Hút kiều hối trước áp lực giảm
Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, lượng kiều hồi có nhiều áp lực giảm do tác động từ chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính sách nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Việt Nam là một trong 10 nước nhận lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Nguồn: Internet
Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), các thị trường chiếm tỷ trọng lớn cho nguồn cung kiều hối về Việt Nam là Mỹ, tiếp đến là châu Âu, còn lại là một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, trong năm 2017, lượng kiều hối từ thị trường Mỹ giảm nhẹ từ 60% trong năm 2016 xuống còn 55%.
Ẩn số thị trường Mỹ
Theo Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kiều hối hiện được chuyển về Việt Nam được qua 4 kênh: Hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện. Kênh chuyển tiền phổ biến nhất là qua hệ thống ngân hàng thương mại, đạt khoảng 72,6% doanh số kiều hối chuyển về nước (phần còn lại có thể đi qua các kênh chuyển không chính thức).
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong năm 2017, lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 13,8 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận lượng kiều hối nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu.
Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu. Trong đó, Việt kiều chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm phần lớn tới 80-90% lượng kiều hối gửi về nước.
Video đang HOT
Xuất khẩu lao động chiếm một tỷ lệ nhỏ (6-7%) tổng lượng kiều hối nhưng đang gia tăng theo đà tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là địa phương dẫn đầu thu hút kiều hối nhiều nhất, năm 2016 chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam, năm 2017 ước tính khoảng 5,2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia WB, lượng kiều hối ở TP. Hồ Chí Minh tăng nhờ địa phương này có nhiều kiều bào đang sinh sống ở các nước như: Mỹ, Canada, Anh, Pháp..
“Môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam những năm qua được cải thiện đáng kể, làm tăng niềm tin vào thị trường. Nhờ vậy, đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng chuyển tiền về nước tham gia sản xuất – kinh doanh hay khởi nghiệp”, WB đánh giá.
Lượng kiều hối về Việt Nam được nhiều tổ chức ngân hàng quốc tế đánh giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong một hội thảo đánh giá về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tác động đến kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đến từ Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia (NCIF) nhận định, năm 2018, kiều hối về Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực.
Nguyên nhân đến từ 4 yếu tố. Trước hết là nền kinh tế thế giới đang phục hồi khiến dòng vốn đầu tư quốc tế có nhiều lựa chọn ở những thị trường khác ngoài Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục được đẩy mạnh và chính sách nâng lãi suất của Fed sẽ là những rào cản kiều hối về Việt Nam.
Vẫn còn dư địa tăng?
Nhóm nghiên cứu NCIF phân tích, Mỹ là thị trường cung cấp kiều hối lớn cho Việt Nam, nhưng từ đầu năm đến nay, việc Fed liên tục tăng lãi suất đã làm tăng áp lực tỷ giá tới VND và là một trong những nguyên nhân khiến NHNN vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% nhằm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong nước.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump đã có tác động từ năm ngoái. Đồng thời, lãi suất tiền gửi USDcủa Việt Nam vẫn bằng 0, trong khi tại Mỹ lãi suất vẫn tăng sẽ khiến dòng kiều hối từ nước này về có thể sẽ chậm lại.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một số ý kiến tỏ ra lạc quan cho rằng bên cạnh những áp lực vẫn còn những yếu tố quan trọng khác là môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam năm qua được cải thiện đáng kể, làm tăng niềm tin vào thị trường để nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng chuyển tiền về nước tham gia sản xuất – kinh doanh, khởi nghiệp.
“Chính sách mà Mỹ đang áp dụng hiện nay sẽ không tác động nhiều đến dòng kiều hối của kiều bào trên thế giới chuyển về cho người thân ở Việt Nam, bởi những yếu tố trên sẽ là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư nước ngoài và lượng lớn kiều hối về nước đầu tư”, một chuyên gia nhận định.
Lạc quan về triển vọng kiều hối năm 2018, TS. Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng kiều hối của cả nước năm nay sẽ còn có xu hướng tăng tiếp.
“Nếu xét ở góc độ đầu tư tài chính, nhà đầu tư sẽ quyết định đồng tiền của mình được chảy tới nơi có khả năng sinh lời cao nhất. Hiện nay, thị trường chứng khoán và bất động sản đang khởi sắc nên lượng kiều hối đổ về đầu tư vào hai thị trường này đang tăng mạnh, vượt qua những áp lực từ chính sách của Fed hay những biến động của thị trường thế giới”, ông Tín nói.
Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn
Việt Nam lọt Top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới
Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu tiếp nhận lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.
Báo cáo từ Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu tiếp nhận lượng kiều hối nhiều nhất thế giới, với khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017. Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất, chiếm 55%, tiếp đó là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu.
Ảnh minh hoạ
Đánh giá của UNDP cho thấy, kiều hối của Việt Nam chiếm 6-8% GDP hàng năm trong các năm 2006-2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1-2% GDP).
"Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước", đại diện UNDP cho biết.
Người Việt kiều chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm phần lớn tới 80-90% lượng kiều hối gửi về nước. Xuất khẩu lao động chiếm một tỷ lệ nhỏ (6-7%) tổng lượng kiều hối, nhưng đang gia tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Kiều hối về Việt Nam tăng đều đặn và quy mô nhiều gấp bốn lần khối lượng ODA năm 2016 và tương đương với lượng FDI năm 2017.
"Kiều hối có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn tài chính phát triển của Việt Nam nếu ngoài phục vụ mục đích tiêu đùng, kiều hối được chuyển sang các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và chuyển ra khỏi lĩnh vực bất động sản hoặc "tích lũy" dưới dạng vàng hoặc ngoại tệ", UNDP kiến nghị.
Đến cuối năm 2016, kiều hối gửi về TP Hồ Chí Minh chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Trong đó 70% được chuyển sang hoạt động kinh doanh và 20% cho bất động sản.
Ở các nước ASEAN, kiều hối là một phần quan trọng của bức tranh tài chính của một số nước. Philippines là nước tiếp nhận kiều hối nhiều nhất với tổng lượng kiều hối là 25,6 tỷ USD năm 2015. Với con số 11 tỷ USDN kiều hối năm 2015, Việt Nam nhận lượng kiều hối nhiều thứ hai trong khu vực.
Thu Hà (T/h)
Theo Antt.vn
Tài chính Hoàng Minh (KPF): "Cục vàng" Cam Lâm lại mang về lãi khủng, nửa đầu năm lãi ròng đột biến 108 lần Riêng về Cam Lâm, quý 1 từ mang về doanh thu thuần đột biến (đạt 231,56 tỷ đồng) cho KPF. CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (KPF) đã công bố BCTC quý 2/2018 với doanh thu tăng mạnh từ 14 tỷ lên 70 tỷ đồng, giá vốn tương ứng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp Công ty điều chỉnh từ 1,5 tỷ...