Hụt hơi vì nCoV biến ảo khôn lường
Nhà sinh học Jesse Bloom biết sớm muộn cũng xuất hiện một biến chủng nCoV nguy hiểm, có nguy cơ chống kháng thể, nhưng không ngờ lại nhanh đến vậy.
Trong phần lớn năm 2020, hầu hết mọi người, bao gồm cả các chuyên gia, không quá lo lắng về khả năng tiến hóa của nCoV. Virus khi đó đang biến đổi, nhưng không có điểm gì đặc biệt đáng lo ngại.
Tuy nhiên, đến cuối mùa thu, số lượng biến chủng nCoV tăng vọt. Những phiên bản mới khác biệt của virus bùng phát một cách đáng báo động tại Brazil, Nam Phi và Anh.
Chỉ trong vài tháng, các biến chủng đã trở thành mối quan tâm toàn cầu. Gần như bất cứ lúc nào đề cập đến quỹ đạo đại dịch, giới chuyên gia y tế cũng đều nhấn mạnh về chúng như một yếu tố có thể phá hủy những thành tựu chống dịch phải rất vất vả mới đạt được. Các biến thể này không chỉ mang một, mà là một loạt đột biến, dường như lây lan nhanh hơn hoặc có thể “đánh lừa” hệ miễn dịch.
Theo bình luận viên Carolyn Johnson của Washington Post , giới khoa học đã mất cảnh giác trước sự bùng phát đột ngột của các biến chủng nCoV, mở ra một chương mới của đại dịch. Chiến dịch tiêm chủng đại trà từng được kỳ vọng giúp thế giới thoát khỏi khủng hoảng giờ đây lại trở thành cuộc chạy đua với tốc độ “biến hóa” của virus.
Một nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm của hãng sản xuất kit xét nghiệm Visby Medical ở San Jose, bang California, Mỹ, hồi tháng 8/2020. Ảnh: Reuters .
Con đường dẫn đến miễn dịch cộng đồng, tức là khi virus không thể tái bùng phát, được cho là cũng trở nên dài hơi và phức tạp hơn. Các vaccine Covid-19 có nguy cơ không kiềm chế được nCoV hoàn toàn, mà đơn giản chỉ là đuổi theo một loại virus liên tục biến đổi.
Trên thực tế, trước cả khi các biến chủng nCoV bùng phát đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giới khoa học dường như đánh giá thấp khả năng tiến hóa của virus. Ngay từ mùa xuân năm ngoái, một người đàn ông 45 tuổi mắc bệnh tự miễn nặng đã phải liên tục ra vào một bệnh viện ở thành phố Boston, Mỹ, suốt 5 tháng vì không thể “sạch virus”.
Video đang HOT
Bằng cách giải trình tự gene virus tại những thời điểm khác nhau, các bác sĩ phát hiện ra rằng nó đang biến đổi nhanh chóng. Thay vì chỉ có 1-2 thay đổi về gene, virus xuất hiện tới 21 đột biến và tập trung ở protein gai, giúp nó dễ dàng bám vào thụ thể ở tế bào vật chủ hơn. Sau khi người đàn ông sử dụng thuốc kháng thể, những đột biến mới xuất hiện có thể đã giúp virus vô hiệu hóa liệu pháp này.
Trong trường hợp một bệnh nhân Covid-19 70 tuổi tại Anh từng khỏi ung thư, hệ miễn dịch bị tổn hại nặng, những đợt điều trị bằng huyết tương giàu kháng thể đã dẫn đến tình trạng các biến chủng đua nhau xuất hiện bên trong cơ thể người này.
Sau khi tiến hành thí nghiệm với một biến chủng nCoV trong cơ thể bệnh nhân, các nhà khoa học nhận thấy một trong những thay đổi về gene đã làm giảm độ nhạy của virus với các kháng thể, nhưng cũng làm giảm khả năng lây lan của nó. Tuy nhiên, một đột biến khác cũng của chủng này dường như lại giúp bù đắp, khi làm tăng khả năng lây truyền virus. Loại đột biến này cũng được tìm thấy trong chủng virus khiến nước Anh lao đao cuối năm ngoái.
“Chúng tôi đã đánh giá thấp khả năng tiến hóa của virus ngay từ đầu đại dịch”, Kevin McCarthy, nhà vi sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Vaccine thuộc Đại học Pittsburgh, Mỹ, thừa nhận. Những bệnh nhân trên vốn đã cung cấp manh mối về khả năng tiến hóa của virus trước cả khi thế giới chú ý đến các biến chủng.
Với hơn 117 triệu người đã nhiễm nCoV trên toàn cầu, virus được cung cấp cơ hội tối đa để thay đổi cách “ngụy trang”. “Tôi nghĩ đang có một bước tiến hóa từ nguồn virus đột biến ẩn nào đó trong cộng đồng rơi vào điểm mù của chúng ta. Chúng ta không thể nhìn thấy cho đến khi virus lây lan đủ xa”, Jonathan Li, chuyên gia tại bệnh viện Brigham and Women ở Boston, nêu ý kiến.
Một số thí nghiệm về nCoV thậm chí từng mô phỏng chính xác phương thức ra đời của các biến chủng tại Nam Phi và Brazil trước khi chúng thực sự xuất hiện. Tuy nhiên, Jesse Bloom, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, cho rằng mọi người đều ngỡ ngàng khi các thí nghiệm đó trở thành hiện thực nhanh chóng đến vậy.
Tác động trước mắt đối với những người bình thường được đánh giá không quá nghiêm trọng. Điều cần ưu tiên là phải hạn chế sự lây nhiễm để virus ít có cơ hội biến đổi hơn và công tác tiêm chủng đạt hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà khoa học dường như còn rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho những viễn cảnh tương lai có thể xảy ra.
“Chúng ta phải đối mặt với thực tế, mà tôi khá tin, rằng SARS-CoV-2 sẽ ngày càng giống bệnh cúm, lúc nào cũng bám theo chúng ta bởi virus đang biến đổi. Vaccine cũng luôn cần được cập nhật”, Bloom dự đoán.
Hiện nay, giới nghiên cứu đang tăng cường giám sát bộ gene để theo dõi những biến đổi của virus. Bloom cùng nhiều người khác đang vạch ra các lộ trình biến đổi của virus để khi chúng phát sinh, giới khoa học có thể nhanh chóng đánh giá liệu đột biến này có tiềm ẩn mối đe dọa hay không.
Tuy nhiên, điều này không hẳn đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ không bao giờ chấm dứt. Triển vọng đang ngày càng tươi sáng nhờ các vaccine Covid-19, khi chúng sẽ luôn được cập nhật. “Sẽ có những biến chủng mới, cùng những phương thức mới có thể giúp chúng lọt qua hệ miễn dịch, nhưng có lẽ sẽ không lọt quá nhiều”, Sarah Cobey, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Chicago, Mỹ, cho hay.
Trong phòng thí nghiệm, giới khoa học đang thử nghiệm xem liệu những biến chủng hiện nay có còn nhạy với các kháng thể được sinh ra nhờ lây nhiễm tự nhiên và vaccine hay không. Các hãng sản xuất cũng đang chuẩn bị những phiên bản vaccine mới, đồng thời thử nghiệm những mũi tiêm nhắc lại để đề phòng.
Theo bình luận viên Johnson, sự xuất hiện âm thầm và nhanh chóng của các biến chủng nCoV khiến giới khoa học không thể dự đoán đường đi tiếp theo của virus, làm gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh.
“Đừng nghĩ rằng chúng ta thông minh hơn sự tiến hóa”, Paul Duprex, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine thuộc Đại học Pittsburgh, cho biết.
Nỗ lực duy trì tiếng Việt trên đất Mỹ
Cộng đồng người Việt tại TP.San Jose (bang California, Mỹ) tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em gia đình gốc Việt tại đây trong nỗ lực duy trì tiếng mẹ đẻ cho thế hệ tiếp theo.
Nhóm thành viên xây dựng chương trình song ngữ tiếng Việt tại Trường tiểu học Ben Painter - CHỤP MÀN HÌNH SANJOSESPOTLIGHT
Trường tiểu học Ben Painter là trường đầu tiên trong Học khu Alum Rock Union (ARUSD) ở phía đông San Jose (bang California, Mỹ) triển khai chương trình hòa nhập tiếng Việt, để học sinh học cả tiếng Anh và tiếng Việt trong chương trình song ngữ được giảng dạy hằng ngày.
Được hưởng ứng
Bang California từng ban hành luật hạn chế các trường dạy những môn học bằng tiếng nước ngoài trừ khi có đủ phụ huynh ký giấy đăng ký cho con em mình theo học chương trình song ngữ. Sau khi đạo luật Giáo dục đa ngôn ngữ California được thực thi vào năm 2016, chương trình song ngữ trở lại và được nhiều gia đình gốc Việt chào đón.
Cũng kể từ đó, mọi học khu ở bang California nhận được ngân sách từ tiểu bang để mở rộng chương trình song ngữ. Tại TP.San Jose, Học khu Franklin-McKinley là nơi đầu tiên mở chương trình song ngữ tiếng Việt và đã giúp các giáo viên tại Trường tiểu học Ben Painter xây dựng chương trình giảng dạy.
ARUSD từng mở các lớp tiếng Việt sau giờ học chính khóa cách đây hai thập niên nhưng đã ngưng sau hai năm hoạt động do thiếu kinh phí, mặc dù có rất đông học sinh Việt trong học khu. Để con có thể nói tiếng Việt ở nhà, các gia đình ở đây đưa con đến học các lớp dạy tiếng Việt được mở tại những ngôi chùa trong vùng.
Khi Ban lãnh đạo ARUSD đề nghị với Hiệu trưởng Le Tran của Trường tiểu học Ben Painter mở chương trình song ngữ tiếng Việt vào năm 2016, cô Le Tran đã chớp lấy cơ hội này. Cô Le Tran từng rất lúng túng khi nói tiếng Việt vì lớn lên ở Mỹ, nhưng giờ cô đang tham gia các lớp học tiếng Việt và học hỏi thêm từ những đồng nghiệp của mình.
"Chương trình này rất quan trọng. Tôi không muốn những đứa trẻ Việt sinh ra ở đây phải trải qua những khó khăn như tôi", cô Le Tran bày tỏ. Cô hiệu trưởng này đã tuyển dụng một nhóm giáo viên của ARUSD, bao gồm cô Qui Pham, từng dạy ở VN và có bằng giảng dạy chương trình song ngữ, và cô Thu-Hong Tran, từng dành những ngày cuối tuần để dạy tiếng Việt tại chùa Đức Viên ở TP.San Jose trong suốt 2 thập niên qua.
Cả hai cô giáo trên đang giảng dạy hai lớp song ngữ tại Trường tiểu học Ben Painter. "Đó quả là một trải nghiệm tuyệt vời khi có thể đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng. Tôi rất vui mừng khi chương trình được mở cho con em người Việt", cô Qui Pham chia sẻ.
Cầu nối văn hóa và kết nối gia đình
Đối với bà Bach Yen Pham, biết được chương trình song ngữ tiếng Việt trên là một "may mắn" đối với gia đình bà. Trước khi tham gia chương trình song ngữ, con trai của bà là Kenneth (4 tuổi) chỉ biết từ tiếng Việt là quả bơ. Trong vòng vài tuần sau khi nhập học, Kenneth đã biết đếm số bằng tiếng Việt và hát bảng chữ cái tiếng Việt. Bà Pham bộc bạch: "Tôi rất tin tưởng cô Tran. Vì Chương trình không chỉ giúp những đứa trẻ tiếp tục cải thiện tiếng Việt, mà còn giúp những trẻ chưa từng có cơ hội học tiếng Việc lúc nhỏ".
Đôi khi Kenneth hát thành lời các bài hát tiếng Việt ở nhà và trong những tuần gần đây, cậu bé thậm chí còn đọc được nhiều từ tiếng Việt. Nhưng đối với bà Pham, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi con trai bà lần đầu tiên thốt lên: "Con thương mẹ" bằng tiếng Việt. "'Con thương mẹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con tôi nói được câu này. Đối với tôi, điều này còn hơn cả trúng số", bà Pham hân hoan kể.
Sau một năm lên kế hoạch và xây dựng chương trình giảng dạy song ngữ với cộng đồng người Việt tại địa phương, các cô Thu-Hong Tran và Qui Pham vẫn đang tìm cách cải thiện chương trình song ngữ này. Bất chấp những thách thức từ dịch Covid-19 trong năm nay, các giáo viên thuộc Trường tiểu học Ben Painter đã tìm cách để triển khai chương trình giảng dạy từ xa. Để giữ cho học sinh của mình thích thú việc học, cô Qui Pham đã lồng thêm phần vũ đạo vào các bài hát tiếng Việt mà cô dạy, trong khi cô Thu-Hong Tran tích cực nhắn tin hướng dẫn phụ huynh các cách giúp con họ luyện tiếng Việt tại nhà.
Costa Rica tịch thu lượng ma túy kỷ lục trong năm 2020 Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 9/1, Thứ trưởng An ninh Costa Rica Eduardo Solano thông báo nhà chức trách nước này đã tịch thu khoảng 71,2 tấn cocaine và cần sa trong năm 2020. Đây là lượng ma túy kỷ lục được thu giữ tại quốc gia Trung Mỹ này tính đến nay. Cảnh sát trưng bày số cocain thu...