Hút vốn xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết nhưng cũng sẽ đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở…
Do đó, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong Hội nghị quốc tế về “Tăng cường hợp tác với các Quỹ Đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức vào chiều 25/11 tại Hà Nội.
Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN
Đa dạng nguồn lực
Tăng trưởng bền vững là vấn đề toàn cầu với trách nhiệm chung của các quốc gia và các chủ thể tham gia. Tại Việt Nam, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là những mục tiêu lớn của Chính phủ nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội với bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết những biến động của kinh tế thế giới cộng hưởng với những xu thế nổi lên như chuyển đối số, chuyển đổi xanh, tái định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất đặt ra các yêu cầu mới, cấp bách trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó đòi hỏi các quốc gia tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng, khả năng chống chịu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, đồng thời tận dụng các động lực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Bộ trưởng chia sẻ: “Ở cấp độ quốc tế, tăng trưởng bền vững là vấn đề toàn cầu với trách nhiệm chung của các quốc gia và các chủ thể tham gia. Do đó, việc thiết lập quan hệ đối tác công bằng, đối tác công – tư và nhiều bên hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Các ngân hàng phát triển đa phương, các đối tác phát triển, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ toàn cầu ngày càng đóng vai trò tiên phong, quan trọng trong huy động và cung cấp các nguồn đầu tư, tài chính xanh, các nguồn lực công nghệ và con người cho phát triển”.
Trở lại với tình hình trong nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh huy động các nguồn lực từ bên ngoài hiệu quả kết hợp với các nguồn lực trong nước cho phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững là mục tiêu, yêu cầu nhất quán và cấp thiết của Chính phủ Việt Nam.
“Trong hai năm qua, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức song vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lạc quan, đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020 và hơn 18 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ các mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh”, Bộ trưởng nói.
Video đang HOT
Với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, chiếm hơn 65% tổng tài sản và gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện nay, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết Ủy ban đang tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Song song với đó là phát triển các tập đoàn, tổng công ty gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, Ủy ban cũng tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp; ưu tiên phát triển và hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số… gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Tăng tính minh bạch
Chia sẻ về huy động các nguồn tài chính quốc tế phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng xanh, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã kéo theo tốc độ phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng gấp 4 lần trong thế kỷ này, từ 0,79 tấn CO2 năm 2000 lên thành 3,81 tấn CO2 trong năm 2018 và lượng phát thải đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Trước thực tế này, Việt Nam cần giảm lượng carbon để duy trì tính cạnh tranh cũng như đạt được các mục tiêu bền vững.
Theo ước tính của WB, riêng các khoản đầu tư vốn cho chuyển đổi năng lượng sạch đã rất lớn, khoảng 17 tỷ USD/năm và nếu chỉ tính riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu này. Bởi vậy, bà Carolyn Turk nhấn mạnh cần có sự kết hợp đồng bộ của các nguồn lực công – tư và các nguồn vốn ưu đãi… để tạo điều kiện về mặt kỹ thuật và tài chính cho lộ trình phát triển mới.
Giám đốc WB tại Việt Nam lưu ý việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để xác định dự án xanh sẽ giúp các nhà tài chính và nhà đầu tư theo dõi được hoạt động đầu tư xanh của họ một cách tốt nhất và minh bạch nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút tài chính xanh, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố minh bạch thông tin và các tiêu chuẩn quốc tế.
“Để đầu tư tăng trưởng bền vững, châu Âu đã huy động hơn 1 nghìn tỷ euro từ nhiều nguồn khác nhau như các quỹ đầu tư, trái phiếu xanh… Chúng tôi đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho hoạt động nào được gọi là xanh, hoạt động nào thì không. Đồng thời, công bố các thông tin tài chính và phi tài chính trong quá trình xây dựng kế hoạch dựa trên các yếu tố khoa học; cung cấp công cụ dành cho các đối tác quốc tế để ngăn chặn sự giả mạo hoạt động xanh… Thậm chí với nhiều công ty đang sử dụng nguyên liệu hóa thạch, chúng tôi cho họ cơ hội chuyển đổi dần dần, đo lường tỷ lệ hoạt động xanh tại doanh nghiệp, giúp họ từng bước thay đổi, từ đó có được nguồn tài chính xanh”, ông Giorgio Aliberti chia sẻ.
Để đẩy mạnh thu hút nguồn lực tài chính xanh, ông Giorgio Aliberti kiến nghị Việt Nam cần gỡ các điểm nghẽn chính sách và có quy định chặt chẽ hơn.
“Nguồn lực cho Việt Nam luôn sẵn sàng và rất dồi dào, quan trọng là chúng ta ra quyết định thế nào. Tôi tin là các nhà đầu tư rất muốn đến Việt Nam nhưng nếu họ thấy tiến trình tiến triển chậm họ sẽ ngập ngừng. Do đó, hoàn thiện hệ thống thể chế, quản lý là điều Chính phủ Việt Nam cần làm”.
Đồng quan điểm, bà Carolyn Turk đánh giá Việt Nam đã rất nỗ lực và tích cực mở rộng tài chính xanh, phát triển trái phiếu xanh nhưng vẫn ở trong giai đoạn đầu. Các biện pháp có thể hiệu quả mà Việt Nam cần cân nhắc triển khai như khuyến khích cung cấp tín dụng xanh bằng việc cung cấp nguồn hạt giống dài hạn, bổ sung tài chính cho các dự án xanh của ngân hàng; người vay cho các dự án xanh có thể được hỗ trợ qua các chương trình tài trợ, bảo lãnh, hoàn thuế… thúc đẩy phát triển các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị…
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, bà Carolyn Turk khuyến nghị cần tăng cường quản trị hiệu quả và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này. Bởi tổng tài sản của hơn 800 doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam ước tính khoảng 156 tỷ USD chiếm khoảng 43% GDP.
“Các doanh nghiệp nhà nước có tác động đáng kể đến bảng cân đối kế toán của quốc gia. Khi hoạt động tốt, doanh nghiệp nhà nước sẽ có tác động tích cực nhưng chi phí và rủi ro tài chính lớn cũng có thể làm hỏng tài chính công nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả”, bà Carolyn Turk phân tích.
Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư mới vào tài chính xanh, sẵn sàng kết nối huy động vốn quốc tế phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0″ vào giữa thế kỷ – năm 2050; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050″ với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước; trong đó 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.
Cùng với đó, tổng doanh thu đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước là hơn 320.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa. Bên cạnh đó, tổng nợ phải trả là hơn 1,9 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Trong số đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Trung ương.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo, tổng doanh thu từ báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.
Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với hơn 440.000 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là hơn 380.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội gần 150.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là hơn 114.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam là 54.674 tỷ đồng...
Báo cáo cũng cho thấy, năm 2021, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số Công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm 2020. Điển hình như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng 156%; Tổng Công ty Hợp tác kinh tế tăng 87%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất tăng 77%; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng 66%, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tăng 41%...
Liên quan đến tình hình lỗ lãi, Bộ trưởng Tài chính cho biết, lãi phát sinh trước thuế theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt gần 157.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lãi gần 52.000 tỷ đồng; Tập đoàn
Viễn thông quân đội lãi gần 37.000 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi gần 18.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra vẫn có một số doanh nghiệp lãi phát sinh trước thuế năm 2021 giảm sâu như: Công ty mẹ - Tổng Công ty
Giấy Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế là 1 tỷ đồng tương ứng giảm 90%; Công ty mẹ - Tổng Công ty vận tải Hà Nội có lãi phát sinh trước thuế là 1,5 tỷ đồng tương ứng giảm 90% (doanh thu giảm dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm); Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có lãi phát sinh trước thuế là 163 tỷ đồng tương ứng giảm 52%, doanh thu giảm 42% so với năm 2020...
Cũng theo báo cáo, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Những đơn vị có số thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước lớn như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là gần 73.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp Viễn thông quân đội là gần 32.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là gần 28.000 tỷ đồng...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá vẫn còn hạn chế như: một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do còn những vướng mắc. Đến nay, đã xử lý đưa ra khỏi danh sách 3 dự án, còn 9 dự án vẫn đang tiếp tục xử lý, xong tình hình hoạt động rất khó khăn và còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn vừa qua hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Hoặc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Ngoài ra, tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập; chưa tạo điều kiện phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, báo cáo cho rằng cần quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.
Về xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả, phải tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước có giải pháp sử dụng hợp lý, hợp pháp nguồn lực để hỗ trợ việc giải thể, phá sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, của Nhà nước đảm bảo các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, các cam kết quốc tế và ổn định xã hội.
'Đòn bẩy mới' cổ phần hóa Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt cùng với nhiều cơ chế chính sách được Chính phủ cũng như Bộ Tài chính ban hành được kỳ vọng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ được đẩy nhanh. Cổ phần hóa, thoái vốn các...