Huyết áp cao sẽ khiến đàn ông ngại “yêu”?
Tôi năm nay ngoài 40 tuổi, vài tháng gần đây tần suất và ham muốn “chuyện ấy” của tôi giảm hẳn. Tôi giấu vợ và đi khám bệnh, bác sĩ cho biết tôi mắc chứng bệnh huyết áp cao. Vậy đó có phải là nguyên nhân khiến chuyện chăn gối của tôi suy giảm?
ảnh minh họa
Huyết áp cao là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng và đang có xu hướng gia tăng số người mắc. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Theo đánh giá gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp đang trở thành căn bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, khi số người mắc gia tăng nhanh chóng. Đối với Việt Nam, kết quả điều tra mới nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh thành cho thấy tình trạng đáng báo động, khi tỷ lệ mắc tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị mắc căn bệnh này.
Theo các chuyên gia, đối với đàn ông, huyết áp cao sẽ làm cho các thành mạch trở nên xơ cứng, giảm khả năng đàn hồi trong đó có thành của các thể hang của dương vật. Điều này làm cho lượng máu dồn về các ống mạch của dương vật yếu đi, làm giảm khả năng cương cứng. Nếu huyết áp cao không được phát hiện và điều trị kịp thời, lâu dài nó sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc của mạch máu, làm xơ vữa động mạch, hạn chế lưu lượng máu.
Do đó, lượng máu chảy đến dương vật ít. Trong khi đó, lưu lượng máu giảm gây khó khăn cho việc đạt được và duy trì sự cương cứng. Đây thường được gọi là rối loạn chức năng cương dương, gây ra sự lo lắng, bất ổn trong tâm lý, khiến người đàn ông ngại, không muốn quan hệ tình dục, sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn tình. Ngoài ra, huyết áp cao làm cho việc xuất tinh khó khăn, giảm ham muốn tình dục. Đối với những người dùng thuốc để điều trị bệnh huyết áp cao cũng có thể bị ảnh hưởng đến “chuyện ấy”. Quan hệ tình dục đạt cực khoái sẽ làm cho tim đập nhanh, huyết áp tăng, vì vậy, sau khi quan hệ tình dục xong khoảng 20-30 phút, bạn nên uống thuốc hạ huyết áp. Còn chuyện bạn giấu vợ về tình trạng của mình là không nên, vì sớm muộn gì cô ấy cũng sẽ biết. Sự lừa dối hay né tránh nhiều khi để lại những hiểu lầm đáng tiếc trong cuộc sống. Do vậy, hãy nói chuyện thẳng thắn với vợ, biết đâu cô ấy có thể giúp bạn đẩy lùi bệnh tật, củng cố hạnh phúc lứa đôi.
Biện pháp ngăn ngừa huyết áp cao – Yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ này thì hãy thường xuyên đo huyết áp, trường hợp cao huyết áp có tính hệ thống thì nên đi khám. – Giảm stress: Khi bị stress khiến tim đập nhiều hơn, bơm lượng máu nhiều hơn. Nếu stress tiếp diễn trong thời gian dài thì sự căng thẳng kinh niên này làm cho các mạch máu bị hỏng và chứng cao huyết áp trở thành mãn tính. – Giảm các loại chất kích thích: Uống rượu mạnh hàng ngày sẽ làm huyết áp tăng thêm 5-6mmHg/năm. Các thành phần của khói thuốc lá khi vào máu sẽ gây co thắt mạch máu. Ngoài ra, hút thuốc lá sẽ làm tăng tình trạng thiếu oxy của mô não và đại não. Nên bỏ dần thói nghiện rượu và thuốc lá. Với người bị cao huyết áp chỉ được phép uống tối đa 60ml rượu mạnh/tuần và 200g rượu vang. Đối với cà phê và trà đặc cũng nên hạn chế dùng 1 tách/ngày. Với phổi thì ngay cả một lượng nhỏ nicotin và cũng gây hại. – Giảmcân: Thừa cân là một yếu tố khá quan trọng. Những người có trọng lượng cơ thể lớn sẽ bị rối loạn chuyển hóa chất béo, mạch máu mất tính đàn hồi, làm cho chúng bị mòn và bị ảnh hưởng bởi chứng xơ vữa động mạch. Theo dõi cân nặng, năng vận động thể chất và có chế độ dinh dưỡng ít ca lo là cách tối ưu… – Không ăn mặn: Ăn mặn gây tình trạng thừa muối gây giữ nước trong cơ thể, dẫn đến chứng phù nề các cơ quan và các mô dẫn đến bệnh tim mạch.
Biểu hiện của bệnh cao huyết áp – Đau đầu, có cảm giác đầu bị thít chặt, cứng ở gáy; chóng mặt; – Tim đập yếu hoặc đập nhanh; đau ở vùng tim cả lúc bình thường hoặc trong tâm trạng căng thẳng. – Thấy khó thở lúc đầu nhất là khi gắng sức, sau đó kể cả lúc bình thường. – Bị phù chân và sưng húp mặt vào buổi sáng. – Suy giảm trí nhớ; mờ mắt, hiện tượng có ruồi bay trước mắt. Nếu bạn bị ít nhất 2 triệu chứng nói trên thì nên đề phòng, cần đo huyết áp thường xuyên và đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
Theo VNE