Hùng vĩ Mã Pì Lèng Hà Giang
Hà Giang, vùng đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc được biết đến không chỉ là bạt ngàn hoa tam giác mạch, sự trùng điệp của cao nguyên đá Đồng Văn mà còn là những vách núi cheo leo, nơi có con đèo đã đi vào huyền thoại – đèo Mã Pì Lèng.
Mã Pì Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam với cung đường hiểm trở dài khoảng 20 km men theo sườn núi cao 2000m. Vẻ đẹp hoang sơ như thuở khai thiên lập địa nhưng không kém phần lãng mạn, huyền bí nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và chinh phục.
Tên gọi Mã Pì Lèng theo tiếng Quan Hỏa có nghĩa là “sống mũi con ngựa”, ý chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua cũng phải ngừng thở hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi của con ngựa.
Con đường đèo nổi tiếng này còn có tên là Con Đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc, được xây dựng nên bởi hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào dân tộc từ những năm 1959 cho đến năm 1965.
Mã Pì Lèng được xem là một “công trình kỳ tích”, ví như “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam hay “Kim Tự Tháp” của người Mông. Năm 2009, khu vực Mã Pì Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia bao gồm: đèo Mã Pì Lèng là khu vực di sản địa chất và cảnh quan đặc sắc, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh đẹp nhất Việt Nam và vực hẻm sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Chặng đường chinh phục đỉnh đèo huyền thoại này chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị và khó quên đối với những ai đã từng đặt chân tới nơi này. Từ chân đèo men dọc theo sườn núi, con đường như một dải lụa mềm quanh co uốn khúc ôm lấy những vách đá dựng đứng, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Trên cao nhìn xuống, du khách có thể thấy dòng sông Nho Quế với một màu xanh ngắt uốn lượn, êm ả trôi, mơ màng chảy dọc theo đèo Mã Pì Lèng như dải tóc mây dài bất tận của người thiếu nữ. Vực sông này cũng là vực hẻm sâu nhất Đông Nam Á, nếu đi trên đường đèo xuống đến con sông phải mất một ngày trời nhưng đây cũng chính là nơi có cảnh sắc ngoạn mục và nên thơ nhất. Nước sông xanh một màu xanh ngọc pha với màu lam của núi rừng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, đẹp đến huyền hoặc, say đắm lòng người.
Video đang HOT
Sự tích kể rằng xưa kia quả núi vẫn còn vẹn nguyên, nước chảy từ trên núi xuống bị ứ lại bên kia núi trong khi bên này thì khô hạn, đất đá nứt nẻ, cỏ cây trơ trụi. Một hôm thần Sông đề nghị thần Núi chuyển mình sang một bên để nước sông chảy qua tưới mát cho vùng đất khô hạn nhưng thần Núi vờ như không nghe thấy. Thần Sông bèn tâu lên Ngọc Hoàng, người ra lệnh cho thần Núi nằm dịch sang nhưng Thần Núi vẫn làm như không biết, tiếp tục ngủ từ đông sang hè, từ hè sang đông. Thế rồi vào một đêm mưa gió, bỗng có một tiếng nổ làm rung chuyển đất trời, ánh sáng chói lòa, Thần Sét rút lưỡi gươm lên, Thần Núi vỡ ra làm đôi, nước chảy thành dòng lớn. Nước đi đến đâu cây cỏ xanh tốt đến đấy, chỉ qua một đêm mà những sườn núi khô hạn đã mướt màu xanh. Nước cứ đi, đi mãi, thành dòng sông Nho Quế ngày nay.
Sau khi vượt qua những con dốc và cung đường tưởng như dài bất tận sẽ tới đỉnh Mã Pì Lèng. Đặt chân tới nơi đây, hẳn bất cứ ai cũng sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong, giữa không gian bao la, kỳ vĩ. Bức tranh đó được tạo nên bởi những nét vẽ tuyệt tác của thiên nhiên, từ màu trắng huyền ảo của những đám mây vờn nhẹ trên những ngọn núi trùng trùng điệp điệp ngàn tầng vạn lớp đến cái thẳm sâu hun hút của vực. Đặc biệt, nơi khu vực đèo Mã Pì Lèng có một mỏm đá nhô ra, đây chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn nhất sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía Bắc. Đứng trên mỏm đá này, chúng ta có cảm giác như đang ở giữa lưng chừng trời, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi. Vào những ngày nắng đẹp trời trong, những gì sương mù che lấp sẽ hiện ra. Đó là thấp thoáng những mái nhà, chòm bản, cả những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động bình dị ngày thưởng của người dân nơi thâm sơn quỷ cốc.
Trên đỉnh Mã Pì Lèng có đặt một tấm bia ghi lại những dấu ấn gian khổ trong quá trình xây dựng con đèo. Đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh cả tính mạng làm nên Con Đường Hạnh Phúc và cũng chính là biểu tượng của gian khổ, hy sinh, của cả hoa và máu, là huyền thoại về sức trẻ thanh niên 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái và Nam Định, Hải Dương trong suốt 8 năm lao động thủ công quên mình.
Mặc dù chặng đường chinh phục ngọn đèo đầy hiểm trở nhưng phút giây đứng ở nơi cao nhất ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt diệu của thiên nhiên luôn thôi thúc ước mơ một lần đến nơi đây của nhiều người, để được vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian hùng vĩ, say đắm với hình sông thế núi vời vợi và cảm nhận vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương./
Cắm trại kiểu "ngàn sao" tại một vách núi cực kỳ hùng vĩ của Hà Giang, bạn có dám thử?
Có một địa điểm mà dân phượt rất thích ngủ lại trên đèo Mã Pí Lèng, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm nhưng đêm lại được ngắm ngàn sao.
Một trong những địa điểm du lịch Tây Bắc nổi tiếng chắc chắn không thể thiếu mảnh đất Hà Giang nơi sở hữu dòng sông Nho Quế, cao nguyên đá hoang sơ, hay những cung đường uốn lượn. Phải nói Hà Giang là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam, một trong những địa điểm mà cả du khách cả trong và ngoài nước muốn chinh phục. Đặc biệt là những tín đồ du lịch bụi, đam mê du lịch kiểu khám phá và trải nghiệm.
Một trong số những địa điểm dân du lịch bụi "săn lùng" có tên gọi là vách đá trắng. Ngoài ra, nó còn được đặc cho biệt danh là "chỗ ngủ view ngàn sao", hay "chỗ ngủ bạc tỷ". Cùng khám phá độ "keo" của toạ độ này nhé!
VÁCH ĐÁ TRẮNG Ở ĐÂU?
Vách đá trắng hay người H'Mông còn gọi vách đá trắng là Gầu Cá Dính nằm trên đỉnh núi Cô Tiên, có độ cao 1700m so với mực nước biển. Đứng đây có thể ngắm nhìn con đèo Mã Pí Lèng hay dòng sông Nho Quế. Vách đá này nhiều người rong ruổi, nên con đường mòn dẫn lên vách đá dần được hình thành, và cũng dẫn sang cả xã Phải Lủng.
Để đến được đây, du khách men theo đường đèo Mã Pí Lèng, nằm trên quốc lộ 4C - hay còn được gọi là con đường Hạnh Phúc. Bạn lưu ý rằng con đường này chỉ có xe máy của dân phượt mới đi được. Sau khi đi đến đoạn Mã Pí Lèng B, du khách chạy xe máy khoảng 3km, và đi bộ tiếp khoảng 2km nữa là tới vách đá trắng.
Cung đường khó gồ ghề, khó khăn, nhỏ và hẹp, gồ ghề, chỉ đủ cho 1 xe máy đi, bên kia là vách núi, bên còn lại là vực sâu. Đi đến đây phải nói là cực kỳ nguy hiểm, nên chắc chắn bạn phải có kinh nghiệm phượt nhiều và vững tay trên những cung đường nhỏ hẹp.
HOTEL NGÀN SAO
Dù Vách đá trắng đã có từ lâu, nhưng sức hút của nó mới được chú ý gần đây khi du lịch Hà Giang được yêu thích hơn. Và một trong những trải nghiệm cực kỳ thú vị tại đây chính là cắm trại và ngủ lại qua đêm.
Mặt bằng vách đá trắng có diện tích khoảng 15-20 m 2, nằm trong lòng vòm đá. Theo các nhà nghiên cứu địa chất, cảnh quan của vách đá trắng chủ yếu là do hoạt động đứt gãy sông Nho Quế khoảng từ hơn 30 triệu năm trước. Cũng theo những người dân bản địa, nơi này chính là nơi khi xưa vua Mèo và tùy tùng dừng chân mỗi khi di chuyển ngang qua.
Diện tích hạn chế nên không thể tập trung đông người, chỉ có thể chứa khoảng 10 người. Vì vậy, du khách muốn cắm trại qua đêm phải mang những đồ cần thiết, xem thời tiết và kiểm tra kỹ tình trạng. Chỉ nên dựng một chiếc lều nhỏ, ghế đẩu cùng khóm lửa bập bùng, đun một ấm nước.
Đổi lại cảm giác ở đây cực kỳ thoả mãn và thoải mái, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng sông Nho Quế lững lờ trôi, đèo Mã Pí Lèng uốn lượn cùng làn mây mờ mờ ảo ảo. Đây chính là khung cảnh khiến vách đá trắng được đặt tên là "chỗ ngủ view ngàn sao".
Một số gợi ý cho du khách khi đến với Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2024 Hà Giang - mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc khi gọi tên khiến chúng ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp hùng vĩ của đất, nước, mây, trời, đá với sông Nho Quế, đèo Mã Pì Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú... Và nếu muốn tìm hiểu phong tục, tập quán, vẻ đẹp văn hóa,...