Hướng về Đại hội với niềm tin và kỳ vọng
Trong những ngày này, cán bộ, đảng viên và người dân cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đang hướng sự quan tâm về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo ghi nhận của phóng viên, các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ niềm tin và sự kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Đảng sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài năng, tâm huyết, có nhiều quyết sách thúc đẩy sự phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước nói chung, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Chảy, BĐBP Lào Cai chia sẻ thông tin về Đại hội XIII của Đảng với người dân khu vực biên giới. Ảnh: Thành Chung
Từ huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, ông Zơ Râm Nhưng, Chủ tịch UBND xã Gary, huyện Tây Giang chia sẻ: Những ngày này, cùng với việc khẩn trương hoàn thành mọi công việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, chào Xuân 2021, đồng bào các dân tộc ở xã Gary đang rất phấn khởi hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với sự kỳ vọng vào những quyết sách đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt là những chủ trương, chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất…
“Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, các cấp ủy Đảng sẽ có chủ trương tập trung vào phát triển kinh tế, giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân để bà con có thể vươn lên trên chính mảnh đất quê hương của mình” – Ông Nhưng bày tỏ.
Theo dõi Đại hội qua sóng truyền hình, ông Chu Văn Bảo, Bí thư Chi bộ xóm Liên Hồng, xã Cách Linh, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Là một đảng viên, qua theo dõi, tôi rất tâm đắc với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự chuẩn bị công phu, nội dung rất sâu sắc và đi vào những nội dung chiến lược của đất nước. Tôi rất tin tưởng vào sự thành công của Đại hội và hy vọng Đại hội sẽ lựa chọn được những nhân sự ưu tú, vì nước, vì dân, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để lãnh đạo đất nước. Người dân cũng mong muốn, Đảng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng cao, khu vực biên giới, cũng như làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.
Video đang HOT
Cùng suy nghĩ với ông Bảo, ông Nguyễn Văn Phức, ở ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc trong phiên khai mạc Đại hội. Tôi thấy được sự chuẩn bị công phu, kỹ càng của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Bản thân tôi đặt trọn niềm tin vào Đại hội lần này và kỳ vọng rất nhiều vào các đại biểu dự Đại hội sẽ thảo luận, đóng góp các ý kiến có giá trị, thiết thực vào nghị quyết và sớm triển khai để người dân được hưởng lợi.
Bà Trần Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình gửi gắm: Là một xã biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều sinh sống, trong những năm qua, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Vân Kiều đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Tuy nhiên, trước sự phát triển của cơ chế thị trường, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống bị tác động không nhỏ. Tôi hy vọng, Đảng sẽ có những quyết sách lớn đến vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Cũng theo bà Dung, việc giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cần sớm được đưa vào các chương trình giảng dạy chính thức trong nhà trường; đồng thời, có nhiều chương trình, dự án giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập từ chính việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Theo dõi Đại hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ biên giới Sơn La, Thiếu tá Mùa Lao Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La cho biết: Tôi đặc biệt đồng tình với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là về vấn đề tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN khi tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại”.
“Tôi hy vọng rằng, Đại hội XIII của Đảng sẽ kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, mở ra hướng phát triển mới cho đất nước; trong đó có thêm các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả đối với địa bàn còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nhân dân phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn nhanh, bền vững” – Thiếu tá Mùa Lao Thắng bày tỏ.
Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp
Sẽ diễn ra từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Xin đồng chí đánh giá ý nghĩa của việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?
Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, lấy ý kiến đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các tầng lớp công nhân, người lao động, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi. Điều đó cho thấy sự công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị, thể hiện được "ý Đảng, lòng dân".
Các góp ý của đại diện các tầng lớp nhân dân thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, nhân dân, đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ ngày càng cao của Đảng, nhân dân và xã hội, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này cũng thể hiện được chiều sâu của sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua công tác tổ chức tiếp thu các góp ý của nhân dân, xin đồng chí cho biết những vấn đề nổi bật người dân quan tâm?
Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là dự thảo Báo cáo chính trị, vai trò của nhân dân được đặc biệt đề cao: "Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đất nước như: Tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.
Đường lối, chủ trương trong Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ; hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân thông qua các cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp. Đây là định hướng rất quan trọng đối với việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân thực hiện hiệu quả hơn quyền làm chủ thông qua tổ chức đại diện, hướng nhân dân vào việc tham gia hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhân dân. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân sẽ góp phần tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ những đánh giá trên, có thể nói, cơ chế và phương thức thực hành dân chủ và tuân thủ pháp luật của nhân dân luôn luôn gắn liền với vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, dự thảo Báo cáo chính trị đã xem: "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội" là một trong 12 định hướng phát triển đất nước. Đồng thời, dự thảo Báo cáo nhấn mạnh: "Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội" là một trong 9 mối quan hệ lớn cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt. Như vậy, tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội gắn liền với thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân.
Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra các định hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân như: Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt, dân chủ cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.
Trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những định hướng và giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được đề ra trong mục này khá toàn diện, cụ thể và có điểm mới mà trước đây chưa đề cập đến như đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Nhân dân đánh giá cao và đồng tình với nhận định này.
Quyền của nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc xây dựng pháp luật gắn với thực tiễn của đời sống xã hội, cần có cơ chế bảo đảm thực hiện tốt hơn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao hơn nữa năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội, giám sát cộng đồng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Theo đó, nhanh chóng thể chế quan điểm này thông qua việc xây dựng luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức thi hành pháp luật được Hiến pháp năm 2013 dành 6 Điều để quy định trách nhiệm của cá nhân và cơ quan, tổ chức trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống nhưng chưa được coi trọng.
Đến nay, chưa có luật về tổ chức thi hành pháp luật. Vì vậy, cần bổ sung một trong những tồn tại hạn chế là "tổ chức thi hành pháp luật chưa được coi trọng". "Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật" là một trong những giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ tuân thủ pháp luật và kỷ cương của người dân vào dự thảo Báo cáo chính trị. Các ý kiến quan tâm nhiều đến việc nhanh chóng thể chế chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật là một việc đặc biệt quan trọng để chủ trương của Đảng được triển khai thuận lợi, toàn diện và hiệu quả trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhân dân quan tâm, ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng; mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể về phòng, chống tham nhũng, thiết thực góp phần tham gia xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Nhân dân cũng quan tâm và đóng góp nhiều giải pháp cụ thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho 3 chương trình đột phá, vì mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, cốt lõi là phục vụ nhân dân; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho các giải pháp thực hiện "ý chí, khát vọng phát triển đất nước" tạo sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn trong việc thực hiện đổi mới phương thức công tác dân vận của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?
Thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến quá trình phát triển đất nước và cuộc sống của nhân dân. Để góp phần thực hiện mục tiêu "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa", công tác dân vận phải tiếp tục được đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước.
Đồng thời, quan tâm đến cuộc sống, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo, đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, quan tâm các đối tượng yếu thế trong cuộc sống, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Mọi nhiệm vụ của hệ thống chính trị phải hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, công tác dân vận gắn liền với công tác xây dựng Đảng, gắn liền với sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", phát huy sức mạnh "thế trận lòng dân" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Hãnh diện về tấm hộ chiếu Việt Nam Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành và tự hào về những thành tựu quan trọng của đất nước. Hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng bào ở xa Tổ quốc chia sẻ tình cảm và nguyện vọng, khẳng định niềm tin về thành công của Đại hội, ghi thêm mốc son...