Huỳnh Thanh Trực: “Tôi giữ thói quen xin tiền mẹ vì muốn có cảm giác mắc nợ…”
Từng được biết đến qua webdrama hài, gameshow truyền hình với hình ảnh năng động trẻ trung, Huỳnh Thanh Trực “lột xác” với vai chính trong phim “ Rừng thế mạng”. Chia sẻ với Dân Việt, nam diễn viên thừa nhận bản thân có sự thay đổi rõ rệt về quan điểm sống khi tham gia bộ phim.
Huỳnh Thanh Trực sinh năm 1995 từng được biết đến với ngôi vị Á quân chương trình Gương mặt điện ảnh vào năm 2017. Ảnh: NVCC
Huỳnh Thanh Trực sinh năm 1995 từng được biết đến với ngôi vị Á quân chương trình Gương mặt điện ảnh vào năm 2017. Anh từng học tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và Nhạc viện TP.HCM. Mặc dù bản thân có tố chất hài nhưng anh vẫn chọn con đường trở thành diễn viên điện ảnh đầy chông gai.
Huỳnh Thanh Trực được biết đến qua những bộ phim “Cuộc phẫu thuật nhân tâm”, “Bình minh bên em”, “Nhà trọ có quá trời phòng”, “Chị em Sò Lụa”… Sự duyên dáng của Huỳnh Thanh Trực trên màn ảnh đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, thu hút hàng ngàn lượt theo dõi trên mạng xã hội.
Huỳnh Thanh Trực vào vai Kiên trong bộ phim đang chiếu rạp “Rừng thế mạng”. Được biết, đây là một vai diễn “khó nhằn” về tâm lý lẫn thể xác. Bởi, Kiên là một phượt thủ, bị lạc mất đoàn trong một lần khám phá rừng ở Tà Năng – Phan Dũng và anh bị chấn thương ở chân. Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để có được thức ăn, nước uống và duy trì sự sống từng ngày, Kiên đã phải bất chấp ăn cả đồ sống để vượt qua cơn đói.
Có thể nói bộ phim “Rừng thế mạng” là phim điện ảnh đầu tiên về đề tài sinh tồn trên màn ảnh Việt. Được biết, bộ phim lấy cảm hứng từ chính chuyến đi của đạo diễn Trần Hữu Tấn trên khắp các cung đường của Việt Nam.
Huỳnh Thanh Trực tự nhận mình khác với diễn viên khác là chủ động tìm vai bất kể lớn – nhỏ, đâu là lý do để anh đưa ra lựa chọn này?
- Trước đây, mọi người biết tôi qua những webdrama hài và những gameshow, còn bây giờ là những vai diễn đặc sắc hơn. Vì tôi tin một diễn viên nếu có thực lực và đam mê, biết tiến và lùi hợp lý sẽ gặt hái được thành công nhất định. Vai Kiên trong phim “Rừng thế mạng” là vai diễn điện ảnh đầu tiên sau khi tôi tạm dừng tất cả các hoạt động nghệ thuật một thời gian để trau dồi những điều bên trong mình. Ví dụ như tập thể thao, học tập, quan sát cuộc sống.
Khi đạo diễn gọi điện mời tôi đi casting nhưng không phải để casting phim mà là casting thể lực. Sau những chuyến đi thực tế cùng nhau thì đạo diễn quyết định giao vai cho tôi. Tôi cũng bỡ ngỡ lắm nhưng tôi tin mình làm được.
Tôi có khoảng 6 tháng để hóa thân vào nhân vật bằng cách nghiền ngẫm kịch bản, tập luyện nét diễn. Sau đó, tôi có 4 tháng để tập thể lực cho gầy đi nhưng vẫn có cơ bắp để ngoại hình gần giống nhân vật. Trong 4 tháng đó tôi không liên lạc với người thân, sống một mình để có cảm giác cô lập thì sẽ ra sao.
Ngoài ra, những lần đi gặp đạo diễn, biên kịch, anh em trong đoàn phim, tôi không được mang tâm trạng Huỳnh Thanh Trực mà phải là Kiên. Vì đạo diễn là một người yêu cầu rất cao, anh luôn đòi hỏi các diễn viên là nhân vật ngay những thước phim đầu tiên. Thế nên tôi khá áp lực. Tôi biết mọi người thường bị ám ảnh sau khi đóng phim còn tôi thì ngược lại, tôi thoát vai ngay, tôi bị ám ảnh từ khi chuẩn bị đến suốt quá trình quay phim.
Huỳnh Thanh Trực được biết đến qua những bộ phim “Cuộc phẫu thuật nhân tâm”, “Bình minh bên em”, “Nhà trọ có quá trời phòng”, “Chị em Sò Lụa”. Ảnh: NVCC
Huỳnh Thanh Trực làm thế nào để có sự ám ảnh và nhập vai đầy gian khổ như thế?
- Tôi quan sát cuộc sống của mình, đối chiếu hoàn cảnh của tôi với phượt thủ, hoặc những sinh viên xem họ có tính cách như thế nào, tôi học hỏi thêm từ sách vở, bên cạnh đó không thể thiếu vốn sống thực tế. Tôi nhớ một khoảng thời gian chừng một tháng, chiều ngày nào tôi cũng bắc ghế ra ban công ngồi nhìn xuống đường.
Nơi tôi ở là một chung cư còn khá thưa người nên cuộc sống của mọi người còn chưa nhộn nhịp. Tôi quan sát 1, 2 người cụ thể, mỗi ngày họ làm 1, 2 việc luân phiên với tâm trạng khác nhau ra sao. Có thể nói cuộc sống của mọi người mà tôi quan sát được có thể gọi là thầy của tôi.
Tôi còn có sự giúp sức từ thầy Hữu Tiến. Những lúc khó hiểu điều gì trong diễn xuất, những khi mất niềm tin vào chính mình với câu hỏi “tôi có thể diễn được hay không?”. Tôi lại hỏi thầy tôi là đạo diễn Hữu Tiến và thầy cho tôi những lời khuyên tốt, giúp tôi vượt qua sự ám ảnh.
Theo tôi sự ám ảnh là điều tốt vì nhờ đó tôi có thể phát triển con người mình làm sao hóa thân thành nhân vật chân thật nhất. Để hoàn thành vai Kiên trong phim “Rừng thế mạng”, bên cạnh đạo diễn, nhà sản xuất tôi còn học được nhiều từ các thầy như thầy Hữu Châu, thầy Hữu Tiến và mẹ tôi… tất cả mọi người cho tôi cảm xúc để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật.
Những cảnh ám ảnh nhất trong phim và có cascadeur (diễn viên đóng thế – PV) đóng thay cho Huỳnh Thanh Trực không?
- Tôi bị ám ảnh trong quá trình quay phim vì tôi chưa bao giờ trải qua tất cả những điều đó. Nhưng khi tìm hiểu về Kiên, tôi hiểu rằng 1 năm qua tôi dừng lại thì phải có những bài học gì áp dụng vào nhân vật. Tôi vận dụng bằng hết những gì đã biết, đã học vào Kiên và từ đó sự hy sinh cho nhân vật trở thành niềm hạnh phúc và tự hào của tôi. Khi tôi lăn dưới bùn sình, ăn ếch sống, ăn cỏ dại…
Khi nhân vật ở trong rừng đói khát dài ngày gặp nguồn thức ăn tạm gọi là protein thì nhân vật sẽ ăn ngay. Cũng có cascadeur nhưng đạo diễn muốn diễn viên tự thực hiện, cascadeur chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn sức khỏe cho dàn diễn viên trước và sau cảnh quay thôi.
Huỳnh Thanh Trực vào vai Kiên trong bộ phim đang chiếu rạp “Rừng thế mạng”. Được biết đây là một vai diễn “khó nhằn” về tâm lý lẫn thể xác. Ảnh: NVCC
Huỳnh Thanh Trực chia sẻ từng có một thời gian ngưng hoạt động nghệ thuật. Lý do gì khiến anh tạm gác lại đam mê?
- Tôi không ngưng hoạt động nghệ thuật để làm công việc khác mà để trau dồi thêm về diễn xuất của mình. Vì lúc đó tôi thấy mình diễn chưa hay. Đơn giản là vậy! Tôi là người thích xem phim nên ấn tượng các diễn viên có diễn xuất tự nhiên chân thật, những hoàn cảnh đa dạng trong cuộc sống. Tôi cầu toàn trong cuộc sống.
Tôi nghĩ trong khoảng thời gian đó tiền dành dụm không đủ sống thoải mái nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu. Tôi nghĩ khi mình tập trung trau dồi bản thân thì lúc trở lại tôi sẽ diễn chân thật với một tâm thế khác. Tôi may mắn có mẹ là hậu phương luôn làm đồ ăn ngon cho tôi. Sau này, tôi vẫn luôn giữ thói quen về nhà xin đồ ăn của mẹ, xin mẹ tiền, tất nhiên là ít thôi, 10 ngàn bơm xe, 50 ngàn đổ xăng… vì lý do tôi muốn được có cảm giác mắc nợ mẹ.
Sau tất cả thì Huỳnh Thanh Trực đã trưởng thành và thay đổi ra sao?
- Phim quay hơn 1 tháng với quá nhiều cảnh táo bạo và chờ đợi 2 năm để phim ra rạp khiến tôi thấy mình trưởng thành hơn. Tôi tập được tính kiên trì hơn, ngày xưa tôi nóng tính, bồng bột lắm.
Nay tôi nhìn nhận mình ở góc độ khác hơn và đã chịu khó tìm hiểu. Tôi không phải là diễn viên bản năng, cũng không phải ra phim trường để diễn, mà tôi đã sống cùng nhân vật. Tôi thấy mình đang làm đúng với đam mê và thật sự tôi có chút tự hào về bản thân khi mạo hiểm hy sinh như thế để hoàn thành vai diễn.
“Tôi vẫn luôn giữ thói quen về nhà xin đồ ăn của mẹ, xin mẹ tiền, tất nhiên là ít thôi, 10 ngàn bơm xe, 50 ngàn đổ xăng… vì lý do tôi muốn được có cảm giác mắc nợ mẹ”, Huỳnh Thanh Trực chia sẻ. (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, tôi thấy mình thay đổi là chịu khó tĩnh lại quan sát cuộc sống của chính mình. Sau khi ra trường tôi chỉ có sách và cuộc sống làm bạn nên tôi chịu khó nhìn ngắm cuộc sống để cảm nhận tinh thần lạc quan và sự sống đang vận hành. Tôi thấy bộ phim thay đổi lớn với tôi chính là khiến tôi biết yêu cuộc sống của mình, biết yêu thiên nhiên trong thành phố. Tôi thấy cần gìn giữ thiên nhiên, tránh rác thải, yêu động vật hơn… Tất cả những hành động đó giúp tôi có nhiều năng lượng hơn.
Sau thời gian ảnh hưởng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chờ phim, chờ vai diễn quá lâu có ảnh hưởng như thế nào đến Huỳnh Thanh Trực?
- Dịch bệnh gây ra áp lực cho tất cả mọi người. Tôi thấy may mắn sau phim “Rừng thế mạng” tôi có thêm phim “Chuyện ma gần nhà”. Đây là phim với tâm huyết lớn của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Ngô Hoàng Quân. Hai anh đã tin tưởng giao chính cho tôi, hai vai rất khác nhau. Tôi tin mình mang lại giá trị tốt nhất qua những vai diễn đầy thử thách. Đồng thời tôi mang những góc nhìn khác trước đây về Huỳnh Thanh Trực cho mọi người.
Cảm ơn những chia sẻ của Huỳnh Thanh Trực!
Bi kịch của nạn nhân bị bạo hành ở phim Việt ngoài rạp - Rừng Thế Mạng
Ngoài nội dung sinh tồn, tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn gây bàn tán khi giới thiệu một nhân vật chính khó ưa, cư xử cộc cằn, do hậu quả từ bạo hành gia đình, từ khoá rất nóng gần đây.
Sau gần 2 tuần ra mắt, nhân vật Kiên của Rừng Thế Mạng khiến nhiều khán giả đi từ bất mãn đến cảm thông sau khi xem xong vì bộ phim vừa hay khai thác một đề tài bạo hành đang gây phẫn nộ.
Trước đó, phim được biết đến với câu chuyện chàng phượt thủ Kiên (Huỳnh Thanh Trực) bị lạc trong rừng Tà Năng - Phan Dũng. Để đấu tranh sinh tồn, anh vượt qua đói khát, chấn thương lẫn nỗi sợ tâm lý. Phim này độc đáo ở cách xây dựng nam chính lệch chuẩn. Nửa đầu phim, anh chàng hiện lên với vẻ cô độc, cộc cằn với bạn bè và hay gây gổ với người dẫn đường. Kiên là tâm điểm mọi vụ cãi nhau trong đoàn và gián tiếp gây ra bi kịch cho mình lẫn Bách (Trần Phong).
Đến nửa sau phim, người xem dần hiểu hơn về Kiên qua những thước phim về quá khứ của anh. Anh chàng lầm lì này hóa ra là một nạn nhân của bạo hành gia đình suốt nhiều năm, dẫn đến tính cách khó gần. Kiên từng bị bố mình (Hữu Châu) đánh đập, mắng nhiếc, chứng kiến người mẹ mà mình yêu thương nhất qua đời. Nói cách khác, chính sự bạo hành gia đình mới là "kẻ phản diện" thật sự trong phim, vì nó khiến Kiên uất ức, gây lắm chuyện rắc rối cho nhóm bạn phượt, dẫn đến việc Bách mất tích và chính Kiên phải đi tìm rồi bị lạc.
Kiên của Rừng Thế Mạng là một kẻ đáng thương: bị bạo hành, lòng chất đầy tổn thương. Chuyện bạo hành trong Rừng Thế Mạng được khắc họa theo kiểu cả người bạo hành thiếu nhận thức hành vi. Bố của Kiên thực chất không phải người xấu, mà ông có điểm chung của hầu hết phụ huynh Việt Nam: xem đánh mắng, chửi con cái là để dạy con, không nghĩ thế là tổn thương đứa trẻ. Ngoài ra, những cơn say xỉn khiến ông không còn là chính mình. Kiên bị bạo hành cả về mặt thể xác và tinh thần. Bên cạnh đòn roi, việc bị bố bạo hành tâm lý cũng để lại những vết sẹo cho anh, khi hay bị bố sỉ nhục là "thằng đàn bà".
"Đứa trẻ bên trong" là một từ được nhắc đến nhiều gần đây. Đó là tên gọi cho bản chất nguyên thủy của con người, sự tổng hợp của tất cả ký ức đã qua như một đứa bé trong tiềm thức. Nếu sinh ra trong gia đình êm đềm, "đứa trẻ bên trong" của bạn dễ hạnh phúc. Ngược lại, đứa trẻ đó sẽ mang nhiều cảm xúc tiêu cực, thậm chí đen tối, có khuynh hướng hủy hoại. Trong phần lớn thời gian, chúng ta không nhận ra sự tồn tại của đứa trẻ này, cũng như quên mất những vết sẹo tâm lý đã định hình mình.
Trở lại với bộ phim, Kiên luôn mang cảm giác mất tự tin vào bản thân, bị thua thiệt trong chuyện tình cảm là do ám ảnh từ nhiều lần bị bố tấn công tinh thần. Chỉ cần thấy Bách thân với Khanh (bạn gái Kiên, Thùy Anh đóng) là Kiên đã khó chịu. Dù Kiên không nhận ra, đứa trẻ bên trong đã trỗi dậy và kéo anh trở về với bao ký ức đen tối của ấu thơ.
Ở cao trào của phim, khán giả được biết mẹ Kiên qua đời do không chịu nổi những sự tra tấn tâm lý lẫn thể xác từ chồng. Cảm giác đau đớn đó hẳn đã ùa về, gợi ra trong Kiên sự tương đồng khi anh thấy mình dường như lại sắp mất một người phụ nữ quan trọng khác. Hành trình sinh tồn trong rừng dường như là một cuộc thanh tẩy với Kiên khi anh nhớ về và đối mặt với những tổn thương trong quá khứ. Những cú sốc về thể chất tạo ra một trạng thái đủ mạnh để Kiên có thể nhìn nhận chính xác những vấn đề của mình, và sinh tồn giữa cuộc đi lạc trong thực tế lẫn trong tâm hồn.
Vấn đề của Kiên khá gần gũi nhiều người ngày nay: khép kín và không dám nói ra tâm sự của mình, hoặc ẩn giấu quá nhiều vết thương. Khi trưởng thành, ta được dạy rằng phải nề nếp kiểm soát hơn, đừng bộc lộ quá nhiều cảm xúc thật. Nhiều người cố tỏ ra bình thường, né tránh các vấn đề đang phải chịu đựng. Tuy nhiên, những ẩn ức đó vẫn tồn tại, chi phối cách cư xử của họ hàng ngày. Nếu hố đen của ai đó quá lớn, họ sẽ vô tình làm ảnh hưởng xấu đến cả những người xung quanh.
Một trong những cảnh đơn giản mà xúc động nhất phim chính là khi Kiên gọi ba mình ở đoạn cuối. Chỉ một tiếng "Ba.." là đủ thể hiện sự tha thứ và hàn gắn của Kiên. Ở đoạn kết, chúng ta dường như thấy một sinh mạng mới của anh, sau cái chết của "bản thể" cũ trong rừng. Can đảm nói ra, đối diện với nỗi đau của chính mình là một giải pháp cho người từng bị bạo hành trong quá khứ. Sự đối mặt này thường rất khó chịu, thậm chí đớn đau ban đầu, nhưng có thể sẽ giúp những người bị tổn thương nhìn nhận được vấn đề của mình, từ đó tìm được cách chữa lành. Khi nhận thức xã hội đang ngày càng được nâng cao, bạo hành gia đình chắc chắn sẽ là chủ đề được quan tâm, giáo dục đầy đủ hơn để tránh xảy ra những trường hợp bi kịch, hay bạo hành trong vô thức. Tuy nhiên, từ trước đó, mỗi chúng ta đều có thể giúp mình bằng cách chủ động tìm cách hiểu được các cảm xúc của bản thân, chủ động đối thoại, giãi bày để tránh những sự hiểu lầm.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: Trong Rừng Thế Mạng, Kiên cũng mang theo vài phần tính cách của tôi khi bốc đồng, mặc cảm, tổn thương. Tôi nghĩ đôi lúc muốn người khác tin câu chuyện mình kể, thì phải kể câu chuyện của chính mình!
Trailer Rừng Thế Mạng
Rừng Thế Mạng đang chiếu tại rạp.
Hành trình ma đưa lối, quỷ dẫn đường vào Rừng Thế Mạng vốn được cảnh báo từ đầu? Là 1 trong những phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam, cách kể chuyện gợi mở khiến câu chuyện của Rừng Thế Mạng trở nên vô cùng ám ảnh. Sau Bắc Kim Thang, đạo diễn Trần Hữu Tấn làm phim thứ hai là Rừng Thế Mạng - phim thuộc thể loại sinh tồn kèm kinh dị tâm lý giật gân quay tại...