Hụt hẫng với “game thoái vốn” tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC)
Cổ phiếu NTC và PHR đã tăng chóng mặt trong vòng 1 năm nhờ hiệu ứng thông tin thoái vốn. Tuy nhiên, với những động thái mới từ Tập đoàn Cao su, đơn vị sở hữu chéo cả hai đơn vị này, không ít nhà đầu tư đang hụt hẫng.
Ảnh Internet
Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) đang sở hữu chéo tại 19 doanh nghiệp, trong đó có 7 công ty trong nước và 12 công ty nước ngoài.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, nội dung xử lý sở hữu chéo tại các công ty thành viên của GVR được cổ đông rất quan tâm và chất vấn, trong đó đáng chú ý nhất là việc GVR đang nắm 66% vốn tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR); nắm 22,4% vốn tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC).
Đồng thời, PHR cũng đang nắm 32,9% NTC. Chưa hết, GVR và NTC lại cùng sở hữu lần lượt 13,53% và 9,02% vốn tại SIP – cổ phiếu mới đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng quản trị GVR cho biết, thực tế Tập đoàn đang vướng vi phạm khi công ty mẹ cùng góp vốn tại các công ty con. Việc này diễn ra từ trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực. Để xử lý dứt điểm, cách đơn giản nhất là thực hiện việc bán cổ phần của Công ty mẹ hoặc của công ty con.
Chưa rõ là GVR hay PHR sẽ thoái vốn tại NTC thông qua việc bán trên sàn
Dù vậy, theo ông Thành, thực tế có những khó khăn nhất định. Với các công ty đang trong giai đoạn đầu tư cơ bản thì rất khó bán hoặc bán được sẽ không hiệu quả. Do đó, hướng xử lý là chuyển công ty con thành công ty TNHH một thành viên, đợi hoạt động ổn định sẽ bán cổ phần ra công chúng.
Với các công ty tại nước ngoài, việc chuyển sở hữu sẽ gặp vấn đề về thuế chuyển nhượng. Chưa kể, giá cao su đang thấp nên mức giá bán khó đạt hiệu quả. Sau khi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, GVR sẽ thực hiện việc thoái vốn. Với riêng trường hợp sở hữu chéo NTC, GVR hoặc PHR sẽ bán ra để xoá sở hữu chéo.
Theo phương án phê duyệt ban đầu do Tập đoàn đề nghị là PHR sẽ bán vốn tại NTC theo hình thức trở thành cổ đông chiến lược, nâng sở hữu của GVR tại NTC lên 51%. Đây là nội dung được giới đầu tư chờ đợi sẽ được thực thi từ khoảng hơn 1 năm nay.
Video đang HOT
Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định, việc thoái vốn tại NTC (và chuyển nhượng đất) sẽ đóng góp lợi nhuận lớn và trở thành động lực tăng trưởng chính cho PHR, trong khi mảng cốt lõi là cao su dự báo đi ngang do giá cao su thiên nhiên vẫn chưa phát ra tín hiệu tích cực. Giá vốn đầu tư của PHR đầu tư vào NTC thấp hơn rất nhiều so với thị giá trên sàn.
Với kỳ vọng thoái vốn giá cao và việc NTC hưởng lợi lớn từ xu hướng dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, giá cổ phiếu NTC đã có nhiều đợt tăng chóng mặt, đạt đỉnh 150.100 đồng/cổ phiếu vào phiên 10/6/2019.
Đầu tuần này, thị giá NTC đã lùi về 134.200 đồng/cổ phiếu (phiên 17/6), nhưng vẫn đạt mức tăng tới 141% trong vòng 1 năm qua. Tương tự, cổ phiếu PHR cũng được nhiều nhà đầu tư ưa thích, ghi nhận mức tăng hơn 130% trong 1 năm, nhưng cũng giảm nhẹ trong vòng 1 tuần trở lại đây (đạt 55.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 17/6).
Cũng chính vì diến biến trên, lãnh đạo GVR cho rằng, giá cổ phiếu NTC hiện ở mức quá cao để mua vào. Nếu PHR bán với giá thấp thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Cho nên, Tập đoàn quyết định sẽ không thực hiện việc phát hành cho cổ đông chiến lược để nâng sở hữu tại NTC nữa, mà sẽ bán cổ phiếu NTC ra thị trường theo đúng quy định.
“Còn thực hiện theo phương án nào, Tập đoàn sẽ trình Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Uỷ ban quyết định lựa chọn phương án nào, Tập đoàn sẽ thực hiện phương án đó”, ông Thành cho biết.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa chốt chính xác là GVR hay PHR sẽ thoái vốn tại NTC thông qua việc bán qua sàn. Thông tin này khiến không ít nhà đầu tư hụt hẫng. Đầu tư vào NTC để “ăn sóng thoái vốn” đã giảm nhiệt phần nào.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một số chuyên viên phân tích cho rằng, xét về cơ bản, cả hai cổ phiếu PHR và NTC đều có những cơ sở khá tốt để tiếp tục tăng trưởng. PHR sẽ chuyển hướng mạnh hơn sang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp – lĩnh vực đang có triển vọng rất tích cực.
Còn NTC, vốn có vị thế sẵn trong lĩnh vực này. Nhưng trong ngắn hạn, chắc chắn thông tin trên sẽ tác động tâm lý phần nào tới các nhà đầu tư ưa thích theo “ game”. Nhất là mới đây, NTC đưa ra bản kế hoạch năm 2019 với lợi nhuận sụt giảm đến hơn 70%, ở mức 130 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính được cho là Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC-1) và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 1 (NTC-2) đã lấp đầy; còn Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC-3) mới hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chỉ có thể cho thuê từ giữa năm 2019.
Ngược lại, điểm sáng hơn cho PHR khi Công ty đang chờ quyết định thỏa thuận dự án đầu tư NTC-3 và quyết định thỏa thuận giá trị bồi thường cây cao su từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Hiểu Lam
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Làn sóng dịch chuyển FDI về Việt Nam, cơ hội mở ra với Nam Tân Uyên (NTC)?
Hiệp định CPTPP được ký kết, cũng như câu chuyện chiến tranh thương mại leo thang đang khiến dòng vốn FDI từ nhiều quốc gia, đặc biệt Trung Quốc có xu hướng đổ mạnh vào Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 4 tháng đầu năm, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trên cả nước đạt hơn 7,4 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 4 tháng qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hiệp định CPTPP được ký kết, cũng như câu chuyện chiến tranh thương mại leo thang đang khiến dòng vốn FDI từ nhiều quốc gia, đặc biệt Trung Quốc có xu hướng đổ mạnh vào Việt Nam.
Dòng vốn FDI gia tăng mạnh mẽ mang đến cơ hội cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp bất động sản hạ tầng, khu công nghiệp và CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) là ví dụ điển hình với lợi nhuận bứt phá mạnh trong nhiều năm qua. Kết thúc năm 2018, NTC ghi nhận 470 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,3 lần so với năm trước đó.
Trên sàn chứng khoán, NTC là một trong những cổ phiếu tăng trưởng ổn định nhất trong nhiều năm qua. Sự tăng trưởng của NTC bên cạnh yếu tố chính là hưởng lợi từ làn sóng FDI, còn đến từ tình hình tài chính lành mạnh và khả năng mở rộng quỹ đất từ tập đoàn cao su.
Diễn biến cổ phiếu NTC từ khi lên sàn tới nay
Nắm giữ hơn 1.300 tỷ tiền mặt, chi trả cổ tức tiền mặt cao hàng đầu thị trường
Tính đến cuối quý 1/2018, NTC có lượng tiền mặt hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi nợ vay chỉ hơn 11 tỷ đồng. Lượng tiền mặt lớn như vậy giúp NTC mỗi năm có thêm khoản tiền không nhỏ từ lãi suất ngân hàng. Việc sở hữu số dư tiền lớn còn giúp công ty không cần huy động thêm vốn để triển khai các dự án mới.
Những năm qua, NTC cũng là doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt hàng đầu trên sàn chứng khoán. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 của NTC lên tới 60% và đến năm 2018, con số còn lên tới 100% bằng tiền mặt. Trong năm 2019 NTC tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức 200%, tương ứng số tiền chi ra là 320 tỷ đồng. Điều này thể hiện dòng tiền của NTC là rất tốt, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông.
NTC hiện đang đầu tư vào 10 công ty liên doanh liên kết cũng làm Bất động sản khu công nghiệp. Khoản đầu tư này của NTC mang lại cổ tức rất lớn và tăng dần theo từng năm do các công ty liên doanh liên kết làm ăn thuận lợi, mở rộng liên tục quỹ đất cho thuê. Trong năm 2018 khoản đầu tư này mang lại 67,08 tỷ cổ tức và tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019. Riêng trong quý 1/2019 tiền cổ tức từ các công ty này đã lên đến 36,5 tỷ đồng.
NTC nhận cổ tức lớn từ các công ty liên kết trong năm 2018
Tiềm năng dài hạn với quỹ đất từ tập đoàn cao su
Dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động vào năm 2019 với diện tích cho thuê là 255 ha. Dự án được kì vọng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn trong vòng 4-5 năm tới với ước tính tổng doanh thu lên đến 5.100 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 4.200 tỷ đồng trong vòng 50 năm.
Một lợi thế của NTC là có khả năng mở rộng quỹ đất trong dài hạn. Với sự hỗ trợ từ tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) và Phước Hòa (PHR) nên trong những năm qua NTC đã có được quỹ đất rộng với chi phí thấp và thời gian triển khai rất nhanh nhờ vào việc mua lại đất trồng cây cao su từ PHR và chuyển đổi thành Khu công nghiệp.
Do vậy, NTC không cần tốn nhiều chi phí và thời gian trong việc giải tỏa, san lấp mặt bằng. Đây là một lợi thế vô cùng lớn giúp biên lợi nhuận gộp của NTC luôn ở mức cao, do chi phí san lấp, giải tỏa mặt bằng chỉ bằng khoảng 1/5 so với các doanh nghiệp khác. Hiện nay PHR vẫn đang tiếp tục có kế hoạch chuyển đổi thêm 1.500 ha/năm đất trồng cây cao su làm đất khu công nghiệp. NTC và những công ty trong Tập đoàn cao su Việt Nam sẽ được ưu tiên nhận quỹ đất nếu có nhu cầu mở rộng.
Với các tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững, hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển khu công nghiệp, NTC đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, NTC đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 300.000 cổ phiếu, tương ứng gần 2% vốn điều lệ công ty.
Thời gian gần đây, TTCK toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Giới phân tích cho rằng đàm phán thương mại sẽ không kết thúc một sớm một chiều. Do đó, dòng tiền đầu tư có xu hướng tìm kiếm những cổ phiếu "tránh bão" và nhóm bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp là một trong những lựa chọn được chú ý.
Bảo Sơn
Theo Trí thức trẻ
Một cổ phiếu khu công nghiệp tăng 84% trong 3 phiên Sau khi chào sàn vào đầu tháng 6, cổ phiếu SIP của doanh nghiệp sở hữu 2 khu công nghiệp tại TP HCM gần như không có thanh khoản. Kết phiên 17/6, cổ phiếu CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) có giá 31.700 đồng/cp, cao hơn 15% so với tham chiếu. Đây là phiên trần thứ 3 liên tiếp của SIP,...