Hy hữu: Cụ bà 83 tuổi cứu cả làng thoát chết trong mưa lũ ở Sơn La
Đó là chuyện về cụ bà Đinh Thị Ưa (83 tuổi), người dân tộc Mường, ở bản Thín, xã Tường Tiến, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trong giờ phút sinh tử lúc nửa đêm khi cơn lũ ập về ngày 10.10, bà đã đến từng nhà kêu mọi người dậy để chạy lũ.
Tuy tuổi đã cao nhưng giọng nói của bà Ưa vẫn khỏe khoắn, rõ ràng. Bà Ưa kể: Đêm 10.10, trời mưa rất to, đến nửa đêm vẫn không ngớt. Đêm đó, tôi không sao ngủ được, phần vì tiếng nước lũ ở suối Pưng nơi đầu nhà chảy ầm ầm, phần vì lo cho sự an nguy của người thân, dân bản. Trong nhà tôi lúc đó chỉ có 2 vợ chồng tôi và người con dâu đang ngủ say. Nếu lũ về bất ngờ thì cả cái bản có 14 hộ này dễ gặp nguy hiểm lắm.
Bà Định Thị Ưa tả cho phóng viên nghe về hành trình cơn lũ dữ quét qua con suối Pưng ngày 10.10 vừa qua.
Khoảng 12h đêm, bà Ưa ra sàn nhà xem lũ thì đã thấy nước lũ ngập đến chân cột nhà, bà vội vàng chạy vào trong nhà kêu con dâu dậy dọn đồ đạc đề phòng lũ. Rồi bà tiếp tục chống gậy, soi đèn pin chạy sang các nhà bên cạnh hô to: “Dậy đi, dậy đi… lũ về rồi”.
Nghe tiếng bà Ưa gọi, trong bản ai nấy đều hốt hoảng tỉnh dậy, chạy ra xem lũ. Chỉ 20 phút sau, nước lũ to từ đầu nguồn suối Pưng ập về. Vài phút sau ,nước ngập đến nửa người… Vậy là cả bản từ người già, trẻ nhỏ… ai nấy đều chạy ra khỏi nhà, lên chỗ khu vực đất cao để tránh lũ.
Riêng ngôi nhà của bà Ưa cùng toàn bộ tài sản của gia đình bà bị nước lũ cuốn đi hết ngay sau khi bà cùng người thân thoát lên một dải đất cao hơn. Tuy an toàn về người nhưng toàn bộ đồ đạc như xe máy, vật nuôi trâu, bò, lợn, gà… để dưới gầm sàn bị nước lũ cuốn trôi hết.
Video đang HOT
Bà Ưa cùng con cháu đang đi ở nhờ nhà khác vì nhà của bà đã bị cuốn trôi toàn bộ.
Ông Sầm Văn Ón, người cùng làng với bà Ưa nhớ lại: Đêm đó, cả 6 người trong nhà tôi đều đang ngủ, cứ nghĩ lũ chỉ nhỏ như mấy năm trước chứ không nghĩ lũ to thế này. Nghe thấy tiếng bà Ưa gọi, ai cũng tỉnh giấc, chạy ra ngoài xem thì lũ đã ngập đến chân cầu thang nhà sàn. Cả nhà tôi, ai cũng hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài, vừa chạy vừa kêu người khác chạy theo. May mắn người không bị sao nhưng toàn bộ tài sản, vật nuôi của chúng tôi đã theo cơn lũ ra sông Đà, giờ không biết phải làm sao nữa.
Mọi người trong làng đang làm lán tạm cho chị Đinh Thị Siện ở tạm.
Là người hoàn toàn trắng tay sau trận mưa lũ, chị Đinh Thị Siện buồn rầu nói: Lũ về nhanh quá. Nghe thấy bà Ưa gọi, tôi không kịp lấy gì, chỉ kịp chạy lấy người. Vừa ra khỏi nhà, nước đã ngập đến nửa người rồi, chỉ vài phút sau ngôi nhà cũng bị cuốn theo lũ. Nhà cửa, tài sản mất hết cả không biết sau này cuộc sống sẽ ra sao. May được mọi người giúp đỡ làm tạm cho một cái túp lều nhỏ, lợp bằng phông bạt ở tạm qua ngày.
Hiện nay, cả bản Thín đang sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn trăm bề, người mất nhà, mất tài sản, cái ăn, cái mặc phải lo từng bữa nhờ sự trợ giúp của mọi người trong làng. Tuy thế, nói về trận lũ dữ, ai cũng gật đầu: Không có bà Ưa đánh thức thì chắc nhiều người trong bản này chẳng còn đến hôm nay!
Theo Danviet
Mường Bang vẫn còn 50% học sinh chưa đến trường do mưa lũ
Đã gần 10 ngày trôi qua kể từ hôm xảy ra trận lũ lớn chưa từng có lại xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La (10.10) nhưng đến thời điểm này nhiều học sinh của Trường Trung học sơ sở bán trú dân nuôi Mường Bang vẫn chưa thể đến trường. Nước suối dâng cao, giao thông bị cô lập, các em không thể vượt suối để đến lớp.
Hơn 50% học sinh chưa đến lớp
Sau hơn 2h đi bộ trên con đường nham nhở đất, đá sạt sụt, dấu tích còn lại sau trận lũ lịch sử đêm 10.10 tại huyện Phù Yên, chúng tôi cũng đến được xã Mường Bang, xã cuối cùng của huyện Phù Yên vẫn bị cô lập hoàn toàn sau lũ. Nước lũ đã làm gián đoạn việc học tập của học sinh trong xã, nhiều bản xa trung tâm, các bậc phụ huynh chưa thể đưa con em vượt suối dữ đến trường. Gần 10 ngày sau trận lũ, mới chỉ có 50% số học sinh đến lớp, có những khối lớp nhà trường ghép 2 lớp thành 1 để tiếp tục giảng dạy cho học sinh nhưng sỹ số chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau gần 10 ngày, trận lũ lịch sử đi qua, xã Mường Bang, huyện Phù Yên vẫn bị cô lập hoàn toàn, dẫn đến việc các bậc phụ huynh chưa thể đưa con em đến trường
"Chúng tôi đã làm hết sức để vận động học sinh đến trường, nhưng do mưa trên địa bàn vẫn còn, nước tại các con suối vẫn lớn, chảy siết vì thế chưa thể đưa học sinh đến lớp. Nhà trường đã huy động các thầy cô giáo, vượt suối đến từng bản vận động học sinh đi học nhưng nước suối quá to, phụ huynh học sinh chưa yên tâm để con họ đến trường" thầy giáo Nguyễn Văn Toản, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Không chỉ nước suối lớn, mà hầu hết các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản vùng cao đều bị sạt lở nghiêm trọng, khiến các bậc phụ huynh không thể đưa con đến trường.
Để đến trường học sinh các bản vùng cao phải vượt qua nhiều suối, trong khi đó nước tại một số suối vẫn lớn, rất nguy hiểm đến tính mạng học sinh khi vượt suối đến trường
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, thầy Nguyễn Văn Toản cho biết: "Đến thời điểm này mới có khoảng 50% trên tổng số hơn 300 em học sinh của nhà trường đi học. Số học sinh đến lớp chủ yếu là học sinh các bản gần trường, còn các bản xa chúng tôi cố gắng vận động phụ huynh đưa con em đến trường càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em". Việc duy trì sỹ số của nhà trường sau lũ là nhiệm vụ rất khó, vì phụ huynh không yên tâm cho con em trở lại trường khi mà nước suối vẫn lớn, rất nguy hiểm đến tính mạng các em.
Có đến hơn 50% trong tổng số 314 học sinh của nhà trường chưa thể đến lớp (Trong ảnh: Một giờ học của khối lớp 6 chỉ có 9/61 học sinh đến lớp)
Không khí học tập tại các lớp cũng không sôi nổi như những ngày chưa lũ, cả khối 6 chỉ có 9/61 học sinh đến lớp. Cô giáo Cầm Thanh Vân, chủ nhiệm lớp 6a1 chia sẻ: "Chúng tôi đã làm hết sức để các em đến lớp, nhưng vẫn vắng rất nhiều. Để duy trì việc học tập của các em, nhà trường vẫn tổ chức dạy học, các khối lớp có số lượng học sinh ít thì tổ chức dạy ghép. Đồng thời lên kế hoạch để tổ chức dạy bù, bổ xung kiến thức cho các học sinh chưa thể đến trường vì mưa lũ".
Chính quyền giúp học sinh đến trường
Sau khi có báo cáo của nhà trường, chính quyền xã Mường Bang đã chỉ đạo cho các đoàn thể, cùng với nhà trường đưa đón học sinh đến trường. Với những bản xa, đi lại nguy hiểm, xã đã cử lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân cùng các thầy cô giáo tổ chức đưa đón các em qua suối.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Lê Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Mường Bang khẳng định: "Mặc dù xã đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi cơn lũ đi qua, hậu quả rất nặng về người và tài sản. Nhưng sau khi nghe nhà trường báo cáo, tôi đã chỉ đạo các lực lượng phói hợp với nhà trường để đưa, đón các cháu ở bản xa về ăn ở, tiếp tục học tập. Chúng tôi cũng động viên các bậc phụ huynh sớm cho con em đến lớp, dưới sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và lực lượng thanh niên của xã. Do nước tại các sông, suối vẫn lớn, phụ huynh không tự ý để con em một mình vượt suối đến trường, như thế rất nguy hiểm".
Được sự giúp đỡ của chính quyền, một số học sinh của các bản gần trường đã được đoàn thanh niên giúp đỡ đưa qua suối để đến trường học
Theo như thầy giáo Nguyễn Văn Toản, thì với sự giúp đỡ của xã và đoàn thanh niên, ngay trong tuần này, nhà trường sẽ huy động học sinh đến lớp đảm bảo sỹ số. Mưa lũ diễn ra bất thường, nhà trường sẽ tăng cường quản lý học sinh, không để các em đi tắm suối, tự ý về nhà khi chưa được sự cho phép của nhà trường hay có bố mẹ đến đón, để đảm bảo tính mạng cho các em.
Theo Danviet
Thủy điện Buôn Kuốp xây trạm cảnh báo lũ từ xa Việc vận hành thành công các trạm cảnh báo lũ từ xa qua sóng điện thoại di động của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khu vực hạ du. Không để người dân nơm nớp lo chạy lũ Đặc điểm vùng hạ du tại các nhà máy...