HTX xoay xở vượt khó (Bài cuối): Không đợi hết mưa mới ra đồng
“Không đợi hết mưa… mới ra đồng và hơn lúc nào hết, hợp tác xã (HTX), nông dân cùng hành động vượt khó, sáng tạo để phát triển”- đó là khẳng định của ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT).
Khó khăn chồng khó khăn
Gần 20 năm qua, nông dân, nông nghiệp Việt Nam chưa khi nào có khó khăn lớn như hiện nay. Với các HTX, khó khăn ấy là gì, lĩnh vực nào chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, thưa Cục trưởng?
- 13 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, ngành nông nghiệp nước nhà chưa có khi nào khó khăn lại chồng lên khó khăn như hiện tại. 3 tháng đầu năm, đã có 2 trận mưa đá lớn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, làm cho hàng trăm ha ngô, hoa màu bị gãy đổ, hơn 600.000 tấn cam quả bị rụng thối.
Khu vực Nam Bộ bị hạn hán nặng, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nước biển xâm mặn vào nội đồng tới 130km, mức chưa từng có trong lịch sử. Hậu quả, hàng ngàn ha lúa và cây ăn trái không cho thu hoạch.
Nỗ lực vượt khó, đến nay, HTX thủy sản Xuyên Việt ( Gia Lộc, Hải Dương) dần tự chủ được các loại cá giống. Ảnh: Anh Thơ
Nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi vẫn thường trực, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số tỉnh. Nghiêm trọng hơn, dịch Covid – 19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và giao thông, vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Kinh tế nông nghiệp nước ta có “độ mở” rộng, nên bị ảnh hưởng toàn diện từ cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Thị trường đã thành “điểm nóng” thương mại dịch vụ trong nước và xuất khẩu nông sản. Nhìn tổng quan, nông dân, nông nghiệp đều suy giảm nguồn thu. Hoạt động của tổ hợp tác, HTX và các thành viên gặp khó.
Lĩnh vực và nhóm ngành hàng chịu tác động mạnh nhất bởi dịch Covid-19 là HTX sản xuất, chế biến rau, hoa, củ quả, thủy sản, gỗ… xuất khẩu và HTX sử dụng nhiều lao động. Ví dụ, HTX rau Yên Mỹ (Hưng Yên) trước đây, bán được 4 tấn rau/ngày cho các bếp ăn khu công nghiệp. Nay lượng bán ra chỉ được 2 tấn, giảm tới 50%, số còn lại phải đem bán tại các chợ dân sinh. Do vậy, chí phí vận chuyển tăng, hao hụt tăng, trong khi giá bán giảm.
Ở Đà Lạt (Lâm Đồng), phần lớn các HTX trồng hoa xuất khẩu đều bị tạm hoãn các hợp đồng.
HTX chăn nuôi gà Long Thành Phát (Đồng Nai), khi chưa có dịch Covid – 19, xuất khẩu 300.000 con gà/ngày sang Nhật Bản, nay cũng phải dừng lại. HTX đem gà ra bán thì bị “đóng băng” trong thị trường nội địa. Gà đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng khi bán giá lại thấp hơn gà nuôi ở gia trại và hộ gia đình. Để giảm rủi ro, HTX phải mở rộng kho cấp đông, chờ cơ hội sẽ bán ra thị trường.
Video đang HOT
- Hiện còn hàng trăm HTX thu mua, chế biến cà phê, hạt điều, cao su, mây tre đan… xuất khẩu còn hàng chục ngàn tấn nguyên liệu, sản phẩm lưu kho chưa bán được. Trong khi HTX vẫn phải chi tiền bảo vệ, bảo quản, đảo hàng, phơi sấy, tăng mức chi vận chuyển và tìm kiếm thị trường…
Điều mà giám đốc các HTX rất lo ngại là chất lượng nông sản, hàng hóa xuống cấp, không bán được, sẽ gây ra hậu quả “kép”: Vừa thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, vừa làm gián đoạn thị trường, vừa không có cơ hội đón nhận hợp đồng mới từ khách hàng. HTX bị nhẹ thì mất hàng năm mới có thể gượng dậy, HTX phải vay vốn ngân hàng thì đang chịu áp lực lớn trả nợ, hoặc lâm cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.
Nỗ lực vượt khó
Còn rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid – 19 nhưng cũng có nhiều HTX sáng tạo, chủ động vượt khó để thích ứng. Ông đánh giá như thế nào về những đơn vị này?
- Nỗ lực vượt khó, sáng tạo để phát triển là “bài học thành công” của HTX trong nhiều năm qua. Hiện tại trong dịch Covid – 19, có rất nhiều HTX vượt khó, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn và phát triển. Điển hình là HTX rau an toàn Sóc Sơn (Hà Nội) đã ngừng hẳn lượng bán 10 tấn rau trong một ngày vì công nhân khu công nghiệp tạm nghỉ việc. “Trong khó ló cái khôn” – HTX và Hội Nông dân xã đã liên kết với 2 HTX trong huyện, xin phép chính quyền cho mở chợ, bán 2 giờ trong ngày. Số rau bán không hết, HTX đem ủng hộ khu cách ly, cơ sở dưỡng lão, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật.
HTX thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) trước dịch bán ra 15 tấn cá/ngày, nhưng nay cũng chỉ bán được 6 – 7 tấn/ngày mặc dù đã giảm giá. Để duy trì sản xuất, giữ thị trường – Ban Giám đốc HTX và Hội Nông dân đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn các thành viên kỹ thuật nuôi cá, kiến thức và cách bán hàng online, đồng thời tìm mối liên kết với trung tâm giống, chuyên gia lai tạo giống… tiến tới tự chủ, không bị phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài.
Được sự phối hợp của Hội Nông dân, Sở NNPTNT tỉnh Sơn La đã tổ chức điều tra, thống kê diện tích, sản lượng, thời gian thu hoạch từng loại cây, quả và hướng dẫn các nhà vườn, chủ trang trại, nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách điều chỉnh bằng kỹ thuật… để kéo dài thời gian thu hoạch, để đảm bảo cho xuất khẩu và hạn chế thấp nhất sự ế thừa, mất giá trước khi vào mùa thu hoạch.
Không đợi hết mưa… mới ra đồng
Hiện, dịch Covid-19 ở Việt Nam có xu hướng tạm lắng, đây là tín hiệu đáng mừng để nông dân, HTX đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản để bù đắp những thiệt hại đã qua. Ông có lưu ý gì với các HTX trong thời điểm này?
- Dự báo, thị trường Trung Quốc trong quý II có thể tăng lượng nhập khẩu. Đây là thời cơ tốt cho nông dân, HTX đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản, bù đắp thiệt hại đã qua. Không đợi hết mưa mới ra đồng – hơn lúc nào hết, HTX, nông dân cần có hành động thích ứng với năng lực, điều kiện gấp gáp về sản xuất, để chủ động nguồn nông sản cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Với nông sản xuất khẩu, trước hết, cần lựa chọn đúng sản phẩm bán buôn vào thị trường có phân khúc tầm trung là chợ dân sinh, trung tâm thương mại vùng nông thôn Trung Quốc. Thứ đến là giữ “Tín” – không nên đưa hàng tồn kho đã sa sút chất lượng, trộn lẫn với hàng mới. Hàng hóa dứt khoát phải đúng, đủ tiêu chuẩn theo hợp đồng, minh bạch về truy xuất nguồn gốc. Nếu trật một trong các điều kiện, hàng sẽ không được thông quan và dễ mất cơ hội đón đơn hàng mới, gây tổn thất chung cho kinh doanh nông nghiệp dài kỳ.
Hai là, tập trung cho 9 loại trái cây và nông sản đã được ký kết sắp vào mùa thu hoạch như: Nhãn, vải thiều, thanh long, chôm chôm, xoài, sầu riêng, dưa hấu…; các sản phẩm chế biến như thủy sản, cao su, cà phê, điều… khi có cơ hội, cần thực hiện ngay. Muốn vậy, Hội Nông dân cần phối hợp với Sở Công Thương, Sở NNPTNT cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu, thông tin kịp thời tới HTX, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản.
Đối với các HTX sản xuất lúa gạo, các thị trường nước ngoài đang có nhu cầu cao nhập khẩu gạo Việt Nam. Do vậy, cần đầu tư, giữ nhịp sản xuất vụ hè thu, chuẩn bị tốt cơ sở sấy lúa trước mùa mưa bão, sẵn sàng “tăng tốc” khi tăng lượng xuất khẩu được Thủ tướng quyết định.
Ba là, dịch Covid đang làm cho người tiêu dùng hướng tới thực phẩm an toàn- HTX nào đáp ứng được nhu cầu,vượt qua được khó khăn này, chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn.
Xin cảm ơn Cục trưởng!
Trọng Hoàng
Bộ trưởng NNPTNT thị sát cửa khẩu Lạng Sơn để khai thông nông sản
Sáng 18/4, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có buổi kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu phụ Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), đồng thời bàn những giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, tăng năng lực thông quan hàng hóa.
Theo báo cáo, đến tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) đã có 6/12 cửa khẩu hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm ước tính đạt 730 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 425 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 305 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) kiểm tra tình hình xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, Lạng Sơn.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản (80%), tuy nhiên một số mặt hàng chủ lực như: Thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn... chỉ đạt 350.000 tấn, giảm trên 200.000 tấn so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị di động.
Tổng số lượng xe hàng thông quan qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt trên 70.000 xe container. Riêng tính từ ngày 5/2 - 16/4, đạt 45.934 xe, tương đương 1,3 triệu tấn hàng hóa.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đưa ra 5 giải pháp, sáng kiến mà UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai, nỗ lực trong công tác giảm ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Đồng thời có những đề xuất kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong công tác đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, giảm tình trạng ùn ứ như hiện nay.
Ngoài cửa khẩu Tân Thanh, đoàn công tác cũng kiểm tra tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những góp ý, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các lực lượng tại cửa khẩu, phối hợp với ngành công thương, ngành nông nghiệp... thu thập về tình hình xuất khẩu hoa quả tại phía nước bạn để thông tin kịp thời cho các địa phương trong nội địa, cũng như các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hoa quả, nông sản.
Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Đoàn công tác tặng quà cho lực lượng làm việc tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá Lạng Sơn là địa bàn điển hình, biên thùy biên giới nên nếu có xảy ra vấn đề sẽ rất nghiêm trọng, tác động lớn đến kinh tế đất nước. Điều đáng mừng nhất là hiện tại Lạng Sơn chưa có ca nhiễm Covid-19. Đó là thành tựu của sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, thống nhất cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục rà soát đội lái xe, nghiên cứu vấn đề lao động bốc vác, bến bãi hàng hóa... Trong thời gian sớm nhất giải tỏa những khó khăn trước mắt góp phần tăng năng lực thông quan, giảm ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Bộ NN&PTNT sẽ căn cứ đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, từ đó có báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng tìm cách tháo gỡ những khó khăn và trước mắt là tăng năng lực thông quan, giảm lượng hàng hóa ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Chang Liễu
Sau tăng trưởng âm do Covid-19, nông nghiệp sẽ bật dậy nhanh nhất Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam về những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới sản xuất nông nghiệp, nhất là khi lĩnh vực này tăng trưởng âm -1,17% cũng như kinh nghiệm và giải pháp ứng phó trong thời gian tới....