Huy động sức mạnh của 4,5 triệu kiều bào
Ngày 20.5, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị – Ảnh: TTXVN
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định cộng đồng người VN ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc VN. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ: Trên thực tế, nhiều trí thức kiều bào có tài, có tâm muốn về nước đóng góp cho sự phát triển của đất nước nhưng vẫn gặp phải những rào cản cách này hay cách khác; kiều bào còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính khi mua nhà tại VN. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Chỉ khi nào những yếu kém, hạn chế, rào cản đó… được khắc phục chúng ta mới huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết gần 4,5 triệu kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước trên hầu hết các lĩnh vực như thu hút đầu tư, kiều hối, chất xám, khoa học công nghệ…”.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, cộng đồng người VN ở nước ngoài tiếp tục tăng nhanh về số lượng, từ khoảng 2,7 triệu người năm 2004 đến nay đã có gần 4,5 triệu người đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 400.000 người có trình độ đại học trở lên.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết tới đây, Nghị quyết 36 sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng: thực sự thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết toàn dân, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, chủ động đến với kiều bào, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con kiều bào, hỗ trợ kiều bào giữ gìn bản sắc dân tộc, đặc biệt là duy trì tiếng Việt. Bên cạnh đó, thực sự coi trọng nguồn lực của cộng đồng, xóa bỏ mọi rào cản, phân biệt giữa đồng bào trong nước và đồng bào ở nước ngoài trong xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho bà con về nước kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện cho bà con kiều bào đóng góp cho đất nước trong khả năng của mình bằng những hình thức phù hợp. Chủ động có những biện pháp đột phá trong vận động kiều bào đồng thời kiên quyết đấu tranh, cô lập, tiến tới làm tan rã các lực lượng cực đoan, phản động.
Video đang HOT
Kiều hối chiếm 1/10 GDP của cả nước Thống kê cho thấy đến nay đã có 52 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của bà con kiều bào, với hơn 3.600 doanh nghiệp, có số vốn đăng ký kinh doanh và góp vốn khoảng 8,6 tỉ USD. Hà Nội và TP.HCM là hai nơi thu hút nhiều doanh nghiệp kiều bào đầu tư nhất. Cùng với đẩy mạnh đầu tư về nước, lượng kiều hối gửi về cũng tăng trung bình 10 – 15%/năm, riêng năm 2013 vừa qua đạt gần 11 tỉ USD, chiếm 1/10 GDP của cả nước. “Trong bối cảnh nền kinh tế VN còn gặp nhiều khó khăn, lượng đầu tư và kiều hối của người VN ở nước ngoài cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động”, báo cáo nêu rõ.
Theo TNO
Đề nghị bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch với kiều bào
Trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa Điều 13 của luật Quốc tịch để gỡ tình trạng hàng triệu Việt kiều sẽ mất quốc tịch từ tháng 7/2014 tới, Chính phủ đề xuất phương án nới thời hạn cuối thêm 5 năm, đến 2019.
Đông đảo kiều bào trong một cuộc gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định này, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sẽ kết thúc vào ngày 1/7/2014. Khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch.
5 năm qua, theo thống kê, mới chỉ khoảng 6.000 Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong khi hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Như vậy, từ tháng 7 tới, hàng triệu Việt kiều sẽ mất quốc tịch.
Để gỡ vướng trong tình huống này, Chính phủ đề xuất sửa Điều 13 luật Quốc tịch hiện hành. Dự thảo luật sửa đổi trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong buổi làm việc ngày 16/5 nêu 2 phương án.
Phương án 1 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 1/7/2019 để giữ quốc tịch Việt Nam. Theo đó, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch dành cho Việt kiều được nới thêm 5 năm.
Phương án 2 không quy định thời hạn cụ thể mà chỉ khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam nhưng phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, ngoài 2 loại ý kiến như trên, nhiều người còn đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam vì quy định này đã thể hiện sự bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn. Đa số ý kiến trong Thường trực UB tán thành với loại ý kiến này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến băn khoăn về hệ quả pháp lý cần giải quyết khi bãi bỏ các quy định này, đặc biệt là tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tiếp tục kéo dài mà không có hồi kết.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý chốt lại 2 phương án trình Quốc hội thảo luận, quyết định, khác với nội dung đề xuất của Chính phủ.
Phương án 1, gia hạn thời hạn đăng ký quốc tịch Việt Nam đối với Việt kiều thêm 5 năm, đồng thời bổ sung quy định người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam để tạo sự liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam.
Phương án 2, bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị tước quốc tịch vẫn đương nhiên có quốc tịch Việt Nam; được cấp, đổi hộ chiếu Việt Nam khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
P.Thảo
Theo Dantri
Sẽ gia hạn thêm 5 năm đề Kiều bào đăng ký giữ quốc tịch Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam có thêm 5 năm để đăng ký giữ quốc tịch (đến ngày 1/7/2019)... Chính phủ đồng ý gia hạn thêm 5 năm để kiều bào đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng về...