Huyền thoại đóng thế của loạt ‘007′ qua đời
Rémy Julienne mãi mãi ra đi ở tuổi 90 sau khi mắc Covid-19. Ông từng tham gia đóng thế trong nhiều tác phẩm hành động nổi tiếng của điện ảnh thế giới, trong đó có 6 phim “ 007″.
AFP đưa tin Rémy Julienne qua đời ở tuổi 90 sau khi mắc Covid-19. Ông là tên tuổi lớn trong lĩnh vực đóng thế tại Hollywood và từng tham gia hàng trăm dự án điện ảnh, nổi bật nhất là 6 bom tấn về điệp viên James Bond.
Tin buồn được gia đình Julienne xác nhận với báo chí nước Pháp vào ngày 21/1.
Rémy Julienne từng là nhà vô địch đua ôtô và môtô đầm lầy tại Pháp trong thập niên 1950, trước khi chuyển sang nghiệp diễn xuất từ thập niên 1960.
Ngôi sao đóng thế Rémy Julienne qua đời ở tuổi 90 do mắc Covid-19. Ảnh: AFP.
Năm 1964, ông tham gia bộ phim đầu tiên – Fantomas. Trong tác phẩm về nhân vật siêu trộm của nước Pháp, Julienne đóng thế cho diễn viên chính Jean Marais ở một đoạn đuổi bắt bằng môtô.
Sau này, Julienne có ba lần đóng thế cho Roger Moore, hai lần cho Timothy Dalton và một lần cho Pierece Brosnan (ở GoldenEye ). Tất cả đều là những tác phẩm thuộc loạt 007.
Ngoài ra, Julienne còn góp mặt trên trường quay của The Da Vinci Code , cũng như tham gia thiết kế trường đoạn đuổi bắt xe hơi nổi tiếng trong The Italian Job .
Ông vẫn miệt mài cống hiến cho điện ảnh khi đã ngoài 80 tuổi. Năm 2013, Rémy Julienne đóng thế cho Ethan Hawke ở bộ phim giật gân Getaway.
Jean-Pierre Door – đại biểu Quốc hội Pháp, đồng thời là một người bạn của Julienne – phát biểu trên trang cá nhân: “Ông ấy đã tạo ra những ký ức màu nhiệm mà khán giả điện ảnh sẽ không bao giờ quên”.
Video đang HOT
Ông có nhiều đóng góp thầm lặng cho các bộ phim hành động nổi tiếng. Ảnh: FR.
Còn Mark O’Connell – tác giả cuốn Catching Bullets về loạt 007 – cho rằng Julienne là “chàng hoàng tử được yêu mến bởi tính cách ưa phiêu lưu của điện ảnh nước Pháp”.
Không chỉ diễn xuất, ông còn muốn truyền đi niềm đam mê của bản thân cho thế hệ sau. Tại quê hương, Julienne mở trường dạy kỹ năng lái xe và đóng thế cho hậu bối. Cả hai con trai ông, Michel và Dominique Julienne, đều đã nối nghiệp cha.
Cách đây hơn bốn năm, hai người con trai nhà Julienne cùng tham gia bom tấn Mission: Impossible – Fallout (2017) của Tom Cruise trong vai trò đóng thế.
Phim võ thuật Hong Kong từng muốn phản bác '007'?
"Long Môn khách sạn" được thực hiện năm 1967 nhằm phản đối quan điểm bạo lực của series "007". Năm 1992, bộ phim được đạo diễn Từ Khắc làm lại dưới góc nhìn mới.
Theo South China Morning Post, mối quan hệ giữa đạo diễn huyền thoại của dòng phim võ thuật Hồ Kim Thuyên - tác giả nguyên tác Long Môn khách sạn (1967), và Từ Khắc - tác giả của bản phim làm lại Tân Long Môn khách sạn (1992), vô cùng phức tạp.
Mâu thuẫn trên phim trường
Đạo diễn Hồ Kim Thuyên cho biết Từ Khắc từng viết thư xin lời chỉ dẫn về việc làm phim khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Sau khi thành công, Từ Khắc thuê Hồ Kim Thuyên đạo diễn bộ phim Tiếu ngạo giang hồ (1990). Bộ phim là tác phẩm đầu tiên trong chuỗi tác phẩm võ hiệp phong cách mới của Từ Khắc, được đánh dấu bằng thành công vang dội của Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (1992).
Hình ảnh trong Tiếu ngạo giang hồ (1990), bộ phim làm nảy sinh mâu thuẫn giữa Hồ Kim Thuyên và Từ Khắc. Ảnh: Golden Princess.
Tuy nhiên, khác biệt trong quan điểm sáng tạo khiến Từ Khắc sa thải Hồ Kim Thuyên khỏi dự án Tiếu ngạo giang hồ và thay thế ông bằng Hứa An Hoa. Hứa An Hoa từng làm việc cho đạo diễn Hồ Kim Thuyên với tư cách thực tập sinh sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh. Nữ đạo diễn đã tiến hành quay lại nháp phim.
Trong nhiều bài phỏng vấn, Hồ Kim Thuyên nói nháp phim do Hứa An Hoa và mình thực hiện không được sử dụng trong bản dựng cuối Tiếu ngạo giang hồ. Điều này dẫn đến việc Tiếu ngạo giang hồ về bản chất là bộ phim do Từ Khắc và Raymond Lee Wai Man đạo diễn.
Sự bất đồng này không ngăn Từ Khắc sản xuất và đạo diễn - dù không được đứng tên, bản phim làm lại tác phẩm Long Môn khách sạn (1967) của Hồ Kim Thuyên. Phiên bản năm 1992 của Từ Khắc vẫn giữ lại ý tưởng gốc của Hồ Kim Thuyên song song với rất nhiều điều chỉnh nhằm phục vụ thị hiếu của khán giả những năm 1990.
Tân Long Môn khách sạn, có sự góp mặt của Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà, Lương Gia Huy và Chân Tử Đan, là một bom tấn phòng vé thời bấy giờ.
Bộ phim nguyên bản của Hồ Kim Thuyên
Đông xưởng là một tổ chức có thật trong lịch sử. Đây là nhóm cận vệ ưu tú bảo vệ hoàng cung, do thái giám quản lý. Dưới thời nhà Minh, Đông xưởng bị các hoạn quan sử dụng như một công cụ để củng cố quyền lực. Bộ phim Long Môn khách sạn của đạo diễn Hồ Kim Thuyên xoay quanh cuộc đối đầu giữa đội quân đã bị tha hóa này với những người anh hùng thực sự.
Vai diễn trong Long Môn khách sạn là lần chạm ngõ điện ảnh của nữ diễn viên Thượng Quan Linh Phượng. Ảnh: Union Films Company.
Kịch bản phim do Hồ Kim Thuyên chấp bút xoay quanh một nhóm những kẻ phản loạn. Họ cố gắng bảo vệ tính mạng người con của một vị tướng đã bỏ mạng dưới âm mưu của tổ chức.
Đứa bé (do Hsu Feng, ngôi sao của dòng phim võ thuật, thủ vai) bị đày tới một khách điếm hoang vắng nằm xa khỏi kinh thành. Tại đây, các sát thủ của Đông xưởng đã chờ sẵn để thủ tiêu cô bé. Sự xuất hiện của nhóm phản loạn dẫn tới trận chiến cam go giữa hai phe chính - tà.
Kịch bản phim được xây dựng nhiều lớp lang, khéo léo dẫn dắt khán giả đến trận chiến một mất một còn giữa các sát thủ Đông xưởng với hai kiếm sĩ ở cao trào của tác phẩm. Long Môn khách sạn chú trọng vào cả tình tiết cũng như yếu tố hành động. Các nhân vật trong tác phẩm cũng trở thành nguyên mẫu cho Hồ Kim Thuyên phát triển kiệt tác Hiệp nữ (1971).
Hồ Kim Thuyên luôn mô tả các anh hùng và ác nhân trong phim của mình như những điệp viên, một ý tưởng bắt nguồn từ sự nổi tiếng của series về James Bond. "Khi viết kịch bản cho Long Môn khách sạn, tôi muốn bộ phim tập trung vào một chủ đề. Khoảng thời gian đó, chùm phim 007 vô cùng nổi tiếng và gặt hái doanh thu cao tại phòng vé", ông chia sẻ với Taiwan Public Television năm 1993.
"Tôi nghĩ series 007 gây ra những ảnh hưởng xấu tới khán giả. Loạt phim dường như dành quá nhiều sự thông cảm cho những người thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt hay gợi ý rằng người ta có thể hạ sát bất cứ ai mình muốn... Tôi muốn làm một bộ phim đi ngược lại kiểu nhân vật chính với sứ mệnh đặc biệt ấy", Hồ Kim Thuyên nói.
Bản phim làm lại của Từ Khắc năm 1992
Trong phiên bản làm lại, Từ Khắc giữ lấy tinh thần chính trong nguyên tác của Hồ Kim Thuyên nhưng thêm vào những yếu tố phù hợp với thị hiếu khán giả thời đại mới. Nữ diễn viên Lâm Thanh Hà đã phải giả trai trong phần lớn thời lượng phim. Cô và nhân vật bà chủ khách điếm do Trương Mạn Ngọc thủ vai cũng có những cảnh tình cảm nồng nhiệt.
Tạo hình giả trai của minh tinh Lâm Thanh Hà trong Tân Long Môn khách sạn. Ảnh: Golden Harvest.
Đường dây câu chuyện trong Tân Long Môn khách sạn tương tự nguyên tác 1962, nhưng xoay quanh mối tình tay ba giữa Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà nhân vật anh hùng do Lương Gia Huy thủ vai.
Để khám phá bí ẩn của khách điếm, nhân vật của Lương Gia Huy phải thành thân với nhân vật của Trương Mạn Ngọc. Bà chủ khách điếm cương quyết không để người chồng tương lai tham chiến với quân của Đông xưởng cho tới khi việc bái đường đã xong xuôi.
Tân Long Môn khách sạn thuộc nhóm những bộ phim có kịch bản với độ hoàn thiện cao của Từ Khắc. Mọi yếu tố trong phim đều được đan cài một cách khéo léo.
Bộ phim được quay cùng lúc tại Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc đại lục) và Hong Kong. Từ Khắc phụ trách đạo diễn những phân cảnh tại Hong Kong trong khi Raymond Lee làm việc tại Trung Quốc đại lục. Vì bối cảnh sa mạc của bộ phim quá xa xôi cách trở, đoàn phim đã phải tự làm đường dẫn tới phim trường.
Tân Long Môn khách sạn là một trong những phim Hong Kong đầu tiên được quay ở Trung Quốc đại lục. Bộ phim cũng nổi tiếng vì tai nạn ở mắt Lâm Thanh Hà gặp phải trên phim trường.
Lý Tiểu Long từng có cơ hội thách thức thương hiệu '007'? Nếu Lý Tiểu Long còn sống để thực hiện phần hậu truyện cho "Long tranh hổ đấu" (1973), series hoàn toàn có cơ hội thành công ngang ngửa loạt "007" trong thời kỳ của Roger Moore. Theo Forbes, khi No Time to Die ra mắt vào tháng 11, khán giả sẽ tiếp tục tranh luận xem thương hiệu điện ảnh 58 tuổi có...