Hùng vĩ thác 7 tầng ở Tây Nguyên
Ẩn hiện giữa những tán lá phớt đỏ, dòng nước trắng xóa, thác 7 tầng như một ngọn thác mang dáng dấp của những ngọn thác ở châu Âu, khoe vẻ đẹp hùng vĩ giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Thác 7 tầng nằm sâu trong rừng quốc gia Nam Nung (Đắk Nông) cách cửa rừng khoảng 10 km.
Đường đến rừng Nam Nung tuyệt đẹp với những cung đường đất đỏ uốn cong, dốc núi ẩn hiện, triền thông rì rào, không khí trong lành và vắng vẻ, khiến du khách như lạc vào chốn thiên thai cùng cảm giác bình an, thanh thản lạ.
Thế nhưng cung đường vào thác ngược lại. Cả con đường ẩn mình dưới bóng mát của những cây cổ thụ. Vào ngày nắng, đi dưới bóng râm, nghe cái lạnh se sắt của núi rừng, nghe chim hót, xa xa tiếng vượn hú thì không gì bằng. Nhưng sau những đợt mưa đầu mùa, bóng râm của tán cây trở thành “kẻ tội đồ” biến con đường ngập trong bùn.
Đoạn nào bùn ít, du khách còn trả số, dong xe qua, riêng những đoạn ngập đến mắt cá, thì một người dắt, vài người đẩy. Cá biệt có những đoạn bùn biến thành sông, cả nhóm rơi vào thế “lui không được, tiến tới không xong”, đành băng trên những khoảng trống ngập lá đang phân rã giữa các cây, nghe trong gió vị hăng hắc của lá mục, vị nồng của cỏ bị dập. Cuối con đường, thác 7 tầng hiện ra hoang sơ và đẹp đến ngỡ ngàng.
Video đang HOT
Tọa lạc giữa khu rừng quanh năm không khí lạnh, nên không lạ khi thác 7 tầng không mang đặc trưng của những thác miền nhiệt đới là dòng chảy cuồn cuộn đập mạnh vào đá, mà mang đậm nét của một thác nước miền ôn đới với những tán lá có màu xanh nhạt, hay phơn phớt đỏ cùng ánh nắng màu vàng nhạt. Mảng màu ấy khiến thác mang vẻ đẹp man mác như mùa thu ở các nước châu Âu.
Nhìn từ xa, hay nhìn từ trên xuống, thác tựa như người sơn nữ sau khi hoá thân thành dòng nước, vừa “tham lam” muốn mang thật nhiều nước, vượt qua bao núi rừng về cứu hạn cho dân làng, vừa sợ làm tổn thương cây cỏ, nên cứ trải dài, trải dài, nhẹ nhàng. Thế thác, màu của cây cỏ khiến thác mang một nét đẹp thanh thoát, bình yên.
Không khí trong rừng cao nguyên thấm dần cái lạnh vào du khách, song vẫn không thể ngăn người ta hòa mình vào dòng nước trong vắt cạnh những gờ đá. Vài người lúc đầu còn nhăn mặt vì cái lạnh đến tê người của cả không khí và dòng chảy, nhưng vài phút sau, lại cũng cảm thấy dễ chịu. Cứ thế, cái ấm áp từ đâu thấm dần vào người, mọi mệt nhọc của quãng đường như được gột sạch, tâm trạng cũng thư thái, nhẹ nhàng hơn. Thoảng trong gió, tiếng chim rừng rít rít, hương thơm của những đóa phong lan rừng đung đưa trên những nhành cổ thụ thơm ngát.
Thác 7 tầng nằm sâu trong rừng quốc gia Nam Nung và không thuộc diện khai thác du lịch, du khách nên xin phép kiểm lâm trước khi khám phá và chỉ nên đi theo đường quy định, không nên ở lại thác sau 16h.
Chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của "Tây Nguyên đệ nhất thác"
Tựa như nàng tiên nữ ẩn mình giữa chốn rừng sâu, thác Dray Sap (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được yêu mến với danh xưng "Tây Nguyên đệ nhất thác".
Thác Dray Sap có độ cao khoảng 50m, trải dài 100m, là một trong những ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng ào ào tạo thành những làn khói nước bay là là càng khiến khung cảnh trở nên mờ ảo, diệu kỳ.
Dray Sap được mệnh danh là Tây Nguyên đệ nhất thác
Thác Dray Sap nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Thác Dray Sap là một trong những thác nước đẹp trên dòng sông Serepok. Theo tiếng Ê Đê, Dray Sap có nghĩa là "thác khói" bởi dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay màu sương khói.
Thác Dray Sap là một bức tường thành nước khổng lồ. Để đến được chân thác, du khách đi qua hành lang dài với những bậc tam cấp cùng hàng cây xanh mát, một thiên đường sống ảo của nhiều bạn trẻ với những khung cảnh vô cùng mộng mơ. Đi qua hành lang đá là đến đường mòn dẫn vào khu rừng già để đến thác nước. Tại đây, dòng thác đổ ào ào thành những cột nước trắng xóa từ trên cao xuống các mỏm đá đa dạng hình thù phía dưới. Đi tiếp theo lối nhỏ quanh bờ thác và men theo những vách đá nhấp nhô dẫn đến đỉnh thác, du khách bắt gặp hồ nước với dòng nước trong vắt, là nơi du khách có thể nghỉ chân tắm mát.
Thời điểm đẹp nhất để thăm thác Dray Sap là vào cuối tháng 12 và khoảng tháng 2 đến tháng 3 hằng năm. Nếu đến đây vào tháng 12, du khách sẽ được mãn nhãn với sắc vàng của hoa dã quỳ nở rộ hòa cùng sắc đỏ của đường đất Tây Nguyên, sắc xanh của thiên nhiên cây cỏ. Còn vào tháng 2 đến tháng 3, du khách sẽ lạc khung cảnh nên thơ khi gặp những đàn bướm bay dập dờn trên những cây cà phê hoa trắng xóa.
Khi tới thác Dray Sap, du khách còn có thể tham gia hoạt động chèo thuyền ngắm sông Serepok vô cùng thú vị và đến thăm thác Dray Nur cách đó không xa.
Du lịch Tây Nguyên khởi sắc vì trời nóng Sau dịp lễ 30/4-1/5, Đắk Lắk, Gia Lai ghi nhận tín hiệu tích cực từ ngành du lịch. Lâm Đồng lượng khách lui đến tăng nhẹ nhưng không đột biến. Thác K50 hùng vĩ. Ảnh: Chí Hùng. Theo báo cáo về tình hình đón khách dịp lễ của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, lượng khách đến Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum...