Huyết áp lúc ổn, lúc trở chứng, có nên uống thuốc?
Hai năm nay tôi đã bị vài cơn “tăng xông”, có lần phải vào viện. Vừa rồi khám sức khỏe tôi có đề nghị được kê thuốc huyết áp nhưng bác sĩ nói huyết áp tôi 12/8 không cần dùng thuốc, vậy là sao?
Ảnh minh họa
Bạn đọc Trần Văn Ngọc (nam, 50 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM), hỏi: Trong vòng 2 năm, tôi đã 5 lần bị vào cơn cao huyết áp , có lần nằm nghỉ một hồi mới bớt, có lần phải đi viện, có khi khỏe sớm, cũng có lần mệt đến vài ngày. Vừa rồi nhân dịp đi khám sức khỏe tổng quát, tôi có nói luôn với bác sĩ là cho tôi thuốc cao huyết áp dùng hàng ngày (tôi thấy anh trai tôi cũng có dùng) nhưng bác sĩ bảo huyết áp của tôi 12/8 là bình thường, nên không cần dùng. Vậy lỡ tôi bị thêm cơn “tăng xông” nữa thì sao? Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào anh, trong thư anh không nói rõ trong 5 lần anh bị cao huyết áp mức độ là bao nhiêu, tăng huyết áp khi nào nên khá khó để khẳng định ngay là anh cần dùng thuốc gì hay không. Nhưng tôi có lời khuyên rằng dù 5 lần đó anh chỉ bị nhẹ rồi khỏi, cũng nên có sự đề phòng và thay đổi lối sống.
Huyết áp của anh khi đi khám sức khỏe là 12/8, tức 120/80 mmHg, là mức bình thường. Tuy nhiên, anh vẫn có thể bị tăng huyết áp cao hơn khi vận động, làm việc gắng sức, nóng giận, sau khi ăn thứ gì đó quá mặn, dùng nhiều rượu bia… Một số trường hợp huyết áp bất ngờ tăng nhưng không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, một số bệnh lý cũng có thể kéo theo các đợt tăng huyết áp. Dù là vì lý do gì và dù sau đó huyết áp của anh trở lại mức bình thường, những đợt tăng huyết áp vẫn nguy hiểm.
Vì vậy, anh cần đến chuyên khoa tim mạch, khai rõ những tình huống bị tăng huyết áp (tăng đến mức nào, tăng khi vận động, khi nóng giận hay lúc đang nghỉ ngơi), đề nghị theo dõi Holter huyết áp 24 giờ (máy đo và ghi lại huyết áp liên tục trong 24 giờ).
Anh cũng cần tầm soát các yếu tố nguy cơ: xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, bệnh lý thận, mạch máu thận, bệnh lý nội tiết,… để chẩn đoán chính xác và được điều trị phù hợp.
Để đề phòng những cơn tăng huyết áp thỉnh thoảng xảy ra trở thành bệnh cao huyết áp mạn tính, anh không nên ăn mặn, cần hạn chế rượu bia, tập thể dục thường xuyên, tránh tăng cân. Nếu anh là người nóng tính, nên tập kiểm soát bản thân vì nóng giận quá độ cũng có thể dẫn tới cơn cao huyết áp nguy hiểm.
Sau này, nếu gặp phải các triệu chứng nghi ngờ là vào cơn cao huyết áp như đau đầu kèm theo mờ mắt, buồn nôn, đau tức ngực, cảm thấy yếu nửa người…, anh cần phải vào viện kiểm tra ngay. Nếu chỉ bị đau đầu nhưng không rõ nguyên nhân, kéo dài thì cũng phải đi khám bệnh.
Video đang HOT
Anh Thư
Theo Người lao động
7 bước nhanh gọn giúp bạn khám sức khoẻ tổng quát miễn phí ngay tại nhà
Các bác sĩ luôn khuyên bạn hãy là bác sĩ của chính mình, vì chỉ có bản thân mới có thể lắng nghe và hiểu trạng thái cơ thể mình chuẩn xác nhất. Bởi vậy, nếu chưa có điều kiện đến phòng khám thì bạn có thể áp dụng các bài kiểm tra sức khoẻ dưới đây.
Khám tổng quát sức khoẻ tổng quát định kỳ sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh tật tốt nhất. Vì một khi bệnh đã tiến triển thì việc chữa trị sẽ phức tạp hơn nhiều. 7 mẹo sau đây sẽ giúp bạn đánh giá sơ bộ sức khoẻ của mình:
1. Nhãn khoa: khám mắt
Nhắm một mắt lại và lùi về phía sau 3-5 bước, sau đó bạn hãy nhìn vào màn hình đang mở hình vẽ này.
Nếu bạn nhìn thấy một số đường tối hơn những đường nét khác thì nên đi khám bác sĩ nhãn khoa vì có khả năng mắc chứng loạn thị.
2. Khoa nội thần kinh: Khả năng linh hoạt
Để thực hiện bài kiểm tra này, bạn ngồi trên sàn nhà, kéo chân ra trước mặt mình và cố dùng các đầu ngón tay chạm vào bàn chân.
Nếu có thể làm điều này một cách dễ dàng thì bạn đang sở hữu một cơ thể tuyệt vời. Còn ngược lại, khi gặp khó khăn, bạn nên tập yoga, pilates hoặc bơi lội để cải thiện tính linh hoạt của cơ thể và tránh làm suy yếu các khớp.
3. Khoa tim mạch
Để có kết quả chính xác thì ngay trước đó bạn không được vận động quá sức như leo cầu thang hay mang vật nặng. Ngồi yên tĩnh trong 5 phút, sau đó bạn đặt 4 ngón tay vào mặt trong của cổ tay, tìm vị trí có mạch đập.
Việc cần làm là đếm số nhịp đập trong một phút. Đối với người lớn và trẻ em trên 10 tuổi, 60-100 nhịp đập mỗi phút được coi là bình thường.
Nếu số nhịp đập ít hơn hoặc nhiều hơn thì có thể bạn đang gặp vấn đề về huyết áp (cao hoặc thấp). Khi thấy điều bất thường này, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
4. Da liễu
Đổ một ít nước lạnh vào ly, nhúng ngón tay trong 30 giây. Nếu các đầu ngón tay của bạn chuyển sang màu trắng hoặc xanh lam, bạn có vấn đề về lưu thông máu.
Sự giảm nhiệt độ đáng kể có thể gây ra sự co thắt của các mạch máu cung cấp cho ngón tay, ngón chân, mũi và tai. Do đó, những bộ phận này không có đủ lượng máu và bị tê liệt. Bạn nên tránh thay đổi nhiệt độ.
5. Khoa hô hấp
Bật một que diêm và đưa nó ra xa trước mặt bạn. Sau đó, bạn hít thở sâu qua mũi rồi tới miệng, cố gắng như thổi ngọn lửa.
Bạn nỗ lực bao nhiêu để thổi tắt ngọn lửa? Nếu cần nhiều sức thì có thể bạn bị suy yếu hệ thống hô hấp, nguyên nhân do hút thuốc, không tập thể dục hoặc bệnh mãn tính đường hô hấp.
6. Khoa tiết niệu: Trữ nước
Nhấn bàn chân xuống sàn hoặc dùng ngón tay cái ấn xuống chân, nếu thấy vết lõm trên bàn chân không đàn hồi về như lúc đầu thì có khả năng bạn đang bị trữ nước. Bạn nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống và tránh các sản phẩm chế biến sẵn.
7. Khoa nội tiết: Bệnh tuyến giáp
Hãy nhắm mắt lại, đưa hai ngón tay ra hai bên và yêu cầu người nào đó đặt một tờ giấy mỏng vào tay bạn. Nếu mảnh giấy bắt đầu rung lên cùng với ngón tay, đã đến lúc bạn nên đi gặp một chuyên gia nội tiết.
Những cách kiểm tra này không phải là cơ sở cho việc chẩn đoán và chúng có thể liên quan đến nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng trên, đó là dấu hiệu cơ thể bạn đang "trục trặc", bạn không nên chủ quan với sức khỏe của mình. Bạn nên đi khám bác sĩ trong thời gian nhanh nhất có thể.
Theo phunugiadinh/Bright Side
Thấy con cứ sụt cân sau khi sinh dù vẫn cho bú đầy đủ, bà mẹ bất ngờ khi biết nguyên nhân Người mẹ mặc dù đã rất tích cực cho con bú mẹ ngay từ sau khi sinh nhưng bé vẫn không thể tăng cân, thậm chí sụt cân trong suốt 1 tháng đầu sau sinh. Con gái sụt cân sau khi sinh 1 tháng mặc dù được bú mẹ đầy đủ Chị Jordan Talley, 25 tuổi đến từ Kentucky (Mỹ) vừa mới sinh...