Hot trong ngày: Dấu hiệu bất thường trước vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai
Chiếc xe tải gây tai nạn lao với tốc độ cao, bấm còi liên tục khiến CSGT không kịp trở tay, lộ diện nhóm côn đồ xông vào bệnh viện chém bệnh nhân, Bộ Công thương nói về thẻ an ninh của ông Vũ Huy Hoàng… là những thông tin hot nhất trong ngày.
Dấu hiệu bất thường trước vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai
Liên quan tới vụ tai nạn thảm khốc giữa xe khách chở 43 người và xe tải chở 20 tấn phân bón khiến 13 người chết xảy ra ở thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), đại tá Phạm Văn Uấn – Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, chiếc xe tải gây tai nạn có chạy vụt qua một tổ tuần tra của Phòng CSGT tỉnh Gia Lai ở vị trí cách hiện trường khoảng 2km.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai
“Đó là tổ tuần tra của Đội 1 thuộc Phòng CSGT tỉnh Gia Lai. Xe của tổ công tác đang chạy theo hướng từ Chư Sê về Gia Lai – ngược chiều so với xe tải. Mặc dù anh em thấy xe tải bật đèn sáng trưng với còi bấm liên tục, nhưng xe này chạy với tốc độ cao, ào qua cái vụt khiến anh em không kịp trở tay”, đại tá Uấn nói.
“Sau khi tông gãy barie ở trạm thu phí thì xe tải chạy thẳng luôn. Chỉ khoảng 15 phút sau đó là gây tai nạn. Anh em CSGT phát hiện chiếc xe này cách hiện trường 2km chứ không phải từ đầu trạm thu phí (nơi cách hiện trường 20km – PV)”, đại tá Uấn nói.
Sáng 8/5, ông Phạm Bá Mỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, nạn nhân Võ Văn Quý (tài xế lái xe tải) vẫn đang hôn mê sâu, chưa qua cơn nguy kịch, tiên lượng xấu.
Bắt giữ 5 đối tượng xông vào viện chém bệnh nhân đứt khí quản
Ngày 8/5, một cán bộ điều tra Công an quận Đống Đa cho biết, cơ quan điều tra công an quận đã bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến vụ xông vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chém bệnh nhân trọng thương.
Cơ quan điều tra bắt giữ nhóm đối tượng liên quan đến vụ truy sát phòng cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, khoảng 3h10 ngày 7.5, tại khu vực cầu Trung Tự, phường Trung Tự, quận Đống Đa, anh Đinh Giang Nam (SN 1980, ở phường Trung Tự) cãi vã với nhóm của Lê Tấn Đạt (SN 1993, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Do nghĩ rằng Đạt “nhìn đểu” mình nên anh Nam đã lấy chiếc máy tính bảng mang theo đập vào đầu Đạt. Sau đó, hai bên xảy ra xô xát, đánh nhau. Nhóm đối tượng Đạt đánh anh Nam gục xuống đường rồi bỏ đi.
Thấy anh Nam bị thương, một số người dân đã đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu.
Video đang HOT
Sau khi biết thông tin anh Nam được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhóm của Đạt tiếp tục đi xe máy vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tìm anh Nam.
Tại đây, nhóm Đạt đã khống chế, đe dọa nhân viên bảo vệ và các bác sĩ rồi xông vào phòng cấp cứu.
Đạt cầm con dao cùng 2 đối tượng khác đi tới giường cứu thương, chém liên tiếp nhiều nhát vào người anh Nam khiến nạn nhân bị thương ở vùng đầu, cổ và 2 bàn tay.
Lời khai bất ngờ của nghi phạm dùng súng giả cướp ngân hàng
Ngày 8.5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, sẽ mở rộng điều tra vụ án Lê Lâm Hưng (29 tuổi, quê TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) – kỹ sư làm việc tại công trình Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải dùng súng cướp ngân hàng.
Theo lời khai của Hưng, khoảng hơn 1 tháng trước, nghi phạm đến chợ Kim Biên (Sài Gòn) mua một khẩu súng giả với giá 500.000 nghìn đồng.
Nghi phạm dùng súng giả cướp ngân hàng
Thời điểm này, Hưng khai chưa có ý định về việc sẽ đi cướp ngân hàng. Chỉ 1 tuần trước khi xảy ra vụ cướp ý tưởng này mới hình thành trong đầu Hưng.
Sau cướp ngân hàng, Hưng chạy xe thẳng về cơ quan làm việc, rồi mang số tiền cướp được cất ở phòng tập thể.
Sau khi cướp ngân hàng, Hưng mang tiền đi trả nợ và sửa xe máy. Ngoài ra, nghi phạm còn khai đã đưa cho vợ 130 triệu đồng. “Em đưa tiền cho vợ không phải để tẩu tán tài sản mà đưa để làm ăn”, Hưng khai.
Sau khi gây án, Hưng thường xuyên lên mạng theo dõi tình hình. Đặc biệt, trong buổi công an phát động người dân tố giác tội phạm tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải thì Hưng cũng có mặt để ngồi nghe.
“Trước khi thực hiện vụ cướp em đã nghĩ tới việc sẽ bị bắt ngay thời điểm xông vào ngân hàng hoặc vài ngày sau đó. Cả tuần sau, chưa thấy mình bị bắt, em cứ nghĩ là có thêm một ngày ở với gia đình, vậy thôi”, nghi phạm Hưng nói.
Bộ Công thương nói về thẻ an ninh của ông Vũ Huy Hoàng
Chiều 8-5, Bộ Công Thương đã có thông tin chính thức vụ việc ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương xin cấp thẻ kiểm soát an ninh vào khu vực cách ly của sân bay Nội Bài.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu tiến hành kiểm tra các vấn đề báo chí nêu.
Trước đó, ngày 4-5, ông Vũ Huy Hoàng liên lạc qua điện thoại với cán bộ phụ trách lễ tân của Văn phòng Bộ Công Thương là ông Đào Đặng Tùng Lâm đề nghị được tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục vào khu vực cách ly sân bay Nội Bài để tiễn người thân đi công tác nước ngoài.
Sau khi nhận được điện thoại, ông Đào Đặng Tùng Lâm đã làm công văn số 3844 trình Phó chánh Văn phòng Nguyễn Như Diễm ký mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo Bộ Công Thương, việc ông Nguyễn Như Diễm ký công văn gửi các cơ quan là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình sự việc.
Theo Danviet
Ông Hoàng bị tước "nguyên Bộ trưởng" còn đề nghị cấp thẻ an ninh để làm gì?
Trong bối cảnh ông Vũ Huy Hoàng vừa bị kỷ luật, một số người liên quan đến các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ở Bộ Công thương đang bị điều tra đã trốn đi nước ngoài, đề nghị cấp thẻ an ninh cho ông Hoàng dấy lên nghi ngờ...
Đó là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra sau khi thông tin ông Vũ Huy Hoàng - người vừa bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương đề nghị cấp thẻ an ninh để vào khu vực cách ly sân bay tiễn người thân.
Câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi có nhiều vấn đề cần được "giải mã" trong vụ việc tưởng nhỏ này.
Thứ nhất, việc ông Vũ Huy Hoàng vừa bị kỷ luật còn chưa ráo mực, bàn dân thiên hạ đều biết rõ ông có nhiều vi phạm tới mức đã bị Ban Bí thư Trung ương Đảng cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng.
Như vậy, ai cũng hiểu ông Vũ Huy Hoàng đã không còn là "nguyên Bộ trưởng" nữa, vậy tại sao Bộ Công thương vẫn có công văn ghi ông Hoàng với tư cách trên để đề nghị giải quyết?
Có vẻ như Bộ Công thương "chả cần quan tâm" đến kết luận kỷ luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì phải, nhất là khi vẫn đàng hoàng gửi văn bản đi các cơ quan chức năng để bảo lãnh với chế độ VIP?
Việc làm công văn đề nghị này của Bộ Công Thương như một sự thách thức kỷ cương, dư luận, đồng thời, tạo ra sự bất công với những người khác ngay trong chính Bộ này.
Điều đặc biệt nữa là chính Bộ Công Thương cũng hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc để ông Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly sân bay là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, nhất là khi có thông tin cho biết, ông Vũ Huy Hoàng vẫn còn giữ hộ chiếu ngoại giao.
Biết rõ, thế nhưng Bộ này vẫn làm công văn đề nghị cùng lúc nhiều đơn vị chức năng: An ninh Sân bay Nội Bài, Công an Cửa khẩu Nội Bài, Hải quan sân bay, Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và cả Tổng công ty Hàng không Việt Nam giải quyết việc cấp thẻ an ninh cho ông Hoàng, một việc làm quả thực là ngạc nhiên.
Bằng chứng chứng minh Bộ Công Thương hiểu rõ hơn ai hết sự nhạy cảm và cả những khả năng có thể xảy ra khi ông Hoàng được phép có mặt tại khu vực cách ly trong giai đoạn này chính là cam kết trong công văn của Bộ là "sẽ có người của Bộ đi kèm ông Vũ Huy Hoàng".
Ông Vũ Huy Hoàng (ngoài cùng bên trái, áo trắng) tại sân bay.
Biết là có thể gây ra những rắc rối ngoài ý muốn bởi khi ông đã vào khu cách ly, là đã vượt qua hàng rào an ninh rồi mà vẫn cố tình ký văn bản đề nghị, thì quả là khó hiểu với Bộ Công thương.
Về phía ông Vũ Huy Hoàng, hành động "là lạ" như vậy của ông cũng khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông thừa biết việc cấp thẻ an ninh cho ông lúc này là rất phức tạp, vậy có cần thiết có mặt để tiễn người thân đến mức phải để Bộ Công thương làm công văn gửi tới 6 đơn vị thuộc các ngành khác nhau đề nghị giải quyết như thế hay không?
Nhiều người không khỏi băn khoăn, một người như ông có sẵn sàng làm một việc quá phiền phức chỉ để giải quyết cho một việc không thật quan trọng như vậy?
Trong bối cảnh ông vừa bị kỷ luật, một số người liên quan đến các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ở Bộ Công thương đang bị điều tra đã trốn đi nước ngoài, thì đề nghị của ông không thể không gây nên sự e ngại, thậm chí nghi ngờ.
Vì thế, một người bình thường cũng có thể đặt câu hỏi: Việc làm này chỉ thể hiện một "thói quen quan chức" muốn có sự ưu tiên, ngoại lệ như khi ông còn đương chức, hay còn có lý do gì?
Lẽ nào ông không nhớ mình đã hoàn toàn trở thành một người dân bình thường như hàng triệu người khác sau án kỷ luật còn đang là làm nóng dư luận?
Trong trường hợp ông Vũ Huy Hoàng không có ẩn ý gì khi xin thẻ an ninh vào khu vực cách ly, thì tiếc thay chính ông đã tự đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu.
Nguỵ Vũ Đế có câu "Đi ở ruộng dưa thì không nên dừng lại sửa dép, ở dưới cây mận thì không nên sửa nón" vì làm như vậy sẽ dễ bị ngờ là hái trộm dưa, trộm mận.
Vì thế lẽ ra, khi đã ở trong hoàn cảnh tế nhị, thì những người khôn ngoan, minh bạch càng phải cẩn thận giữ mình, tránh để sinh ra những nghi ngờ không hay cho bản thân nhưng tiếc thay ông Hoàng đã không chọn như vậy...
Theo Danviet
Tai nạn thảm khốc ở Gia Lai: Bảo hiểm sẽ chi trả gần 2 tỷ đồng Cả xe khách và xe tải trong vụ tai nạn giao thông đều tham gia bảo hiểm Bảo Việt nên sẽ được đơn vị này chi trả bảo hiểm, số tiền ước tính gần 2 tỷ đồng. Nạn nhân tử vong, bị thương trong vụ tai nạn sẽ được bảo hiểm bồi thường. Theo Bảo Việt Gia Lai, vụ tai nạn giao thông...