Huyện Thiệu Hóa quyết tâm về đích nông thôn mới
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay, góp sức của Nhân dân, huyện Thiệu Hóa đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để sớm hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2021.
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông ở xã Thiệu Vũ được đầu tư xây dựng.
Năm 2017, xã Thiệu Nguyên đã hoàn thành xây dựng NTM. Ngay sau khi hoàn thành các tiêu chí NTM, xã đã triển khai ngay các giải pháp để nhằm duy trì và nâng cao chuẩn NTM. Đồng chí Ngô Xuân Thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã Thiệu Nguyên thực hiện việc phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên, cán bộ, công chức, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể, trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên phải thật sự tâm huyết, gương mẫu, thông qua đó để vận động người thân và cộng đồng tự giác thực hiện, từ đó tạo phong trào sâu rộng trong cộng đồng dân cư và toàn dân; tập trung huy động các nguồn lực và Nhân dân đóng góp để tiếp tục đầu tư, cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm và lợi ích trong việc xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao, từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí. Tính đến cuối tháng 3-2021, xã đã hoàn thành 12/15 tiêu chí NTM nâng cao; phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Trao đổi với đồng chí Lương Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thiệu Hóa, chúng tôi được biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Thiệu Hóa là huyện có xuất phát điểm thấp (năm 2011 thu nhập bình quân đầu người mới đạt 13,1 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 22,29%, bình quân tiêu chí của huyện mới đạt 5,7 tiêu chí/xã). Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán và manh mún; một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; việc xây dựng kế hoạch và huy động nguồn nội lực còn hạn chế.
Xác định xây dựng NTM là cuộc “cách mạng” mang tính tổng hợp, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, phong trào xây dựng NTM đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện tích cực triển khai thực hiện rộng khắp trên phạm vi toàn huyện. Trong đó, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, cùng với đó là xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và sáng tạo sát với thực tế địa phương. Việc lãnh đạo, chỉ đạo được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện triển khai quyết liệt, đổi mới. Sự đổi mới được thể hiện từ việc các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy thường xuyên về các địa phương, vào tận thôn, xóm trực tiếp nắm bắt những khó khăn để bàn các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời tổ chức các buổi đối thoại với công dân ngay tại cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được phân công phụ trách các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên bám nắm cơ sở nên công tác chỉ đạo, điều hành luôn được thống nhất từ huyện đến cơ sở. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các phòng, ban, ngành thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn trong triển khai thực hiện các tiêu chí theo lĩnh vực ngành được phân công phụ trách.
Cùng với đó, đảng bộ, chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, thấy được vai trò, nhiệm vụ của mình trong thực hiện các tiêu chí… Qua tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai, thực hiện; với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Một trong những vấn đề khó nhất trong xây dựng NTM là nguồn vốn. Trong khi nhiều nơi vẫn đang vừa làm vừa chờ sự hỗ trợ của Nhà nước thì Thiệu Hóa đã chủ động vượt khó và tìm cách làm sáng tạo, đó là tập trung huy động đa dạng các nguồn lực, trong đó lấy Nhân dân làm chủ thể và vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh. Để kích cầu các nguồn lực trong thực hiện chương trình, huyện cũng đã ban hành một số nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ thực hiện một số đề án như: Chính sách hỗ trợ mua máy cấy, máy gặt đập liên hợp, hỗ trợ sản xuất rau an toàn… Tổng số tiền hỗ trợ theo cơ chế, chính sách giai đoạn (2011-2020) trên địa bàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng: nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Tổng số vốn huy động xây dựng NTM toàn huyện là trên 8.000 tỷ đồng, trong đó nguồn lực huy động từ Nhân dân là 6.098 tỷ đồng; Nhân dân hiến trên 45,14 ha đất làm đường giao thông thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn. Toàn huyện đã nhựa hóa và bê tông hóa được 109,8km đường trục xã, liên xã; bê tông hóa, cứng hóa 197,3km đường trục thôn, liên thôn; kiên cố hóa 451,1km kênh mương; xây dựng 59 trạm bơm tưới tiêu…
Video đang HOT
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự hòa quyện ý Đảng – lòng dân, tin tưởng rằng huyện Thiệu Hóa sẽ đạt huyện NTM theo đúng lộ trình đã đề ra trong năm 2021.
Diện mạo mới của Gò Quao khi đạt huyện nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 344/QĐ-TTg công nhận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Cổng chào huyện nông thôn mới Gò Quao (Kiên Giang).
Nhìn lại 10 năm trước, lãnh đạo huyện Gò Quao cho biết, khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Gò Quao gặp không ít khó khăn, trở ngại. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở điểm xuất phát thấp, thiếu sự đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, lưới điện, nước sinh hoạt của nhân dân đạt chuẩn rất thấp.
Số tiêu chí của huyện chỉ đạt bình quân 6,1/19 tiêu chí, thậm chí một số xã mới đạt 3/19 tiêu chí. Đời sống người dân khó khăn, vất vả, nghèo khó với thu nhập bình quân đầu người năm 2010 khoảng 17 triệu đồng/người và tỷ lệ hộ nghèo hơn 13%.
Ngoài ra, nguồn lực cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, vừa học vừa làm. Nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa hiểu rõ, đầy đủ về về quyền lợi, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Nhưng đến cuối năm 2020, Gò Quao có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của huyện khởi sắc, với nhiều thay đổi rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân cải thiện, nâng lên đáng kể so với trước đây.
Đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập năm 2020 là 55,24 triệu đồng/người, tăng 3,25 lần so năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,65% hiện nay. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường được phát huy hiệu quả, nhân dân đã nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thu hoạch lúa Đông Xuân 2020 - 2021 ở xã Định Hòa, huyện nông thôn mới Gò Quao (Kiên Giang).
Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao chia sẻ, sau 10 năm xây dựng, Gò Quao đạt huyện nông thôn mới. Hiện nay, đời sống của người dân Gò Quao nâng lên rõ rệt, hạ tầng kinh tế, giao thông nông thôn, điện, nước sạch sinh hoạt, y tế, giáo dục, môi trường phát triển đáng kể. Đạt kết quả này, huyện huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, cộng đồng xã hội và sự đồng thuận của nhân dân chung sức, chung lòng cùng với huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Chung tay, góp sức xây dựng huyện đạt nông thôn mới, bà Trương Kim Ánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gò Quao cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tuyên truyền sâu rộng đến hội viên phụ nữ việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", góp phần thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Chị em rất đồng tình, phấn khởi thực hiện "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ".
Hội xây dựng 116 câu lạc bộ "5 không, 3 sạch" trên 100 ấp và câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Hội tham gia tích cực trong dạy nghề cho chị em như: đan lục bình, đan dây nhựa, nhân giống lúa và nhân rộng, phát triển nhiều mô hình kinh tế khác, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế hiệu quả.
Dấu ấn quan trọng trong 10 năm xây dựng huyện nông thôn mới Gò Quao là huyện tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh cây chủ lực. Trước khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tập quán sản xuất, canh tác của nông dân ở một số nơi trong huyện còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có tính tập trung cao. Sản lượng lương thực năm 2010 chỉ đạt 283.688 tấn, khóm (dứa) 36.421 tấn, năng suất lúa và các loại cây trồng khác không ổn định, các mô hình sản xuất trình diễn, cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm chưa đem lại hiệu quả cao...
Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, năm 2020, sản lượng lúa đạt 344.181 tấn, khóm 51.391 tấn, các mô hình sản xuất trình diễn, cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm đem lại hiệu quả cao góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Đặc biệt, huyện Gò Quao quy hoạch ổn định vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu hơn 25.249 ha, diện tích khóm 4.100 ha; trong đó xã Vĩnh Phước A là vùng sản xuất chuyên canh 2.600 ha gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước hình các sản phẩm OCOP, gắn với nhãn hiệu tập thể, sản phẩm đạt chuẩn an toàn (GAP) từ trái khóm kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn.
Huyện quy hoạch vùng nguyên liệu trồng hồ tiêu tập trung ở 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Nam và Vĩnh Hòa Hưng Bắc, đến nay diện tích trồng hơn 200 ha gắn với nhãn hiệu tập thể, sản phẩm đạt chuẩn GAP, hữu cơ. Ngoài ra, huyện còn phát triển những vườn cây ăn trái, tổng diện tích hàng trăm ha như: sầu riêng, măng cụt, xoài, quýt, cam, bưởi... gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Huyện quy hoạch diện tích nuôi thủy sản gần 6.000 ha; trong đó, nuôi tôm 3.868 ha tại các xã ven sông Cái Lớn như: Thới Quản, Thủy Liễu, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao đã được trải nhựa.
Ông Danh Thơ, ấp Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao cho biết, hưởng ứng phòng trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông thực hiện 15 phần việc như vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, đường sá... mà địa phương tuyên truyền, vận động, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, giáo dục con cháu học hành, không tham gia các tệ nạn xã hội. Bộ mặt địa phương nổi bật lên rõ rệt. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm ruộng. Năng suất lúa đạt cao, trước đây khoảng 1 tấn/công (1.000 m2) trở xuống thì vụ Mùa năm nay đạt từ 1,1 - 1,2 tấn, có nơi 1,3 tấn. Bên cạnh đó, giá lúa mọi năm khoảng 5.000 đồng/kg, năm nay từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, nông dân sau khi thu hoạch trừ chi phí lợi nhuận 1 ha từ 30 triệu đồng trở lên.
Trong 5 năm tới (2021 - 2025), huyện nông thôn mới Gò Quao tập trung phát triển nông nghiệp nhanh, an toàn, bền vững và hiệu quả. Cụ thể, huyện tiếp tục quy hoạch, rà soát, xây dựng bổ sung đề án, dự án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn; tăng cường đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu.
Huyện cơ cấu lại từng lĩnh vực, phát triển vùng sản xuất gắn với sản phẩm OCOP, phát triển du lịch sinh thái nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và gia trại, trang trại, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm nông sản... Qua đó, huyện hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng, tiếp tục chung sức, chung lòng cùng với huyện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Ông Dương Duy Duyệt cho hay, huyện Gò Quao xác định việc xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, không thỏa mãn với những kết quả đạt được của 10 năm qua. Huyện xác định trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao các tiêu chí; trong đó giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có thêm 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao và 1 xã kiểu mẫu để đến năm 2025, Gò Quao hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Đề xuất đổi tên Bộ Xây dựng, thêm 'phát triển đô thị và nhà ở' Theo Thủ tướng, việc đổi tên này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Sáng 28-3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tiếp tục với phần trình bày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyên đề "Chiến lược phát triển kinh...