Hủy án vì chưa làm rõ ý thức chiếm đoạt
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng vừa hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa đối với vợ chồng Nguyễn Minh Thông về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tòa, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ý thức chiếm đoạt của các bị cáo. Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà tòa phúc thẩm không bổ sung được. Để đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người đúng tội, vụ án cần phải điều tra lại để làm rõ hành vi của các bị cáo có phạm tội hay không hay chỉ là quan hệ dân sự.
Theo hồ sơ, đầu năm 2008, vợ chồng Thông vay của ông T. (Nha Trang) 1 tỉ đồng. Không có tiền trả, tháng 8-2008, vợ chồng Thông thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất cho ông T. với giá 2 tỉ đồng. Ông T. đồng ý, đưa tiếp 1 tỉ đồng còn lại cho Thông. Tại thời điểm thỏa thuận, nhà, đất chưa được cấp giấy tờ nên hai bên đến phòng công chứng lập biên bản cam kết với nội dung ngay sau khi vợ chồng Thông được cấp giấy tờ sẽ giao lại cho ông T. và làm thủ tục chuyển nhượng nhà, đất. Tháng 3-2009, vợ chồng Thông được cấp giấy đỏ nhưng không giao giấy, cũng không làm thủ tục chuyển nhượng cho ông T. như cam kết. Một tháng sau, vợ chồng Thông đến phòng công chứng ký hợp đồng bán nhà cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh Nhà Nha Trang với giá 700 triệu đồng trong khi nhà đất đã giao cho ông T. sử dụng.
Vợ chồng bị cáo Thông trước vành móng ngựa. Ảnh: Hoàng Văn
Với hành vi trên, tháng 9-2011, TAND tỉnh Khánh Hòa đã phạt Thông 12 năm tù, vợ Thông tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc cả hai liên đới hoàn trả cho Công ty Nha Trang gần 1,1 tỉ đồng. Sau đó, vợ chồng Thông kháng cáo kêu oan.
Tại phiên phúc thẩm, vợ chồng Thông khai sau khi có giấy đỏ, do kẹt tiền nên họ đã thế chấp để vay 700 triệu đồng của Công ty Nha Trang với lãi suất 5%/tháng. Giám đốc công ty này ra điều kiện là họ phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, sau bốn tháng không trả tiền gốc cùng lãi thì công ty được chuyển quyền sở hữu nhà. Vì kẹt tiền nên họ đồng ý.
Sau đó, do làm ăn thua lỗ nên vợ chồng Thông mất khả năng thanh toán. Tháng 11-2009, Công ty Nha Trang làm hồ sơ xin sang tên nhà. Vợ chồng Thông báo cho ông T., người đang sử dụng nhà biết. Ông T. đã làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng dừng thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà cho Công ty Nha Trang. Ông T. cam kết trả nợ thay cho vợ chồng Thông nhưng do Công ty Nha Trang yêu cầu trả tiền lãi quá cao, không thỏa thuận được nên ông T. làm đơn gửi công an. Làm việc với công an, giám đốc Công ty Nha Trang đồng ý cho vợ chồng Thông chuộc nhà nhưng phải trả lãi 120 triệu đồng…
Từ các tình tiết trên, đại diện VKS khẳng định không đủ cơ sở kết luận vợ chồng Thông phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị tòa hủy án sơ thẩm. Trong quan hệ với ông T., vợ chồng Thông chỉ vi phạm cam kết hoàn tất việc chuyển nhượng nhà đất sau khi có giấy đỏ, nếu ông T. khởi kiện sẽ do tòa giải quyết. Trong quan hệ với Công ty Nha Trang, hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên ghi giá căn nhà là 700 triệu đồng nhưng thực tế trị giá nhà là 2 tỉ đồng. Nội dung hợp đồng không quy định thời gian giao nhà, đất, các khoản thuế, lệ phí chuyển nhượng… Như vậy, việc hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà chỉ là biện pháp để đảm bảo khoản vay. Vợ chồng Thông chỉ có hành vi gian dối để vay Công ty Nha Trang 700 triệu đồng chứ không có hành vi chiếm đoạt…
Theo PLTP