Hút sữa mẹ thay vì cho bé bú trực tiếp có sao không?
Bạn đọc Nguyễn Thị M.A (27 tuổi, TP HCM) hỏi: “Em sắp phải đi làm lại sớm lúc con gần 2 tháng tuổi nên định hút sữa ra cho bé bú bình. Điều này có ảnh hưởng gì đến sữa mẹ không?”.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông , Phòng khám Sức khỏe sinh sản – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trả lời: Sữa mẹ sẽ tiếp tục tiết ra đầy đủ và không suy giảm chất lượng nếu vẫn được bé bú hoặc hút sữa thường xuyên.
Lưu ý khi hút sữa phải hút triệt để (cạn bầu vú) và cả 2 bên, trữ vào vật chứa vô khuẩn, để trong tủ mát (khoảng 7-8 độ C, tương đương ngăn mát của tủ lạnh, không để ngăn đá). Ủ ấm sữa trước khi cho bé bú bằng bình ủ nóng sữa, vệ sinh bình và núm vú cao su đúng cách.
Theo chế độ BHXH, người mẹ đang cho con bú được vào trễ (để chăm sóc con) và nghỉ giữa giờ (để nặn, hút sữa), sắp xếp công việc phù hợp, không trực đêm… Với các công ty ngoài công lập hoặc có đặc thù riêng thì sẽ có thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Em nên thảo luận điều này với cơ quan mình làm việc.
Tối về nhà hay trưa nếu tranh thủ về được thì em nên cho bé bú trực tiếp. Khi em vắng nhà, lưu ý dặn người nhà dùng sữa đã hút và trữ cho bé bú nếu em vẫn đủ sữa, tránh dùng sữa công thức vì bé sẽ dễ bỏ sữa mẹ.
Bé 1 tuổi rưỡi, sữa mẹ có bị loãng không?
Bạn đọc Nguyễn Thị Tường An (trancha...@yahoo.com.vn) hỏi: Con trai tôi 1 tuổi rưỡi, không bụ bẫm dù các chỉ số chiều cao, cân nặng đủ chuẩn, ít bệnh. Nhiều người nói tại tôi chỉ cho con bú mẹ, mà sữa mẹ sau 6 tháng là loãng dần, bé thiếu chất, có đúng không?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Phòng khám Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trả lời: Tôi khẳng định rằng không có chuyện sữa mẹ càng về sau càng giảm giá trị dinh dưỡng. Các bà mẹ sau sinh được khuyến khích cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho bú song song với ăn dặm trong 6 tháng tiếp theo và nếu có thể duy trì đến 18, 24 tháng hoặc lâu hơn càng tốt. Chỉ cần còn cho con bú thì cơ thể bạn sẽ tiếp tục sản sinh sữa đầy đủ dinh dưỡng như khi bé còn nhỏ.
Các bà mẹ sau sinh được khuyến khích cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, có thể duy trì đến 18, 24 tháng hoặc lâu hơn. (ảnh minh họa từ Internet)
Các bé được bú sữa mẹ thường trông rắn rỏi chứ không mũm mĩm, nhất là khi bé có hoạt động thể chất nhiều. Việc duy trì sữa mẹ lâu dài còn giúp bé tránh được nhiều bệnh tật và không bị thừa cân, béo phì, đúng như những gì bạn thấy ở con mình.
Quan niệm trẻ bụ bẫm, thậm chí hơi dư cân mới là đẹp và khỏe, mới là nuôi con khéo là sai lầm. Vì vậy bạn nên tự tin về việc cho con bú sữa mẹ, cứ duy trì cho đến khi nào giờ giấc sinh hoạt, công việc còn cho phép, song song với việc cho bé ăn đủ các nhóm chất và vận động thường xuyên.
Trẻ thường ăn 3 loại thực phẩm phổ biến này sẽ khiến lá lách và dạ dày bị tổn thương, nhất là trẻ dưới 3 tuổi Chỉ bằng cách bảo vệ lá lách và dạ dày của trẻ, mới có thể giúp trẻ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn một cách thuận lợi và duy trì sự phát triển khỏe mạnh. Theo chuyên gia y tế, lá lách và dạ dày yếu sẽ sinh ra bệnh tật. Lá lách và dạ dày của trẻ nhỏ rất mỏng manh,...