Hương vị quê hương: Ngon khó cưỡng cháo cua huỳnh đế
Một ngày đẹp trời, gặp cháo cua huỳnh đế, tôi phải thốt lên: Cua đá ơi, mi “nhường ngôi” nhé.
Cháo cua huỳnh đế TRẦN CAO DUYÊN
Tôi từng ăn cháo cua đá, thứ cua thịt thơm ngon, sống trên bãi bồi ven sông nước lợ và “mặc định” cháo cua đá là nhất. Vậy mà một ngày đẹp trời, gặp cháo cua huỳnh đế, tôi phải thốt lên: Cua đá ơi, mi “nhường ngôi” nhé.
Theo lời một ngư dân trẻ, cua huỳnh đế ăn ở “vệ sinh” lắm, chỗ nào sạch mới ở, dơ là biến. Muốn đánh bắt nó phải ra tận những vùng biển đảo khơi xa, nơi có độ sâu trên dưới 200 m, cát vàng ươm, rất sạch, không gợn bùn. Thức ăn của cua huỳnh đế chủ yếu là trùn biển và động vật thuộc nhóm cầu gai giàu khoáng chất. Có lẽ nhờ nguồn thức ăn đầy dinh dưỡng này mà thịt cua huỳnh đế săn chắc, ngọt thơm vượt trội so với các loài cua khác. Và quan trọng hơn, cua huỳnh đế có dưỡng chất gây “sung mãn” cho cánh đàn ông, cậu ngư dân nói xong cười sảng khoái.
Video đang HOT
Đã ngon đến mức lừng lẫy tiếng tăm, lại còn gợi lên niềm “hứng khởi” thế kia, chẳng trách giá loại cua này lúc nào cũng cứ ngất ngưởng ngọn dừa. Cả triệu bạc mới “rờ” được con cua cỡ một ký chứ ít đâu! Một lão ngư kiêm… nhà thơ có câu: “Bóng kia cứ nghĩ là hình/Ăn cua huỳnh đế tưởng mình là vua”.
Dân làng biển Châu Me (Quảng Ngãi) nói cua đá ngon có tiếng là đúng. Nhưng cua huỳnh đế “dữ dội” và đẳng cấp hơn nhiều. Khách du lịch về làng, sau món huỳnh đế rang muối hoặc hấp sả, họ hay chỉ vào hàng chữ trong thực đơn: “cháo cua huỳnh đế”. Chị chủ quán tên Lệ được dịp… ca vọng cổ: “Mấy món rang hoặc hấp, ai ưng ăn bộ phận nào thì tùy nghi “động thủ”. Dân chủ mà! Nhưng món cháo mới là món… cộng đồng, vì tất cả các chất bổ béo đều ùa ra nồi cháo. Ăn chén cháo huỳnh đế có cảm giác mình ăn cả con cua”. Em gái chị Lệ, tên Thủy, thì cười tinh nghịch: “Có người nói húp cháo cua huỳnh đế nhớ quán mình mút mùa lệ thủy đó mấy anh ơi”.
Với món cháo, những con cua lớn bằng bàn tay được chặt ra làm hai, nhỏ hơn nữa thì được xăm lỗ chỗ, cả sáu cẳng hai càng cũng được đập dập để ướp gia vị rồi phi hành cho thơm. Sau đó đổ một ít nước vào, đun sôi liu riu đủ để thịt cua chín tới trước khi cho tất cả vào nồi cháo đã nấu nhuyễn. Cũng cần phải nêm lại để điều chỉnh độ mặn, ngọt, nhạt tùy khẩu vị khách phố hay quê.
Chị Lệ bật mí: Gia vị ướp cua chỉ nên thoáng qua để khử mùi tanh tự nhiên của vỏ cua và “tạo đà” cho thịt cua đưa hết tinh chất của mình ra với cháo. Hẳn là chị muốn nói, ướp theo kiểu lấy gia vị “đè” thịt cua thì khác nào tách phẩm chất cua huỳnh đế ra khỏi… cua huỳnh đế, biến thứ thịt đẳng cấp này thành một thứ thơm vay ngọt mướn. Như vậy là hỏng.
Khi cua còn sống, ta đã thấy cua khoác “hoàng bào” rồi. Khi chín, cái màu đầy quyền lực càng thêm đỏ rực. Và ta hiểu vì sao cua có tên “huỳnh đế”. Cũng cần nói thêm một chút về cái tên độc đáo này. Giai thoại kể rằng tên khai sinh của cua là “hoàng đế”, với ý nghĩa là vua của các loài cua. Sợ vua trên ngai vàng quở trách, quan bảo dân phải gọi “hoàng” thành “huỳnh”. Tên bị trại đi nhưng phẩm chất thượng hạng của huỳnh đế làm vua mê mẩn. Từ đó, giống cua này đĩnh đạc bước vào cung cấm, chễm chệ ngồi trên mâm vàng trong các yến tiệc của thiên tử.
Cháo cua huỳnh đế ngon khó cưỡng vì có sự cộng hưởng hương thơm. Vị ngọt lừ, thơm đậm đà của thịt cua mơn trớn trong từng hạt cháo mềm mại. Đáp lại, nước cháo nhuyễn bàng bạc mùi gạo mới vấn vương hương vị cua “vua”. Thưởng thức chén cháo cua huỳnh đế, người tinh tế sẽ nhận ra vị biển sâu chợt về bên cạnh hương lúa chín vàng phảng phất.
Hương vị quê hương: Thanh mát canh rong mứt ngày hè
Ở làng bãi ngang Phổ Châu (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), dân nạo rong mứt có câu vè nghe... thân phận lắm: "Cũng vì rong mứt ngọt lành/Mà anh té hố ngã gành bao phen".
Canh rong mứt ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
"Rong mứt đứng nhứt trong các loài rong biển". Tất nhiên đây không phải là xếp hạng của tổ chức nào, mà chỉ là đánh giá dựa trên trải nghiệm bao đời ăn rong mứt của cư dân vùng biển. Cứ cho rằng đánh giá đó là cảm tính nhưng nghe rất cảm tình. Đời rong mà, "danh hiệu" một chút cũng phải thôi. Với lại chuyện ẩm thực vốn không có chừng có mực. Cũng món đó nhưng kẻ khen người chê. Phân tích rạch ròi, chi li đôi khi... phi ẩm thực.
Rong mứt hay lập làng lập xóm trên những gành đá dọc theo chân sóng. Thời điểm nạo loại rong này thường là mùa đông mưa dầm gió bấc. Những bãi đá gập ghềnh, cheo leo, hang hố hiểm hóc là nơi rong mứt mọc nhiều. Với miếng nhôm mỏng và cái giỏ tre mang trên lưng, người đi nạo rong mứt coi cái té nhẹ tựa lông hồng vì phải đi trên đá ẩm ướt. Trơn trượt hoặc sóng bổ bất ngờ, người nạo rong nào cũng trải qua. Mình mẩy xây xước, u đầu mẻ trán cũng là chuyện thường. Biết vậy nhưng tới tháng 9 tháng 10 ta, nghe rong mứt "gọi" dưới mé gành là xách giỏ đi ngay.
Người nạo rong mứt để bán thì cơm đùm cơm bới đem theo, đi từ sáng tới xế chiều mới về. Còn nạo rong mứt kiểu "văn nghệ" như mấy ông xóm tôi thì nhẹ hều. Cũng mang tơi đội nón, cũng miếng nhôm "chuyên nghiệp" và cái giỏ tre lủng lẳng như ai, nhưng nạo áng chừng đủ nồi canh thì quay sang bắt thêm mấy con cua, con ốc nữa là quay về, ưỡn ngực trước thềm nhận lời khen "anh xã tuyệt vời" của vợ.
Xưa giờ, canh rong mứt là món canh trong mùa đông và của mùa đông. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm trước. Còn bây giờ, dân làng chài đã biết ăn biết để. Ngoài ăn tươi rong mứt, họ đã sấy khô, ép thành từng bánh, cấp đông để dành ăn dần. Bằng cách này, họ đã đưa rong mứt từ chỗ chỉ loanh quanh trong mùa đông "chu du" khắp ba mùa còn lại. Nhà nào trữ nhiều, mùa du lịch có thể bày ra trước hiên nhà bán cho khách vãng lai, khoảng 300.000 đồng/kg. Người làng với nhau, nghe thèm canh rong mứt thì "chia" lại từ hàng xóm với giá mềm, kiểu vừa bán vừa cho. Vậy nên những bữa cơm giữa mùa hè oi bức vẫn nghe mùi canh rong mứt dậy lên.
Canh rong mứt có nhiều "thể loại" lắm. Nó có thể "phối" với tôm (tươi hoặc khô), cua, thịt, hàu, hến, trứng gà, trứng cút... Cách nấu cũng đơn giản thôi. Một chút dầu ăn phi với hành tỏi cho thơm rồi tao sơ với một trong những nguyên liệu vừa kể. Đổ nước vào nồi, nấu cho sôi rồi trút một chén rong mứt vào đảo nhẹ. Chờ sôi lại thì nêm nếm gia vị, nên thêm vài lát gừng tươi. Đấy là nấu với rong mứt tươi. Còn rong mứt khô thì phải ngâm nước âm ấm cỡ mười phút cho mềm trước khi nấu.
Với những gia đình nghèo khó thì món "ruột" là rong mứt nấu canh với rau tập tàng. Gọi là "rau tập tàng" vì đó là tập hợp các loại rau mọc sẵn trong vườn như rau má, rau dền, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, ngò tàu... Nồi canh "toàn lá" này không cần dầu mỡ gì, chỉ cần nêm chút xíu muối sống là "chồng chan vợ húp, gật gù khen ngon". Rau tập tàng cùng rong mứt đã mềm trong canh, chấm với mắm ớt tỏi cũng đủ ngon líu lưỡi. Cái này đã thành nỗi nhớ của những ai sinh ra trong các vùng quê "đất cày lên sỏi đá".
Dù nấu với thực phẩm nào thì rong mứt vẫn ấn tượng ở cái vị chua thoang thoảng, thơm dìu dịu, ngọt nhẹ nhàng, mằn mặn vừa đủ "cảm giác biển". Ăn rong mứt nhớ nhứt là... cái điệu sừn sựt khi nhai. Bữa cơm ngày hè nóng bức, canh rong mứt cho cả nhà cái cảm giác thanh mát, ngọt lành.
Cháo gạo đỏ, cá ngó đuôi Lần này về Huế, tôi cùng đám bạn không ăn điểm tâm sáng bằng món bún bò giò heo nổi tiếng, mà tìm về gánh cháo mệ Quang ở đường Nhật Lệ (TP.Huế), thưởng thức món cháo gạo đỏ ăn kèm cá bống thệ kho rim. Món cháo ngon đến nỗi cô bạn đi cùng đã phải thốt lên: "Sao mà mệ có...