HP ra mắt dòng desktop dùng chip Intel Core thế hệ thứ hai
HP vừa công bố ba dòng máy tính để bàn mới bao gồm Pavilion p7, Slimline s5 và Pavilion Elite h8
Thế hệ máy tính để bàn mới của HP có cùng cảm hứng thiết kế và có thể phục vụ cho nhiều người sử dụng khác nhau, từ phổ thông đến cao cấp. HP không tiết lộ rõ thông số cấu hình chi tiết, nhưng chắc chắn cả ba dòng máy tính kể trên đều sử dụng bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ hai.
Pavilion p7 là dòng máy tính để bàn phổ thông. Ảnh: HP.
So với thế hệ trước, p7 có thiết kế cứng cáp và chắc chắn hơn. Bảng điều khiểu phía trước được thu nhỏ lại, nút khởi động được đưa lên phía trên case. Những yếu tố còn lại đều giống nhau giữa cả hai thế hệ.
Với một máy tính để bàn phổ thông có giá khởi điểm từ 299 USD, Pavilion p7 là sự lựa chọn rất đáng quan tâm. Sản phẩm sẽ đến tay người sử dụng ngày 18/5. Bên cạnh Intel, HP cũng cung cấp sự lựa chọn thế hệ bộ xử lý AMD mới.
Slimline s5
Slimline s5 chưa sở hữu kích thước đáng mong đợi. Ảnh: HP.
Là sản phẩm nhỏ gọn nhất trong số các dòng máy tính để bàn được giới thiệu, tuy nhiên, Slimline s5 chưa gây được ấn tượng mạnh vì vẫn có kích thước khá lớn so với các đối thủ cạnh tranh như Apple Mac Mini hay Dell Zino Inspiron HD.
Slimline s5 sẽ có mặt trên thị trường muộn hơn một chút so với Pavilion p7, ngày 15/6. Giá khởi điểm của sản phẩm này là 329 USD, với sự lựa chọn cả bộ xử lý Intel và AMD.
Pavilion Elite h8
Pavilion Elite h8 sở hữu nhiều tính năng cao cấp. Ảnh: HP.
Video đang HOT
Pavilion Elite h8 có thiết kế cáu cạnh và đơn giản hơn so với phiên bản Pavilion p7, cùng với bảng điều khiển được sắp xếp hợp lý hơn. Đây cũng là dòng sản phẩm được giới thiệu duy nhất có trang bị card màn hình rời của AMD hoặc Nvidia, cũng như tính năng sử dụng nhiều màn hình cùng lúc.
Sản phẩm cao cấp này sẽ được lên kệ cùng với Pavilion p7 ngày 18/5 với giá khởi điểm từ 599 USD.
Cùng với ba dòng sản phẩm nêu trên, một tính năng cũng mới được công bố có tên HP LinkUp cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu từ một máy tính để bàn HP đến một laptop HP trong mạng nội bộ.
Theo Số Hóa
Danh sách card đồ họa không nên mua vào thời điểm hiện tại
Tháng 3 và tháng 4 - Rất nhiều cái tên xuất hiện khuấy đảo giới đồ họa: HD 6990, GTX 550 Ti, HD 6670, HD 6570...
Biến động - đó là từ chính xác nhất để nói về thị trường card đồ họa vào thời điểm này. Ngoài các model sản phẩm mới liên tục ra mắt từ cả AMD lẫn Nvidia, 2 hãng còn tiến hành giảm giá một số sản phẩm để giành giật thị trường của nhau. Do vậy, nếu không có thời gian cập nhật thông tin, người tiêu dùng có thể sẽ đánh mất một số ưu đãi đáng có.
Nắm được thực tế này, GenK.vn xin cung cấp cho độc giả các thông tin về một số model card đồ họa tốt nhất hiện nay chịu ảnh hưởng bởi thị trường, từ đó đưa vào danh sách "các card đồ họa cần cân nhắc trước khi mua".
Lưu ý: Các nhận định dưới đây của GenK.vn chủ yếu đánh giá tình hình thị trường trong nước, có thể không chính xác đối với các độc giả ở ngoài nước.
GT 520
Cái tên xa lạ này chính là sản phẩm mới ra mắt của Nvidia. Chẳng có gì quá đáng khi gọi đây là "rác thải công nghiệp". Với giá 60 USD trên thế giới và dự đoán khoảng 75 -> 80 USD nếu về đến Việt Nam, những gì chúng ta nhận được là sức mạnh cực khủng ngang ngửa đồ họa tích hợp! Cũng bỏ ra 80 USD, người tiêu dùng Việt Nam đã có thể sở hữu GT 240 mạnh gấp đôi! Chẳng hiểu Nvidia sản xuất sản phẩm này với mục đích gì nữa?!
Tuy chưa có mặt tại Việt Nam nhưng GenK.vn quyết liệt đưa GT 520 vào đầu danh sách nhằm khuyến cáo trước với bạn đọc. Không khó để để hình dung chiếc card Fermi thế hệ 2 với 1 GB bộ nhớ này có thể "lừa" được bao nhiêu người tiêu dùng chậm cập nhật thông tin.
Điều mà chúng ta nên trông đợi nhiều nhất ở chiếc card là mong sao nó đừng đến Việt Nam!
HD 5670
HD 5670 là một trong những sản phẩm thành công của AMD nhưng lại rất dễ bị người tiêu dùng bỏ qua nếu suy xét không kĩ. Thoạt đánh giá, chiếc card chẳng có điểm gì hay ho: giá cả bình thường, hiệu năng kém xa GTS 250 trong cùng tầm giá, DirectX 11 chỉ để làm cảnh... Cộng thêm sức nóng mãnh liệt của "lão làng" GTS 250, HD 5670 gần như hoàn toàn chìm nghỉm. Thế nhưng chỉ cần một lợi thế "nhỏ", chiếc card vẫn vươn lên trở thành một trong những lựa chọn được đưa ra tư vấn nhiều nhất - đó chính là không cần nguồn phụ.
Đa số các game thủ offline đều trang bị trước một bộ nguồn công suất khá nên điểm mạnh này của HD 5670 ít được ghi nhận. Tuy nhiên, nó là cứu cánh duy nhất cho những ai muốn nâng cấp bộ máy già cỗi của mình nhưng không đủ tiền trang trải cho bộ nguồn mới. Ngoài ra, đối với các game thủ hạng nhẹ, chiếc card cũng là lựa chọn tốt nếu bạn muốn tiết kiệm 20 USD đầu tư cho bộ nguồn.
Tuy vậy, trong thời điểm nhạy cảm này, việc đầu tư cho HD 5670 không phải là một quyết định khôn ngoan. Lý do nằm ở một sản phẩm mới cũng đến từ AMD mang tên HD 6670. Ra mắt vào ngày 19/4 vừa qua, HD 6670 đã chính thức nhận lại danh hiệu "card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất" từ tay người tiền nhiệm. Chiếc card hiện có giá 100 USD trên thị trường thế giới. Nếu về Việt Nam với giá vào khoảng 115 USD, có lẽ đây sẽ là điểm kết thúc cho hành trình của HD 5670. Nếu bạn không quá "thèm khát" game, chờ đợi là điều nên làm.
GTS 250
Nói không ngoa, cái tên GTS 250 đã trở thành tượng đài trong giới card đồ họa chơi game. Kể từ thời điểm ra mắt đến giờ, GTS 250 gần như làm chủ hoàn toàn phân khúc của mình và là một trong các card đồ họa có hiệu năng/giá thành tốt nhất từ trước tới nay. Về lý lịch trích ngang, chiếc card có tiểu sử khá... rối rắm. Được Nvidia cho ra mắt vào đầu năm 2009, GTS 250 thừa hưởng tiếng vang của thế hệ GT 200 và lập tức trở thành cơn sốt. Gần như ngay sau đó, giới công nghệ xôn xao khi phát hiện ra chiếc card thực chất chính là 9800 GTX đổi tên - trong khi 9800 GT thì lại là... 8800 GT đổi tên (ra đời tháng 11/2007).
Nhưng cũng chẳng ai phàn nàn nhiều về điều đó - bởi GTS 250 hội tụ đủ tất cả những gì các game thủ không dư dả mong đợi: hiệu năng cực tốt, giá cả cực "thơm", và đặc biệt là chiếc card rất ít mất giá khi bạn có nhu cầu đẩy đi để nâng cấp.
Vị thế vững vàng này của GTS 250 chắc hẳn sẽ còn duy trì một thời gian dài nữa nếu không có sự xuất hiện của HD 6670. Với hiệu năng thua kém chút ít, chú ngựa non này ghi điểm bằng ưu thế không cần nguồn phụ và điện năng tiêu thụ chỉ bằng phân nửa GTS 250 (75W so với 150W).
Như vậy, cái tên HD 6670 vừa ra mắt đã lập tức đe dọa tới 2 model card đồ họa hot liền kề nhau. Không tồi cho AMD!
HD 5770
Nói không ngoa, từ ngày ra mắt cho đến tận bây giờ, HD 5770 hoàn toàn không có đối thủ trong tầm giá của mình. Hiệu năng tốt, mát mẻ, tiêu thụ ít điện năng, giá cả phải chăng - đó là công thức làm nên thành công cho HD 5770. Cùng với HD 5750, 2 quân bài chiến lược của AMD gần như làm chủ phân khúc tầm trung. GTS 450 ra mắt mãi sau này tỏ ra hoàn toàn thất bại trong việc giúp Nvidia giành lại thị phần béo bở này. Có thể nói về độ "nổi tiếng", cái tên HD 5770 chắc chắn không hề thua kém GTS 250.
Kẻ có khả năng kiềm chế tên tiên phong hung hăng này của phe đỏ không phải nhân vật nào khác ngoài GTX 550 Ti. Hẳn độc giả còn nhớ trước đây GenK từng đánh giá GTX 550 Ti là một thất bại của đoàn quân xanh. Chiếc card quả đúng đã gây thất vọng tại thời điểm ra mắt, nhưng mới đây Nvidia đã đưa ra một động thái làm đẹp lòng các fan: đó là giảm giá. Hiện nay trên thế giới, giá của sản phẩm đã rơi xuống khoảng 135 USD. Trong thời gian tới, khi sự điều chỉnh này về đến Việt Nam, HD 5770 sẽ thực sự có đối thủ đáng gờm.
GTX 460
Xuất hiện vào thời điểm muộn của năm 2010, GTX 460 vẫn đủ sức cứu vãn thế cục cho Fermi bết bát. Hiệu năng cao cấp, ép xung cực tốt, giá thành quá ổn - có thể nói GTX 460 là card đồ họa hot nhất năm 2010 giúp Nvidia giành lại một phần thị trường trung cấp từ tay AMD (phần dưới do AMD chiếm giữ với HD 5770). Nếu có gì để chê trách về chiếc card, có chăng chỉ là nó... quá hoàn hảo, đến nỗi ngoài hạ bệ các đối trọng tương đương của AMD, GTX 460 còn... tiêu diệt luôn 2 đàn anh GTX 465 và GTX 470. Việc ép xung GTX 460 cũng khá dễ dàng. Chẳng cần phải thật am hiểu, bạn cũng có thể khiến chiếc card tăng thêm 15% hiệu năng, thậm chí hơn 20% nếu cứng tay một chút.
Vào thời điểm hiện nay, GTX 460 đang bị đặt giữa 2 gọng kìm: GTX 560 Ti và HD 6850. Sản phẩm GTX 460 hiện đang có giá trải dài trong khoảng 200 USD (Sparkle) đến 270 USD (MSI Talon Attack). Ở phía trên, chiếc card Fermi thế hệ 2 hiện có giá vào khoảng 265 -> 280 USD tùy hãng. Với hiệu năng hơn người cũ GTX 460 khoảng 20% cùng khả năng ép xung không hề thua kém, các model GTX 460 như Hawk Talon Attack chắc chắn bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong khi đó ở phía dưới, HD 6850 cũng liên tục phả hơi nóng bằng hiệu năng và giá thành tương đương. Không chỉ thế, đối thủ đến từ AMD còn sở hữu điện năng tiêu thụ thấp hơn (127W so với 160W). Chắc chắn các phiên bản 1 nguồn phụ như MSI HD 6850 Cyclone sẽ là mối đe dọa đáng kể.
HD 5870
Dẫn đầu binh đoàn HD 5000, HD 5870 đã làm một cuộc chinh phạt càn quét các card đồ họa mạnh nhất của Nvidia lúc bấy giờ. Phải đến nửa năm sau, người khổng lồ xanh mới kịp tung đòn đáp trả: GTX 480 và GTX 470. GTX 480 tạm chiếm lại ngôi vị "card đồ họa đơn nhân mạnh nhất" nhưng lại quá nóng và hao điện nên nhanh chóng chìm vào dĩ vãng.
Thực chất thì những gì HD 5870 làm được tại Việt Nam cũng không nhiều do giá thành của nó ngoài tầm với của đa số game thủ nước nhà. Nhưng giờ đây hiệu năng của nó đã không còn ngoài tầm nữa. Bởi chúng ta đã có GTX 560 Ti thỏa mãn hiệu năng mạnh mẽ ngang ngửa, khả năng ép xung vượt trội với giá thành tốt hơn nhiều. Dù có giảm giá đến đâu, HD 5870 cũng không còn đáng mua chút nào.
GTX 480
Nóng, đắt và hao điện nhưng GTX 480 vẫn giữ được chỗ đứng đối với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng đòi hỏi hiệu năng cao nhất bằng mọi giá. Đồng thời chiếc card cũng vẫn là niềm ao ước một thời của bao nhiêu game thủ. Cái giá xả hàng chống lỗ của một số công ty hiện nay (khoảng 320 -> 350 USD) phải công nhận là vô cùng hấp dẫn, nhưng chúng ta đã có thể sở hữu hiệu năng mơ ước một thời này chỉ với 270 USD cho GTX 560 Ti.
Tuy yếu hơn GTX 480 đến 15% nhưng nếu tận dụng khả năng ép xung của chiếc card, GTX 560 Ti hoàn toàn có thể đạt được mức hiệu năng của đàn anh, thậm chí còn mạnh hơn một chút nữa. Ngoài hơn 50 USD tiết kiệm được, game thủ còn có thể giảm chút hóa đơn tiền điện, nhiệt độ và tiếng ồn lừng danh của GTX 480. Dù sao mùa hè cũng sắp đến rồi...
Lời kết
Không có gì là tuyệt đối! Nếu cứ phải chờ đợi, chẳng biết đến bao giờ chúng ta mới có thể xây dựng được PC chơi game tốt - do sản phẩm mới mạnh hơn, tốt hơn, rẻ hơn lúc nào cũng liên tục xuất hiện. Bởi vậy, GenK.vn đưa đến độc giả bài viết này trên tinh thần cung cấp thong tin tham khảo. Quyền cân nhắc, lựa chọn cuối cùng vẫn là ở bạn. Chúc độc giả của GenK.vn tìm ra câu trả lời hợp lý cho bản thân. Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn.
Theo PLXH
Cận cảnh máy tính lớn nhất thế giới Nếu như nhu cầu đòi hỏi người dùng phải có một chiếc máy tính để bàn với cấu hình cực khủng cùng nhiều thiết bị hỗ trợ tất cả trong một thì Elysium Xigmatek chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Sở dĩ nói Elysium Xigmatek là thế hệ case máy tính lớn nhất thế giới hiện nay là bởi sản phẩm...