước đến nay". Riêng ở Uganda, hơn 13 triệu trẻ em đã phải nghỉ học kể từ tháng 3/2020 đến nay.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị nối lại đàm phán với Hy Lạp Ngày 11/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đã chính thức đề nghị Hy Lạp trong tháng này nối lại cuộc đàm phán về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi giữa hai nước ở Địa Trung Hải cũng như các vấn tồn đọng khác. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong cuộc họp...