“Hunter Killer”: Hành động chưa đủ “giải cứu” nội dung và diễn xuất nhạt nhòa
Với kinh phí vỏn vẹn 40 triệu USD, “Hunter Killer” khó lòng mang đến những cảnh hành động và kỹ xảo ấn tượng.
Suốt chiều dài thập niên 90 của thế kỷ trước, khán giả đã quen với hình ảnh nước Mỹ giải cứu thế giới khỏi kẻ thù là những gã người Nga “xấu tính” trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, câu chuyện đó đã dần trở nên lỗi thời và không được đón nhận nhiều như xưa. Chẳng những sở hữu cốt truyện nhàm chán quen thuộc mà Hunter Killer ( Mật Vụ Giải Cứu) cũng thể cứu vãn bằng yếu tố hành động.
Trailer “Hunter Killer”
Nội dung Hunter Killer xoay quanh quá trình giải cứu Tổng thống Nga Zakarin (Alexander Diachenko) của thuyền trưởng Joe Glass ( Gerard Butler). Sau khi tàu ngầm Tampa Bay của Mỹ bất ngờ bị tấn công tại Bắc Cực, Đô đốc Charles Donnegan ( Gary Oldman) ngay lập tức phái USS Arkansas tới điều tra.
Chuẩn Đô đốc John Fisk (Common) cũng bí mật ra lệnh cho nhóm biệt kích bốn người đến do thám tổng thống Nga tại một căn cứ hải quân. Từ đây, họ khám phá ra âm mưu đảo chính nhằm tạo ra Thế chiến III của Bộ trưởng Quốc phòng Durov (Mikhail Gorevoy).
Những “anh hùng” người Mỹ bị đặt vào một tình huống éo le khi phải di chuyển sâu vào lãnh thổ để cứu lãnh đạo của kẻ thù. Bất kỳ một sai lầm nào của họ cũng phải trả giá bằng tính mạng, hay tệ hơn là mở đầu một cuộc chiến.
Kịch bản lỗi thời, hành động nhạt nhòa
Kịch bản của bộ phim tỏ ra lỗi thời so với thời điểm 2018.
Dù đã gần bước sang năm 2019 nhưng Hunter Killer vẫn quyết tâm xây dựng Nga là phản diện. Có lẽ do quay vào thời điểm tháng 5/2016 nên đạo diễn Donovan Marsh đã “dự đoán” trước chiến thắng của bà Hillary Clinton với nước Nga là kẻ thù khi cho nữ diễn viên Caroline Goodall thủ vai Tổng thống Hoa Kỳ chăng?
Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên người Mỹ sẽ đóng vai người hùng bảo vệ hòa bình thế giới dù phải thực hiện hàng loạt hành động sai trái trên lãnh thổ nước khác. Có thể nói, Hunter Killer không khác gì một bộ phim tuyên truyền với kịch bản lỗi thời như những thập niên 80 và 90 thời Chiến tranh Lạnh.
Vì vậy, dù cố tình tạo ra nhiều nút thắt nhưng bộ phim chẳng thể gây được sự hấp dẫn bởi cốt truyện quá dễ đoán. Tình huống phim được xây dựng một cách gượng ép với vô số lỗ hỏng khó chấp nhận xuyên suốt thời lượng.
Tổng thống Zakarin tỏ rõ ý định đối địch với người Mỹ ngay từ đầu. Nhưng chỉ ít lâu sau, Bộ trưởng Quốc phòng Durov lại đảo chính với mục đích… tạo ra Thế chiến III khá khó hiểu. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, Lầu Năm Góc lại quyết định tự thân giải cứu thế giới và phái một thuyền trưởng vừa lên chức và chưa từng qua bất kỳ trường lớp nào thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nhạy cảm. Lý do tinh thần yêu nước được giải thích khá sáo rỗng và đậm tính tuyên truyền. Yếu tố tình đồng đội cũng được thêm vào một cách gượng gạo và thiếu tinh tế.
Yếu tố hành động cũng không thật sự ấn tượng.
Trong khi quân đội Mỹ được trang bị vũ khí tối tân thì căn cứ hải quân đối thủ lại được xây dựng hời hợt đến nực cười. Nhóm biệt kích chỉ gồm bốn người dễ dàng theo dõi nhất cử nhất động của kẻ thù mà không gặp chút khó khăn nào. Quá trình giải cứu Tống thống cũng vì thế mà diễn ra nhẹ nhàng và đơn giản đến khó tin.
Kịch bản đã kém nhưng yếu tố hành động trong phim cũng nhạt nhòa không kém nên chẳng thể khiến người xem bớt buồn ngủ. Những màn đấu súng của nhóm biệt kích với kẻ thù tỏ ra quen thuộc và nhàm chán khi na ná vô số tác phẩm cùng đề tài khác.
Những người lính Mỹ vẫn là các “siêu nhân” với kỹ năng cao cường và vũ khí hiện đại còn kẻ thù của họ chỉ như “khúc gỗ” khi cầm mỗi một khẩu súng và đứng thẳng lưng mà xả đạn mà thôi. Những tình huống thoát chết trong gang tấc xuất hiện dày đặc vào được ít nhiều sự kịch tính. Nhưng càng về sau, chúng càng dễ đoán với cách giải quyết đơn giản.
Ở dưới mặt biển, cuộc chiến càng nhàm chán hơn khi USS Arkansas dễ dàng “cân” mọi đối thủ. Đạo diễn Donovan Marsh đã biến Hunter Killer thành một phiên bản Fast and Furious phiên bản tàu ngầm khi “cua” né thủy lôi gắt không kém gì Dom Toretto (Vin Diesel).
Kỹ xảo tệ hại, diễn xuất cũng chẳng khá hơn
Kỹ xảo phim nhìn khá giả tạo.
Với kinh phí còn thua cả Deadpool (2016), Hunter Killer khó lòng mang đến cho khán giả những màn cháy nổ hoành tráng và mãn nhãn. Thực tế, bộ phim mang đậm tính phô trương khi khoe hàng loạt khí tài quân sự hiện đại như tàu ngầm lớp Virginia, Akula, hệ thống phòng thủ tên lửa, khu trục hạm, máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, hình ảnh thực chiến lại chỉ được thể hiện một cách sơ sài trong vài phút cuối phim ngắn ngủi. Trong nhiều phân cảnh, khán giả dễ dàng nhận ra những chiếc tàu ngầm bằng mô hình hay hiệu ứng kỹ xảo vô cùng giả tạo. Những cảnh cháy nổ trong phim cũng xuất hiện vô số lỗi hình ảnh rõ rệt. Khó mà tin được đây là một bộ phim ra mắt năm 2018. Có lẽ, tác phẩm sẽ là một “bom tấn” khi ra mắt cách đây 20 năm thì hơn.
Sau tất cả, diễn xuất trong Hunter Killer cũng chẳng khá hơn là bao. Dù thủ vai chính nhưng Gerard Butler chẳng để lại bất kỳ điểm nhấn nào. Người xem khó lòng mà phân biệt vai diễn Joe Glass với hàng loạt tác phẩm khác của anh như Olympus has Fallen (2013), London has Fallen (2016) hay Den of Thieves (2017).
Dàn diễn viên không ai để lại ấn tượng.
Nam diễn viên Scotland vẫn đóng vai mẫu nhân vật anh hùng có tính cách dị biệt. Buồn thay, anh lại chẳng có cảnh hành động nào để bù lại điểm yếu về mặt diễn xuất với biểu cảm trăm phim như một. Được xuất hiện trên poster để hút khách nhưng vai trò của Gary Oldman thực sự mờ nhạt. Số cảnh phim của ông không quá mười đầu ngón tay và gần như chỉ để cãi nhau với các nhân vật khác mà thôi. Những ai từng hy vọng Đô đốc Charles Donnegan là một phản diện vào phút chót thì nên từ bỏ đi thôi.
Những tên tuổi còn lại như Common, Linda Cardellini, Toby Stephens,… chỉ ở mức tròn vai. Điểm nhấn duy nhất thuộc về cố diễn viên Michael Nyqvist. Ông có nhiều phân đoạn đấu tranh nội tâm để đưa ra quyết định khó khăn có thể gây tổn hại cho đất nước.
Nhìn chung, Hunter Killer chỉ là một bộ phim tầm trung với màn hành động ở mức vui mắt. Phim hiện đang công chiếu trên toàn quốc.
Theo helino.vn
Mật Vụ Giải Cứu Khi Nga "ngố" tiếp tục làm phản diện
Mật Vụ Giải Cứu - Hunter Killer sau khi bị trì hoãn cả tháng trời thì cuối cùng cũng được ra mắt ở Việt Nam. Nhìn chung thì đây là phim giải trí khá, làm đúng vai trò của mình là mang đến cho khán giả những giây phút giảm tải căng thẳng trong cuộc sống, không có thông điệp cao siêu gì nổi bật mặc dù phim hơi lắm những màn giảng đạo giữa các nhân vật với nhau.
Mật Vụ Giải Cứu có tính giải trí tốt. (Ảnh: IMDb)
Không có gì lạ khi phim ban đầu bị cấm chiếu ở Nga (lệnh cấm đã được gỡ bỏ) bởi người Nga lại tiếp tục bị các nhà làm phim Hollywood đem ra bêu xấu. Tuy nhiên, sau bao năm để Nga hoàn toàn làm phản diện và bị đánh bại ở cuối phim thì lần này, tiến bộ hơn là họ để Nga một nửa làm phản diện, nửa còn lại làm anh hùng. Nhưng nhìn chung, nếu so với sự "tài trí, can đảm và vượt lên chính mình" mà người Mỹ tự thể hiện về mình trong phim thì đương nhiên vẫn kém.
Mật Vụ Giải Cứu là kiểu phim tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng kiểu cũ của Mỹ: vì đất nước, vì nhân loại, bất chấp việc có phải bị cáo buộc là phản quốc hay bị đưa ra tòa án binh. Đây là thể loại phim nhan nhản ngoài rạp tầm 10 năm trước, giờ tưởng chừng như đã chết, nhưng không ngờ vẫn có cơ hội được sống dậy hôm nay nhờ con tàu ngầm Hunter Killer.
Phim có 2 tuyến truyện chính và 1 tuyến truyện phụ. (Ảnh: IMDb)
Phim có hai tuyến truyện, một là trên tàu do thuyền trưởng Joe Glass (Gerard Butler) chỉ huy, làm nhiệm vụ đón Tổng thống Nga - người bị Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Dimitri Durov (Michael Gor) giam giữ trong một cuộc đảo chính; hai là tuyến truyện giải cứu Tổng thống của một đội 4 đặc vụ chuyên làm các nhiệm vụ bí mật và nguy hiểm. Nếu thành công, họ sẽ ngăn chặn được ngòi nổ cho Chiến tranh Thế giới thứ III, còn thất bại thì tất cả xem như sẽ chết.
Nếu bỏ đi những màn giảng đạo dông dài của nhân vật Joe Glass thì mạch phim được dẫn dắt khá tốt, liên tục cuốn khán giả diễn biến của phim. Các phân đoạn tàu ngầm Hunter Killer tránh né thủy lôi, vượt qua trận địa phòng thủ của người Nga, cũng như đối đầu với kẻ địch làm khá tốt, đủ hồi hộp, kịch tính và thổi làn gió mới đến cho khán giả. Tuyến truyện thứ 2 cũng hợp lý, hồi hộp và hấp dẫn không kém. Các màn đấu súng hay trốn chạy đủ làm hài lòng những fan của thể loại phim này. Phim có thêm chút yếu tố chiến tranh, chính trị mà không khiến người xem bị ngợp do liên kết giữa các sự kiện, tình tiết, nhân vật, được thực hiện khá hợp lý.
Mỹ - Nga hợp tác rồi tự khen nhau. (Ảnh: IMDb)
Tuy nhiên, phim cũng không thể tránh được nhiều tình tiết khá phi lý và "ảo diệu". Mật Vụ Giải Cứu có nhiều chi tiết và thoại về mặt kỹ thuật quân sự, chắc chắn những ai làm trong chuyên môn sẽ hiểu và tìm ra sai sót, nhưng đối với đại chúng thì hẳn họ cũng chẳng quan tâm đến các yếu tố đó làm gì bởi việc giải trí chính là thứ người xem tìm kiếm. Đồng thời, nhiều tình huống bị sắp đặt trông quá lộ liễu và hơi bị thuận tiện quá đáng cho các nhân vật, nhất là càng về cuối phim càng lộ ra tính phi thực tế. Chi tiết người Nga tự đối đầu nhau để bảo vệ người Mỹ, người Mỹ và người Nga bắt tay và tự khen nhau thật sự có hơi... buồn cười. Nếu đặt mình vào vị trí của người Nga thì chắc chắn sẽ cảm thấy lòng tự trọng và sự ái quốc của mình bị tổn thương ít nhiều, dù cho ở đoạn kết, Nga hay Mỹ đều được các nhà làm phim thể hiện là những con người tuyệt vời và tài giỏi.
Gary Oldman xuất hiện khá ít trong phim. (Ảnh: IMDb)
Các vai diễn không có gì khó khăn nên các diễn viên đều làm tròn vai trò của mình. Gary Oldman mặc dù xuất hiện trên poster chính của phim nhưng chỉ là vai phụ, được thêm vào hẳn chỉ để gây sự chú ý. Nhân vật khiến người xem khó chịu nhất phim hẳn là đặc vụ có phần vô dụng Paul Martinelli (Zane Holtz) - đại diện cho kiểu nhân vật "underdog" cũng thường xuất hiện trong các phim thời trước, ban đầu yếu kém nhưng sau đó vươn lên "save the day", bất ngờ chứng tỏ sự tài năng và hữu dụng. Có điều cách xây dựng nhân vật này không đủ thuyết phục cũng như không nổi bật lắm, khiến người xem đôi khi chỉ thấy khó chịu vì sự "phế" của anh chàng. Thế nhưng, nếu không quá khó tính và bỏ qua được các tình tiết này thì bạn sẽ thấy phim thực sự làm tốt và đáng bỏ thời gian ra thưởng thức.
Tuy nhiên, Mật Vụ Giải Cứu vẫn có kha khá tình tiết hơi phi lý. (Ảnh: IMDb)
Mật Vụ Giải Cứu mặc dù có giống một phim tuyên truyền, tự khen, tự phong, tự tôn vinh mình của người Mỹ thì nhìn chung, vẫn là một phim nên xem. Đây không phải là phim có nội dung quá sâu sắc, nhân vật phức tạp xứng đáng đoạt Oscar, mà là phim giải trí đơn thuần, giúp bạn có những phút giây vô cùng thoải mái.
Theo moveek.com
Phim Hollywood nửa đầu tháng 12/2018: Cuộc chiến siêu anh hùng Marvel - DC cùng nhiều bom tấn hành động Thời gian cuối năm khi các ngày lễ đang đến cận kề cũng là lúc hàng loạt các bộ phim đua nhau ra rạp, đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn trong dịp lễ hội. Từ băng cướp goá phụ đến những cuộc chiến dưới lòng đại dương, hãy cùng điểm qua những tựa phim sẽ ra mắt từ 30/11 đến...