Huyện Phú Xuyên tăng thời gian cho hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND
Trong nhiệm kỳ qua, với sự phối hợp tích cực của các ngành liên quan, sự nỗ lực hoạt động của các đại biểu, hoạt động HĐND huyện Phú Xuyên khóa XIX đã đạt được kết quả tích cực.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh trao phần thưởng cho các tập thể
Sáng 10/3, HĐND huyện Phú Xuyên tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động HĐND huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song HĐND huyện đã hoàn thành các nhiệm vụ, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Hoạt động của HĐND huyện ngày càng thể hiện rõ tính dân chủ, tăng cường giám sát hoạt động, đảm bảo hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND huyện đã tổ chức được 18 kỳ họp. Trong đó, có 11 kỳ họp thường kỳ, 7 kỳ họp không thường kỳ để kiện toàn các chức danh. Ban hành 114 Nghị quyết tập trung cho các lĩnh vực kinh tế – ngân sách, văn hóa – xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, nghị quyết về tổ chức, nhân sự. Trong nhiệm kỳ qua, mỗi năm HĐND huyện tổ chức được 2 phiên giải trình, tại mỗi phiên có hàng chục lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tái chất vấn để lãnh đạo các phòng, ban, xã, thị trấn giải trình.
Video đang HOT
Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành trao phần thưởng cho các cá nhân
Trong nhiệm kỳ qua, Thường trực và đại biểu HĐND huyện, xã, thị trấn đã thực hiện 6.915 buổi tiếp dân, tiếp nhận đơn và giải quyết được trên 80% đơn thư về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, tài chính…. Cùng với đó, Thường trực HĐND huyện đã phối hợp với Tổ đại biểu số 17 HĐND TP tổ chức 40 hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội và HĐND TP. Đồng thời, Thường trực HĐND huyện và Thường trực HĐND các xã, thị trấn đã tổ chức được 162 phiên giải trình về các vấn đề nhằm làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân.
Cũng trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, hoạt động giám sát của HĐND huyện đã được thực hiện với 33 cuộc tại 36 đơn vị, cơ quan, UBND xã, thị trấn. Nội dung giám sát, giải trình tập trung vào lĩnh vực, như: Thu chi ngân sách Nhà nước; công tác quản lý đất đai, xây dựng; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ngoài ra còn có 4 cuộc giám sát chuyên đề đã có nhiều đổi mới, được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả. Cũng trong nhiệm kỳ qua, HĐND cấp xã, thị trấn đã tổ chức được 725 cuộc khảo sát, giám sát các lĩnh vực, vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm
Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành khẳng định, thời gian tới HĐND huyện đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC.
Nhân dịp này, 29 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động HĐND các cấp của huyện Phú Xuyên nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã được UBND huyện khen thưởng.
Ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2021
Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3% trở lên; trong đó, nông nghiệp 2,4%, lâm nghiệp 6,2%, thủy sản 5,6%.
Sản lượng lương thực 1,5 triệu tấn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,5%. Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.
Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa).
Giải pháp hàng đầu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tiếp tục lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận, ưu tiêu sử dụng các giống cây trồng có thị trường tiêu thụ và sản xuất theo hợp đồng. Tiếp tục chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, tổ chức sản xuất với quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, tạo chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng. Phân công các tổ công tác thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, hướng dẫn nông dân về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Cùng với các giải pháp về trồng trọt, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi; trong đó, chú trọng thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, áp dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng và xây dựng cụm chăn nuôi công nghiệp, liên kết chặt chẽ với chế biến thực phẩm. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lớn. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.
Các giải pháp phát triển thủy sản cũng đã được hoạch định và triển khai thực hiện. Trong đó, một số nhóm giải pháp đang được tập trung triển khai và đạt hiệu quả cao, như: phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương. Ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực trên địa bàn tỉnh. Phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, ngao. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, khai thác theo tổ đoàn kết, tăng cường các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch...
Nỗ lực thực hiện các giải pháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng 168.822 ha/201.000 ha cây trồng vụ đông xuân các loại, đạt 84% kế hoạch. Diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 9.540 ha/17.084 ha, đạt 55,8% diện tích, sản lượng thu mua mía nguyên liệu của các công ty mía đường ước đạt 477.000 tấn. Công tác tái đàn và phòng, trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi được đẩy mạnh. Hiện các con nuôi chủ lực đang được duy trì ổn định, với 11.765 con bò sữa, 70.200 con bò thịt chất lượng cao, 550.000 con lợn hướng nạc, 8 triệu con gà lông màu. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm 23.550 tấn/194.000 tấn, đạt 12,14% kế hoạch. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 9.987 tấn, sản lượng khai thác đạt 13.563 tấn...
Sinh kế đồi - rừng nâng thu nhập cho người dân Đắk Lắk Từ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng khó khăn. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng quan điểm "trao cần câu, không trao con cá", các mô hình sinh kế từ chương trình giảm nghèo bền vững đang được...