Huyện Thọ Xuân phát triển HTX nông nghiệp
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, hiện nay, toàn huyện có 54 HTX dịch vụ nông nghiệp.
Những năm qua, các HTX đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người dân; được ví như “cánh tay nối dài” giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường.
HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai sản xuất và cung cấp mạ khay cho người dân trong xã.
Năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai được kiện toàn, tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các thành viên, người dân xã Xuân Lai. Với mục tiêu luôn đổi mới trong tổ chức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với thực tiễn, HTX luôn chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, như: ớt, ngô ngọt, lúa giống… Đồng thời, hướng dẫn người dân đưa các giống cây trồng có chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Điển hình như vụ thu mùa năm 2021, HTX đã triển khai mô hình sản xuất lúa gạo thương phẩm khép kín từ khâu gieo trồng, thu mua, chế biến và đóng gói, với diện tích 7 ha; đồng thời, đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát lúa gạo… Từ thành công ban đầu, vụ đông xuân năm 2022, HTX sẽ tiến hành thử nghiệm, đưa vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện các khâu dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu của thành viên và người dân tại địa phương, như: thủy lợi, cung ứng giống, vật tư, cơ giới, tu sửa và thi công kênh mương nội đồng… Hàng năm, HTX còn thực hiện cung ứng khoảng 18.000 khay mạ đáp ứng cho khoảng 60 ha diện tích lúa gieo cấy trên địa bàn xã Xuân Lai. Hiện nay doanh thu của HTX đạt trung bình khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Được biết, các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã tích cực phát triển dịch vụ mạ khay, máy cấy, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu gieo cấy từ 2.500 ha trở lên cho các thành viên và người dân trên địa bàn; trong đó, khâu làm đất đã cơ giới hóa 100% diện tích. Một số HTX đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: HTX dịch vụ nông nghiệp, thương mại Toàn Năng; HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Trường, xã Trường Xuân; HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thành, xã Xuân Hồng… Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng, như: Mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới, trồng thanh long ruột đỏ… Để phát triển nông nghiệp bền vững, các HTX đã thực hiện vai trò là “cầu nối” giữa người dân và doanh nghiệp để thực hiện các hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các cửa hàng thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, các HTX đã tổ chức thực hiện được các khâu dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, như: Dịch vụ thủy lợi; cung ứng giống, vật tư nông – lâm nghiệp…
Có thể nói, với sự năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển của các HTX vẫn còn không ít khó khăn, do vốn đầu tư sản xuất còn hạn chế; trình độ, năng lực của một số cán bộ quản lý HTX còn yếu… Thời gian tới, huyện Thọ Xuân sẽ tiếp tục xây dựng, thực hiện các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX, như: Hỗ trợ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng… Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh tổ chức bồi dưỡng cán bộ chủ chốt quản lý tại các HTX về năng lực quản lý, phương án sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất… nhằm củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân.
Huyện Thạch Thành nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp
Quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Thạch Thành áp dụng nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bước đầu hình thành được một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng cây mắc ca đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thị trấn Vân Du.
Theo đó, huyện Thạch Thành linh hoạt triển khai một số mô hình, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, mía nguyên liệu áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng năng suất; nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng, khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác (THT).
Với những giải pháp đồng bộ, đến nay trên địa bàn huyện Thạch Thành đã có nhiều mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ cho năng suất đạt bình quân 80 tấn/ha, có nơi đạt từ 100 đến 120 tấn/ha như các xã: Thạch Quảng, Thành Vinh, Thạch Cẩm...; liên kết trồng bí xanh, ớt, dưa chuột xuất khẩu; trồng cây ăn quả có múi ở xã Thành Vân... Hay như mô hình trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh (quy mô hơn 20 ha/mô hình) tại xã Thành Công, thị trấn Vân Du; mô hình trồng thanh long (quy mô 5 ha/mô hình) tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; mô hình trồng mít Thái tại xã Thành Tâm; mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm, quy mô 5 ha; mô hình trồng cây mắc ca tại thị trấn Vân Du, quy mô 20 ha...
Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thạch Thành đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực; hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa hình thức truyền thông, quảng bá thương hiệu... Theo báo cáo của huyện Thạch Thành, năm 2021, huyện đã tổ chức đánh giá phân hạng và trình hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá phân hạng cho 6 sản phẩm OCOP, gồm: sản phẩm xịt phòng tinh dầu sả chanh, xịt rửa tay khô kháng khuẩn tinh dầu ANTIVI Nguyên Hồng của Công ty TNHH sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng; sản phẩm miến dong Thành Minh của HTX miến dong Thành Minh; sản phẩm cam sạch Vân Du Hùng Hải của Công ty TNHH Hùng Hải Thạch Thành (thị trấn Vân Du); sản phẩm ổi lê Thành Tâm của HTX ổi xã Thành Tâm...
Thực tiễn cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thành đều có đặc điểm chung là hiệu quả kinh tế vượt trội, bền vững hơn so với phương thức sản xuất truyền thống. Bởi vậy, việc nhân rộng các mô hình được xác định là giải pháp căn cơ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Đắk Lắk: Vườn "trồng lung tung", trồng cả hoa lan đột biến, ai chưa hiểu cho là khùng, nào ngờ "chốt năm" thu 1 tỷ Cùng với trồng bưởi da xanh, trên hơn 2 ha đất còn lại của gia đình, ông Chương (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tiếp tục trồng cà phê và tiêu, đồng thời trồng xen 100 cây bơ, 80 cây sầu riêng, vài chục cây nhãn, mít...Đến vụ thu hoạch, sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không...