Huy động hơn 2.300 người chống ngập, HN vẫn không “đỡ nổi” trận mưa đêm qua
Toàn bộ công nhân thoát nước được huy động ứng trực, Hà Nội đã phải sử dụng đến kịch bản cuối cùng nhưng nhiều tuyến phố vẫn ngập sâu.
Trận mưa tối 19/6 khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội ngập sâu trong nước. (ảnh: Việt Linh)
Cơn mưa lớn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ vào chiều tối 19/6 khiến nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội chìm trong biển nước. Trong đó có những tuyến phố không nằm trong “điểm đen” vẫn ngập sâu như phố Tạ Hiện, Tràng Tiền…
Sáng 20/6, trao đổi với PV, ông Lê Vũ Quảng Sương, PGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, trận mưa tối 19/6 là trận mưa lớn nhất từ đầu mùa đổ xuống Hà Nội. Tuy nhiên, lượng mưa không đồng đều, chủ yếu tập trung ở những quận nội thành. Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, lượng mưa lên tới hơn 100mm kéo dài trong hơn 2 giờ.
“Chúng tôi đã huy động 100% cán bộ, công nhân ứng trực thu dọn tấm chắn vật cản tại các miệng ghi thu, hàm ếch. Các trạm bơm đã được vận hành tối đa. Tuy nhiên, trận mưa quá lớn, vượt quá công suất chịu tải của hệ thống thoát nước thành phố. Thêm vào đó, một số tuyến phố cổ, có nhiều rác thải, túi nilon trôi bịt miệng cống, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước”, ông Sương nói.
Ông Sương cho biết, từ 1h sáng 20/6, các điểm ngập úng, nước đã rút hết.
Video đang HOT
Theo PGĐ Công ty thoát nước Hà Nội, tại khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn, cường độ mưa vượt quá cường độ mưa tính toán, nhiều điểm úng ngập trên địa bàn thành phố như tại khu vực Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Thuỵ Khuê (Chu Văn An-dốc La Pho), Đội Cấn, Tôn Đản, Lê Lai, Đinh Liệt, Hàng Bài-Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Nguyễn Siêu-ngõ Gạch, Quang Trung – Trần Quốc Toản, Nguyễn Chính, dốc Thanh Đàm, Hoàng Mai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Khuyến, Hoàng Như Tiếp, Ngọc Lâm, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Phạm Văn Đồng, Hoa Bằng,…
Trước đó, tháng 5/2017, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đưa ra 3 kịch bản để đối phó với các trận mưa lớn.
Cụ thể, tình huống 1 khi mưa vừa trên 50 mm trong 2 giờ, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, kiểm tra địa bàn, kịp thời giải quyết các điểm úng ngập mới phát sinh, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khả năng thoát nước.
Trong tình huống 2 mưa to (50 đến 100 mm trong 2 giờ), trạm bơm Yên Sở sẽ được vận hành tối đa công suất, khi nước tại đập Thanh Liệt bắt đầu chảy vào khu vực nội đô thì sẽ đóng đập. Ngành sẽ vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ.
Tình huống 3 mưa rất to (trên 100 mm trong 2 giờ), công ty sẽ huy động 100% cán bộ công nhân viên ứng trực, thực hiện vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên miệng ghi thu, hàm ếch. Ngoài ra, các trạm bơm sẽ được vận hành tối đa.
Theo Danviet
Công trình chống ngập 10.000 tỷ của Sài Gòn nguy cơ 'trễ hẹn'
Chủ đầu tư từng cam kết hoàn thành công trình trước 30/4 năm sau nhưng việc giải phóng mặt bằng hơn 400 hộ dân và 16 doanh nghiệp đang gặp khó khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư) - dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 đã đạt gần 37% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4 năm sau. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng từ 402 hộ dân và 16 doanh nghiệp, tổ chức.
Ông Tiến cho biết, khối lượng xây lắp còn lại (trên 60%) dễ thi công và tiến độ sắp tới nhanh hơn vì làm trên mặt nước. Đây là dự án có tác động rất lớn đến đời sống, dân sinh và được người dân thành phố chờ đợi. Trở ngại nhất là công tác giải phóng mặt bằng thi công bờ kè dọc hai bờ mang cống.
"Chúng tôi không thực hiện dự án kiểu cuốn chiếu mà làm đồng loạt các hạng mục với quyết tâm cao. Nếu mặt bằng bàn giao chậm nhất là tháng 9, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 30/4/2018", đại diện chủ đầu tư nói.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ khó hoàn thành như cam kết của chủ đầu tư. Ảnh: Hữu Nguyên.
Quá trình thi công, chủ đầu tư đã phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố điều tiết giao thông thủy, phân luồng cho tàu thuyền của người dân, đơn vị doanh nghiệp qua lại.
"Riêng việc xử lý bùn nạo vét, do đa số bùn từ cửa sông đã được các cơ quan chuyên môn kiểm tra mức độ nguy hại không nhiều nên không phải qua xử lý. Do đó, số bùn đất sau khi lấy từ công trình đã được đưa về bãi tập kết ở xã Phước Kiểng, Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và xã Phong Phú (huyện Bình Chánh)", ông Tiến cho biết.
Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6/2019).
Tuy nhiên, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng tại thành phố. Chủ đầu tư và các sở ngành sau đó đều cam kết để dự án hoàn thành trước ngày 20/4/2018.
Dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động điều tiết nước, dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài. Bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Hàng loạt biện pháp đối phó ngập của TP HCM Gắn chip cảnh báo, lắp camera theo dõi, cập nhật lên cổng thông tin giao thông... là những biện pháp TP HCM làm để đối phó ngập trong mùa mưa năm nay. Nam Bộ chính thức bước vào mùa mưa. TP HCM được dự báo có lượng mưa lớn hơn những năm trước, tình trạng ngập cũng rất khó lường. Từ nhiều tháng...