Hương vị quê hương: Ốc đinh miền sơn cước
Ở vùng miền sơn cước xứ Quảng, ốc là món ăn phổ biến. Có thể lập một “sơ đồ” ốc như ốc bươu, ốc lác, ốc đá… và cả ốc đinh.
Ốc đinh có kích thước nhỏ, thân hình quắn như những chiếc đinh vít, sống ở nơi khí hậu trong lành, bám vào hốc đá, chỉ ăn rêu đá nên thịt ngọt, béo lại đảm bảo sạch sẽ.
Độ tháng ba, tháng tư, nước các con sông, con suối bắt đầu ấm dần, là thời điểm ốc đinh vào mùa. Muốn bắt được ốc đinh với số lượng lớn, phải đi hàng chục cây số, vào sâu trong rừng, nơi dòng suối có nhiều đá bám rêu. Những con ốc sống ở vùng càng sâu càng xa trong núi sẽ càng sạch sẽ, lớn con, thịt thơm và béo ngọt. Ta chỉ cần hất nhẹ đám rêu xanh trong hốc đá là tha hồ lượm ốc vào giỏ, mang về làm thức ăn. Những năm được mùa ốc, lội mò dưới suối khoảng chừng hai tiếng đồng hồ, một người có thể mang về cả chục ký ốc.
Ốc đinh chế biến được nhiều món lạ ngon như um, nấu cháo… Để lạ miệng thì nấu canh, ít tốn kém cả tiền lẫn thời gian lại ngon và bổ dưỡng. Ốc đinh thường nấu canh với mít non, đu đủ xanh, lá tía tô. Được ưa nhất vẫn là ốc xào. Một đĩa đầy ốc đinh xào có thể vừa ăn chơi hoặc ăn no kèm bánh tráng, bánh mì hoặc bún trắng được chan từ nước ốc xào.
Video đang HOT
Ở miền sơn cước xứ Quảng, không chỉ xuất hiện trong mâm cơm, ốc đinh xào còn là món để các anh lai rai đưa cay lúc xế chiều, các chị nhâm nhi như món quà vặt lúc rảnh rỗi chuyện nương rẫy. Để có nồi ốc ngon, ốc mua hoặc bắt về trước hết phải tẩy sạch chất nhờn, bùn đất bằng cách ngâm nước vo gạo trong nửa ngày. Sau khi ngâm, rửa sạch mớ ốc lần nữa, dùng dao chặt bỏ chóp nhọn (phần đuôi) từng con để khi dùng dễ lấy ruột ốc hơn.
Cũng như “duyên nợ” lá lốt xào thịt bò, khổ qua xào trứng… thì ốc đinh xào không thể thiếu mùi vị của sả, ớt, lá chanh. Trong lúc đợi ốc ráo nước, ra vườn hái nắm lá chanh, bụi sả, vài trái ớt tươi, tép gừng. Sả tước bỏ cọng cứng, cắt khúc ngắn, dùng đầu cán dao đập giập, ớt quả và các thứ lá chanh, gừng cắt nhỏ.
Tất cả trộn đều cùng mớ ốc với gia vị. Tiếp theo đun nóng dầu ăn, phi tỏi thơm, cho mớ ốc đã trộn các thứ lá và gia vị vào đảo nhanh tay. Thêm lượng nước phù hợp (muốn ngon hơn nữa thì cho một ít nước dừa vào), chờ nồi ốc sôi lên vài dạo chừng mươi phút, ốc chín hòa trong nước sốt sền sệt là được.
Ốc đinh xào nóng hổi, thích nhất là “khâu” khều thịt ốc ra, không cần quệt qua tí nước chấm nào mà bỏ luôn vào miệng. Ôi, thấm thía!
Hương vị quê hương: Xiêu lòng cá mẻ lò nướng lá lốt
Để cho xiêu lòng xiêu dạ nhất hãy thử cá mẻ lò nướng lá lốt. Làm món này không thể thiếu lá lốt và nghệ tươi. Người ta thường để nguyên con và dùng dao khứa trên thân cá để gia vị ngấm vào từng thớ thịt.
Cá mẻ lò nướng lá lốt trên vỉ
Từ đầu cầu Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo, rợp bóng tre, theo chân anh bạn, tôi dễ dàng đến được làng chài Thuận An (xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên, Quảng Nam).
Nhà anh nằm thu mình bên chợ cá - đoạn cuối của làng chài. Chỉ vài bước thăm chợ, tôi đã ấn tượng với những tấm bạt bày nhiều loại hải sản tươi sống. Mực, ốc, tôm... cựa quậy trong thau, trong rổ... Nhiều nhất là những con cá trông giống như cá bò, da màu nâu đen, thân dẹt, nhưng nhiều thịt, vảy mềm hơn cá bò. Tôi tròn mắt nhìn, anh bạn hiểu ý nói nhỏ vào tai: "Cá mẻ lò đó, mùa này là nhất xứ, nướng lá lốt càng tuyệt!". Nhanh tay anh chọn ngay một cặp mẻ lò độ chừng ký rưỡi.
Ngư dân ở đây cho biết cá mẻ lò thường xuất hiện phổ biến vào những ngày cuối xuân. Cá mẻ lò giá cả phải chăng, được xem là nguồn thực phẩm thơm, ngon, tính hiền, nhiều dưỡng chất... Từ lâu, cá mẻ lò đã trở thành một khúc hòa tấu dân dã, ngon và lạ miệng của nhiều gia đình miệt biển.
Bên cạnh mẻ lò nấu canh chua, hấp thì thực đơn về cá mẻ lò không thể thiếu món nướng. Những con cá mẻ lò tươi sống vừa đánh bắt từ biển lên làm sạch, để ráo nước trước khi chế biến. Muốn cảm nhận được từng miếng cá thơm ngon tự nhiên thì nướng "nguyên rin". Chỉ cần để nguyên con cá cứ thế mà đem nướng trên bếp than hồng. Thi thoảng trở vỉ để cá chín đều. Khi cá chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên nưng nức "phổng mũi" là lúc cá vừa chín tới.
Chuẩn bị nguyên liệu nướng cá
Để cho xiêu lòng xiêu dạ nhất hãy thử cá mẻ lò nướng lá lốt. Làm món cá nướng này, nhất định không thể thiếu lá lốt còn non xanh mơn mởn và những củ nghệ tươi. Người ta thường để nguyên con và dùng dao khứa dọc trên thân cá từng đường nhỏ để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt.
Cho cá vào thau chà xát phần hỗn hợp gia vị gồm mắm muối, tỏi - củ nghệ tươi - tiêu đã giã nhỏ. Tỉ mỉ hơn thì độn một ít tỏi, nghệ vào bụng cá rồi để cá vào ngăn tủ mát khoảng 30 phút. Tiếp tục đặt lớp lá lốt trên vỉ sao cho kín hết hai bên thân cá. Trong lúc nướng, quệt một ít dầu ăn lên bề mặt ngoài của lá lốt để cá không bị cháy khô. Lửa than đỏ vừa phải, đủ để hơi nóng "ăn sâu" vào trong thân cá, chín cả trong lẫn ngoài.
Vỉ cá nướng nghi ngút khói chuyển từ tay anh bạn, mới nhìn sắc màu hài hòa và nghe hương vị bốc lên cũng đủ thấy "lịm người" rồi. Cá mẻ lò nướng ăn kiểu gì cũng đều lôi cuốn người thưởng thức. Có thể gỡ từng thớ cá trắng ngần chấm cùng muối ớt chanh. Nhiều thực khách thích cuốn cùng với rau cải, rau mơ chấm nước mắm cay ngọt.
Còn gì tuyệt vời hơn khi một ngày đầu tháng ba, trong cái nắng vàng như lát cắt củ nghệ phủ khắp làng chài, ngồi nhâm nhi vị biển đậm đà trong từng thớ cá ngòn ngọt, beo béo, mằn mặn, nghe nắng nghe gió rười rượi bên vai cùng tiếng cười giòn của anh bạn xứ biển...
Hương vị quê hương: Rau lang luộc chấm mắm cà chua Gió nam hây hẩy lướt qua cỏ cây cho ngọn rau lang mơn mởn trong vườn nhà. Nắng hanh vàng cho chùm cà chua chín đỏ ẩn mình trong lá xanh. Rau lang luộc chấm mắm cà chua rất lạ. Loại rau dân dã ấy được người dân quê tôi chế biến món ăn mang hương vị đặc trưng tạo nên dư vị...