HVG, TTF, HAG: Gánh nặng nợ giảm, đường hồi sinh ra sao?
Những doanh nghiệp một thời sa lầy vào nợ vay như TTF, HVG, HAG đều đã tìm ra cửa thoát, tuy nhiên để hồi sinh được vẫn cần nỗ lực.
Gánh nặng nợ giảm
Một thời mải miết tăng vay nợ để chạy theo kế hoạch bành trướng nhiều doanh nghiệp như Gỗ Trường Thành (TTF), Hùng Vương (HVG), Hoàng Anh Gia Lai (HAG)… đã phải nhận trái đắng và vật lộn giải quyết hậu quả khi các khoản nợ đến hạn. Mỗi doanh nghiệp có cách giải cứu riêng. Có đơn vị kêu gọi đầu tư, có đơn vị bán tài sản để giảm nợ.
“Vua cá” Hùng Vương sau một thời gian điêu đứng vì nợ vay, nhờ việc mạnh tay bán công ty con, bán tài sản thì đến 30/9 đã giảm được nợ vay từ gần 7.750 tỷ về 3.260 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm được 4.128,7 tỷ và nợ dài hạn giảm 352 tỷ đồng.
Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) cuối năm 2017 nhờ huy động được 700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư và đàm phán với Tập đoàn Vingroup cùng công ty con Tân Liên Phát (chủ nợ lớn nhất) chuyển nợ thành khoản trả trước mà TTF đã giảm nợ vay mạnh từ 2.637 tỷ về 596 tỷ. Qua 9 tháng đầu năm nay, TTF tiếp tục giảm được nợ vay ngắn hạn từ 396 tỷ về 141 tỷ đồng, nợ vay dài hạn (vay cá nhân) duy trì 500 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường mới đây, ông Mai Hữu Tín – Tổng Giám đốc TTF – cho biết từ nay đến cuối năm sẽ bán một liên doanh trồng rừng để trả dứt điểm nợ. Sau khi trả hết nợ và ra khỏi danh sách nợ xấu, công ty có thể vay thương mại trở lại bình thường. Ngoài ra, TTF cũng lên kế hoạch hợp nhất với Công ty Sứ Thiên Thanh bằng phát hành 96,59 triệu cổ phiếu để hoán đổi, vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng lên 3.112 tỷ đồng. TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ liên doanh với một đơn vị nước ngoài sản xuất các sản phẩm sứ cao cấp.
Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) có gánh nặng nợ đang rất lớn nhưng từng bước giảm dần. Giai đoạn 2015-2016, nợ vay của công ty lên đến 27.000 tỷ nhưng tính đến cuối quý III năm nay đã giảm xuống 21.100 tỷ đồng.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, HAG cũng nhận được cam kết đầu tư từ CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) vào các công ty con. Cụ thể, Thaco đầu tư trực tiếp vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) và thông qua công ty con CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh vào HAGL Land, tổng vốn đầu tư lên đến 7.800 tỷ đồng. Đồng thời, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại khoản nợ vay khoảng 14.000 tỷ đồng, huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, đầu tư giai đoạn 2 vào dự án Myanmar.
Chặng đường hồi sinh
Với Hùng Vương, nhờ giảm nợ mà chi phí lãi vay công ty giảm đáng kể. Quý IV (1/7-30/9), chi phí lãi vay giảm từ 135 tỷ về 61,5 tỷ đồng và lũy kế cả năm giảm từ 506 tỷ về 351 tỷ đồng. Đồng thời, công ty có thêm nguồn thu phát sinh từ thanh lý khoản đầu tư vào công ty con lớn, 225 tỷ quý IV và 478 tỷ cho cả niên độ tài chính 2017-2018.
Theo đó, Hùng Vương ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 366 tỷ đồng riêng quý IV và 18,6 tỷ lũy kế cả năm cho dù bán công ty con (Thực phẩm Sao Ta và Việt Thắng) khiến doanh thu và lợi nhuận gộp giảm đáng kể.
Tuy nhiên, gánh nặng nợ đã khiến hoạt động kinh doanh của Hùng Vương bị chững lại. Trong bối cảnh thị trường tương đối thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thủy sản như Vĩnh Hoàn (VHC), IDI, Navico (ANV) tranh thủ giành thị phần và tăng trưởng xuất khẩu thì Hùng Vương đã nhiều tháng bị rớt khỏi tốp 5 đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất.
Với TTF, gánh nặng nợ đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ đậm trong 9 tháng đầu năm với 681,7 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản phải thu, đầu tư vào công ty con. Lỗ lũy kế tăng lên 2.088 tỷ, sắp vượt vốn điều lệ 2.146 tỷ đồng.
HAG ghi nhận doanh thu đang từng bước tăng trưởng nhưng chi phí tài chính vẫn tăng và chiếm trên 50% lãi gộp. Cứu cánh cho HAG trong 9 tháng đầu năm là nguồn thu tài chính lớn từ bán khoản đầu tư.
Như vậy, dẫu có điểm sáng khi giải quyết được phần nào gánh nặng nợ, các doanh nghiệp một thời sa lầy trên muốn hồi sinh còn cần nhiều nỗ lực. Điều quan trọng là doanh nghiệp làm thế nào để ổn định sản xuất kinh doanh, đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh lấy lại thị phần và tăng trưởng.
Ngọc Điểm
Theo ndh.vn
'Đại gia' thủy sản bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán
Từ ngày 7.11, cổ phiếu AGF của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Agifish) bị tạm ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu công ty thủy sản Agifish bị tạm ngừng giao dịch
TNO
Lý do bị tạm ngừng giao dịch là công ty này tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 3 năm nay. Bên cạnh đó, cổ phiếu AGF vẫn thuộc diện cảnh báo do năm tài chính 2017-2018 (kết thúc vào ngày 30.9) công ty bị lỗ hơn 187,3 tỉ đồng. Điều này đưa tổng mức lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên 282 tỉ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Agifish báo lỗ.
Trước đó trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm tài chính 2017-2018, đơn vị kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ về việc công ty chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi với số tiền gần 97 tỉ đồng và việc liên quan đến khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 31.3.2018 gần 258 tỉ đồng... Từ đó, công ty kiểm toán bày tỏ ý kiến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của AGF.
Giải trình về điều này, Agifish cho rằng qua quá trình đàm phán với khách hàng thì khoản nợ trên có khả năng thu hồi, đồng thời cho rằng công ty đang thực hiện giảm bớt các vùng nuôi có hoạt động nuôi trồng không hiệu quả để giảm gánh nặng nguồn vốn lưu động và sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế hiện tại...
Cổ đông lớn nhất của Agifish hiện nay là Công ty cổ phần Hùng Vương với tỷ lệ sở hữu 80%. Ông chủ của Công ty cổ phần Hùng Vương là ông Dương Ngọc Minh từng được xem là "vua cá tra" của Việt Nam và hiện cũng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Agifish.
Agifish trước đây được biết đến là công ty có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Có thời điểm như năm 2007, cổ phiếu AGF luôn "hot" và tăng lên hơn 150.000 đồng/cổ phiếu. Mức thua lỗ của Agifish đã kéo từ liên tục từ năm 2015 đến nay. Khi bắt đầu thâu tóm đơn vị này, Công ty Hùng Vương tỏ rõ nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như tối đa hóa hiệu quả đầu tư của hai doanh nghiệp. Thế nhưng tình hình kinh doanh lại ngày càng đi xuống và hiện nay, giá cổ phiếu AGF chỉ còn 5.330 đồng/cổ phiếu.
Theo thanhnien.vn
Động thái 'lạ' của cổ đông ngoại khi gom cổ phiếu Vinamilk Gần cả chục lần không mua thành công nhưng quỹ đầu tư ngoại đến từ Singapore vẫn miệt mài gom cổ phiếu Vinamilk. Quỹ ngoại liên tục điệp khúc đăng ký mua và không mua được cổ phiếu Vinamilk ĐẬU TIẾN ĐẠT Giá cổ phiếu Vinamilk từ mức trên 200.000 đồng đến nay còn dưới 130.000 đồng nhưng quỹ ngoại vẫn không mua...