Hướng mới điều trị bệnh lý tim mạch nguy hiểm
Nhập viện vì đột ngột đau lưng dữ dội, bệnh nhân nam 48 tuổi được chẩn đoán bóc tách động mạch chủ ngực đoạn xuống đến động mạch chủ bụng, một bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
Sau một tuần điều trị kiểm soát huyết áp và tối ưu hóa các bệnh lý nội khoa đi kèm tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent phủ.
Với tỷ lệ rối loạn lipid máu, tăng huyết áp ngày càng tăng cao và tuân thủ điều trị kém của người bệnh, bóc tách động mạch chủ đang trở thành một vấn đề sức khỏe.
Can thiệp nội mạch đặt stent phủ để điều trị bóc tách động mạch chủ ngực type B tại BV Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: TA.
Động mạch chủ là đường dẫn máu lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, và chia nhánh đến nuôi các cơ quan trong cơ thể, trong đó có các cơ quan quan trọng như tim, não, tủy, gan và thận… Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi áp lực trong lòng mạch (huyết áp) tăng cao đột ngột dẫn đến rách lớp trong của thành mạch, máu sẽ đi qua chỗ rách dưới áp lực cao sẽ làm cho thành động mạch chủ tách ra, hình thành một lòng giả song song với lòng thật ban đầu.
Bóc tách động mạch chủ được phân thành hai loại. Loại 1 (type A) là bóc tách có ảnh hưởng đến phần động mạch chủ cho nhánh nuôi tim hoặc nhánh nuôi não. Đây là loại bóc tách rất nặng, 33% bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời trong 24 giờ đầu tiên. Phẫu thuật cấp cứu là phương pháp điều trị tốt nhất. Loại 2 (type B) là bóc tách động mạch chủ phần còn lại, đây là đoạn động mạch chủ cho nhánh nuôi tủy sống, gan, thận, ruột và hai chân.
Video đang HOT
Trước đây, điều trị bóc tách động mạch chủ ngực type B chủ yếu là nội khoa (sử dụng thuốc), các bác sĩ chỉ can thiệp phẫu thuật khi có biến chứng như tắc các nhánh động mạch nuôi tạng, lòng giả giãn lớn hoặc kiểm soát huyết áp khó khăn… Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong sau mổ của các bệnh nhân lên đến gần 40%, cao hơn nhiều so với điều trị nội khoa, với tỷ lệ tử vong sau 5 năm theo dõi là 19,3%. Vì vậy trước đây các bác sĩ thường chọn phương pháp điều trị bằng thuốc.
Hiện nay điều trị bóc tách động mạch chủ ngực type B đã có những bước tiến mạnh mẽ, trong đó có sự xuất hiện của phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent phủ. Theo một nghiên cứu mới được công bố tại Mỹ, sau 5 năm theo dõi, tỷ lệ tử vong và sự phát triển của bóc tách trên những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch thấp hơn so với nhóm bệnh nhân được điều trị nội khoa.
Phương pháp này cùng chung xu thế của y học hiện nay, đó là hạn chế tối thiểu xâm lấn lên cơ thể người bệnh. Thay vì chịu đựng một đường mổ dài từ ngực xuống bụng, ngày nay bệnh nhân chỉ cần mổ một đường nhỏ khoảng 2 cm ở đùi và khi cần, 2 đường mổ khoảng 3 cm ở cổ. Các bác sĩ sẽ đưa một thiết bị theo động mạch đùi của bệnh nhân lên động mạch chủ và đặt stent phủ che kín chỗ rách, làm cho máu không còn lưu thông được vào lòng giả và khôi phục lại tuần hoàn máu như cũ. Sau 5 năm theo dõi, tỷ lệ tử vong giảm từ 19,3% (điều trị nội khoa) xuống chỉ còn 11,1% (điều trị can thiệp nội mạch), tỷ lệ tiến triển của bóc tách giảm từ 46,1% xuống còn 27%.
Can thiệp nội mạch đặt stent phủ để điều trị bóc tách động mạch chủ ngực type B đang mở ra một hướng mới cho các bệnh nhân bị bệnh lý nguy hiểm này. Phương pháp này đang được áp dụng tại các trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn trong cả nước và đã có những thành công bước đầu.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định – ThS.BS Võ Tuấn Anh
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM
Theo VNE
Nguy hiểm khó lường từ rối loạn mỡ máu
Thống kê của Viện Dinh dưỡng cho thấy hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu), trong đó tỷ lệ này ở dân thành thị lên tới 44,3%.
Xuất hiện âm thầm, không có triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhưng khi lộ diện, rối loạn mỡ máu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dẫn đến tử vong nhanh.
Tại Mỹ, khoảng 33,6 triệu người trên 20 tuổi có nồng độ cholesterol trong máu cao hơn bình thường, chiếm 15% dân số. Tại Anh, số người rối loạn mỡ máu luôn ở mức cao, với 2/3 dân số có tỷ lệ cholesterol cao hơn mức khuyến cáo. Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn mỡ máu, trong đó tỷ lệ này ở dân thành thị lên tới 44,3%.
Rối loạn mỡ máu diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, biến cố mạch vành... Chỉ riêng tại Mỹ, trung bình cứ 6 người chết thì có một người do bệnh mạch vành và cứ 18 người chết thì có một người bị tai biến mạch máu não.
Rối loạn mỡ máu là tình trạng tăng giảm bất thường của các thành phần mỡ máu, bao gồm cholesterol, HDL, LDL và triglyceride. Lúc này, cơ thể không thể sử dụng hết lượng mỡ đưa vào, khiến các thành phần mỡ máu lắng đọng ở nhiều nơi, trong đó có thành mạch máu. Từ đây, các mảng vữa xơ dần hình thành, làm mạch máu trở nên xơ cứng, mất tính đàn hồi. Theo thời gian, các mảng vữa này sẽ trở nên dày và lớn hơn, dần dần gây hẹp lòng các mạch máu, làm giảm cung cấp máu đến các cơ quan tương ứng, trong đó quan trọng nhất là não và tim.
Đôi khi mảng vữa mất ổn định và vỡ ra, làm tắc các mạch máu, dẫn đến những bệnh lý rất nguy hiểm là nhồi máu cơ tim cấp hay tai biến mạch máu não. Các mảng vữa nếu hình thành ở mạch máu ngoại biên có thể làm hẹp lòng các mạch máu này, dẫn đến thiếu máu nuôi chi mạn tính, nặng nề hơn là hoại tử chi phải cắt cụt. Vì gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, rối loạn mỡ máu cần được điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Cần tầm soát sớm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh rối loạn mỡ máu.
Người thừa cân, chế độ ăn uống không khoa học kết hợp lối sống ít vận động là những đối tượng nguy cơ cao của rối loạn mỡ máu. Để đo nồng độ của các thành phần mỡ máu, người ta cần lấy máu bệnh nhân làm xét nghiệm. Chỉ số cholesterol tỷ trọng thấp LDL càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng lớn. Ngược lại, nồng độ cholesterol tỷ trọng cao HDL càng cao thì sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Việc tầm soát mỡ máu nên khởi đầu ở nam giới trên 35 tuổi không có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành và nam giới từ tuổi 20 có một số yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tiền căn gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm, tiền căn gia đình có rối loạn mỡ máu, bản thân có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch (hút thuốc lá, tăng huyết áp...). Nữ giới có yếu tố nguy cơ tim mạch nên tầm soát mỡ máu từ 20 tuổi.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định - ThS.BS Võ Tuấn Anh
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM
Theo VNE
Mãn dục nam đã bắt đầu từ tuổi 30 Nam giới sau tuổi 40 có vòng bụng ngày một tăng lên, cơ bắp kém phát triển, hay quên, làm việc kém tập trung, không ham muốn chuyện chăn gối... thì hãy lưu ý, đó có thể là dấu hiệu của quá trình suy giảm testosterone. Ước tính có khoảng 30% đàn ông trên 45 tuổi bị mãn dục. Mãn dục nam là...