Hút thuốc lá thụ động ở trẻ em là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm
Trẻ em được cho là hút thuốc lá thụ động nếu mẹ chúng là người hút thuốc trong khi mang thai, hoặc nếu mẹ chúng hút thuốc thụ động, hoặc trẻ em sống chung với người hút thuốc lá. Trẻ em bị ảnh hưởng đáng kể bởi hút thuốc lá thụ động.
Cơ thể của chúng vẫn đang trong quá trình phát triển, tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc lá khiến chúng có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp nặng và có thể cản trở sự phát triển của phổi. Hút thuốc lá thụ động ở trẻ em là nguyên nhân gây ra nhẹ cân khi sinh, hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS), hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, và các bệnh khác.
Nhẹ cân khi sinh
Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây ra nhẹ cân ở trẻ sơ sinh cũng như các vấn đề sức khỏe khi chúng lớn lên. Tiếp xúc với khói thuốc lá làm giảm cân nặng sơ sinh ở cả những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ không hút thuốc lá và có hút thuốc lá. Ở những người hút thuốc lá, nguy cơ nhẹ cân sơ sinh cao gấp 3,4 đến 4 lần. Trung bình, 1 trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc lá sẽ có cân nặng nhẹ hơn 170g đến 200g. Hơn nữa, trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc lá thụ động có cân nặng sơ sinh dưới 2,500g cao hơn 22%.
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) được định nghĩa là cái chết đột ngột của trẻ sơ sinh và khi khám không tìm ra nguyên nhân cụ thể của cái chết. SIDS là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sau sơ sinh ở các nước phát triển. Tiếp xúc với khói thuốc lá trong khi mang thai và sau khi sinh là yếu tố nguy cơ lớn gây ra SIDS. Tại California, năm 2000, khoảng 10% các trường hợp SIDS (21/222) là do khói thuốc.
Vấn đề về đường hô hấp
Video đang HOT
Cơ quan Bảo vệ Môi trường thuộc Hoa Kỳ (EPA) đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản và viêm phổi. Người ta ước tính rằng khoảng từ 150.000 đến 300.000 trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp dưới trong một năm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi là do tiếp xúc với khói thuốc lá, trong đó có khoảng 7.500 đến 15.000 dẫn đến nhập viện.
Trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc khả năng phải nhập viện với ít nhất một triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trong năm đầu tiên cuộc đời tăng 50% khi so sánh với trẻ sơ sinh với các bà mẹ không hút thuốc. Trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc trong cùng một phòng có nguy cơ nhập viện cao hơn 56% so với trẻ có mẹ hút thuốc trong một căn phòng riêng biệt. Nguy cơ nhập viện này tăng lên 73% nếu người mẹ hút thuốc trong khi giữ trẻ và 93% nếu người mẹ hút thuốc khi đang chăm sóc trẻ.
Hen suyễn
Những cơn hen suyễn có lẽ là vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá. Tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng đáng kể mức độ nghiêm trọng bệnh hen suyễn cũng như tần số các cơn suyễn. Theo EPA, ước tính có khoảng 200.000 đến 1.000.000 trẻ em bị bệnh suyễn có tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn vì tiếp xúc với khói thuốc lá.
Trẻ em có mẹ hoặc bà hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn. Trẻ em có mẹ hút thuốc trong thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn trong năm đầu tiên của cuộc đời, và những đứa trẻ mà mẹ bỏ hút thuốc trước khi mang thai cho thấy không có nguy cơ gia tăng. Tại Mỹ, từ 8.000 đến 26.000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn hàng năm, và nguy cơ này cao gấp đôi đối ở những trẻ có mẹ hút ít nhất 10 điếu thuốc một ngày. Từ 400.000 đến 1.000.000 trẻ em bị hen có tình trạng bệnh trở nên tồi tệ bởi việc tiếp xúc với khói thuốc – các cơn hen đến thường xuyên hơn và đặc biệt nghiêm trọng. Theo các số liệu điều tra, tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 3 em mắc bệnh hen.
Viêm tai giữa
Hút thuốc lá thụ động ở trẻ nhỏ chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tai cấp tính và bệnh viêm tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây ra gánh nặng về tài chính mà còn gây suy giảm thính lực cho trẻ về lâu dài. Là người khiếm thính khi còn nhỏ, sẽ rất dễ gây ra câm và không có khả năng học hỏi. Đặc biệt, bệnh viêm tai giữa mãn tính thường gặp cao hơn 20-50% ở những trẻ em tiếp xúc với khói thuốc trong môi trường.
Vấn đề sức khỏe khác
Khói thuốc được chứng minh có mối liên hệ với sự gia tăng nguy cơ của các vấn đề sức khỏe, bao gồm ung thư ở trẻ nhỏ, bệnh khí thũng ở tuổi trưởng thành, chức năng khứu giác suy yếu (cảm giác về mùi), và có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như hồng cầu hình lưỡi liềm.
Nguồn: Nghiên cứu thực trạng tiếp xúc khói thuốc lá tại gia đình của bệnh nhi đến khám và điều trị tại Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Tiền phong
Những căn bệnh chết người do hút thuốc lá thụ động
Hút thuốc lá đã trở thành thói quen xấu của nhiều người hiện nay. Người nghiện thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe bản thân mà con gián tiếp khiến người xung quanh mắc những căn bệnh chết người do hút thuốc lá thụ động gây ra. Hiểm họa mang tên hút thuốc lá thụ động đang trở thành mối lo không của riêng ai.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, hút thuốc lá đã trở thành thói quen của nhiều người, nhất là nam giới. Họ thường hút thuốc trong nhà, nơi sinh hoạt cộng đồng như: bệnh viện, nhà xe, bến tàu...
Mặc cho nhiều địa điểm công cộng đã có biển "cấm hút thuốc lá", nhiều dân nghiền thuốc lá vẫn nhả làn khói trắng. Và tất nhiên, người xung quanh buộc phải hít thứ khói độc hại đó. Một điều đáng lo ngại hơn khi người hút thuốc lá thụ động có số đông là phụ nữ và trẻ em.
Đại học Y tế công cộng tuyên truyền xây dựng tổ ấm không khói thuốc.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm hơn đối với trẻ nhỏ, bởi phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích cũng như chất độc có trong thuốc.
Ghi nhận tại nhiều khu dân cư, gia đình, không khó để bắt gặp hình ảnh, các ông bố thản nhiên nhả khói thuốc trong phòng khách, phòng ăn, nơi có trẻ nhỏ vui chơi. Nhiều người khi được hỏi: "Không sợ khói thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và con em mình sao?", đã trả lời rất thiếu trách nhiệm rằng: "Từ trước đến nay vẫn hút có thấy sao đâu, trẻ nhà mình vẫn chơi đùa đấy thôi (!)".
Lối suy nghĩ trên thật đáng lên án, lẽ vì theo các nghiên cứu cho thấy, trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Trẻ em hút thuốc thụ động sẽ rất dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, thậm chí là đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến chức năng của phổi.
Theo lý giải của cơ quan y tế, hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bệnh tật nào khác có thể gây tử vong khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn trẻ khác khoảng 200 gam. Cùng với đó, viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu.
Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung, các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy, trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
Mặt khác, hút thuốc lá thụ động còn làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ; nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như: ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.
Trần Huy
Theo CAND
3 dấu hiệu phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban Việc phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban kịp thời sẽ giúp bố mẹ có cách thức chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ đúng nhất. Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nguy hiểm ở trẻ em, nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên,...