Hữu Nghị tăng vốn gấp rưỡi, một phần dành trả nợ vay
Hãng bánh kẹo này liên tục tăng vay nợ các năm qua, chủ yếu do đầu tư vào dự án nhà xưởng tại Bắc Ninh.
CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (mã HNF) sắp chốt danh sách cổ đông cho đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu vào ngày 26/2 tới đây. Theo đó, cổ đông sở hữu 2 cổ phần sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phần mới. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của hãng bánh kẹo này sẽ tăng gấp rưỡi lên 300 tỷ đồng.
Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền là từ 6/3 đến 26/3. Các cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu trên từ 6/3 đến 20/3.
Giá chào bán mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng. Số vốn huy động dự kiến (100 tỷ đồng) sẽ dùng để chi trả công nợ vay ngắn hạn và bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Kể từ sau khi Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này từ năm 2017, quy mô tài sản của Thực phẩm Hữu Nghị mở rộng nhanh, từ hơn 885 tỷ đồng cuối năm 2017 tăng lên 1.426 tỷ đồng cuối kỳ trước. Phần lớn do công ty tăng đầu tư vào tài sản cố định. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã tăng từ 42 tỷ đồng lên 124 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đang bị găm vốn nhiều hơn do trả trước cho các nhà cung cấp. Quy mô doanh thu của hãng bánh kẹo này cũng tăng trong hai năm qua, mức tăng trưởng lần lượt là 23% (năm 2018) và 3,6% (năm 2019). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm, chi phí bán hàng tăng, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2019 chỉ đạt 41 tỷ đồng, thấp hơn kết quả đạt được hai năm trước.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của Thực phẩm Hữu nghị giảm rõ rệt trong các năm gần đây. Mỗi 100 đồng tài sản chỉ tạo ra được bình quân 2,87 đồng lợi nhuận. Phát hành thêm cổ phiếu một mặt mang về nguồn vốn mới cho doanh nghiệp, nhưng một mặt cũng tạo áp lực pha loãng khi tín hiệu tăng trưởng trong quá khứ cũng như tiềm năng thời gian tới đều chưa rõ ràng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2019 của doanh nghiệp này vẫn khá cao (2.190 đồng/cp).
Chi phí đầu tư của hãng bánh này các năm qua chủ yếu dồn vào dự án nhà máy thực phẩm tại KCN Yên Phong mở rộng tại Bắc Ninh với diện tích 64.438 m2, công suất thiết kế 45.900 tấn sản phẩm/năm. Trước đây, theo kế hoạch từng được lãnh đạo công ty công bố, dự án có thể bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2019.
Video đang HOT
Hữu Nghị phát hành trái phiếu, trị giá 200 tỷ đồng từ giữa năm 2018 với kỳ hạn 3 năm cũng nhằm tài trợ cho dự án này. Lãi suất áp dụng đối với khoản vay trung hạn trên là 10%/năm. Cùng với khoản vay trái phiếu, tổng nợ vay ngân hàng đến cuối năm 2019 xấp xỉ 800 tỷ đồng. Nguồn vốn vay bên ngoài đang góp tới 75% vốn của công ty.
Ngoài dự án nhà máy mới, kế hoạch tìm đối tác để chuyển đổi dự án hơn 1,68 ha tại 122 Định Công, Hà Nội vốn đã được công ty rục rịch từ lâu. Bên cạnh đó Thực phẩm Hữu Nghị còn cơ sở nhà, đất tại KCN Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đang sử dụng để làm nhà xưởng sản xuất. Phần đất này nằm trên diện tích gần 3,2 ha, đang được thuê trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đến năm 2057. Công ty còn một khu đất khác đang đầu tư xây dựng nhà máy, cũng là đất thuê dài hạn (đến năm 2055) nhưng đã trả tiền một lần.
Thanh Thủy
Theo baodautu.vn
Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục lạc quan
Sau một năm 2019 "bội thu", cơ hội vẫn tiếp tục mở ra đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.
Số liệu được Công ty Đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ - CBRE cung cấp cho biết, giá cho thuê đất công nghiệp hiện đang nằm trong khoảng từ 50 - 300 USD/m2/kỳ thuê, tương đương 0,23 - 1,38 USD/m2/tháng (giả định kỳ thuê là 30 năm và đã bao gồm lãi từ khoản trả trước theo hợp đồng thuê đất) thấp hơn giá cho thuê nhà xưởng xây sẵn trung bình, nằm trong khoảng 2 - 8 USD/m2/tháng.
Với tỷ suất lợi nhuận gộp xấp xỉ 60%, ước tính việc cho thuê nhà xưởng sản xuất có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các công ty phát triển khu công nghiệp khi so sánh với việc cho thuê đất, với cùng một quy mô diện tích, tuy nhiên việc phát triển nhà xưởng sản xuất sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư hơn.
Chính vì vậy, những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp bị hạn chế vì quỹ đất đang có xu hướng đầu tư xây nhà kho, nhà xưởng để gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục lạc quan (Ảnh Internet)
Sở hữu 20 ha đất ở Khu công nghiệp Long Thành và 50 ha đất ở Khu công nghiệp Châu Đức, CTCP Sonadezi Long Thành (SZL) đang tập trung xây dựng nhà xưởng xây sẵn và nhà kho để cho thuê.
Doanh thu và lợi nhuận gộp từ phân khúc này của SZL tăng trưởng lần lượt 20,9% và 31,8% mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2019 và SZL dự báo tiếp tục duy trì tối thiểu được tỷ lệ này trong năm 2020.
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 với 3.250 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so năm trước, lãi ròng đạt 855 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018.
Trong đó, doanh thu cho thuê đất chiếm gần 2.866 tỷ đồng, tương đương 88% tổng doanh thu của KBC năm 2019, đến từ các hợp đồng cho thuê đất tại Khu công nghiệp Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ và Quế Võ.
Nhu cầu thuê các khu công nghiệp tại KBC vẫn ở mức cao, với nhiều khách hàng tiềm năng lớn.
Một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ đạt được kết quả tốt trong năm 2020 như CTCP Khu công nghiệp IDICO (IDC) với Khu công nghiệp Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) với Khu công nghiệp Cộng Hòa tại Hải Dương...
Có 2 xu hướng rõ rệt với thị trường bất động khu công nghiệp, theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, đó là cho thuê nhà xưởng xây sẵn sẽ là động lực tăng trưởng lợi cho các công ty phát triển bất động sản khu công nghiệp và sự tăng trưởng của bất động sản khu công nghiệp tại các tỉnh xa vùng kinh tế như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương và Bắc Giang.
Trong ngắn hạn, xu hướng chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc đến ASEAN đang bị chững lại do những lo ngại liên quan đến đại dịch viêm phổi Vũ Hán, song về dài hạn, xu hướng dịch chuyển này sẽ mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Các tỉnh xa vùng kinh tế, có quỹ đất lớn, giá cho thuê đất thấp, cơ sở hạ tầng tốt để kết nối với các vùng kinh tế, kết nối với cảng và đường cao tốc có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh hơn về giá và diện tích cho thuê vào năm 2020.
Chẳng hạn, các khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ lấp đầy 73% và giá cho thuê thấp nhất tại miền Nam có thể trở thành điểm sáng về bất động sản khu công nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2021 nhờ vào hệ thống đường cao tốc và cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Ở khu vực miền Bắc, một số khu công nghiệp ở Hải Dương và Bắc Giang với cơ sở hạ tầng tốt về đường cao tốc, cụ thể là đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hải Dương - Quảng Ninh, có thể kết nối với cụm cảng Hải Phòng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng tốt về giá cho thuê cũng như diện tích đất cho thuê trong năm 2020.
Theo Vũ Trọng/Thời báo Kinh doanh
Ngành thép 2020 tiếp tục tăng trưởng thấp dù ít áp lực giảm giá hơn; cạnh tranh thị phần sẽ tăng tốc Tựu chung, ngành thép giảm 4% về vốn hóa trong năm 2019 so với mức tăng 7,7% của VN-Index trong giai đoạn này. Giá cổ phiếu HPG giảm nhẹ 1% do lợi nhuận 9 tháng 2019 giảm do giá quặng sắt tăng đột biến. Mặt khác, giá cổ phiếu HSG tăng 32% so với mức giá sàn vào cuối năm 2018, nhờ tỷ...