Hốt trọn ổ cá rô non trên ruộng
Hai người đàn ông nhanh chóng hốt đàn cá rô non ( cá rô tôm tích) để đưa chúng khỏi lớp bùn.
Miền quê bình yên, mộc mạc ở Thái Lan
Nhiều năm trước, tôi có dịp cùng bạn đi về một miền quê ở Thái Lan. Đó là một làng nhỏ cách Bangkok khoảng 4 giờ xe chạy.
Con đường quốc lộ chia làng thành hai nửa: bên này là làng xóm lâu đời, nhà cửa khang trang, một ngôi chợ khá lớn bán đủ mọi thứ, quanh đó là đoạn phố ngắn cũng có tiệm áo cưới, bán bia rượu, cà phê, sửa điện thoại... Nửa kia là cánh đồng lúa xanh mướt trải dài bên sông Mekong, đường làng trải nhựa chạy ra tận bờ sông, nơi có một ngôi chùa khá lớn nhìn xuống bến đò.
Mùa này nước sông khá lớn, ngấp nghé đoạn bờ kè. Ven bờ kè là những cây bông giấy ra hoa đỏ rực, những cây đèn đường được tạo hình chim thần Garuda một cách thanh thoát. Sau khi đi một vòng viếng ngôi chùa rộng lớn nhưng vắng vẻ, bạn rủ tôi xuống bến là ngôi nhà sàn của người lái đò. Ở đó có bán cà phê, nước ngọt, mấy loại kẹo bánh... Trời chuyển mưa chiều nhưng phía chân trời vẫn còn những tia nắng vàng rực. Trên sông con đò lớn đang từ từ qua bờ bên kia. Gió sông tràn lên mát rượi.
Ngồi cà phê một lúc cho đến khi nắng tắt hẳn, hơi gió đã lành lạnh thì quay về nhà bạn. Ngôi chùa với những đường nét cong mềm mại viền màu vàng lấp lánh nổi bật trên nền trời sẩm tối thấp thoáng những vì sao mờ...
Bạn là một người đàn ông có cuộc đời ly kỳ, lưu lạc nhiều nơi, khi đến đây bị một trận ốm nặng tưởng đã bỏ xác, may mà được một người phụ nữ góa chồng tận tình chăm sóc trong những ngày gần đất xa trời... Cảm vì nghĩa, mến vì tình, bạn ở lại nơi này. Làng thêm một gia đình nhỏ êm ấm. Vợ có quầy hàng ở chợ, thường bán vào buổi sáng. Chồng mua bán hàng nông sản từ làng lên Bangkok tuần đôi lần, sẵn dịp thăm nom con trai riêng của vợ đang học đại học ở thành phố.
Sáng hôm sau bạn đưa đi vòng quanh trong làng, ngắm những ngôi nhà sàn, nhà trệt với mảnh vườn nhỏ phía trước, vừa là sân vừa trồng hoa, trồng cây. Nhà ở đây có bề ngang khá rộng, nhà nào cũng có một phần vừa làm chỗ để xe hơi vừa làm nhà kho chứa nông cụ, nông sản mới thu hoạch. Mỗi nhà đều có xe bán tải để đi làm đồng, chuyên chở phân bón, nông sản hay hàng hóa...
Bạn nói, chính phủ Thái chủ trương "cơ giới hóa" cho nông dân bắt đầu từ máy móc và xe bán tải, nhà có máy cày nhà có máy gặt hay máy tuốt lúa, đổi công cho nhau. Hàng hóa nông sản đã có xe nhà chở từ ruộng về nhà, ra chợ, thậm chí mang lên thành phố. Đường làng nhờ vậy cũng rộng rãi và được trải nhựa sạch sẽ.
Hầu hết các gia đình trong làng đều có con cái đi học đại học, nhiều người theo học các ngành nông nghiệp và học xong quay về làng tiếp tục làm nông dân. Làng xóm ngày càng khá giả nhưng vẫn yên bình, nền nếp, phong quang. Điện nước, internet đến từng nhà. Đi trên đường gặp người làng ai cũng nở một nụ cười dễ mến.
Chiều đó, hai vợ chồng bạn đưa tôi ra một nhà hàng nằm trong khu du lịch - sân golf mới xây dựng. Khu đất này vốn là đất hoang của làng, rộng lớn nhưng mấp mô những gò cao thấp, thường xuyên ngập nước, mọc toàn cây hoang dại... Có người thuê lại, đầu tiên cải tạo làm sân golf nhỏ, sau đó xây nhà hàng và bây giờ có thêm một khách sạn nhỏ.
Cuối tuần, khách từ Bangkok về chơi khá đông làm cho chợ làng cũng tấp nập hơn. Nhà hàng khách sạn còn là nơi các gia đình trong làng thường tổ chức tiệc tùng, đám cưới... Các món ăn ở đây đậm nét địa phương, tươi ngon, người làm ở khu du lịch cũng là người làng nhưng được học nghề bài bản, phục vụ chuyên nghiệp mà thái độ thân tình, ấm áp.
Sáng hôm sau, bạn đưa tôi ra đường quốc lộ đón xe quay về Bangkok. "Bến xe" là một cái chòi nhỏ xây bằng gỗ nhưng chắc chắn, bên trong có hai băng ghế dài sạch sẽ, kế bên chòi là cái ao nhỏ nở đầy bông súng hồng tía, tím ngát... Đây còn là bến xe bus đưa đón học sinh đi học trường trung học cách làng khoảng 4,5 km. Cứ khoảng một tiếng lại có một chuyến xe khách đi Bangkok qua ngang đây, nếu có người chờ thì ghé đón.
Chỉ hơn một ngày ở chơi với bạn nhưng tôi nhớ mãi ngôi làng bình yên với những con người hiền hậu. Nhớ cánh đồng lúa xanh bên dòng sông Mekong, nhớ ngôi chùa lặng lẽ, nhớ con đò trên sông mùa nước lớn... Sao mà giống làng quê tôi ở miền Tây đến thế!
Nhưng tôi còn nhận thấy một điều khác biệt, đó là người dân nơi này - cũng như nhiều làng quê khác ở Thái Lan mà tôi đã đến - không quá vất vả với nghề nông, họ yên tâm và bằng lòng với cuộc đời nông dân, làng quê của họ thực sự là "nông thôn mới". Bởi vì nghề nông đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định, vì nông nghiệp là một ngành kinh tế chính luôn được nhà nước đầu tư về khoa học kỹ thuật và nhiều ưu tiên khác.
Nền "văn minh lúa nước" - chính xác hơn là văn minh trồng lúa - của người Thái có lẽ không hề thua kém người Việt cả về niên đại và tính chất quan trọng. Thế nhưng người Thái không luôn miệng "tự hào" về quá khứ, ngược lại họ luôn coi trọng chất lượng nông sản ở thời hiện tại, bởi vì nông sản chính là nguồn sống, là "đại diện" cho người nông dân Thái. Nhiều người chưa từng đến Thái Lan thì biết đến đất nước này qua sự phát triển của ngành du lịch. Nhưng ai đã đến nơi này rồi thì chắc hẳn sẽ nhớ Thái Lan từ những món ăn truyền thống đậm đà, những loại cây trái địa phương xanh tươi ngon lành, những nụ cười thân thiện ở mọi nơi.
Đó là lần cuối cùng tôi đến Thái Lan. Có lẽ vì vậy mà nếu chưa viết về nơi này tôi cảm thấy mình còn nợ một điều gì đó.
Du ngoạn miền quê nước Anh, ngắm những ngôi làng cổ xinh đẹp Ngoài London xa hoa, nước Anh còn nổi tiếng những ngôi làng cổ kính, bình dị và nên thơ. Khám phá làng mạc nước Anh, du khách sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác về "xứ sở sương mù". Bibury Bibury thường được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất nước Anh, nằm bên con sông Coln thơ mộng. Nơi đây có những...