Huấn luyện viên bơi quốc tế: Đang ở trên cạn mà bị đẩy xuống nước là cảm giác rất kinh khủng, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý
Việc bố mẹ và giáo viên lựa chọn cho con phương pháp học bơi nào thì con sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau khi ở bể bơi.
Những ngày qua, dư luận xôn xao khi xem một số clip ghi lại cảnh học bơi của 1 bé trai còn khá nhỏ tuổi. Hình ảnh bé gào khóc thảm thiết, không sẵn sàng bước xuống bể bơi nhưng vẫn bị đẩy xuống khiến người xem, đặc biệt là các bố mẹ có con nhỏ không khỏi xót xa, đồng thời vô cùng bức xúc với cách dạy bơi mà bé được áp dụng.
Không chỉ về vấn đề tâm lý mà nhiều người còn lo lắng cho sức khỏe của em bé khi vừa khóc vừa bơi, rồi đang gào khóc đã bị “ném” thẳng xuống nước như thế sẽ dễ bị sặc nước, thậm chí là bị nước vào phổi có thể dẫn đến tình trạng đuối cạn.
Trẻ chắc chắn sẽ bị sang chấn tâm lý
Khi xem những clip học bơi này, chị Lê Thị Mai Khuyên – huấn luyện viên dạy bơi và an toàn dưới nước do AUSTSWIM (Hiệp hội bơi lội Úc) cấp chứng chỉ, hiện đang dạy bơi tại Trung tâm Starfish, nhận xét: Dạy bơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mầm non có nhiều phương pháp khác nhau, ở nước ngoài cũng có trung tâm dạy bơi theo phương pháp này. Bản thân phương pháp này hiện nay cũng đang vấp phải nhiều ý kiến gây tranh cãi. Bố mẹ và giáo viên lựa chọn phương pháp nào thì con sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau khi ở bể bơi.
Khi trẻ chưa sẵn sàng mà vẫn bị đẩy xuống nước là trẻ không hề được tôn trọng (Ảnh cut từ clip).
Một mặt, phương pháp dạy bơi trên sẽ đáp ứng được kết quả đầu ra, đó là trẻ sẽ đạt được một số kĩ năng nhất định như kiểm soát hơi thở, di chuyển dưới nước, xoay người để nổi ngửa: “ Tuy nhiên, việc đẩy một đứa trẻ từ trên bờ xuống trong trạng thái không sẵn sàng xuống nước, khóc lóc, gào thét không muốn học bơi, chắc chắn sẽ khiến trẻ bị sang chấn tâm lý. Không riêng gì trẻ nhỏ mà với cả người lớn, cảm giác bị đẩy xuống nước rồi chới với giữa dòng nước, sặc nước, nghẹt thở… đó là cảm giác vô cùng kinh khủng. Những cảm giác đó sẽ ám ảnh tâm lý trẻ mãi mãi, gây ra tâm lý hoảng sợ khi đi bơi“, chị Mai Khuyên chỉ rõ.
Với phương pháp này, khi bị ngã xuống nước, trẻ có thể kiểm soát hơi thở, di chuyển và xoay người nổi ngửa để thở… Tuy nhiên, phương pháp này khiến trẻ có nguy cơ bị sặc nước cao hơn, trẻ bị hoảng sợ đột ngột và đặc biệt đó là phương pháp mà trẻ không hề được tôn trọng.
Không những tác động tiêu cực về mặt tâm lý mà khi bị đẩy xuống nước ở thế bị động thì nguy cơ trẻ bị nôn trớ, bị nước xộc thẳng vào mũi, vào phổi có thể dẫn đến rủi ro bị đuối nước cạn.
Bố mẹ và huấn luyện viên lựa chọn phương pháp nào thì con sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau ở bể bơi (Ảnh minh họa).
Mỗi đứa trẻ có 1 tốc độ khác nhau nên lộ trình học bơi cũng không giống nhau
Trong quá trình dạy bơi cho trẻ nhỏ, huấn luyện viên bơi Mai Khuyên cho biết rất nhiều bố mẹ đưa con đi bơi và nóng lòng muốn con biết bơi nhanh, mục tiêu về “thành tích” là con sau 5 buổi, 10 buổi… đã biết bơi, rồi áp lực kinh tế (biết bơi nhanh bố mẹ sẽ phải chi trả ít tiền cho việc học bơi của con hơn) khiến hầu hết các bố mẹ muốn phó mặc con cho giáo viên dạy bơi, vô hình chung sẽ khiến đứa trẻ phải chịu tổn thương: Đi học bơi mà không được tôn trọng, đối mặt nguy hiểm.
Mục tiêu của bố mẹ đặt ra như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những gì trẻ phải đối mặt khi đi học bơi. “ Nhiều bố mẹ chỉ quan tâm đến thành tích, chỉ chọn đầu ra mà không quan tâm con có vui vẻ khi bơi không, có phát triển toàn diện không, điều đó sẽ không tốt cho trẻ“.
Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy bơi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, huấn luyện viên bơi Mai Khuyên cho biết đã lựa chọn phương pháp dạy bơi mà ở đó trẻ được bơi vui vẻ, nhẹ nhàng, đầy hứng thú.
Chị cũng nhấn mạnh rằng khi mới đi học bơi, trẻ khóc, trẻ sợ, đó là phản xạ tự nhiên. Nhưng riêng với những trẻ nhát nước, phản ứng dữ dội khi bắt đầu tiếp xúc với nước, bé cần bắt đầu với quy trình chậm rãi và nhẹ nhàng. Có thể ban đầu chỉ là làm quen với nước, từng chút một, rồi từ từ quan sát phản ứng của bé, cho bé tham gia các trò chơi vận động dưới nước, cùng trẻ hát hò. Cũng có trẻ phản ứng mạnh, chưa sẵn sàng thì có thể cho trẻ ra 1 góc chơi riêng, những trò chơi vui vẻ sẽ giúp trẻ làm quen với môi trường nước. Khi đã quen với nước, với giáo viên, với bạn cùng khóa thì mới bắt đầu học các kĩ năng khác, mỗi ngày tăng dần độ khó lên, một cách rất từ từ.
Với trẻ dưới 3 tuổi, việc đồng hành của bố mẹ khi đi học bơi là rất quan trọng, giúp trẻ bớt lo lắng, xa cách, thiết lập mối quan hệ giữa trẻ và giáo viên hướng dẫn. Khi đã có được điều này, trẻ sẽ học cách tin tưởng vào nước và tiến bộ rất nhanh chóng.
“ Thay đổi mục tiêu đặt ra khi đưa con đi học bơi, bố mẹ sẽ giúp trẻ không đối mặt với khóc lóc, sợ hãi, hoảng sợ. Nếu con bạn sợ nước thì hãy chỉ nên đặt mục tiêu cho trẻ sau một khóa học là tự tin và an toàn trong môi trường nước. Trẻ cần được học với tốc độ riêng của bản thân và tuyệt đối không được ép trẻ. Đối với trẻ sợ nước, thời gian học bơi sẽ chậm hơn thông thường nhưng điều quan trọng là bố mẹ cần kiên nhẫn và đồng hành cùng con thì con sẽ không phải trải qua cảm giác bị “bạo hành cảm xúc“, huấn luyện viên bơi Mai Khuyên cho biết thêm.
Cuối cùng, huấn luyện viên Mai Khuyên nhấn mạnh rằng mỗi đứa trẻ có một tốc độ khác nhau nên lộ trình học bơi cũng không giống nhau. Nếu được học với đúng tốc độ của mình, trẻ sẽ không bao giờ khóc lóc, hoảng sợ khi xuống nước.
Bình Nguyên
Dân mạng phẫn nộ vì đoạn clip em bé gào thét, vùng vẫy khi bị đẩy xuống nước để học bơi, thầy giáo dạy bơi lên tiếng
Xem xong những đoạn clip này, cư dân mạng cho rằng đây là một phương pháp học bơi đáng sợ, đồng thời không ít người cũng chỉ trích người mẹ quá vô tâm khi có thể đứng im nhìn con gào khóc như vậy.
Bé trai gào khóc, sợ hãi khi bị đẩy thẳng xuống bể bơi
Mới đây, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ những đoạn clip ghi lại các buổi học bơi của một em bé còn khá nhỏ tuổi. Trong những đoạn clip này, em bé được học bơi cùng thầy giáo và mẹ. Khi mẹ gọi bé xuống bể bơi thì bé khóc rất lớn, sau đó thầy giáo đã đẩy em bé xuống bể. Ngay lập tức em bé này bơi dưới nước với tư thế bơi ngửa, cố gắng thở, liên tục vùng vẫy để nổi trên mặt nước và cố gắng kêu gào khi có thể đồng thời tìm về hướng mẹ đang đứng.
Thầy giáo dạy bơi tiếp tục hướng dẫn người mẹ lật em bé úp xuống và đẩy bé xuống sâu dưới đáy bể. Người mẹ làm theo hướng dẫn của thầy giáo, sau khi bị dìm sâu xuống nước, em bé này lại đạp chân và vài giây sau lại nổi được trên mặt nước song miệng cũng không ngừng gào khóc. Thầy giáo còn yêu cầu người mẹ đứng xa bé ra.
Đoạn clip em bé bị đẩy xuống bể bơi để tập bơi khiến nhiều người phẫn nộ.
Trong một đoạn clip khác, thầy giáo đẩy thẳng em bé xuống bể bơi còn mẹ đứng trên bờ để cổ vũ cho con. Cậu bé vẫn đạp chân liên tục để bơi song miệng vẫn không ngừng gào thét.
Những đoạn clip này đã ngay lập tức khiến cư dân mạng phẫn nộ, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Số đông cho rằng đây là một phương pháp dạy bơi đáng sợ, tàn nhẫn, là hành động ép buộc bé phải học bơi chứ hoàn toàn không tôn trọng mong muốn của trẻ. Việc em bé gào khóc được cho là do bé sợ hãi, không muốn xuống bể bơi. Cũng có những người đánh giá người mẹ của em bé này vô tâm khi chứng kiến con sợ hãi, liên tục tìm mẹ để cầu cứu nhưng mẹ không hề có phản ứng gì.
Ngoài ra, nhiều người lo ngại cho vấn đề sức khoẻ của em bé bởi khi bé vừa khóc vừa bị đẩy xuống nước như thế sẽ rất dễ bị sặc nước, thậm chí còn có khả năng gặp phải tình trạng chết đuối trên cạn.
Trong một đoạn clip khác, thầy giáo đẩy em bé xuống bể bơi một mình còn thầy và mẹ đứng trên bờ hướng dẫn và cổ vũ bé.
Thầy giáo dạy bơi nói gì về clip đang gây phẫn nộ?
Chúng tôi đã liên hệ với anh Trương Thanh Tùng là thầy giáo dạy bơi trong đoạn clip được chia sẻ trên mạng để tìm hiểu rõ hơn về phương pháp dạy bơi của anh.
Anh Tùng cho biết anh có bằng Cử nhân Y học của trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội và đã dạy bơi được khoảng 5-6 năm. Anh cũng là người sáng lập ra Trung tâm dạy bơi Le Ping, chuyên dạy bơi cho trẻ từ 0-5 tuổi được 2 năm nay.
" Phương pháp dạy bơi của mình có tên là "Phương pháp giáo dục đặc thù từng cá nhân". Phương pháp này do mình tự nghiên cứu từ sách nước ngoài. Sau đó mình học thêm và soạn giáo án của riêng mình" - thầy giáo tiết lộ.
Nói về đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội, anh Tùng chia sẻ: " Cậu học sinh này tên Tin (lúc học bơi là bé 16 tháng, hiện đã 25 tháng tuổi) và đó là buổi học thứ 7 của Tin chứ không phải buổi đầu tiên như nhiều người lầm tưởng. Khi các bé bắt đầu vào học sẽ được hướng dẫn các kỹ năng như: Làm quen, lặn, đạp chân, nín thở, nổi người trong nước, phản xạ, biết cách ngã xuống nước an toàn... Khi đã thành thạo các kỹ năng này thì bé mới được xuống nước để thực hành. Và trong những đoạn clip này là bé Tin đang học bài cuối cùng: "Mô phỏng ngã từ trên cao xuống nước".
Anh Trương Thanh Tùng đã có 5-6 năm minh nghiệm dạy bơi.
Về phản ứng gào khóc của Tin, anh Tùng giải thích: " Mình có nghiên cứu giáo án cấp độ 3 đó là Sinh trắc vân tay. Ở đây, mình tạm chia ra làm hai dạng là "Phản ứng" và "Cảm xúc". Đối với những bé thuộc dòng "Cảm xúc", khi xuống nước bé sẽ chỉ mếu máo thôi. Với những bé này, thầy cô chỉ cần hát, đọc truyện cho các con nghe là có thể trấn an các con. Những bé thuộc dòng này thường biết bơi rất nhanh.
Còn các bé thuộc dòng "Phản ứng" như bé Tin thì thường gào thét, chân tay đập liên hồi. 16 tháng tuổi Tin mới đi học bơi nên phản ứng rất rõ ràng. Đó là những phản ứng tự nhiên, não bộ của các bé như vậy nên sinh ra những phản ứng phản kháng như vậy. Với các bạn dòng "Phản ứng" như thế này, nếu có bố mẹ ở bên mà thể hiện các hành động tình cảm là các bé càng phản ứng dữ dội.
Vì vậy giáo viên và phụ huynh của bé phải lờ đi những phản ứng của bé và không được phản ứng lại thì bé sẽ biết bơi. Các bậc phụ huynh có con thuộc dòng "Phản ứng" đều rất điềm tĩnh và họ không hề phản ứng lại hay tiếp nhận những phản ứng của con mình vì họ biết con mình như nào và phải giáo dục thế nào là tốt nhất cho con. Chứ không phải là họ vô cảm như nhiều người đang mắng mỏ". Anh cũng cung cấp thêm một số đoạn clip khác của Tin. Sau một vài buổi học nữa thì tâm lý của Tin đã thay đổi, thích thú và tự tin hơn. Bé vui vẻ, hào hứng tập bơi cùng mẹ chứ không còn sợ hãi, gào khóc nữa.
Anh Tùng cung cấp video cho rằng sau 10 buổi học thì Tin đã tự tin hơn khi bơi cùng mẹ tại nhà.
Còn về vấn về sức khoẻ của trẻ khi học bơi theo phương pháp này, anh Tùng nói: " Mặc dù chết đuối cạn là rất hiếm gặp nhưng trung tâm luôn ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khoẻ cho các bé.
Khi bắt đầu học các bé đã được học cách nín thở để không bị sặc nước. Sau mỗi buổi học trẻ sẽ được giữ lại tại trung tâm 30 phút để kiểm tra y tế. Khi trẻ không có các triệu chứng của chết đuối cạn và khỏe mạnh trở lại thì được phụ huynh đưa về.
Sau khi về phụ huynh được hướng dẫn phải để ý xem con có bị buồn nôn, mệt mỏi, có ăn uống bình thường không? Môi của trẻ có tím tai do thiếu oxi hay lồng ngực của trẻ khi thở có gặp khó khăn không? Nếu bé gặp phải tình trạng này thì cần đưa ngay bé đến bệnh viện. Điều này cũng được trung tâm hướng dẫn kỹ càng cho phụ huynh".
Tuy nhiên đây mới chỉ là thông tin từ phía anh Tùng, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các thầy cô giáo dạy bơi cho trẻ và bác sĩ Nhi khoa để có thông tin đa chiều hơn.
V.V.
Bị chỉ trích vô cảm, đứng nhìn con sợ hãi, gào thét khi học bơi mà không phản ứng, người mẹ nói gì? Trước những chỉ trích từ phía cộng đồng mạng, chị Tuyết Minh - mẹ bé Tin trong clip học bơi đã có những lời tâm sự về câu chuyện của mình. Hai ngày qua, những đoạn clip ghi lại cảnh một em bé nhỏ tuổi đang vùng vẫy, gào thét dưới nước để học bơi đã lan truyền với tốc độ chóng mặt...