HPV – Virus lây qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay nhưng không phải ai cũng biết rõ về nó
Nhiều người không biết mình đã bị nhiễm loại virus này bởi hầu hết các chủng (trừ những chủng gây ra mụn cóc) đều không có triệu chứng cụ thể.
HPV (Human papillomavirus) là loại virus gây u nhú ở người, được đánh giá là một loại virus lây truyền với tốc độ nhanh chóng chóng mặt. Đặc biệt, virus HPV cũng được biết tới là một trong những nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung cùng nhiều loại ung thư phụ khoa nguy hiểm cho cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hoàn toàn về loại virus này.
William Robinson (Giáo sư khoa Ung thư Phụ khoa tại Đại học Tulane ở New Orleans) cùng nhiều chuyên gia hàng đầu khác đã quyết định làm sáng tỏ những lỗ hổng kiến thức phổ biến nhất về virus HPV.
“Không biết rõ mình đã nhiễm HPV vì không có triệu chứng cụ thể”
HPV là một thuật ngữ ám chỉ 150 chủng virus liên quan, nhưng đa phần là loại vô hại. Dù vậy, trong một số trường hợp thì nó vẫn có thể gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư nên bạn vẫn cần đề cao cảnh giác.
Nhiều người không biết mình đã bị nhiễm loại virus này bởi hầu hết các chủng (trừ những chủng gây ra mụn cóc) đều không có triệu chứng cụ thể. Theo trang CDC, trong số 90% các trường hợp, hệ miễn dịch sẽ loại bỏ virus một cách tự nhiên trong vòng 2 năm. Nhưng nếu HPV không tự biến mất, một số chủng HPV tồn đọng lại có thể gây ra nhiều loại ung thư phụ khoa mà bạn không ngờ tới.
“Bao cao su không thể bảo vệ bạn khỏi virus HPV”
Dù bao cao su có thể làm giảm bớt nguy cơ nhiễm HPV, nhưng chúng lại không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc phải nó. Theo ông Barbara Goff (Giám đốc khoa Ung thư Phụ khoa tại Đại học Washington, Seattle) cho biết, virus HPV có thể sống ở vùng bìu và những nơi có lông của cơ quan sinh dục. Do đó, nó hoàn toàn có thể lây qua đường quan hệ bằng miệng và hậu môn.
“Nếu bạn nhiễm virus HPV, đừng vội trách đối tác hiện tại của bạn”
Khi biết mình đã nhiễm HPV, hãy khoan kết luận nguyên nhân là do đối tác hiện tại. Trong một số trường hợp, ví dụ như người phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở tuổi 40 thì có lẽ họ đã bị nhiễm bệnh ngay sau khi quan hệ với bạn tình đầu tiên. Nguyên nhân là do HPV có thể không hoạt động trong nhiều năm trước khi nó bắt đầu gây tổn thương tế bào, từ đó dẫn đến ung thư. Ung thư kích hoạt HPV có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để phát triển.
Video đang HOT
“Nguy cơ mắc các loại ung thư khác do HPV gây ra cũng rất cao”
Đa phần những người biết về HPV đều nghĩ đây chỉ là loại virus gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, hiện nay virus này ngày càng có mối liên hệ mật thiết tới những dạng ung thư khác như ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật… Dù các bệnh ung thư liên quan đến HPV đều vẫn còn khá hiếm nhưng số lượng của chúng đang gia tăng nhiều hơn mỗi năm.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) ước tính trong năm 2017 tại Mỹ cho thấy, có:
- 5.250 nữ giới và 2.950 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hậu môn .
- 2.120 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dương vật.
- 6.020 nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư âm hộ.
- 4.810 nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư âm đạo.
- 12.820 nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
“ Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư liên quan tới HPV”
Theo Sharyn Lewin (Giám đốc y khoa về Ung thư Phụ khoa tại Bệnh viện Holy Name ở Teaneck, New Jersey) cho biết, hút thuốc sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, từ đó cho phép HPV phát triển mạnh hơn. Vì vậy, nếu bạn muốn ngăn ngừa nguy cơ nhiễm HPV hay các loại ung thư khác thì tốt nhất hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá ngay từ hôm nay.
“ Vắc-xin HPV không chỉ dành riêng cho phái nữ”
Loại vắc-xin này không chỉ tăng khả năng bảo vệ cho phái nữ chống lại nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung mà nó còn có thể ngăn ngừa mụn cóc ở bộ phận sinh dục cho cả nam giới.
Tại Mỹ, vắc-xin HPV được chấp thuận sử dụng cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi và nam giới từ 9 – 21 tuổi. Ngoài ra, nó cũng dành cho nam giới từ 21 – 26 tuổi nếu họ quan hệ tình dục với bạn tình đồng giới, là người chuyển giới hoặc có chức năng miễn dịch thấp.
“Vắc-xin không thể chống lại HPV nếu tiêm muộn”
Vắc-xin HPV chỉ phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh chứ không thể chống lại ở những người đã mắc phải nó. Đó là một phần lý do vì sao HPV thường được khuyến cáo nên đi tiêm trước khi bước sang tuổi 20.
Source (Nguồn): Everydayhealth/Helino
Những thời điểm nên tiêm vắc xin HPV
Vắc xin HPV giúp ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và một số bệnh đường sinh dục do vi rút HPV. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các chỉ định để tiêm chủng đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiêm vắc xin HPV cho trẻ 9 - 14 tuổi sẽ có hiệu quả cao nhất - ẢNH: SHUTTERSTOCK
HPV thuộc nhóm vi rút rất phổ biến
Theo Hội Y học dự phòng VN, Human papillomavirus (HPV) là nhóm vi rút rất phổ biến trên thế giới. Các nhà khoa học hiện đã phân lập được trên 100 týp vi rút này, trong đó có các týp (16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 73 và 82) gây ung thư (UT): cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hoặc vùng hầu họng (bao gồm mặt sau của cổ họng, đáy lưỡi và amiđan). Đáng lưu ý, týp 16, 18 là hai loại thường gặp nhất liên quan đến khoảng 70% trường hợp UT cổ tử cung ở nữ giới.
PGS-TS Nguyễn Thị Thi Thơ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Hà Nội), cho biết hiện nay có 3 loại vắc xin HPV: HPV 2 týp, 4 týp và 9 týp. Cả ba đều phòng được UT cổ tử cung; riêng vắc xin 9 týp phòng được những bệnh UT khác như: UT hậu môn, âm đạo, âm hộ và mụn cóc sinh dục. Chỉ định của 3 loại vắc xin này gần như tương tự nhau cùng cho những người 9 - 26 tuổi.
Ai nên tiêm vắc xin HPV?
Trước các thắc mắc của nhiều gia đình như: "Tiêm sớm nhất ở tuổi nào?", "Vì sao còn bé chưa biết gì mà đã tiêm?", "Có phải chờ con có kinh nguyệt mới tiêm không?"... Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc (công tác tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) cho hay, tiêm chủng trước khi nhiễm vi rút HPV thì hiệu quả bảo vệ được tốt nhất. Vi rút HPV không chỉ lây khi đã quan hệ tình dục mà có thể lây ngay khi có tiếp xúc sinh dục, do đó để phòng nhiễm vi rút hiệu quả thì tiêm sớm, chứ không phải chờ cho đến khi đã có quan hệ tình dục mới tiêm.
"Tiêm vắc xin HPV cho các trẻ 9 - 14 tuổi đáp ứng miễn dịch tốt nhất vì tuổi này chưa có quan hệ tình dục nên phơi nhiễm với HPV rất thấp, do đó tiêm chủng cho hiệu quả cao nhất. Trẻ gái hoàn toàn có thể tiêm theo lứa tuổi được chỉ định mà không chờ đến giai đoạn có kinh nguyệt", bác sĩ Nguyễn Thị Cúc tư vấn.
Vẫn có thể tiêm dù từng nhiễm HPV
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc chia sẻ, mặc dù tiêm tốt nhất trước khi có nguy cơ nhiễm HPV nhưng ngay cả khi từng nhiễm HPV rồi vẫn có thể tiêm vắc xin được vì vi rút dễ tái nhiễm sau khi cơ thể đã đào thải. Khi nhiễm rồi nó ngủ lại, và sẽ tăng tác hại của vi rút này khi miễn dịch của cơ thể yếu đi. Trong khi miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm thì vắc xin lại có thể bảo vệ.
"Bên cạnh đó, HPV có nhiều týp khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một týp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những týp HPV khác", bác sĩ Cúc lưu ý.
Phản ứng sau tiêm vắc xin HPV
Các chuyên gia khuyên trước tiêm chủng cần được khám sàng lọc tư vấn. Các trường hợp mắc bệnh cấp tính, đang ốm sốt hoặc một số bệnh lý chống chỉ định, có dị ứng với thành phần trong vắc xin sẽ được bác sĩ khám và tư vấn phù hợp.
Sau tiêm vắc xin HPV, có thể sốt, sưng đỏ đau tại vị trí tiêm. Nếu sưng đỏ thì có thể chườm mát, khó chịu hơn có thể dùng thuốc giảm sốt giảm đau. Một số người có thể mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn nhưng ít gặp và cũng mau qua.
"Tiêm vắc xin HPV cho người trong lứa tuổi được chỉ định (9 - 26 tuổi) mà không phụ thuộc vào đã có hay chưa quan hệ tình dục, nhưng tốt nhất tiêm cho trẻ từ 9 - 14 tuổi. Những người đã nhiễm HPV, đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV. Vắc xin HPV không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay tình dục. Hiện tại, vắc xin này có chỉ định tiêm 3 mũi trong 4 - 6 tháng."
PGS-TS Nguyễn Thị Thi Thơ (Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Hà Nội)
Theo Thanh niên
Ngừa ung thư "cậu nhỏ", quý ông nên tiêm vắc-xin ung thư cổ tử cung! Được biết đến phổ biến nhất như là một vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, vắc-xin HPV thực ra còn đẩy lùi bệnh tình dục phổ biến và nhiều loại ung thư ở quý ông, có thể chích đến 26 tuổi. Trong khi ở nhiều quốc gia, việc tiêm vắc-xin HPV cho các bé trai còn được coi là "chuyện lạ" thì...